[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 05-08/03/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 05-08/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 01-04/03/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
McDonald’s, Starbucks, Coca-Cola, và Pepsi ngừng bán hàng tại Nga
McDonald’s, PepsiCo, Coca-Cola, và Starbucks đã ngừng bán các sản phẩm nổi tiếng nhất của họ ở Nga từ hôm thứ Ba (08/03).
Cả bốn công ty đều có các hoạt động lớn ở Nga.
Chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s cho biết họ sẽ tiếp tục trả lương cho 62,000 nhân viên của mình ở Nga khi đóng cửa 847 nhà hàng.
Tập đoàn Starbucks đang tạm thời đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Công ty PepsiCo sẽ đình chỉ tất cả quảng cáo ở Nga và ngừng bán các nhãn hiệu đồ uống của mình, trong khi vẫn tiếp tục bán các mặt hàng thiết yếu như sữa và thức ăn cho trẻ em. Công ty đối thủ Coca-Cola cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại đó.
Hàng loạt công ty khác cũng đã lên tiếng chỉ trích Nga, và Amazon cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ ngừng tiếp nhận khách hàng mới cho các dịch vụ đám mây của mình ở Nga và Ukraine. Universal Music đã đình chỉ mọi hoạt động ở Nga và dịch vụ hẹn hò trực tuyến Bumble sẽ xóa ứng dụng của mình khỏi các kho ứng dụng ở Nga và Belarus.
Nga thắt chặt các hạn chế tiền tệ
Ngân hàng trung ương Nga đã thắt chặt mạnh mẽ các hạn chế tiền tệ trong bối cảnh phương tây áp đặt các các lệnh trừng phạt gây tổn thất nặng nề vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngân hàng trung ương Nga đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại của nước này giới hạn số tiền mà khách hàng có thể rút từ tiền gửi ngoại tệ của họ ở mức 10,000 USD. Bất kỳ khoản rút tiền nào vượt quá số tiền đó sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Ngân hàng này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại ngừng bán ngoại tệ cho khách hàng, một biện pháp có thể sẽ tạo ra một thị trường chợ đen cho ngoại tệ. Các hạn chế hà khắc này là chưa từng có tiền lệ kể từ thời Liên Xô khi các nhà chức trách duy trì các biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt.
Ngân hàng trung ương Nga lưu ý rằng việc kiểm soát tiền tệ đã được thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phong tỏa một phần lớn dự trữ ngoại tệ mạnh của Ngân hàng Trung ương. Các lệnh trừng phạt gây thiệt hại nặng nề nhằm vào hệ thống tài chính của nước này cũng khiến Nga không thể nhận được tiền mặt từ ngoại quốc.
Ba Lan gửi tất cả chiến đấu cơ MiG-29 tới căn cứ không quân của Hoa Kỳ
Hôm 08/03, các quan chức Ba Lan thông báo họ sẽ điều các chiến đấu cơ MiG-29 của nước này tới Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ ở Đức trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
“Sau khi tham vấn giữa Tổng thống và Chính phủ,” các quan chức “đã sẵn sàng điều động — ngay lập tức và miễn phí — tất cả các phi cơ phản lực MIG-29 của họ tới Căn cứ Không quân Ramstein và đặt chúng dưới quyền của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan.
Ba Lan sau đó yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho họ “phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng”, nói thêm rằng Warsaw “sẵn sàng thiết lập ngay lập tức các điều kiện mua những phi cơ này.”
Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29, loại phi cơ được Liên Xô sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1970, chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ. Các phi công Ukraine được đào tạo để lái chiến đấu cơ thời Liên Xô.
Ngoại trưởng Antony Blinken gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris để thảo luận về cách ứng phó với cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Tổng thống Macron đã thông báo tóm lược với ông Blinken về cuộc trò chuyện gần đây nhất của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine bất chấp sự lên án của toàn cầu và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đang được áp đặt đối với đất nước ông.
Hai người cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, vốn sắp kết thúc với những tín hiệu mâu thuẫn về việc liệu thỏa thuận hạn chế chương trình nguyên tử của Iran năm 2015 có thể vãn hồi được hay không.
Ông Blinken đã dừng chân tại Paris trong hai giờ sau chuyến công du các nước Baltic là Moldova và Ba Lan, nơi ông đã trực tiếp lắng nghe những lo ngại sâu sắc về hành động của Nga từ các nhà lãnh đạo.
Moscow cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng do các lệnh trừng phạt mới
Giá dầu thô có thể lên tới hơn 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục kế hoạch trừng phạt các nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Moscow cảnh báo trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước.
“Rõ ràng là việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu,” Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói. “Việc giá tăng sẽ không thể đoán trước được. Giá sẽ là 300 USD mỗi thùng nếu không muốn nói là nhiều hơn.”
Ông Novak nói rằng Âu Châu sẽ mất hơn một năm để thay thế lượng dầu mà lục địa này nhập cảng từ Nga. Hơn nữa, Âu Châu cũng sẽ phải trả một cái giá cao hơn đáng kể cho lượng dầu đó.
Nga cho biết họ đã phá hủy khoảng 900 xe bọc thép của Ukraine kể từ ngày 24/02
Hôm thứ Ba (08/03), Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy gần 900 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Ukraine kể từ khi thứ mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu hôm 24/02.
Bộ cho biết thêm, họ cũng đã bắn rơi 84 phi cơ không người lái.
Bộ cho biết sau khi kết thúc “cơ chế im lặng” đã được thỏa thuận quanh thành phố cảng chiến lược Mariupol hôm thứ Ba, các lực lượng của khu vực Donetsk thân Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công mới tại đó.
Ngân hàng Trung ương Nga cung cấp hỗ trợ khủng hoảng cho các công ty tài chính
Hôm thứ Ba (08/03), Ngân hàng trung ương Nga đã công bố một loạt các bước để giúp các bên tham gia thị trường tài chính như các quỹ hưu trí tư nhân và các công ty quản lý ứng phó với “tình hình khủng hoảng” hiện nay, bao gồm cả việc nới lỏng một số quy định.
Thị trường tài chính của Nga đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn vì nước này xâm lược Ukraine.
Ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% và cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng, đồng thời chính phủ đã khai triển một số biện pháp hỗ trợ, nhưng đồng rúp đã giảm giá và các loại chứng khoán như trái phiếu đã bị bán tháo rất nhiều.
Trong một tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ngân hàng trung ương cho biết các biện pháp mới của họ bao gồm việc điều chỉnh các yêu cầu theo quy định cho phù hợp với các điều kiện kinh tế mới, miễn phạt đối với một số vi phạm quy định nếu hành vi vi phạm có liên quan đến tình hình thị trường hiện tại, và kéo dài khung thời gian để các bên tham gia thị trường thực hiện một số quy tắc.
Họ nói thêm rằng những biện pháp này là một phần trong nỗ lực giúp giảm gánh nặng quản lý và giám sát.
Theo sau Hoa Kỳ, Anh cấm nhập cảng dầu từ Nga
Anh đang cùng với Hoa Kỳ tuyên bố cấm nhập cảng dầu từ Nga.
Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết dầu và các sản phẩm dầu từ Nga sẽ bị loại bỏ dần vào cuối năm nay. Ông cho biết giai đoạn chuyển tiếp “sẽ cung cấp cho thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế hàng nhập cảng của Nga,” chiếm 8% nhu cầu của Vương quốc Anh.
Ông Kwarteng cho biết Vương quốc Anh sẽ làm việc với các nhà cung cấp dầu khác của mình, bao gồm Hoa Kỳ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh, để bảo đảm nguồn cung bổ sung.
Tổng thống Biden tuyên bố cấm nhập cảng dầu từ Nga
Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố cấm tất cả các hoạt động nhập cảng dầu từ Nga trong hành động mới nhất từ Hoa Kỳ nhằm cô lập nền kinh tế Nga để đáp trả cuộc xâm lược của họ vào Ukraine.
Biện pháp mới nhất này bổ sung vào các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với các hệ thống tài chính Nga và các cá nhân trong vòng tròn quyền lực nội bộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Đây là một hành động nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội và tôi tin tưởng vào đất nước này,” ông Biden nói. “Người Mỹ đã tập hợp để ủng hộ người dân Ukraine và thể hiện rõ rằng chúng ta sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của ông Putin.”
Ông Biden thừa nhận hành động này cũng sẽ khiến người Mỹ phải trả giá. Quyết định này được đưa ra khi giá xăng ở Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục. Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), chi phí trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng lên tới 4.17 USD trong hôm thứ Ba.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nhà lập pháp Latvia tới Ukraine để chiến đấu cùng người Ukraine
Một nhà lập pháp Latvia đã đến Ukraine để chiến đấu cùng người Ukraine, Bộ trưởng Tư pháp Janis Bordans của quốc gia Baltic này cho biết hôm thứ Ba (08/03).
Ông Juris Jurass, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Pháp lý của Hội đồng Saeima (Quốc hội Latvia) và là người cùng đảng với ông Bordans, “đã tình nguyện đến bảo vệ lãnh thổ Ukraine và chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược,” bộ trưởng tư pháp cho hay.
“Anh ấy đã đưa ra quyết định dựa trên các nguyên tắc đạo đức cá nhân của mình,” ông Bordans nói với Baltic News Service. Nhà lập pháp này không ở đó để bình luận ngay.
Trên Twitter, Ukraine 4 Freedom, một dự án tình nguyện của sinh viên ngành quan hệ quốc tế tại Học viện Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla, viết rằng ông Jurass đã gia nhập một đơn vị quân đoàn ngoại quốc dành cho các tình nguyện viên quốc tế.
Tổng thống Zelensky sẵn sàng thỏa hiệp về các vấn đề NATO, Crimea, và ‘các nước cộng hòa’ ly khai
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra dấu hiệu cho thấy sự sẵn lòng trong việc thỏa hiệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về một số yêu cầu chính của ông đối với việc dừng cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cả tư cách thành viên NATO và trạng thái của Crimea cũng như các vùng lãnh thổ ly khai ủng hộ Moscow, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine này khẳng định lực lượng của ông sẽ không đầu hàng.
“Tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng đầu hàng,” Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News được công bố hôm thứ Ba (08/03).
Tổng thống Ukraine cho biết ông không sẵn sàng nhượng bộ những gì mà ông mô tả là “tối hậu thư” mà Nga đưa ra trong vòng đàm phán hòa bình mới nhất, nhưng khẳng định ông sẵn sàng thảo luận về các vấn đề bao gồm tư cách thành viên NATO và tình trạng của các khu vực Donetsk và Luhansk do phe ly khai kiểm soát và Crimea bị Nga sáp nhập.
Anh tuyên bố sẽ hỗ trợ Ba Lan nếu nước này quyết định gửi phi cơ phản lực đến Ukraine
Hôm thứ Ba (08/03), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh sẽ hỗ trợ Ba Lan nếu nước này quyết định cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng cảnh báo rằng làm như vậy có thể gây ra hậu quả trực tiếp cho Ba Lan.
“Tôi sẽ ủng hộ người Ba Lan và bất cứ lựa chọn nào mà họ đưa ra,” ông Wallace nói với Sky News, đồng thời nói thêm rằng Anh không thể cung cấp phi cơ mà người Ukraine có thể sử dụng.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ Ba Lan, chúng tôi sẽ giúp họ bất cứ thứ gì họ cần,” ông nói. “Ba Lan sẽ hiểu rằng những lựa chọn mà họ đưa ra không chỉ giúp ích trực tiếp cho Ukraine, vốn là một điều tốt, mà còn có thể đưa họ vào tầm ngắm trực tiếp từ các nước như Nga hoặc Belarus.”
Anh đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ cũng như các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo khác.
Ông Wallace cho biết ông sẽ đưa ra tuyên bố trước nghị viện vào thứ Tư (09/03) về việc Anh sẽ cung cấp thêm viện trợ sát thương và phi sát thương, cũng như về các biện pháp mà chính phủ Anh có thể thúc giục các nước khác thực hiện.
Giao dịch nickel bị đình chỉ ở sàn London khi giá tăng vọt
Hôm thứ Ba (08/03), giao dịch nickel đã bị đình chỉ tại Sàn giao dịch Kim loại London (LME) do giá tăng gấp đôi lên 100,000 USD/tấn, mức cao chưa từng có trong lịch sử. Phần lớn nickel được sản xuất tại Nga.
Nickel được sử dụng chủ yếu để sản xuất thép không gỉ và một số hợp kim, nhưng kim loại này đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong pin, đặc biệt là pin xe điện.
Nga, đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt sau khi xâm lược Ukraine, là nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới. Công ty khai thác mỏ Nornickel của Nga là một nhà cung cấp chính của nickel cao cấp được sử dụng trong xe điện.
Giá nickel đã tăng gấp bốn lần trong một tuần do các vấn đề về nguồn cung và mức tăng đột biến hôm thứ Ba đã buộc LME phải đóng cửa giao dịch điện tử và giao dịch tại sàn.
LME cho biết hôm thứ Ba, giao dịch nickel sẽ không nối lại ngày hôm đó và việc tạm dừng có thể kéo dài hơn “do tình hình địa chính trị gây ra các biến động về giá gần đây.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ngân hàng Thế giới phê chuẩn gói tài chính khẩn cấp trị giá 723 triệu USD cho Ukraine
Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã phê chuẩn hơn 700 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine.
Được mệnh danh là Ukraine TỰ DO, gói này bao gồm gần 500 triệu USD tiền cho vay và bảo lãnh và 134 triệu USD tiền tài trợ, với Nhật Bản hứa hẹn sẽ tài trợ thêm 100 triệu USD nữa. Khoản viện trợ này nhằm giúp chính phủ Ukraine trả lương cho nhân viên bệnh viện, lương hưu và các chương trình xã hội khác. Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố, việc gộp các khoản viện trợ thành một gói là nhằm mục đích khai thông và tăng tốc việc cung cấp nguồn vốn.
Ngân hàng Thế giới cũng cho biết họ đang chuẩn bị một gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine và các nước trong khu vực để giúp họ ứng phó với dòng người di tản chạy khỏi các cuộc giao tranh.
Thường dân chạy nạn khỏi thành phố Ukraine khi một hành lang an toàn mở cửa
Hôm thứ Ba (08/03), những chiếc xe buýt chở đầy người đào thoát khỏi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã bắt đầu một hành trình dọc theo con đường phủ đầy tuyết rời khỏi một thành phố, khi một nỗ lực mới để di tản dân thường dọc theo các hành lang an toàn cuối cùng đã được tiến hành.
Những nỗ lực trước đây nhằm dẫn thường dân đến nơi an toàn đã sụp đổ với những cuộc tấn công mới. Con đường mà người dân đi hôm thứ Ba (08/03) ra khỏi thành phố Sumy thuộc miền đông Ukraine là một trong năm con đường được Nga hứa cung cấp cho thường dân một cách để thoát khỏi cuộc giao tranh.
Video do cơ quan truyền thông nhà nước Ukraine đăng tải cho thấy những người mang theo túi xách lên xe buýt, nhưng không rõ nỗ lực này sẽ kéo dài bao lâu.
Cơ quan này cho biết trên Twitter: “Thành phố Sumy của Ukraine đã được cấp một hành lang xanh, giai đoạn di tản đầu tiên đã bắt đầu. Sumy chỉ cách biên giới Nga 50 km (30 dặm).”
Trung tâm điều phối các nỗ lực nhân đạo của Nga ở Ukraine và Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đều cho biết lệnh ngừng bắn đã được đồng ý để bắt đầu vào sáng thứ Ba (08/03) nhằm cho phép một số thường dân di tản, nhưng hai bên bất đồng quan điểm về nơi họ nói sẽ có các hành lang.
Trung tâm điều phối của Nga cho rằng sẽ có nhiều hơn một hành lang, nhưng hầu hết đều sẽ dẫn đến Nga, trực tiếp hoặc qua Belarus. Tuy nhiên, tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Nga đề nghị các hành lang ở một số thành phố có thể được mở ra và người dân có thể được tự lựa chọn hướng đi của mình.
Trong khi đó, bà Vereshchuk chỉ nói rằng hai bên đã đồng ý cho một cuộc di tản thường dân ra khỏi thành phố Sumy ở miền đông, về phía thành phố Poltava của Ukraine. Bà cho biết trong số những người được di tản có các du học sinh đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (07/03), Moscow một lần nữa tuyên bố một loạt điều kiện để dừng cuộc xâm lược, bao gồm việc Ukraine công nhận Crimea là một phần lãnh thổ Nga và công nhận các khu vực phía đông do các chiến binh ly khai được Moscow hậu thuẫn là độc lập. Nga cũng nhấn mạnh rằng Ukraine cần thay đổi hiến pháp của mình để bảo đảm nước này sẽ không tham gia các tổ chức quốc tế như NATO và EU. Ukraine đã từ chối những yêu cầu đó.
NATO tuyên bố cuộc chiến của Nga không thể leo thang bên ngoài Ukraine
Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đã có những thông tin đáng tin cậy rằng Nga đang nhắm vào thường dân ở Ukraine và kêu gọi Moscow chấm dứt xung đột, đồng thời thề sẽ không để tình trạng này lan rộng.
Ông Stoltenberg nói, “Chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm xung đột không leo thang và lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine.” Ông nói thêm, “Chúng tôi sẽ bảo vệ và bảo vệ từng tấc đất của mỗi đồng minh.”
Trình bày cùng Tổng thống Latvia Egils Levits, ông Stoltenberg cho biết cuộc xâm lược của Nga đang gây ra nỗi đau khủng khiếp và tác động nhân đạo là vô cùng tàn khốc.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky kêu gọi mở rộng các hành lang nhân đạo cho người dân Ukraine thoát khỏi chiến tranh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi mở rộng các hành lang nhân đạo cho thường dân Ukraine thoát khỏi chiến tranh và thúc giục Hội Chữ Thập Đỏ hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Trong một bài diễn văn qua video hôm thứ Ba (08/03) từ một địa điểm không được tiết lộ, ông cho biết các xe buýt di tản đã được gửi đến Mariupol, nhưng nói rằng không có thỏa thuận chắc chắn về tuyến đường, vì vậy “quân đội Nga có thể chỉ đơn giản là bắn vào loại phương tiện giao thông này dọc đường.”
Ông Zelensky lên án Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế vì “cấm sử dụng biểu tượng của tổ chức này trên các chuyến xe của chúng tôi,” nhưng không cho biết thêm chi tiết. Video về những chiếc xe buýt khởi hành từ Sumy và đến Mariupol có dán chữ thập đỏ ở hai bên nhưng không rõ ai đã dán biểu tượng này ở đó.
Nga triệu tập đại sứ Ireland vì vụ xe tải đâm vào đại sứ quán
Nga cho biết họ đã triệu tập đại sứ Ireland tại Moscow một ngày sau khi một chiếc xe tải đâm vào cổng Đại sứ quán Nga tại Ireland trong một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm thứ Ba (08/03), Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã nói với đại sứ Ireland Brian McElduff rằng Nga yêu cầu các nhà chức trách Ireland xin lỗi và Ireland phải bồi thường.
Nga ví vụ việc trên là “một chiến thuật được những kẻ khủng bố sử dụng rộng rãi” và cho biết lực lượng chấp pháp Ireland đã không hành động để ngăn chặn sự việc diễn ra. Hôm thứ Hai (07/03), The Irish Times đưa tin cho biết tài xế của chiếc xe tải này đã bị bắt.
Ukraine cho biết phi cơ Nga oanh tạc các thành phố trong đêm
Các quan chức Ukraine cho biết, phi cơ Nga đã oanh tạc các thành phố ở miền đông và miền trung Ukraine trong đêm. Các cuộc pháo kích diễn ra dồn dập ở các vùng ngoại ô của thủ đô Kyiv.
Lãnh đạo khu vực Dmytro Zhivitsky cho biết, tại các thành phố Sumy và Okhtyrka, phía đông của Kyiv gần biên giới Nga, bom đã dội xuống các tòa nhà dân cư và phá hủy một nhà máy điện. Ông cho biết đã có người tử vong cũng như bị thương nhưng không đưa ra các con số cụ thể.
Bom cũng đánh trúng các kho dầu ở Zhytomyr và thị trấn lân cận Cherniakhiv, nằm ở phía tây Kyiv.
Tại Bucha, một vùng ngoại ô của Kyiv, thị trưởng đã báo cáo về một loạt tấn công bằng pháo hạng nặng.
“Chúng tôi thậm chí không thể thu thập các thi thể vì pháo kích từ vũ khí hạng nặng diễn ra không ngớt cả ngày lẫn đêm,” Thị trưởng Anatol Fedoruk nói. “Chó đang cắn xé các thi thể trên đường phố. Tình huống này là một cơn ác mộng.”
Nga vắng mặt tại phiên điều trần của Liên Hiệp Quốc về ‘tội diệt chủng’ ở Ukraine
Hôm thứ Hai (07/03), Ukraine đã yêu cầu tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc ra một lệnh khẩn cấp để ngăn chặn các hành vi thù địch trên lãnh thổ của mình, cho rằng Nga — nước đã phản đối và không tham gia phiên điều trần – đã áp dụng sai luật diệt chủng để biện minh cuộc xâm lược của họ.
Phiên điều trần được tổ chức tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) mà không có đại diện pháp lý của Nga.
“Việc các ghế của Nga bỏ trống đã nói lên rất nhiều điều. Họ không ở đây trong tòa án này: họ đang ở trên chiến trường tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào đất nước của tôi,” phái viên Ukraine Anton Korynevych nói.
Tòa án cho biết họ lấy làm tiếc vì Nga không tham dự. Sau khi Ukraine trình bày lập luận của mình hôm thứ Hai, tòa án cho biết họ sẽ bắt đầu cân nhắc và đưa ra phán quyết “càng sớm càng tốt”.
Các quốc gia thường, nhưng không phải lúc nào cũng tuân theo lệnh của tòa án, vốn có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Hà Lan đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Sau phiên điều trần này, ông Korynevych nhấn mạnh rằng sự vắng mặt của Nga sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và Moscow sẽ phải tuân theo bất kỳ lệnh nào của tòa án.
Ông nói với các phóng viên: “Theo luật pháp quốc tế thì họ cần tuân theo và họ phải tuân theo lệnh của tòa án.”
Ukraine tuyên bố tướng thứ hai của Nga thiệt mạng
Cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết, một tướng Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nơi mà các lực lượng Nga đã cố gắng chiếm giữ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Cơ quan này xác định người thiệt mạng là Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, 45 tuổi, và cho biết ông đã chiến đấu với các lực lượng Nga ở Syria và Chechnya và từng tham gia đánh chiếm Crimea vào năm 2014.
The Epoch Times chưa thể xác nhận cái chết của vị tướng này một cách độc lập. Nga chưa đưa ra bình luận nào.
Một vị tướng khác của Nga đã bị thiệt mạng trước đó trong cuộc giao tranh. Một tổ chức sĩ quan địa phương ở Nga đã xác nhận cái chết ở Ukraine của Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, tướng chỉ huy Sư đoàn Dù số 7 của Nga.
Ông Sukhovetsky cũng tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không sử dụng lính nghĩa vụ ở Ukraine
Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ không sử dụng bất kỳ lính nghĩa vụ nào ở Ukraine.
“Tôi nhấn mạnh rằng những người lính nghĩa vụ không tham gia vào các cuộc chiến và sẽ không tham gia. Và sẽ không có thêm một lệnh điều động nào cho quân trừ bị nữa,” ông Putin nói trong một thông điệp trên truyền hình nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Hoa Kỳ gửi thêm quân, xe tăng đến Âu Châu
Hôm 07/03, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã ra lệnh khai triển thêm 500 binh sĩ tới Âu Châu để tăng cường lực lượng đã đồn trú sẵn ở đó.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn, “Những nhân viên bổ sung này đang được bố trí, hiển nhiên là để phản ứng với môi trường an ninh hiện tại do cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine, và chắc chắn là để giúp củng cố và tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh NATO.”
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh điều động sau khi nói chuyện với Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, Tướng Tod Wolters, một quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc gọi với điều kiện ẩn danh.
Bulgaria có thể tìm kiếm ngoại lệ đối với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với khí đốt và dầu của Nga
Hôm thứ Hai (07/03), Thủ tướng Kiril Petkov cho biết, Bulgaria ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga như một biện pháp để ngăn chặn cuộc xâm lược của họ vào Ukraine, nhưng có thể sẽ tìm kiếm một ngoại lệ đối với việc cấm nhập cảng dầu và khí đốt tự nhiên của Nga nếu một đề nghị như vậy được đề ra.
Ông Petkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, “Bulgaria sẽ ủng hộ tất cả các loại biện pháp, bởi vì chúng tôi thực sự phản đối chiến tranh, nhưng hai mặt hàng này (dầu và khí đốt), có lẽ chúng tôi sẽ yêu cầu một ngoại lệ… Hiện tại chúng tôi không có các giải pháp thay thế, chúng tôi quá phụ thuộc.”
Ông cho hay, “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ người dân Ukraine, chúng tôi ủng hộ gói trừng phạt đầu tiên, thậm chí chúng tôi cũng cởi mở với các biện pháp trừng phạt khác, chỉ riêng hai lệnh trừng phạt này, sẽ rất khó cho chúng tôi với tư cách là một nền kinh tế và một quốc gia.”
Là thành viên của cả EU và NATO, Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom của Nga, trong khi nhà máy lọc dầu duy nhất của họ, do Lukoil của Nga sở hữu, cung cấp hơn 60% nhiên liệu được sử dụng trong nước.
Đức, nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã bác bỏ kế hoạch cấm nhập cảng năng lượng, một lập trường mà ông Petkov ủng hộ.
Tổng thống Macron: Đàm phán kết thúc chiến tranh sẽ không diễn ra trong những tuần tới
Hôm thứ Hai (07(03), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không mong đợi một cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh ở Ukraine sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Ông cho biết ông đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng một lệnh ngừng bắn phải diễn ra trước khi có bất kỳ cuộc đối thoại thực sự nào, nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã từ chối, khiến các cuộc đàm phán thường xuyên của họ “gặp khó khăn”.
“Tôi không nghĩ rằng sẽ có một giải pháp thương lượng thực sự trong những ngày và tuần tới,” ông Macron nói tại một diễn đàn ở Poissy, ngoại ô phía tây nam của Paris, trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên để gia hạn nhiệm kỳ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư tới.
Ông nói rằng ông Putin đang phạm phải một “sai lầm lịch sử” với cuộc chiến đọ sức của ông ấy với “những người anh em” Ukraine. Ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng người dân của tất cả các quốc gia… “và bảo đảm rằng không quốc gia nào, không dân tộc nào bị sỉ nhục.”
Đức từ chối lời kêu gọi cấm dầu Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ lời kêu gọi cấm dầu và khí đốt của Nga, nói rằng năng lượng nhập cảng từ Nga là “cần thiết” đối với Đức.
“Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động sản xuất nhiệt, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp của Âu Châu không thể được bảo đảm bằng bất kỳ cách nào khác. Do đó, nguồn này có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của công dân chúng ta,” ông nói trong một tuyên bố.
Ông nói thêm: “Đó là lý do tại sao việc để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp năng lượng với Nga tiếp tục hoạt động là một quyết định tự chủ từ phía chúng tôi.”
Ông cho hay, Âu Châu đã cố ý tránh trừng phạt các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán thứ ba
Hôm thứ Hai (07/03), các phái đoàn Nga và Ukraine đã tập hợp cho vòng đàm phán thứ ba tại Belarus.
Một nhà đàm phán Ukraine tại các cuộc đàm phán với Nga cho biết một số tiến triển đã đạt được trong việc thỏa thuận về hậu cần cho việc di tản dân thường, nhưng trên quy mô rộng hơn, các cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả.
Trong một tuyên bố qua video được đăng tải trên mạng xã hội, nhà đàm phán Mykhailo Podolyaks cho biết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Các nhà đàm phán Nga cho biết họ không có những diễn biến tích cực để báo cáo sau các cuộc đàm phán với Ukraine và cảnh báo không nên kỳ vọng vòng tiếp theo sẽ mang lại kết quả cuối cùng.
Các cuộc đàm phán “không hề dễ dàng. Còn quá sớm để nói về điều gì đó tích cực,” nhà đàm phán Vladimir Medinsky nói sau cuộc hội đàm. “Hy vọng rằng lần tới chúng ta có thể tiến một bước dài hơn.”
Nga mong đợi một vòng đàm phán khác với Ukraine sẽ diễn ra trong tương lai gần, nhà đàm phán Nga Leonid Slutsky nói với đài truyền hình nhà nước Nga. Ông cho biết ngày diễn ra cuộc đàm phán có thể được xác định vào thứ Ba (08/03).
Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine
Hôm thứ Hai (07/03), các quan chức chính phủ Ba Lan cho biết Ba Lan chưa, và sẽ không gửi chiến đấu cơ của họ đến Ukraine để hỗ trợ Ukraine phòng thủ chống lại Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Marcin Przydacz cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Radio Zet rằng: “Chúng tôi sẽ không mở các phi trường của mình và phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine… Phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine.”
Một phát ngôn viên khác của chính phủ, ông Piotr Mueller, nói rằng quyết định cung cấp phi cơ vẫn đang được thảo luận trong NATO, nhưng cho biết thêm rằng “ở giai đoạn này, có vẻ như một quyết định như vậy sẽ không được đưa ra,” theo một bản dịch tuyên bố của ông, do truyền thông Ba Lan đưa tin.
Các bình luận này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Hoa Kỳ giúp Kyiv có thêm chiến đấu cơ để chống lại sự xâm lược của Nga và duy trì quyền kiểm soát không phận của mình.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Thịnh Đốn đang xem xét một đề nghị theo đó Ba Lan sẽ cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ thời Liên Xô và đổi lại sẽ nhận các phi cơ F-16 của Mỹ để bù đắp cho tổn thất của họ.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Điện Kremlin tuyên bố hành động quân sự của Nga sẽ dừng lại ‘ngay lập tức’ nếu Ukraine đáp ứng các điều kiện
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang yêu cầu Ukraine dừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để trở nên trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là các lãnh thổ độc lập.
Ông Peskov nói với Reuters rằng Nga đã nói với Ukraine rằng họ sẵn sàng dừng hành động quân sự “ngay lập tức” nếu Kyiv đáp ứng các điều kiện của họ.
Đó là tuyên bố thẳng thắn nhất của Nga từ trước đến nay trong số các điều kiện mà nước này muốn áp đặt đối với Ukraine để cho ngừng cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang ngày thứ 12.
Ông Peskov cho biết Ukraine đã biết về các điều kiện. “Và họ đã được thông báo rằng toàn bộ sự việc này có thể được dừng lại ngay lập tức.”
Về vấn đề trung lập, ông nói: “Họ nên sửa đổi hiến pháp để theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thay đổi hiến pháp.”
Phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Ukraine.
“Chúng tôi thực sự đang hoàn tất việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc này. Nhưng vấn đề chính là Ukraine dừng hành động quân sự. Họ nên dừng hành động quân sự của mình và sau đó sẽ không ai khai hỏa nữa,” ông nói.
“Họ nên sửa đổi hiến pháp của họ, theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Chúng tôi cũng đã nói về cách họ nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và họ cần công nhận rằng Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Và chỉ thế thôi. Chiến dịch quân sự sẽ dừng lại ngay lập tức,” ông Peskov nói với Reuters.
Việc ông Peskov đưa ra các yêu cầu của Nga diễn ra trong bối cảnh các phái đoàn từ Nga và Ukraine chuẩn bị gặp nhau vào thứ Hai (07/03) cho vòng đàm phán thứ ba nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Cuộc xâm lược được phát động từ ngày 24/02 này đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và khiến toàn thế giới phẫn nộ.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine từ chối các hành lang dẫn tới Nga, Belarus
Hôm thứ Hai (07/03), một quan chức cao cấp của Ukraine đã từ chối đề xướng của Nga về việc di tản dân thường từ đất nước bị bao vây này sang Nga và Belarus.
“Đây là một lựa chọn không thể chấp nhận được để mở các hành lang nhân đạo,” Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết tại một cuộc họp.
Theo đề xướng của Nga, các lựa chọn duy nhất cho dân thường chạy khỏi Kyiv và các vùng ngoại ô của thủ đô này là tới Gomel ở nước láng giềng Belarus. Thường dân ở Kharkiv và Sumy ở miền đông Ukraine sẽ phải chạy nạn đến thành phố Belgorod của Nga.
Belarus là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Putin.
Chính phủ Ukraine đang đề nghị tám hành lang nhân đạo, bao gồm một hành lang từ cảng Mariupol ở phía nam, cho phép dân thường đi đến các khu vực phía tây Ukraine, nơi không có pháo kích của Nga.
“Chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga ngừng thao túng và lạm dụng lòng tin của các nhà lãnh đạo Pháp, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ấn Độ,” bà Vereshchuk nói.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga cho biết sẽ mở hành lang nhân đạo ở các thành phố của Ukraine vào 07/03
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này sẽ ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo ở một số thành phố của Ukraine vào thứ Hai (07/03), sau khi các nỗ lực di tản cuối tuần bị đình trệ và thương vong dân sự từ cuộc xâm lược của Nga gia tăng.
Bộ cho biết, các hành lang sẽ mở cửa lúc 10 giờ sáng theo giờ Moscow (7 giờ GMT hay 2 giờ chiều Việt Nam) từ thủ đô Kyiv cũng như các thành phố Kharkiv, Mariupol, và Sumy. Các hành lang này đang được thiết lập thể theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo các bản đồ do hãng thông tấn RIA công bố, hành lang từ Kyiv sẽ dẫn đến đồng minh của Nga là Belarus, còn dân thường từ Kharkiv sẽ chỉ có hành lang dẫn tới Nga. Các hành lang từ Mariupol và Sumy sẽ dẫn đến cả các thành phố khác của Ukraine và đến Nga.
Bộ cho biết, những người muốn rời Kyiv sẽ có thể được vận chuyển bằng phi cơ đến Nga, đồng thời cho biết họ sẽ sử dụng phi cơ không người lái để giám sát việc di tản.
Hai công ty kiểm toán Big Four rút khỏi Nga
Hai trong số bốn công ty kiểm toán Big Four đang rút khỏi Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm Chủ Nhật (06/03), cả KPMG và PricewaterhouseCoopers (PwC) đều cho biết họ sẽ chấm dứt mối quan hệ với các công ty thành viên có trụ sở tại Nga. KPMG cho biết họ cũng đang rút khỏi Belarus.
KPMG International cho biết trong một tuyên bố, đây là việc làm “vô cùng khó khăn” khi để các công ty của Nga và Belarus rời khỏi mạng lưới này. KPMG có hơn 4,500 nhân viên tại hai quốc gia.
PricewaterhouseCoopers cho biết họ có 3,700 nhân viên tại công ty PwC Nga và đang tiến hành một “quá trình chuyển đổi có trật tự” cho hoạt động kinh doanh.
Hai công ty Big Four còn lại — Deloitte và Ernst & Young — đã không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận vào Chủ Nhật.
AAA: Giá xăng ở Hoa Kỳ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do xung đột với Nga
Hôm Chủ Nhật (06/03), Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) cho biết, giá xăng của Hoa Kỳ tại trạm xăng tăng 11% trong tuần qua lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 07/2008, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt toàn cầu làm tê liệt khả năng xuất cảng dầu thô của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
AAA cho biết giá xăng trung bình của loại xăng thường ở Hoa Kỳ đạt 4.009 USD/gallon vào Chủ Nhật, tăng 11% so với mức 3.604 USD một tuần trước và tăng 45% so với mức 2.760 USD một năm trước.
Sở hữu dữ liệu từ năm 2000, hiệp hội xe hơi này cho biết giá xăng bán lẻ của Mỹ đạt mức kỷ lục 4.114 USD/gallon vào ngày 17/07/2008, cùng thời điểm giá dầu thô kỳ hạn của Hoa Kỳ tăng lên mức kỷ lục 147.27 USD/thùng.
Theo AAA, giá xăng đắt nhất trong nước là ở California với 5.288 USD một gallon, tiếp theo là Hawaii (4.695 USD), Nevada (4.526 USD), và Oregon (4.466 USD).
Nhà cung cấp giá xăng GasBuddy cho biết giá xăng trung bình của Hoa Kỳ tăng gần 41 cent/gallon, lần đầu tiên đạt mức cao nhất là 4 USD sau gần 14 năm và chỉ kém 10 cent so với mức kỷ lục mọi thời đại là 4.103 USD/gallon.
GasBuddy cho biết đây là mức tăng hàng tuần lớn thứ hai từ trước đến nay, sau khi mức tăng 49 cent/gallon trong tuần ngày 03/09/2005, sau khi cơn bão Katrina quét qua vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
“Giá dầu tăng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy giá lên cao hơn,” AAA cho biết trong một thông cáo, đồng thời lưu ý “giá tại trạm xăng có thể sẽ tiếp tục tăng khi giá dầu thô tiếp tục tăng.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ xem xét lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga, viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine trong tuần này
Hôm Chủ Nhật (06/03), Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện đang “xem xét” luật cấm nhập cảng dầu của Nga và Quốc hội dự định viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine trong tuần này để đáp trả cuộc xâm lược quân sự của Nga đối với nước láng giềng.
“Hạ viện hiện đang xem xét các luật mạnh mẽ sẽ cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu,” bà Pelosi cho biết trong một bức thư.
“Dự luật của chúng tôi sẽ cấm nhập cảng dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ, hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, và thực hiện bước đầu tiên để chặn Nga khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới.”
Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”.
Giá dầu tăng khi xung đột ở Ukraine leo thang
Hôm thứ Hai (07/03), giá dầu đã tăng hơn 10 USD/thùng khi xung đột ở Ukraine leo thang trong bối cảnh những lời kêu gọi về các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với Nga ngày càng gia tăng.
Dầu thô Brent trong thời gian ngắn đã tăng hơn 10 USD lên gần 130 USD/thùng vào đầu ngày thứ Hai. Giá dầu thô Hoa Kỳ tăng gần 9 USD lên hơn 124 USD/thùng.
Giá tăng vọt đã diễn ra sau lời cảnh báo từ Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ukraine có nguy cơ bị mất nước khi quân đội Nga đánh chiếm các địa điểm chiến lược.
Một lệnh ngừng bắn tạm thời ở hai thành phố của Ukraine đã thất bại — và hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện đang xem xét luật để cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc cấm nhập cảng dầu và các sản phẩm năng lượng của họ vào Hoa Kỳ.
Ukraine cho biết quân đội Nga tăng cường pháo kích
Cố vấn tổng thống Oleksiy Arestovich cho biết, quân đội Nga đã tăng cường pháo kích vào các thành phố ở trung tâm, phia bắc và phía nam của Ukraine vào cuối ngày Chủ Nhật (06/03).
Ông nói trên truyền hình Ukraine: “Làn sóng mới nhất của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ập đến khi màn đêm buông xuống.”
Ông cho biết các khu vực hứng chịu pháo kích mạnh bao gồm ngoại ô Kyiv, Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam, và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước.
Các quan chức Kharkiv cho biết cuộc pháo kích này đã làm hư hại tháp truyền hình và pháo hạng nặng đang bắn trúng các khu vực dân cư.
Tại Chernihiv, các quan chức cho biết tất cả các khu vực của thành phố đang bị tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo.
Ông Arestovich đã mô tả một tình huống “thảm khốc” ở vùng ngoại ô Kyiv của Bucha, Hostomel, và Irpin, nơi các nỗ lực di tản cư dân hôm Chủ Nhật (06/03) đã thất bại. Ông cho biết chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để nối lại các hoạt động di tản.
Các cuộc di tản cũng không thể diễn ra ở Mariupol ở phía nam và Volnovakha ở phía đông vì bị pháo kích.
Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt
Khi các lực lượng Nga gia tăng pháo kích vào Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt.
Trong một tuyên bố video vào tối hôm Chủ Nhật (06/03), ông Zelensky đã chỉ trích dồn dập các nhà lãnh đạo phương Tây vì đã không phản ứng trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng họ sẽ tấn công khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine, đồng thời yêu cầu nhân viên của các nhà máy quốc phòng này phải nghỉ làm.
Ông Zelensky nói: “Tôi không nghe thấy dù chỉ một nhà lãnh đạo thế giới nào phản ứng trước điều này. Sự táo bạo này của kẻ xâm lược là một tín hiệu rõ rệt cho phương Tây rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga là chưa đủ.”
Ông Zelensky kêu gọi tổ chức một “tòa án” để đưa những kẻ ra lệnh và thực hiện những tội ác như vậy ra trước công lý.
Ông nói, “Hãy nghĩ về cảm giác không bị trừng phạt của những kẻ xâm lăng, đến mức mà họ có thể thông báo những hành động tàn bạo đã được lên kế hoạch như vậy.”
Hôm Chủ Nhật (06/03), Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng các lực lượng của họ có ý định tấn công khu phức hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine với thứ mà họ nói là vũ khí chính xác.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả nhân viên của các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine … rời khỏi khu đất của các doanh nghiệp mình,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố với hãng thông tấn nhà nước TASS.
Hoa Kỳ, Ba Lan đang thảo luận để cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ
Hôm Chủ Nhật (06/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã xác nhận rằng Hoa Thịnh Đốn đang thảo luận với Warsaw về một đề xướng cho phép Ukraine mua chiến đấu cơ từ Ba Lan để bảo vệ bầu trời của mình trước sự tấn công của Nga.
Theo thỏa thuận đề xướng ba bên này, Ba Lan sẽ cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ Mikoyan MiG-29 cũ của mình và đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho họ đầy đủ các phi cơ F-16 do Mỹ sản xuất.
Ông Blinken nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Maia Sandu của Moldova: “Chúng tôi đang xem xét tích cực câu hỏi về các phi cơ mà Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine hiện nay và xem xét cách chúng tôi có thể tiếp tế nếu Ba Lan quyết định sử dụng những phi cơ đó — để cung cấp các chiến cơ đó. Tôi không thể nói về lịch trình cụ thể, nhưng tôi chỉ có thể nói với ngài rằng chúng tôi đang xem xét rất, rất tích cực việc này.”
Hoa Kỳ, Âu Châu đang thảo luận về việc cấm nhập cảng dầu Nga
Hôm Chủ Nhật (06/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu đang xem xét việc cấm nhập cảng dầu Nga, và Tòa Bạch Ốc đã phối hợp với các ủy ban quan trọng của Quốc hội đang thúc đẩy lệnh cấm của chính họ.
Ông Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC, “Chúng tôi hiện đang thảo luận rất tích cực với các đối tác Âu Châu về việc cấm nhập cảng dầu của Nga vào các quốc gia của chúng ta, đồng thời, duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu.”
Ngoại trưởng Blinken, người đang có chuyến công du khắp Âu Châu để phối hợp với các đồng minh phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cũng cho biết ông đã thảo luận về việc nhập cảng dầu với Tổng thống Joe Biden và nội các của ông vào thứ Bảy (05/03).
Giá dầu đã tăng vọt trong tuần qua sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh trừng phạt Nga về cuộc xâm lược.
Hơn 4,300 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Nga
Hôm Chủ Nhật (06/03), theo một nhóm giám sát biểu tình độc lập, cảnh sát đã bắt giữ hơn 4,300 người tại các cuộc biểu tình trên toàn nước Nga phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.
Hàng ngàn người biểu tình đã hô vang “Nói không với chiến tranh!” và “Thật đáng hổ thẹn!” theo các video mà các nhà hoạt động đối lập và các blogger đăng trên mạng xã hội.
Hàng chục người biểu tình ở thành phố Urals của Yekaterinburg được nhìn thấy đã bị giam giữ. Một người biểu tình ở đó được nhìn thấy đã bị cảnh sát mặc đồ chống bạo động đánh đập tại cuộc biểu tình. Một bức bích họa trong thành phố cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đã bị viết vẽ lên mặt.
Các cảnh quay và hình ảnh trên mạng xã hội không thể được xác minh một cách độc lập. Bộ Nội vụ Nga trước đó cho biết cảnh sát đã bắt giữ khoảng 3,500 người, bao gồm 1,700 người ở Moscow, 750 người ở St. Petersburg, và 1,061 người ở các thành phố khác.
Bộ Nội vụ cho biết 5,200 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình này. Nhóm giám sát cuộc biểu tình OVD-Info cho biết họ đã ghi nhận có ít nhất 4,366 vụ bắt giữ ở 56 thành phố khác nhau.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine cho biết hơn 11,000 quân Nga thiệt mạng trong chiến tranh
Hôm Chủ Nhật (06/03), Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết đã có hơn 11,000 quân Nga thiệt mạng kể từ khi Moscow tiến hành xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Một ngày trước đó, thương vong của Nga lên tới hơn 10,000 người. Họ không báo cáo số thương vong của Ukraine.
UNHCR: Hơn 1.5 triệu người tị nạn đã di tản khỏi Ukraine
Hôm Chủ Nhật (06/03), người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 1.5 triệu người tị nạn đã vượt biên từ Ukraine sang các nước láng giềng kể từ khi Nga tiến hành xâm lược.
Ông Filippo Grandi đã nói chuyện với các phóng viên tại cửa khẩu biên giới Medyka giữa Ukraine-Ba Lan, phía đông nam Ba Lan.
Ông Grandi nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ rộng rãi của quốc tế là cần thiết cho Ba Lan và các quốc gia khác tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.
“Rất khó để đưa ra dự đoán, chúng tôi biết rằng hàng trăm ngàn người đang di dời bên trong Ukraine, bao gồm cả đi qua biên giới ở đây. Rất có khả năng chúng ta sẽ thấy một lượng lớn người tị nạn tiếp tục di cư trong vài ngày tới,” ông nói.
Giám đốc WHO cho biết các trung tâm y tế ở Ukraine đã bị tấn công
Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận “một số cuộc tấn công” vào các trung tâm y tế ở Ukraine và đang điều tra những cuộc tấn công khác, người đứng đầu cơ quan này cho biết hôm Chủ Nhật (06/03).
Những cuộc tấn công này đã khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm trong một thông điệp trên Twitter.
Ông nói: “Các cuộc tấn công vào các cơ sở y tế hay các nhân viên y tế vi phạm tính trung lập về y tế và là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế.”
Trong bài đăng ngắn gọn của mình, ông Tedros không đề cập đến Nga, nước đã xâm lược Ukraine hôm 24/02.
IAEA cho biết Nga đang can thiệp vào hoạt động của nhà máy hạt nhân
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết quân đội Nga đang siết chặt sự kiểm soát của họ đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy lớn nhất của Ukraine, mà họ đã chiếm giữ vào tuần trước.
Hôm Chủ Nhật (06/03), tổng giám đốc của cơ quan này, ông Rafael Mariano Grossi, cho biết các nhân viên Ukraine hiện phải xin phép cho bất kỳ hoạt động nào, thậm chí là bảo trì, từ người Nga, và họ đã cản trở hoạt động liên lạc thông thường bằng cách ngắt một số mạng di động và mạng internet tại nhà máy.
Cơ quan quản lý của Ukraine cho biết rằng các đường dây điện thoại, cũng như e-mail và fax, không còn hoạt động. Ông Grossi cho hay ông “lo ngại sâu sắc về những diễn biến này”, nói thêm rằng để nhà máy vận hành an toàn, “nhân viên phải được phép thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của họ trong điều kiện ổn định, không có sự can thiệp hoặc áp lực quá mức từ bên ngoài.”
Nga: Các nước cho phép Ukraine sử dụng phi trường ‘có thể bị coi’ là tham gia xung đột
Hôm Chủ Nhật (06/03), Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cho phép quân đội Ukraine sử dụng các phi trường của mình để tấn công vào các tài sản của Nga đều có thể bị coi là đã tham gia vào cuộc xung đột.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với hãng thông tấn Interfax vào tối ngày Chủ Nhật (06/03) theo giờ địa phương: “Việc sử dụng mạng lưới phi trường của các quốc gia này để làm căn cứ cho phi cơ quân sự Ukraine và sau đó sử dụng chúng để chống lại lực lượng vũ trang Nga có thể được coi là những quốc gia này đang can dự vào một cuộc xung đột vũ trang.”
Ông Konashenkov nói rằng, các quan chức Nga đã biết về việc “các phi cơ tác chiến của Ukraine trước đó đã bay tới Romania và các nước láng giềng khác,” mà không đi vào chi tiết.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky: Nga tấn công phi trường với 8 hỏa tiễn hành trình
Hôm Chủ Nhật (06/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cáo buộc quân đội Nga đã tấn công phi trường Vinnytsia bằng 8 hỏa tiễn hành trình.
“Tấn công thành phố của chúng tôi, tấn công Vinnytsia yên bình của chúng tôi, nơi chưa bao giờ gây ra mối đe dọa cho Nga theo bất kỳ cách nào,” ông Zelensky nói trong một video trên Twitter. “Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tàn bạo, đầy bất công đã phá hủy hoàn toàn phi trường này.”
“Tám hỏa tiễn hành trình của Nga đã bắn trúng Vinnytsia, một thành phố lớn ở xa chiến tuyến,” ông Kuleba nói trên Twitter. Tổng thống Nga Vladimir Putin “tiếp tục các cuộc tấn công hỏa tiễn, không kích hèn nhát và man rợ vào dân thường. Hãy giúp chúng tôi đóng cửa bầu trời và cứu tính mạng người dân! Hãy cấp cho chúng tôi vũ khí phòng không và hỏa tiễn, chiến đấu cơ! Hãy ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố của Nga!” ông nói thêm.
Quan chức Ukraine cho biết đợt tấn công khiến việc di tản phải ngừng lần thứ hai
Hôm Chủ Nhật (06/03), kế hoạch di tản dân thường khỏi một thành phố cảng bị bao vây ở Ukraine đã thất bại lần thứ hai cùng với một lệnh ngừng bắn được mong đợi từ phía Nga, các quan chức Ukraine cho biết khi họ cố gắng thuyết phục Nga đồng ý về các điều khoản để đưa cư dân ra khỏi các khu vực bị tấn công gần thủ đô Ukraine một cách an toàn.
Người dân dự kiến sẽ rời thành phố cảng Mariupol trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối theo giờ địa phương sau lệnh ngừng bắn, các nhà chức trách quân sự Ukraine cho biết trước đó trong ngày. Cố vấn Bộ Nội vụ Anton Gerashchenko cho biết kế hoạch di tản đã bị tạm dừng vì cuộc tấn công liên tiếp của quân đội Nga.
Ông Gerashchenko nói trên Telegram: “Chúng tôi không thể có các ‘hành lang xanh’ vì chỉ có bộ não bệnh tật của người Nga mới quyết định được khi nào thì nã súng và nã súng vào ai.”
Liên Hiệp Quốc: 364 trường hợp dân thường tử vong cho đến nay
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã xác nhận 364 thường dân ở Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.
Văn phòng có trụ sở tại Geneva này cho biết 759 thường dân khác đã bị thương tính đến giữa đêm hôm thứ Bảy (05/03).
Văn phòng nhân quyền sử dụng phương pháp luận nghiêm ngặt và chỉ báo cáo thương vong mà cơ quan này đã xác nhận.
Họ cho biết họ tin rằng các số liệu thực tế cao hơn đáng kể, “đặc biệt là trong lãnh thổ do chính phủ kiểm soát và đặc biệt là trong những ngày gần đây.” Đó là bởi vì luồng thông tin đã bị ngưng trệ trong khi giao tranh và nhiều báo cáo vẫn cần được chứng thực.
Các quan chức Ukraine đã đưa ra những con số cao hơn nhiều.
Ngoại trưởng Blinken điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc: Thế giới đang theo dõi ai ủng hộ tự do và chủ quyền
Hôm 05/03, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gây áp lực lên Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng “thế giới đang theo dõi” trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục từ chối lên án Nga về hành vi xâm lược quân sự đối với nước láng giềng.
Ông Blinken đưa ra nhận xét trên trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo một tuyên bố, cả hai đã thảo luận về điều mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi là “cuộc chiến tranh vô cớ và phi lý của Moscow vào Ukraine”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Ngài ngoại trưởng lưu ý rằng thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào đứng lên bảo vệ các nguyên tắc căn bản về tự do, quyền tự quyết và chủ quyền.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ông Denis Kireev, một thành viên trong nhóm đàm phán của Ukraine, đã bị sát hại
Theo giới truyền thông, một thành viên của phái đoàn Ukraine đàm phán với Nga, ông Denis Kireev, đã bị sát hại.
Tình báo quân sự của Ukraine đã xác nhận cái chết của ông trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Bảy (05/03). Cơ quan này cho biết ông Kireev là một đặc nhiệm tình báo đã bị sát hại vào thứ Bảy trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ Ukraine.
“Họ đã hy sinh, trong khi bảo vệ Ukraine, và hành động của họ đã đưa chúng ta đến gần hơn với chiến thắng! Thay mặt cho Trưởng ban Quản lý Tình báo, chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình những người đã khuất,” thông cáo viết. “Những anh hùng không chết! Họ sống chừng nào chúng ta còn nhớ đến họ! Vinh quang cho Ukraine! Vinh quang cho những anh hùng!”
Thủ tướng Israel đã trở về sau chuyến công du bất ngờ tới Nga
Thủ tướng Israel đã trở về sau chuyến công du bất ngờ tới Nga, nơi ông gặp Tổng thống Vladimir Putin và thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm thứ Bảy (05/03), ông Naftali Bennett đã bay đến Moscow, nơi ông gặp nhà lãnh đạo Nga trong ba giờ. Theo văn phòng của ông Bennett, chuyến đi này đã được thực hiện “với sự phối hợp và sự chúc phúc” của chính phủ Tổng thống Biden.
Ông Bennett đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc gặp với ông Putin. Sau đó, ông bay đến Đức để gặp Thủ tướng Olaf Scholz.
Ông Bennett đã hạ cánh xuống Israel vào sáng Chủ Nhật (06/03) và dự kiến sẽ triệu tập Nội các của mình cho cuộc họp hàng tuần vào cuối ngày.
Ngoại trưởng Blinken cam kết hỗ trợ Moldova
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang ở Moldova, cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nghiêng về phương Tây này vốn đang phải đương đầu với dòng người tị nạn từ Ukraine và đang thận trọng theo dõi Nga đẩy mạnh cuộc chiến với nước láng giềng.
Hôm Chủ Nhật (06/03), ông Blinken đã gặp gỡ các quan chức cao cấp của Moldova, những người đang kêu gọi quốc tế hỗ trợ trong việc giải quyết hơn 120,000 người tị nạn từ Ukraine mà nước này hiện đang tiếp nhận đồng thời tìm kiếm sự bảo đảm an ninh chống lại cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga. Hơn 230,000 người đã chạy sang Moldova từ Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu 11 ngày trước.
Ông Blinken cho biết việc Moldova chào đón người tị nạn là một nguồn cảm hứng cho thế giới.
Ngôi sao bóng rổ nữ All-Star của Hoa Kỳ bị bắt giữ ở Nga
Hôm thứ Bảy (05/03), các quan chức bóng rổ Hoa Kỳ cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan đến cầu thủ bảy lần vô địch Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ dành cho Nữ (WNBA) All-Star Brittney Griner sau khi Nga cho biết họ đã bắt giữ một cầu thủ Mỹ vào tháng trước vì sở hữu hộp thuốc lá điện có chứa dầu cần sa.
Không nêu đích danh cô Griner, một trung phong của giải đấu nữ Phoenix Mercury, Cơ quan Hải quan Nga cho biết một cầu thủ đã bị giam giữ vào tháng Hai sau khi đến phi trường Sheremetyevo của Moscow trên chuyến bay từ New York.
Hãng thông tấn Nga TASS xác định cầu thủ này là cô Griner, dẫn một nguồn tin. Nhóm Phoenix Mercury cho biết: “Chúng tôi biết và đang theo dõi chặt chẽ tình hình của cô Brittney Griner ở Nga.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ rời Nga ngay lập tức
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cập nhật một bản tư vấn đi lại trước đó và hiện đang khuyến cáo công dân Hoa Kỳ lập tức rời khỏi Nga.
Thông báo này hướng dẫn như sau: “Nếu quý vị muốn rời Nga, thì quý vị nên tự mình thu xếp càng sớm càng tốt. Nếu quý vị có kế hoạch ở lại Nga, hãy hiểu rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ có những hạn chế khắt khe về khả năng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ, và các điều kiện, bao gồm cả các lựa chọn đi lại, có thể thay đổi đột ngột.”
Bộ này đã khuyến cáo người Mỹ không nên đến Nga. Cảnh báo đó trích dẫn “cuộc tấn công vô cớ và phi lý của quân đội Nga ở Ukraine” và “nguy cơ công dân Mỹ bị các quan chức an ninh chính phủ Nga sách nhiễu,” cùng những điều khác.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ cấm dầu Nga, cung cấp chiến đấu cơ
Hôm 05/03, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ đất nước của ông bằng cách cấm vận chuyển dầu từ Nga, giúp cung cấp các chiến đấu cơ cho quân đội Ukraine, và áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các quan chức Nga.
Tổng thống Zelensky đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với một nhóm các nhà lập pháp đến từ lưỡng đảng, lưỡng viện được cho là gồm hơn 280 thành viên của Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska), một đại tá thuộc Lực lượng Trừ bị Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đăng lên mạng xã hội cho biết, trong cuộc họp, ông Zelensky nói với các thành viên rằng việc cấm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga sẽ “thậm chí còn mạnh hơn cả SWIFT.”
SWIFT là một hệ thống giữa các ngân hàng mà các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu đã đồng ý loại trừ các ngân hàng Nga khỏi đó.
Theo các thành viên tham dự cuộc họp, ông Zelensky cũng yêu cầu các vũ khí chống tăng và viện trợ quân sự khác, cùng với việc hỗ trợ chuyển chiến đấu cơ từ các nước lân cận đến Ukraine để các phi công Ukraine có thể sử dụng để chiến đấu với chiến đấu cơ của Nga trên bầu trời.
Visa, Mastercard đình chỉ tất cả hoạt động tại Nga
Hôm 05/03, hai trong số các công ty xử lý thanh toán lớn nhất thế giới đã thông báo tạm ngừng các hoạt động tại Nga.
Mastercard và Visa cho biết các ngân hàng Nga sẽ bị cắt khỏi mạng lưới của họ và các thẻ của họ sẽ không hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ hoặc máy ATM của Nga.
“Chúng tôi không xem nhẹ quyết định này. Mastercard đã hoạt động tại Nga hơn 25 năm. Chúng tôi có gần 200 đồng sự ở đó, những người làm cho công ty này trở nên rất quan trọng đối với nhiều bên liên quan. Khi chúng tôi thực hiện các bước này, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào sự an toàn và phúc lợi của họ, kể cả việc tiếp tục cung cấp các khoản thanh toán và phúc lợi,” Mastercard cho biết trong một tuyên bố chưa ký. “Khi phù hợp và nếu được pháp luật cho phép, chúng tôi sẽ sử dụng niềm đam mê và sự sáng tạo của họ để làm việc nhằm khôi phục hoạt động.”
Mastercard cho biết họ đã lắng nghe ý kiến từ các nhân viên, người tiêu dùng, và cổ đông trước khi quyết định hành động.
Ông Al Kelly, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Visa, cho biết trong một tuyên bố rằng các giám đốc điều hành của công ty này “buộc phải hành động sau cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine và những sự kiện không thể chấp nhận được mà chúng ta đã chứng kiến.”
“Chúng tôi rất tiếc vì điều này sẽ ảnh hưởng đến các đồng sự đáng trân trọng của chúng tôi và đến các khách hàng, đối tác, người bán hàng và chủ thẻ mà chúng tôi phục vụ tại Nga. Cuộc chiến này và mối đe dọa đang diễn ra đối với hòa bình và sự ổn định buộc chúng tôi phải ứng phó phù hợp với các giá trị của chúng tôi,” ông cho biết thêm.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Vòng đàm phán thứ ba giữa Nga-Ukraine sẽ tiếp tục vào 07/03
Vòng đàm phán thứ ba giữa Nga-Ukraine sẽ được tổ chức vào thứ Hai (07/03), một trong các nhà đàm phán cho biết.
Nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia, người cũng là lãnh đạo phe nghị viện của đảng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã thông báo về diễn biến này trong một bài đăng trên Facebook.
Hai bên đã kết thúc hai vòng đàm phán.
Vòng đầu tiên kết thúc mà không có bất kỳ tiến triển nào.
Hôm thứ Năm (03/03), Nga và Ukraine đã nhất trí trong vòng đàm phán thứ hai về việc thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường di tản ở Mariupol và Volnovakha.
Tuy nhiên, việc di tản ở Mariupol đã bị tạm dừng do quân đội Nga được cho là đã vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Putin cảnh báo các quốc gia không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine
Tổng thống Nga cho biết hôm 05/03, bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine sẽ ngay lập tức bị Nga coi là tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Hiện chúng tôi nghe nói rằng một vùng cấm bay nên được thiết lập trên lãnh thổ Ukraine,” Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng “bất kỳ hành động nào theo hướng này sẽ bị chúng tôi coi là tham gia vào cuộc xung đột vũ trang này của bất kể bên nào có lãnh thổ gây ra mối đe dọa cho các quân nhân của chúng tôi.”
“Ngay giây phút đó, chúng tôi sẽ coi họ là những người tham gia xung đột quân sự và không quan trọng họ là thành viên nào,” ông Putin cho biết, khi nói chuyện với các học viên phi công của Aeroflot ở khu vực Moscow.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, các quan chức Ukraine đã kêu gọi các bên bên ngoài áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Làm như vậy sẽ “bảo vệ dân thường”, ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống Ukraine, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy (05/03). “Chúng ta cần điều này khẩn cấp, chúng ta cần nó ngay bây giờ, chỉ cần không cho phép ông Putin hủy diệt toàn bộ thế giới.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine cho biết các cuộc di tản ở miền Đông Nam đã tạm dừng
Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết các cuộc di tản dân thường đã tạm dừng tại một khu vực của đất nước nơi các quan chức quốc phòng Nga thông báo ngừng bắn.
Ông Kyrylo Tymoshenko, chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết nỗ lực di tản đã bị dừng lại vì vào hôm thứ Bảy (05/03) thành phố Mariupol vẫn bị tấn công.
Ông nói: “Phía Nga không tuân thủ lệnh ngừng bắn và đã tiếp tục bắn vào bản thân Mariupol và các khu vực xung quanh. Các cuộc đàm phán với Liên bang Nga đang diễn ra liên quan đến việc thiết lập một lệnh ngừng bắn và bảo đảm một hành lang nhân đạo an toàn.”
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, bộ đã thống nhất các tuyến đường di tản với quân đội Ukraine đối với Mariupol, một cảng chiến lược ở phía đông nam và thành phố Volnovakha ở phía đông.
Nhưng một quan chức thành phố báo cáo rằng hôm thứ Bảy các cuộc pháo kích đã tiếp tục diễn ra trong khu vực của ông bất chấp thỏa thuận này, một dấu hiệu cho thấy sự mong manh của những nỗ lực ngăn chặn giao tranh trên khắp nước này.
Nga tuyên bố ngừng bắn ở hai khu vực của Ukraine để di tản dân thường
Hôm thứ Bảy (05/02), truyền thông nhà nước Nga đưa tin cho biết, Quân đội Nga đang thực thi một lệnh ngừng bắn ở hai khu vực của Ukraine để mở hành lang nhân đạo cho phép dân thường di tản, nhưng chưa có xác nhận ngay lúc này từ phía Ukraine. Đó sẽ là bước đột phá đầu tiên trong việc cho phép dân thường thoát khỏi chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đồng ý với quân đội Ukraine để mở các hành lang di tản an toàn cho phép dân thường rời cảng chiến lược Mariupol ở phía đông nam và thị trấn phía đông Volnovakha “từ 10 giờ sáng theo giờ Moscow”. Tuyên bố mơ hồ này không nói rõ hành lang an toàn này sẽ mở trong bao lâu.
Người đứng đầu hội đồng an ninh Ukraine Oleksiy Danilov đã kêu gọi Nga tạo ra các hành lang nhân đạo để cho phép trẻ em, phụ nữ, và người lớn tuổi tránh xa các cuộc giao tranh, gọi những hành lang như vậy là “vấn đề số 1”.
Oanh tạc cơ B-52 của Hoa Kỳ bay trên một quốc gia giáp Ukraine
Các oanh tạc cơ B-52 của Hoa Kỳ đã bay trên một quốc gia giáp biên giới với Ukraine, quân đội Mỹ thông báo hôm 04/03.
Theo Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu, phi cơ B-52 Stratofortress đã thực hiện một “chuyến bay tích hợp” tầm xa.
Các oanh tạc cơ đã cất cánh từ một căn cứ ở Anh và hướng đến Đức để tiến hành một cuộc tập trận cùng các quân nhân Mỹ và Đức, gọi là kiểm soát viên tấn công chung giai đoạn cuối. Họ là những người ra lệnh các cuộc tấn công xuống từ các vị trí tiền tuyến trên thực địa.
Nhiệm vụ huấn luyện bao gồm cả huấn luyện kết hợp với Romania, một đồng minh NATO có chung đường biên giới với Ukraine.
Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu và Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO, cho biết trong một tuyên bố, đây là “một cơ hội quan trọng để tích hợp và huấn luyện với các đồng minh và đối tác của chúng ta, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này.”
Ngoại trưởng Blinken đến Ba Lan để đàm phán về chiến tranh Ukraine
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm miền đông nam Ba Lan gần biên giới với Ukraine khi cuộc chiến bước sang ngày thứ mười. Ông Blinken đã đến Rzeszow hôm thứ Bảy (05/03) để nói chuyện với các quan chức hàng đầu của Ba Lan và sẽ đến thăm một đồn biên phòng để gặp gỡ những người tị nạn Ukraine vào cuối ngày.
Ngoại trưởng Blinken đã gặp Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Ngoại trưởng Zbigniew Rau một ngày sau khi tham dự cuộc họp các ngoại trưởng NATO ở Brussels, tại đó liên minh cam kết tăng cường hỗ trợ các thành viên sườn phía đông như Ba Lan để chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Mặc dù NATO đã loại trừ việc thiết lập vùng cấm bay đối với Ukraine vốn không phải là thành viên, nhưng NATO đã tăng cường đáng kể hỗ trợ quân sự và nhân đạo. Rzeszow cách biên giới Ukraine khoảng 80 km (50 dặm) và phi trường của thành phố này đã trở thành trung tâm cho các chuyến bay chở hàng viện trợ như vậy.
Aeroflot sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế ngoại trừ các chuyến bay của Belarus
Aeroflot, hãng hàng không hàng đầu của Nga, đã thông báo rằng họ sẽ dừng tất cả các chuyến bay quốc tế ngoại trừ các chuyến bay của Belarus bắt đầu từ ngày 08/03.
Hành động của hãng hàng không nhà nước lớn nhất Nga này diễn ra sau khi cơ quan hàng không của nước này, Rosaviatsiya, khuyến cáo rằng tất cả các hãng hàng không Nga có phi cơ thuê của ngoại quốc dừng các chuyến bay chở khách và hàng hóa ra nước ngoài.
Cơ quan này dẫn chứng rằng phi cơ thuê của ngoại quốc có nguy cơ cao bị thu giữ như là một phần của lệnh trừng phạt của phương Tây — cấm cho Nga thuê phi cơ.
Khuyến cáo của Rosaviatsiya không áp dụng cho các hãng hàng không Nga sử dụng phi cơ Nga hoặc phi cơ ngoại quốc không có nguy cơ bị thu giữ.
Khuyến cáo cũng không áp dụng đối với các hãng hàng không ngoại quốc từ các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và không đóng cửa không phận đối với phi cơ Nga. Tuyên bố hôm thứ Bảy (05/03) của Aeroflot đã dẫn “các sự kiện cản trở việc vận hành các chuyến bay” như là lý do cho hành động của hãng.
Aeroflot cho biết họ sẽ hủy vé khứ hồi cho những hành khách dự kiến rời Nga sau ngày 06/03 và đi về sau ngày 08/03. Những người có vé một chiều sẽ được phép bay đến ngày 08/03. Đầu tuần này, S7, hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Nga, đã thông báo rằng họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế bắt đầu từ thứ Bảy (05/03).
Elon Musk cho biết một số chính phủ đã yêu cầu Starlink chặn các các nguồn tin từ Nga
Nhà sáng lập SpaceX, ông Elon Musk, nói rằng dịch vụ internet vệ tinh Starlink của công ty đã được “một số chính phủ (không phải là chính phủ Ukraine) yêu cầu chặn các nguồn tin từ Nga.”
Ông Musk nói trong một bài đăng trên Twitter, “Chúng tôi sẽ không làm như vậy trừ khi bị chĩa súng vào đầu. Xin lỗi vì là một người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận.”
Đầu tuần này, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine đã cảm ơn ông Musk vì đã cung cấp thiết bị để truy cập Starlink.
Ông Mykhailo Fedorov đã cảm ơn nhà sáng lập SpaceX Elon Musk về thiết bị này trong một bài đăng trên Twitter, đính kèm bức ảnh chụp những chiếc hộp ở phía sau một chiếc xe tải. Ông Federov đã yêu cầu sử dụng dịch vụ này một cách công khai.
Ông Musk đã trả lời bằng dòng tweet của riêng mình rằng: “Không có gì, rất vui được giúp đỡ.”
Tỷ phú công nghệ cho biết Starlink đang “hoạt động” ở Ukraine và nhiều thiết bị hơn để sử dụng dịch vụ này đang được khai triển.
Starlink là một hệ thống internet dựa trên chòm vệ tinh mà SpaceX đã gây dựng trong nhiều năm để mang lại khả năng truy cập internet đến các khu vực chưa được khai thác trên thế giới. Dịch vụ này tự nhận mình là “phù hợp một cách lý tưởng” đối với các khu vực mà dịch vụ internet không đáng tin cậy hoặc không có sẵn.
Tòa Bạch Ốc: Không ủng hộ việc thay đổi chế độ của Nga
Tòa Bạch Ốc cho biết họ không ủng hộ việc thay thế ông Vladimir Putin, trước những bình luận của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cho rằng tổng thống Nga nên “bị ám sát”.
Hôm thứ Năm (03/03), ông Graham đã đăng trên Twitter rằng cách duy nhất để cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc “là ai đó ở Nga ám sát [ông Putin].”
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã phản đối bình luận của ông Graham trong một cuộc họp báo chiều hôm thứ Sáu (04/03).
“Đó không phải là quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ và chắc chắn không phải là một tuyên bố mà quý vị sẽ nghe thấy từ miệng của bất kỳ ai làm việc trong chính phủ này,” bà Psaki nói. “Chúng tôi không ủng hộ việc sát hại lãnh đạo của một quốc gia ngoại quốc hoặc thay đổi chế độ. Đó không phải là chính sách của Hoa Kỳ.”
Bà Psaki đã nói trong suốt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rằng “một cánh cửa ngoại giao vẫn mở” dành cho ông Putin.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nhiều quốc gia gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Sau khi Nga khai hỏa vào Ukraine hôm 24/02, hai ngày sau Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chia sẻ một video nói rằng ông cần “đạn dược, chứ không cần một chuyến di tản.” Đây là câu trả lời dành cho đề nghị tị nạn của Hoa Kỳ đối với nguyên thủ quốc gia đang bị bao vây này.
Kể từ đó, 15 quốc gia đã gửi khí tài quân sự tới Ukraine trong bối cảnh Nga tiếp tục xâm lược.
Phần lớn vũ khí và vật tư từ các quốc gia đồng minh đang được gửi qua đường biên giới dài 310 dặm (500 km) của Ukraine với Ba Lan, nơi đã trở thành một huyết mạch quan trọng cho cả nguồn cung cấp tiếp tế và thiết bị, cũng như những người tị nạn đang tìm cách chạy khỏi cuộc xung đột này.
Một số quốc gia có biên giới với Ukraine đã chọn không cho phép các thiết bị quân sự gửi đến Ukraine đi qua lãnh thổ của họ vì sợ bị Nga trả đũa.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang, Mimi Nguyen Ly, Bill Pan, Jack Phillips, Allen Zhong, Nick Ciolino, Autumn Spredemann, Zachary Stieber, The Associated Press, và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: