[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 04-07/05/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 04-07/05/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Tổng thống Zelensky: Giao tranh với Nga làm hư hại gần 400 bệnh viện, trung tâm y tế
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine đã phá hủy hàng trăm bệnh viện và các cơ sở y tế khác và khiến các bác sĩ không có thuốc điều trị ung thư hoặc khả năng phẫu thuật.
Ông Zelensky cho biết nhiều nơi ở các chiến trường chính miền đông và miền nam Ukraine thậm chí còn thiếu kháng sinh cơ bản.
“Nếu quý chỉ xem xét cơ sở hạ tầng y tế, thì tính đến hôm nay, quân đội Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại gần 400 cơ sở chăm sóc sức khỏe: bệnh viện, khu hộ sinh, phòng khám ngoại trú,” ông Zelensky cho biết trong một video trình bày trước một nhóm thiện nguyện y tế hôm thứ Năm (05/05).
Ông cho biết tình hình rất thảm khốc tại các khu vực bị quân Nga chiếm đóng.
“Điều này dẫn đến tình trạng hoàn toàn không có thuốc cho bệnh nhân ung thư. Nó có nghĩa là cực kỳ khó khăn hoặc hoàn toàn không có insulin cho bệnh nhân tiểu đường. Không thể tiến hành phẫu thuật. Nó thậm chí có nghĩa là, khá đơn giản, là thiếu thuốc kháng sinh.”
Tại một trong những hành động bị lên án mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến, một bệnh viện phụ sản đã bị phá hủy hoàn toàn vào ngày 09/03 tại thành phố cảng Mariupol. Nga cáo buộc các bức ảnh về vụ tấn công là dàn dựng và cho biết địa điểm này đã được sử dụng bởi các nhóm vũ trang Ukraine.
Điện Kremlin cho biết họ chỉ nhắm mục tiêu vào các địa điểm quân sự hoặc chiến lược và không nhắm mục tiêu vào dân thường. Ukraine ghi nhận thương vong dân sự do các cuộc pháo kích và giao tranh của Nga hàng ngày, đồng thời cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh. Nga phủ nhận những cáo buộc này.
Tổng thống Hungary bác bỏ lệnh cấm dầu Nga của EU
Một lệnh cấm của Liên minh Âu Châu đối với dầu Nga sẽ tương đương với việc thả một “quả bom nguyên tử” vào nền kinh tế Hungary và do đó không thể được chấp nhận, Thủ tướng nước này cho biết hôm thứ Sáu (06/05).
Trình bày trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Viktor Orban nhắc lại những tuyên bố trước đó của các quan chức Hungary rằng Hungary sẽ không ủng hộ một vòng trừng phạt mới do EU đề xướng nhắm vào Nga, nếu trong đó có lệnh cấm dầu xuất cảng từ Nga.
Ông Orban nói rằng mặc dù chính phủ của ông sẵn sàng đàm phán về bất kỳ đề nghị nào của EU có lợi cho Hungary, nhưng địa lý và cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có của nước này khiến việc dừng nguồn cung cấp dầu của Nga là không khả thi.
Ông Orban nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận một đề nghị bỏ qua hoàn cảnh này vì ở hình thức hiện tại, điều đó tương đương với ném một quả bom nguyên tử xuống nền kinh tế Hungary.”
Chính phủ Hungary đã kiên quyết phản đối kế hoạch đưa năng lượng xuất cảng của Nga vào lệnh trừng phạt đối với Moscow của EU, lập luận rằng 85% khí đốt của Hungary và hơn 60% dầu của nước này đến từ Nga.
Hôm thứ Sáu (06/05), ông Orban nói rằng việc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu của Hungary để có thể chế biến dầu từ các nguồn khác nhau sẽ mất năm năm và đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Đức sẽ cung cấp cho Ukraine các xe tăng tự hành mạnh mẽ
Bộ trưởng Quốc phòng Đức xác nhận hôm thứ Sáu (06/05) rằng đất nước của bà sẽ cung cấp cho Ukraine bảy xe tăng tự hành mạnh mẽ để giúp nước này tự vệ trước Nga.
Bà Christine Lambrecht cho biết các binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện tại Đức để sử dụng pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, loại pháo có khả năng bắn đạn chính xác ở khoảng cách lên tới 40 km (25 dặm).
Đức đã tăng cường hỗ trợ vật chất cho Ukraine trong những tuần gần đây, sau khi chính phủ ban đầu từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng và bị chỉ trích rộng rãi.
Nga vẫn tiếp tục cố gắng chiếm nhà máy thép ở Mariupol
Quân đội Ukraine cho biết Nga vẫn tiếp tục cố gắng chiếm nhà máy thép ở Mariupol.
Trong một tuyên bố thường nhật hôm thứ Sáu (06/05), Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine nói rằng “việc phong tỏa các đơn vị của lực lượng phòng vệ trong khu vực Azovstal vẫn tiếp tục.”
Bộ cho biết thêm: “Ở một số khu vực, với sự hỗ trợ đường không, [quân Nga] đã tiếp tục các hoạt động tấn công để giành quyền kiểm soát nhà máy.”
Ở những nơi khác trong nước, quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tiến hành các chuyến bay trinh sát lãnh thổ. Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Donetsk và Luhansk, quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của đối phương và phá hủy các xe tăng và xe bọc thép. Nga chưa thừa nhận ngay về những tổn thất đó.
Bộ Ngoại giao: Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Alexei Zaitsev cho biết hôm thứ Sáu (06/05).
Ông Zaitsev nói với các phóng viên rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân — một rủi ro mà các quan chức phương Tây đã công khai thảo luận — không thể áp dụng cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine.
Giám đốc CIA William Burns hôm 14/04 cho biết với những thất bại mà Nga đã phải gánh chịu ở Ukraine, “không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân năng suất thấp.”
Ngũ Giác Đài: Phần lớn quân đội Nga đã rời Mariupol
Ngũ Giác Đài cho biết phần lớn quân đội Nga ở xung quanh thành phố cảng Mariupol đã rời đi và tiến về phía bắc, để lại gần tương đương với hai tiểu đoàn tác chiến ở đó, tức khoảng 2,000 quân.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết hôm thứ Năm (05/05) rằng kể cả khi các cuộc không kích của Nga tiếp tục bắn phá Mariupol, các lực lượng của Moscow vẫn chỉ đạt được những bước tiến “ì ạch” và chậm rãi, trong bối cảnh cuộc chiến chính đang diễn ra ở khu vực phía đông Donbas.
Ông cho biết ông đã không thấy cách hành xử hoặc động lực của Nga thay đổi khi ngày 09/05 cận kề.
Nga kỷ niệm Ngày Chiến Thắng hôm 09/05, ngày kỷ niệm Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Đệ nhị Thế chiến. Đã có những ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tuyên bố một chiến thắng lớn ở Ukraine khi ông đọc diễn văn trong lễ duyệt binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ.
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ vẫn đánh giá rằng Nga đang chậm tiến độ và không đạt được tiến độ ở Donbas như mong đợi.
Tây Ban Nha trả tự do cho chính trị gia người Ukraine bị buộc tội phản quốc
Một tòa án ở Tây Ban Nha hôm thứ Năm (05/05) đã ra lệnh trả tự do tạm thời cho ông Anatoly Shariy, một chính trị gia và blogger Ukraine bị bắt sau khi bị buộc tội phản quốc ở quê nhà.
Ông Shariy đã bị bắt hôm thứ Tư (04/05) gần thành phố ven biển Tarragona theo lệnh truy nã quốc tế do Ukraine ban hành, theo Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha. Các tài liệu của tòa án cho biết ông Shariy bị buộc tội “phản quốc cấp cao và kích động lòng thù hận.”
Trích dẫn “các tình tiết của vụ án” và mối liên hệ của ông Shariy với Tây Ban Nha, thẩm phán từ chối giam giữ ông. Thay vào đó, ông Shariy được lệnh giao nộp hộ chiếu, trình báo thường xuyên với nhà chức trách và ở lại Tây Ban Nha, nơi ông được cho là đã sống từ năm 2019.
Tòa án cho biết các biện pháp này sẽ được duy trì trong 40 ngày để cho phép Ukraine chính thức yêu cầu dẫn độ ông Shariy.
Việc bắt giữ ông ở Tây Ban Nha đã được cơ quan an ninh của Ukraine thông báo hôm thứ Năm (05/05). Cơ quan này cho biết có lý do để tin rằng ông Shariy “đang hành động thay mặt cho các tổ chức ngoại quốc.”
Ông Shariy, người sáng lập một đảng chính trị được nhiều người ở Ukraine coi là thân Nga, và lâu nay vẫn chỉ trích chính phủ Ukraine. Gần đây hôm thứ Ba (03/05), ông tweet rằng ông đã được cảnh báo là tình báo Ukraine đang cố gắng truy tìm ông.
Truyền thông Ukraine đưa tin, một thành viên trong đảng chính trị của ông Shariy cho biết hồi tháng Hai, trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, rằng ông Shariy đã được phép tị nạn tại Liên minh Âu Châu. Không thể xác nhận ngay thông tin này.
Liên Hiệp Quốc: Chiến dịch di tản thường dân đang được tiến hành
Liên Hiệp Quốc cho biết một chiến dịch thứ ba đang được tiến hành để di tản thường dân khỏi nhà máy thép và thành phố Mariupol bị bao vây.
Tổng thư ký Antonio Guterres nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (05/05) rằng cuộc di tản thứ ba đang diễn ra và trưởng bộ phận nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths cho biết mục đích của cuộc di tản này là di tản thêm dân thường khỏi Mariupol và nhà máy thép Azovstal rộng lớn.
Ông Guterres cho biết 101 thường dân đã được di tản khỏi nhà máy Azovstal cùng 59 người khác từ khu vực lân cận trong chiến dịch đầu tiên kết thúc hôm thứ Ba (03/05). Hơn 320 thường dân đã được di tản khỏi thành phố Mariupol và các khu vực lân cận trong chiến dịch thứ hai vừa hoàn thành vào tối hôm thứ Tư (04/05).
Thống đốc Donetsk: Nga tấn công bằng hỏa tiễn khiến 25 người bị thương
Thống đốc Donetsk cho biết một cuộc tấn công hỏa tiễn vào thành phố Kramatorsk ở miền đông Ukraine đã khiến 25 người bị thương và gây thiệt hại trên diện rộng.
Trong một bài đăng trên Telegram, ông Pavlo Kyrylenko cho biết 810 căn hộ trong 32 tòa nhà cao tầng đã bị thiệt hại do hậu quả của một cuộc không kích vào sáng thứ Năm (05/05). Bài đăng đính kèm các bức ảnh về nhiều tòa nhà bị biến thành đống đổ nát.
Có sáu nhà dân, hai trường học, một nhà trẻ, và một cơ sở y tế cũng bị hư hại. Hiện chưa có báo cáo về bất kỳ trường hợp tử vong.
Ukraine: Nga nhiều lần tiến công thất bại
Quân đội Ukraine cho biết quân đội Nga đã tiến công “thất bại” nhiều lần vào các khu vực Kharkiv và Donetsk ở phía đông.
Một bài đăng trên Facebook được công bố vào chiều thứ Năm (05/05) trên tài khoản chính thức của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga cũng tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các phương tiện giao thông nhằm ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo và hỗ trợ kỹ thuật-quân sự.
Nga: Không quân Nga đã tiêu diệt 45 mục tiêu Ukraine
Quân đội Nga cho biết lực lượng không quân của họ đã phá hủy 45 cơ sở quân sự của Ukraine trong một loạt các cuộc không kích mới nhất.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các mục tiêu bị không quân Nga tấn công hôm thứ Năm (05/05) bao gồm quân đội Ukraine và các nơi tập trung vũ khí cũng như một kho đạn dược ở khu vực phía đông Luhansk.
Ông Konashenkov cho biết, các đơn vị hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một khẩu đội pháo Ukraine tại các vị trí khai hỏa gần khu định cư Zarozhne, một khẩu đội bệ phóng rocket đa nòng Uragan gần Mykolaiv, và bốn khu vực tập trung quân nhân và khí tài quân sự khác. Ông cho biết, pháo binh Nga đã bắn trúng 152 căn cứ của quân đội Ukraine và 38 vị trí khai hỏa của pháo binh.
The Epoch Times không thể xác minh tuyên bố của ông Konashenkov một cách độc lập.
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Ngoại trưởng Đức sẽ sớm tới Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ngoại trưởng của quốc gia này sẽ sớm tới Ukraine trong chuyến thăm chính thức sau khi hai nước giải quyết một mâu thuẫn ngoại giao vào thứ Năm (05/05).
Chính phủ Đức đã lời qua tiếng lại với đại sứ Ukraine ở Berlin sau khi Kyiv từ chối lời đề nghị đến thăm của Tổng thống Đức.
Không rõ chính xác khi nào Ngoại trưởng Annalena Baerbock sẽ tới thăm Kyiv và liệu bà có gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không.
Ba Lan-Lithuania khánh thành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 500 triệu euro
Hôm thứ Năm (05/05), Ba Lan và Lithuania đã khánh thành một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 500 triệu euro (530 triệu USD), thêm một bước tiến cho khu vực trong việc độc lập khỏi các nguồn năng lượng của Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết tại lễ khánh thành rằng, đường ống nối khí đốt Ba Lan-Lithuania dài hơn 500 km (310 dặm) xuất hiện “vào thời điểm Nga một lần nữa cố gắng tống tiền chúng ta bằng khí đốt.”
Thủ tướng Lithuania Ingridas Simonyte nói thêm rằng “bất kỳ sự cắt giảm hoặc thất thu nào của nguồn tài chính này sẽ có tác động rất đáng kể đến nền kinh tế Nga và khả năng tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.”
Đồng minh của ông Putin nói xung đột Nga-Ukraine đang ‘kéo dài’
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 05/05 rằng xung đột Nga-Ukraine đang kéo dài hơn ông mong đợi, mặc dù ông ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow.
Khẳng định rằng chính phủ Kyiv đang “khiêu khích Nga”, ông Lukashenko nói với hãng thông tấn AP rằng ông “không dấn sâu vào vấn đề này đủ để nói liệu nó có diễn ra theo đúng kế hoạch hay không, như người Nga nói, hay theo cách tôi cảm thấy.”
“Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa: Tôi cảm thấy như chiến dịch này đang kéo dài,” ông nói với hãng thông tấn và nhiều lần mô tả cuộc xung đột này như một “cuộc chiến” trong cuộc phỏng vấn của mình. Ông nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin không cố gắng tìm kiếm xung đột với NATO và chính Hoa Thịnh Đốn đang thúc đẩy cuộc xung đột.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Hoa Kỳ sẽ cung cấp bảo đảm an ninh cho Thụy Điển nếu nước này đăng ký làm thành viên NATO
Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Tư (04/05) tái khẳng định với Thụy Điển cam kết của Mỹ quốc đối với “chính sách mở cửa” của NATO và sẽ hỗ trợ quốc gia Bắc Âu này trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký làm thành viên NATO tiềm năng.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken tại Hoa Thịnh Đốn hôm 04/05 để thảo luận về cam kết của NATO trong việc chào đón các thành viên mới và bảo đảm an ninh Âu Châu, cùng các vấn đề khác.
“Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Xuyên Đại Tây Dương đối với nền an ninh Âu Châu và tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với chính sách Mở Cửa của NATO,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một thông cáo báo chí.
WFP kêu gọi mở lại các cảng Ukraine để vận chuyển lương thực
Cơ quan viện trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi các cảng Biển Đen ở Ukraine mở cửa trở lại để cho phép vận chuyển lúa mì và ngô xuất cảng, những thứ mà nhiều quốc gia nghèo phụ thuộc vào.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) có trụ sở tại Rome đã lưu ý trong lời kêu gọi hôm thứ Năm (05/05) rằng trước cuộc chiến do Nga phát động, 98% lượng ngũ cốc xuất cảng của Ukraine được vận chuyển qua các cảng này.
Họ cho biết trong một tuyên bố rằng một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu hôm 24/02, giá xuất cảng lúa mì đã tăng 22% và ngô tăng 20% — thêm vào mức giá vốn đã tăng mạnh trong năm 2021 và đầu năm nay.
Israel: Tổng thống Putin đã xin lỗi vì bình luận về Hitler của ngoại trưởng Nga
Hôm thứ Năm (05/05), Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xin lỗi về những bình luận của ngoại trưởng nước ông rằng Adolf Hitler có nguồn gốc Do Thái.
Sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga, ông Bennett cho biết ông chấp nhận lời xin lỗi và cảm ơn ông Putin vì đã làm rõ quan điểm của mình.
Tổng thống Bennett cũng cho biết ông đã đề nghị ông Putin xem xét cho phép di tản nhà máy Azovstal ở cảng Mariupol của Ukraine. Ông Bennett cho biết ông đã đưa ra yêu cầu này sau cuộc trò chuyện trước đó với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Putin đã hứa sẽ thiết lập một hành lang để di tản dân thường.
Tổng thống Putin nói với Tổng thống Bennett của Israel: Nga vẫn sẵn lòng cung cấp lối đi an toàn từ Azovstal
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm (05/05) rằng Nga vẫn sẵn lòng cung cấp lối đi an toàn cho dân thường rời khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở cảng Mariupol của Ukraine.
Điện Kremlin cho biết cho biết ông Putin đã nói với ông Bennett trong một cuộc “trao đổi quan điểm kỹ lưỡng về tình hình ở Ukraine” rằng Kyiv nên ra lệnh cho các chiến đấu cơ Ukraine ẩn náu trong nhà máy Azovstal hạ vũ khí.
Quân đội Ukraine bị vây hãm trong địa điểm này đã tuyệt vọng cầm cự trong nhiều tuần, trong khi một số dân thường đã đến được nơi an toàn thông qua các hành lang nhân đạo nhưng những người khác vẫn ở bên trong.
Điện Kremlin trước đó đã bác bỏ thông tin rằng quân đội Nga đang tấn công nhà máy, đề cập đến mệnh lệnh ngày 21/04 từ ông Putin rằng họ nên bao vây nhưng không nên mạo hiểm vào bên trong mê cung các đường hầm dưới lòng đất của nhà máy này.
Bulgaria tìm kiếm miễn trừ đối với lệnh cấm dầu Nga
Trước dự đoán về lệnh cấm của Liên minh Âu Châu đối với dầu thô của Nga, Bulgaria cho biết họ đang tìm kiếm miễn trừ do phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria gần cảng Burgas thuộc Biển Đen thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ LUKOIL của Nga và là nhà cung cấp nhiên liệu chính cho quốc gia này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Assen Vassilev nói với các phóng viên rằng nhà máy lọc dầu đã xử lý tới 50% dầu thô không phải của Nga và về mặt lý thuyết sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn dầu thô của Nga.
“Về mặt công nghệ, Bulgaria có thể không cần dầu thô của Nga, nhưng điều này sẽ làm tăng đáng kể giá nhiên liệu,” ông Vassilev nói. “Trong trường hợp Ủy ban Âu Châu cân nhắc một số trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng lợi thế của nó, vì nó sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng Bulgaria.”
Slovakia và Hungary trước đó đã yêu cầu miễn trừ như vậy.
Tổng thống Đức điện đàm với Tổng thống Zelensky để giải quyết vấn đề ngoại giao giữa hai quốc gia
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Năm (05/05) nhằm nỗ lực giải quyết mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước.
Các quan chức chính phủ Đức, bao gồm cả Thủ tướng Olaf Scholz, đã bày tỏ sự khó chịu sau khi Ukraine hồi tháng trước tuyên bố rõ ràng rằng họ không muốn ông Steinmeier đến thăm vì các giao dịch trong quá khứ của ông với Nga. Tới lượt mình, đại sứ Ukraine tại Berlin đã gán cho Scholz là một “kẻ thua cuộc cay cú” vì nói rằng vụ việc là “một vấn đề” trong quan hệ của các nước.
Văn phòng của ông Steinmeier cho biết hai tổng thống đã “giải quyết những khó chịu trong quá khứ” trong cuộc điện đàm của họ. Ông Steinmeier bày tỏ “sự đoàn kết, tôn trọng và ủng hộ cuộc chiến dũng cảm của nhân dân Ukraine chống lại nước Nga xâm lược.”
Không rõ liệu Tổng thống Steinmeier, người giữ vị trí nguyên thủ quốc gia chủ yếu là theo nghi thức, có sớm đến thăm Kyiv hay không. Chủ tịch nghị viện Baerbel Bas, người có vị trí dưới ông Steinmeier nhưng trên ông Scholz theo hệ thống chính trị của Đức, dự kiến sẽ đến thăm Ukraine vào Chủ Nhật (08/05).
Sĩ quan Ukraine kêu gọi di tản những người bị thương tại Azovstal
Giao tranh khốc liệt đã diễn ra tại nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol hôm thứ Năm (05/05), khi quân đội Nga cố gắng kết liễu những người bảo vệ cuối cùng của thành phố và hoàn thành việc chiếm cảng quan trọng chiến lược này.
Hàng trăm binh sĩ Ukraine đang mắc kẹt trong boongke dưới lòng đất của nhà máy thép, nhiều người trong số họ bị thương. Một số thường dân đang ở cùng với họ.
Đại úy Sviatoslav Palamar, phó chỉ huy Trung đoàn Azov tân Quốc Xã của Ukraine, cho biết trong một tuyên bố video từ boongke của nhà máy thép hôm thứ Năm (05/05) rằng “những người lính bị thương đang tử vong trong đau đớn do không được điều trị thích hợp.”
Ông kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giúp đảm bảo việc di tản những người bị thương và dân thường vẫn còn trong boongke.
Nga tuyên bố việc phương Tây cung cấp tình báo cho Ukraine sẽ không cản trở các mục tiêu của nước này
Điện Kremlin cho biết hôm thứ Năm (05/05) rằng Hoa Kỳ, Anh, và các nước NATO khác “liên tục” cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine nhưng điều này sẽ không ngăn Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình ở đó.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo New York Times rằng Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin tình báo giúp quân đội Ukraine sát hại hàng chục tướng lĩnh Nga.
Ông nói với các phóng viên: “Quân đội của chúng tôi nhận thức rõ rằng Hoa Kỳ, Anh, và NATO nói chung đang liên tục truyền thông tin tình báo và các thông số khác cho các lực lượng vũ trang Ukraine.”
Ông nói điều này và việc cung cấp vũ khí của phương Tây “không đóng góp cho việc hoàn thành nhanh chóng chiến dịch (của Nga), nhưng đồng thời cũng không có khả năng cản trở việc đạt được các mục tiêu đã đề ra.”
Khi được hỏi về những biện pháp mà Nga có thể thực hiện để đáp trả, ông nói: “Tất nhiên, quân đội Nga đang làm bất cứ điều gì cần thiết trong tình huống này.”
Ngoại trưởng Đan Mạch: Nga trục xuất 4 nhà ngoại giao của Đại sứ quán Đan Mạch tại Moscow
Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod hôm thứ Năm (05/05) cho biết Nga đã quyết định trục xuất bốn nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Moscow.
“Họ đã trở thành những quân cờ trong trò chơi quyền lực ích kỷ của ông Putin một cách sai trái,” ông Kofod nói. “Đó là một quyết định hoàn toàn không chính đáng và rất có vấn đề, điều này nhấn mạnh rằng Nga không còn muốn đối thoại và ngoại giao thực sự.”
Moscow cho biết bảy nhà ngoại giao Đan Mạch đã bị trục xuất. Truyền thông Đan Mạch cho biết những người bị trục xuất gồm bốn nhà ngoại giao và ba người khác không có tư cách ngoại giao. Họ phải rời đi trong vòng hai tuần.
Quyết định ăn miếng trả miếng của Moscow được đưa ra sau khi Đan Mạch tháng trước trục xuất 15 sĩ quan tình báo Nga làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Copenhagen. Một số quốc gia Âu Châu khác cũng trục xuất các sĩ quan tình báo Nga.
Nhật Bản ký hiệp ước quân sự với Anh, sẽ bổ sung 140 cá nhân Nga vào danh sách trừng phạt
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Năm (05/05) cho biết 140 cá nhân sẽ được thêm vào danh sách phong tỏa tài sản của Nga trong khi lệnh cấm xuất cảng sẽ được mở rộng đối với các công ty quân sự của Nga.
Trình bày tại London qua một phiên dịch viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Kishida cho biết thêm rằng giờ là thời điểm để G7 củng cố sự đoàn kết của mình.
Trước đó, hai quốc gia đã đồng ý một thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho các lực lượng vũ trang của hai bên. Vương quốc Anh sẽ là quốc gia Âu Châu đầu tiên có một hiệp ước như vậy với Nhật Bản, quốc gia hiện chỉ có hai hiệp định song phương khác với Hoa Kỳ và Úc.
Nga khẳng định không tấn công nhà máy thép Azovstal
Điện Kremlin bác bỏ thông tin rằng quân đội Nga đang xông vào nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine, nơi các chiến đấu cơ và dân thường của Ukraine bị mắc kẹt, đồng thời cho biết các hành lang nhân đạo đã hoạt động ở đó hôm thứ Năm (05/05).
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, quân đội Nga hiện vẫn đang tuân thủ mệnh lệnh trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin là không được tiến vào nhà máy Azovstal.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi ngừng bắn kéo dài để di tản dân thường bao gồm phụ nữ và trẻ em khỏi các boongke bên dưới nhà máy thép.
Quân đội Nga cho biết họ sẽ tạm dừng hoạt động quân sự tại nhà máy thép này trong ba ngày kể từ thứ Năm để mở hành lang nhân đạo di tản cho dân thường.
Nga tuyên bố 600 binh lính Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc pháo kích
Hôm thứ Năm (05/05), Nga cho biết pháo binh của họ đã tấn công nhiều vị trí và thành trì của Ukraine trong đêm, khiến hơn 600 binh lính Ukraine thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đang tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine.”
“Hơn 600 người theo chủ nghĩa dân tộc cùng 61 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự đã bị phá hủy,” họ nói thêm.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết hỏa tiễn của Nga đã phá hủy thiết bị hàng không tại phi trường Kanatovo ở vùng Kirovohrad, miền trung Ukraine và một kho đạn lớn ở thành phố Mykolaiv, miền nam nước này.
Nga đã gửi hàng chục ngàn quân vào Ukraine kể từ ngày 24/02. Quân đội Ukraine đã kháng cự gay gắt và phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga trong nỗ lực buộc nước này phải rút lui lực lượng của mình.
Thống đốc Nga trấn an người dân sau những vụ nổ mới ở khu vực giáp biên giới Ukraine
Quan chức hàng đầu trong khu vực cho biết, sáng thứ Hai (02/05), hai vụ nổ liên tiếp xảy ra ở Belgorod, một khu vực thuộc Nga giáp biên giới với Ukraine. Không có thiệt hại hoặc đe dọa an ninh nào được ghi nhận.
Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết, ông “muốn xua tan nỗi lo của cư dân trong khu vực rằng ai đó hay thứ gì đó đã bay từ lãnh thổ Ukraine.”
“Không phải thế đâu. Không quân của chúng ta đang thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như một phần của chiến dịch quân sự đặc biệt,” ông nói thêm, dùng thuật ngữ chính thức mà Nga dùng để gọi cuộc chiến ở Ukraine.
Việc ông cảm thấy cần phải trấn an cư dân cho thấy mức độ lo lắng của người dân đang gia tăng, sau hàng loạt vụ cháy nổ trong những tuần gần đây tại các kho đạn và kho nhiên liệu ở Belgorod và các khu vực phía nam khác.
Liên Hiệp Quốc: Hơn 300 người di tản khỏi Mariupol
Liên Hiệp Quốc cho biết, hơn 300 dân thường từ thành phố đông nam Mariupol bị bao vây và bốn thị trấn khác đã được di tản đến khu vực Zaporizhzhia do Ukraine nắm giữ. Đây là chiến dịch thành công thứ hai nhằm đưa dân thường ra khỏi các khu vực bị Nga pháo kích và tấn công.
Bà Osnat Lubrani, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng, nhiều thường dân từ Mariupol, Manhush, Berdiansk, Tokmak và Vasylivka đã đến Zaporizhzhia hôm thứ Tư (04/05). Họ không có gì ngoài quần áo trên người và hiện đang được hỗ trợ nhân đạo. Bà nói thêm rằng, họ cũng sẽ nhận được “sự hỗ trợ tâm lý” mà họ đang rất cần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, 344 người được di tản hôm thứ Tư cùng với hơn 150 người đã được di tản hồi đầu tuần từ các boongke bên dưới nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, nơi bị quân đội Nga bao vây.
Không có dân thường nào được ghi nhận đã di tản khỏi nhà máy vào thứ Tư. Ông Zelensky cho biết họ đang cố gắng đạt được một thỏa thuận để cứu những người còn lại tại nhà máy thép Azovstal, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Còi báo động không kích rền vang khắp Ukraine
Còi báo động không kích đã vang lên ở các thành phố trên khắp Ukraine vào đêm hôm thứ Tư (04/05), theo sau đó là hoả tiễn đáp xuống các thành phố Cherkasy, Dnipro, và Zaporizhzhia.
Tại Dnipro, Thị trưởng Borys Filatov cho biết một cuộc không kích đã tấn công trung tâm thành phố. Các cuộc tấn công ở Dnipro nhắm vào các cơ sở đường sắt, các nhà chức trách chỉ nói tóm lược mà không đi vào chi tiết. Công ty Đường sắt Quốc gia Ukraine cho biết không có nhân viên nào của họ bị thương trong vụ tấn công Dnipro.
Thủ tướng Đức: Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của Nga trong nhiều thập niên
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng các lệnh trừng phạt mà đất nước của ông và những nước khác áp đặt lên Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của Nga trong nhiều thập niên nếu vẫn được duy trì.
Hôm thứ Tư (04/05), ông Scholz nói với các phóng viên tại Berlin rằng Nga không thể hy vọng giành được hòa bình với Ukraine trừ khi Kyiv ủng hộ điều đó.
Ông nói, “Một nền hòa bình bằng sự bức chế độc đoán sẽ không hiệu quả.”
Hà Lan cân nhắc cung cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Hôm thứ Tư (04/05), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết Hà Lan đang đánh giá xem liệu họ có thể tham gia cùng Đức, Bỉ, và Anh trong việc cung cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine hay không.
Ông Rutte nói điều này sau một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông ca ngợi sự kiên định của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga vì khu vực Donbas. “Hà Lan sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền của Ukraine, trong ngắn hạn và dài hạn,” ông viết trên Twitter.
Gazprom tiếp tục xuất cảng khí đốt sang Âu Châu qua Ukraine
Hôm thứ Tư (04/05), nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom cho biết họ đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu thông qua Ukraine theo yêu cầu của người tiêu dùng Âu Châu.
Yêu cầu ở mức 98.4 triệu mét khối vào thứ Tư so với 98.96 triệu mét khối vào thứ Ba.
Ukraine hoan nghênh lệnh cấm vận dầu Nga mà EU đề xướng
Trong một thông điệp video được đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hoan nghênh quyết định đề xướng lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh Âu Châu. Ông ấy nói Ukraine không vui vì lệnh cấm này sẽ bị trì hoãn trong vài tháng, nhưng “có còn hơn không”.
Ông nói rằng EU không thể hỗ trợ Ukraine nửa vời theo kiểu một mặt thì áp đặt các biện pháp trừng phạt, mặt khác lại tiếp tục thanh toán dầu khí cho Nga và hỗ trợ “cỗ máy chiến tranh” của họ.
Ông cũng cho biết nếu bất kỳ quốc gia nào tiếp tục phản đối lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, đó sẽ là lý do để nói rằng quốc gia đó đồng lõa với những tội ác mà Nga đã gây ra ở Ukraine.
Nga cấm nhập cảnh đối với 63 quan chức Nhật Bản
Hôm thứ Tư (04/05), Bộ Ngoại giao Nga đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 63 quan chức, ký giả, và giáo sư Nhật Bản vì đã tham gia vào cái mà nước này gọi là “luận điệu không thể chấp nhận được” chống lại Moscow.
Danh sách bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi, và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, cùng các quan chức khác.
Bộ cho biết lệnh cấm các cá nhân trên nhập cảnh vào Nga có giá trị vô thời hạn.
Hungary không ủng hộ EU cấm dầu Nga
Ngoại trưởng Hungary cho biết nước này sẽ không ủng hộ đề xướng của Liên minh Âu Châu về việc cấm nhập cảng dầu từ Nga, trong một hành động có thể làm chệch hướng nỗ lực của cả khối nhằm gây sức ép chống lại cuộc chiến ở Ukraine của Moscow.
Trong một video trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết lệnh cấm dầu này sẽ “hủy hoại hoàn toàn” nguồn cung cấp năng lượng của Hungary. Ông khẳng định Hungary hay nền kinh tế Hungary sẽ không thể vận hành nếu thiếu dầu Nga.
Tuyên bố của ông Szijjarto được đưa ra khi Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đề xướng rằng các quốc gia thành viên EU chấm dứt nhập cảng dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng, và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay như một phần của gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga.
Tổng thống Zelensky: Sẽ không có thỏa thuận cho phép quân Nga lưu lại bên trong lãnh thổ bị chiếm đóng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng đất nước ông không thể chấp nhận một thỏa thuận với Moscow cho phép quân đội Nga lưu lại bên trong lãnh thổ bị chiếm đóng.
Trình bày trước những người tham gia Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành Wall Street Journal, ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine đã ngăn chặn cuộc tấn công của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Ông nói, trong giai đoạn hai, Ukraine sẽ trục xuất quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình và trong giai đoạn ba, sẽ tiến tới khôi phục hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Ông Zelensky cho biết ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn cho phép quân đội Nga lưu lại trong các vị trí hiện tại của họ. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận một cuộc xung đột bị đóng băng,” tổng thống nói mà không cho biết thêm chi tiết.
Thị trưởng Mariupol: Giao tranh khốc liệt đang diễn ra tại nhà máy thép Azovstal
Thị trưởng thành phố Mariupol cho biết đã xảy ra giao tranh khốc liệt vào hôm thứ Tư (04/05) tại nhà máy thép Azovstal nơi những người bảo vệ cuối cùng của thành phố và một số thường dân đang cầm cự.
Thị trưởng Vadym Boichenko cho biết trên kênh truyền hình quốc gia rằng đã mất liên lạc với các chiến đấu cơ Ukraine vẫn còn trong các xưởng thép ngổn ngang, và trong số những người đang chờ di tản khỏi nhà máy có hơn 30 trẻ em.
Ukraine chuẩn bị ‘sẵn sàng’ nếu Belarus tham gia vào nỗ lực chiến tranh của Nga
Kyiv sẽ sẵn sàng nếu các lực lượng vũ trang của Belarus tham gia vào nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine, một phát ngôn viên của Cơ quan Biên giới Quốc gia Ukraine cho biết hôm thứ Tư (04/05).
Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, cho biết quân đội nước này đã bắt đầu các cuộc tập trận quy mô lớn vào thứ Tư để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và họ không gây ra mối đe dọa nào cho các nước láng giềng.
Phát ngôn viên của Cơ quan Biên giới Quốc gia Ukraine Andriy Demchenko cho biết: “Chúng tôi không loại trừ việc Liên bang Nga tại một thời điểm nào đó có thể sử dụng lãnh thổ của Belarus, Lực lượng Vũ trang của Cộng hòa Belarus, chống lại Ukraine.”
“Do đó, chúng tôi đã sẵn sàng,” ông nói và cho biết thêm rằng biên giới với Belarus đã được củng cố kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Nga tiến hành cuộc xâm lược sau khi tổ chức các cuộc tập trận chung với Belarus cho phép nước này điều động thêm lực lượng đến gần biên giới với Ukraine.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga cho biết đã bắn hỏa tiễn hành trình từ tàu ngầm, cảnh báo một lần nữa về các chuyến hàng vũ khí của NATO
Hôm thứ Tư (04/05), Nga cho biết đã bắn hai hỏa tiễn hành trình Kalibr vào các mục tiêu Ukraine từ một tàu ngầm ở Biển Đen và nhắc lại cảnh báo rằng họ sẽ tìm cách tấn công các lô hàng vũ khí của NATO gửi đến Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video ghi lại cảnh các hỏa tiễn hành trình được phóng từ Biển Đen và cho biết chúng đã bắn trúng các mục tiêu không xác định trên bộ ở Ukraine.
Trước đó, Nga cho biết họ đã tiến hành các cuộc tấn công tương tự từ một tàu ngầm vào ngày 29/04.
Trước đó vào cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nhắc lại cảnh báo rằng Nga sẽ tìm cách tiêu diệt các đoàn vận chuyển vũ khí đến Ukraine từ các quốc gia phương Tây, vốn trong những tuần gần đây đã tăng cường cung cấp quân bị loại này.
“Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của nước này đang tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine,” ông Shoigu trình bày tại một hội nghị các quan chức Bộ Quốc phòng vào ngày 70 của cuộc chiến.
“Chúng tôi coi bất kỳ chuyến vận tải nào của Liên minh Bắc Đại Tây Dương đến lãnh thổ nước này với vũ khí hoặc vật liệu dành cho quân đội Ukraine đều là mục tiêu để tiêu diệt.”
EU đề nghị lệnh cấm dầu của Nga, các biện pháp trừng phạt mới
Quan chức hàng đầu của Liên minh Âu Châu hôm thứ Tư (04/05) đã kêu gọi khối 27 quốc gia cấm nhập cảng dầu từ Nga và nhắm vào ngân hàng lớn nhất và các hãng truyền thông lớn của nước này trong gói trừng phạt thứ sáu liên quan đến chiến tranh ở Ukraine.
Trình bày trước Nghị viện Âu Châu tại Strasbourg, Pháp, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, đề xuất yêu cầu các quốc gia thành viên EU chấm dứt nhập khẩu dầu thô trong vòng sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.
Bà nói, “Bây giờ chúng tôi đề nghị một lệnh cấm đối với dầu của Nga. Đây sẽ là lệnh cấm nhập cảng hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga: đường biển và đường ống, dầu thô và dầu tinh chế. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng ta loại bỏ dầu của Nga một cách có trật tự, theo cách cho phép chúng ta và các đối tác của chúng ta có được các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu.”
Các đề nghị phải được đồng thuận thông qua để có hiệu lực và có khả năng trở thành chủ đề tranh luận gay gắt. Bà von der Leyen thừa nhận rằng việc đưa toàn bộ 27 quốc gia thành viên — một số nước trong số đó không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga — đồng ý về các lệnh trừng phạt dầu mỏ “sẽ không dễ dàng”.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Điện Kremlin bác bỏ tuyên bố Tổng thống Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 09/05
Hôm thứ Tư (04/05), Điện Kremlin bác bỏ suy đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin dự định tuyên chiến với Ukraine và tuyên bố tổng động viên toàn quốc vào ngày 09/05 khi Nga kỷ niệm Ngày Chiến Thắng của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến.
Cho đến nay, ông Putin đã mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, không phải là một cuộc chiến. Nhưng các chính trị gia phương Tây và một số người theo dõi Nga đã suy đoán rằng ông có thể đang chuẩn bị cho một thông báo lớn vào thứ Hai (09/05) tới với một loạt các kịch bản có thể xảy ra, từ tuyên chiến hoàn toàn đến tuyên bố chiến thắng.
Khi được hỏi về suy đoán rằng ông Putin sẽ tuyên chiến với Ukraine vào ngày 09/05, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Không đúng đâu. Điều này thật vô lý.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Người dân Ukraine ở thành phố Mexico chờ được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ
Hôm thứ Ba (03/05), các nhà chức trách cho biết hàng trăm người tị nạn Ukraine ở Mexico đã cắm trại ở ngoài thành phố Mexico, và chờ được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Khoảng 500 người di tản Ukraine đã chờ đợi trong những chiếc lều lớn dưới cái nắng gay gắt trên một cánh đồng hoang vu ở phía đông thủ đô hoa lệ của Mexico.
Hồi cuối tháng Ba, chính phủ Hoa Kỳ cho biết rằng họ sẽ đón nhận tới 100,000 người tị nạn Ukraine trong năm nay.
Fiji: Hoa Kỳ có thể thu giữ siêu du thuyền của Nga, nhưng không phải bây giờ
Một thẩm phán ở Fiji đã ra phán quyết rằng giới chức Hoa Kỳ có thể thu giữ một siêu du thuyền Amadea trị giá 325 triệu USD thuộc sở hữu của Nga nhưng đã hoãn lệnh của ông cho đến ít nhất là thứ Sáu (06/05) trong khi các luật sư bào chữa đưa ra lời thách thức. Sau đó thẩm phán sẽ đưa quyết định xem có tiếp tục tạm giữ du thuyền này hay không.
Câu hỏi bỏ ngỏ vẫn là: nhà tài phiệt nào trong số hai ông Suleiman Kerimov và Eduard Khudainatov mới thật sự là người sở hữu Amadea, vì chỉ một trong hai người phải đối mặt với lệnh trừng phạt.
Ukraine: Nga tấn công các tuyến đường sắt trên khắp đất nước
Ông Oleksandr Kamyshin, người đứng đầu Công ty Đường sắt Quốc gia Ukraine, cho biết các cuộc không kích của Nga hôm thứ Ba (03/05) đã tấn công sáu ga đường sắt ở miền trung và miền tây của đất nước này, gây thiệt hại nặng nề.
Ít nhất 14 chuyến tàu đã phải tạm dừng vận chuyển, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Tổng thống Zelensky: 156 người di tản khỏi nhà máy thép Azovstal
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, khoảng 156 người đã di tản khỏi đống đổ nát của nhà máy thép Azovstal ở Mariupol và tới thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát vào hôm thứ Ba (03/05) sau khi ẩn náu trong các boongke dưới lòng đất vì bị Nga pháo kích trong nhiều tuần.
Tổng thống đã cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận tạm ngừng giao tranh để tạo hành lang an toàn cho thường dân lánh nạn, đồng thời công bố kế hoạch chặn xuất cảng các nguyên liệu thô sống còn đối với Nga.
Slovakia và Hungary sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga
Hôm thứ Ba (03/05), Slovakia và Hungary cho biết hai nước sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga, cho biết họ quá lệ thuộc vào những nguồn cung cấp đó và trước mắt không có giải pháp thay thế.
Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết công ty lọc dầu duy nhất của nước này, Slovnaft, không thể chuyển ngay từ dầu thô của Nga sang một loại dầu khác.
Slovakia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu của Nga mà nước này nhận được thông qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô. Hungary cũng phụ thuộc rất nhiều, trong khi các nhà nhập cảng năng lượng lớn khác như Đức cho biết họ có thể ứng phó nếu EU cấm dầu của Nga.
Tổng thống Macron yêu cầu ông Putin cho phép di tản khỏi nhà máy thép
Điện Elysee cho biết, hôm thứ Ba (03/05), trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những hậu quả từ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời nhắc lại yêu cầu ngừng bắn.
Xảy ra ba ngày sau khi ông Macron nói chuyện lần cuối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đây là lần đầu tiên tổng thống Pháp trò chuyện với ông Putin kể từ ngày 29/03 — thời điểm trước khi phát hiện ra các thi thể ở thị trấn Bucha của Ukraine.
Trong lần nói chuyện này, ông Macron đã kêu gọi nhà lãnh đạo Nga cho phép tiếp tục hoạt động di tản khỏi nhà máy thép Mariupol, phối hợp với các bộ phận nhân đạo, đồng thời cho phép người di tản lựa chọn điểm đến của mình theo luật quốc tế.
Vì quan tâm đến an ninh lương thực thế giới, ông Macron cho biết ông sẵn sàng làm việc với các tổ chức quốc tế nhằm giúp tìm cách dỡ bỏ lệnh phong tỏa của Nga đối với xuất cảng lương thực qua Biển Đen.
Thống đốc Donetsk: Cuộc tấn công ở miền đông Ukraine khiến 10 người thiệt mạng, 15 người bị thương
Thống đốc khu vực Donetsk cho biết, hôm thứ Ba (03/05) quân đội Nga đã nã pháo vào một nhà máy hóa chất ở Avdiivka, một thành phố ở miền đông Ukraine, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Ông Pavlo Kyrylenko viết trong một bài đăng trên Telegram: “Người Nga biết chính xác nơi cần nhắm — các công nhân vừa tan ca làm việc và đang đợi xe buýt tại một trạm xe buýt để về nhà. Một tội ác bất cần đạo lý khác của người Nga trên đất của chúng tôi.”
Nga cho biết họ đã oanh tạc vào vũ khí của Mỹ và Âu Châu gần Odesa của Ukraine
Nga đã tấn công một phi trường quân sự gần thành phố Odesa, phía tây nam của Ukraine bằng hỏa tiễn, phá hủy phi cơ không người lái, hỏa tiễn và đạn dược mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh Âu Châu đã cung cấp cho Ukraine, Bộ Quốc phòng nước này cho biết hôm thứ Ba (03/05).
RIA: Nga cho biết nước này bắt đầu oanh tạc nhà máy Azovstal sau khi Ukraine lợi dụng lệnh ngừng bắn
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Nga bắt đầu pháo kích và nã bom vào nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine sau khi các binh sĩ Ukraine sử dụng lệnh ngừng bắn để tiến vào các vị trí khai hỏa ở đó.
Bộ cho biết: “Hiện các đơn vị của quân đội Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk, sử dụng pháo binh và hàng không, đang bắt đầu phá hủy các vị trí khai hỏa này.”
Nga bắn hỏa tiễn ở Mariupol
Quân đội Nga đã bắn hỏa tiễn vào một nhà máy thép ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine và khói dày đặc phủ đen bầu trời tại nhà máy. Hôm thứ Ba (03/05), các quan chức cho biết 200 dân thường đã bị mắc kẹt mặc dù quá trình di tản đang diễn ra.
Cùng ngày, Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ hoàn tất lệnh cấm mua dầu Nga trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động chiến tranh của Moscow.
Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét một gói viện trợ quân sự trị giá 33 tỷ USD và Vương quốc Anh trong tuần này đã tuyên bố sẽ hỗ trợ quốc phòng thêm 375 triệu USD cho Ukraine.
Nga cáo buộc Israel liên tục ủng hộ Tân Quốc Xã ở Ukraine
Theo Reuters, hôm thứ Ba (03/05), Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Israel ủng hộ chủ nghĩa phát xít mới (Tân Quốc Xã) ở Ukraine. Bình luận này của Moscow được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông Adolf Hitler có nguồn gốc Do Thái.
Hôm 02/05, Israel đã chỉ trích ông Lavrov, nói rằng tuyên bố của ông Lavrov — được đưa ra khi nói về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người Do Thái — là một sự giả dối “không thể tha thứ”.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng bình luận của Ngoại trưởng Israel Yair Lapid là “đi ngược lại lịch sử” và “cho thấy nguyên cớ rõ rằng tại sao chính phủ Israel hiện tại lại ủng hộ chế độ Tân Quốc Xã ở Kyiv.”
Israel đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai.
Thủ tướng Đức: Đừng tưởng rằng ông Putin sẽ không tấn công các nước khác
Hôm thứ Ba (03/05), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, không ai có thể giả định rằng Nga sẽ không tấn công các nước khác vì nước này đã vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine, và Đức sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển nếu hai nước quyết định gia nhập NATO.
Ông Scholz cho biết trong một tuyên bố trước giới truyền thông có sự tham gia của thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và thủ tướng Phần Lan Sanna Marin rằng, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã phá vỡ trật tự sau Đệ nhị Thế chiến và đang buộc Âu Châu phải củng cố chiến lược quốc phòng của mình.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã xem xét việc đăng ký làm thành viên của khối liên minh quân sự NATO, điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi chính sách lớn đối với khu vực Bắc Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn khác với tạp chí Stern, ông Scholz được trích dẫn nói rằng chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chủ nghĩa đế quốc và ông Putin coi các nước láng giềng là sân sau của Nga.
Ông Scholz nói, ông Putin dường như muốn chiếm một phần miền đông và miền nam Ukraine, thiết lập một đường dây liên lạc mới ở đó mà cuối cùng sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn.
Quý vị muốn liên lạc với CIA từ Nga? Mời lên Darknet
CIA cho biết những người Nga không hài lòng về cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin có thể đang cố gắng liên lạc với tình báo Hoa Kỳ — và họ muốn những người này lên darknet.
CIA hôm thứ Hai (02/05) đã bắt đầu một nỗ lực mới để tăng cường sự hiện diện của mình trên darknet — một phần của internet chỉ có thể truy cập được bằng các công cụ chuyên biệt cung cấp thêm tính ẩn danh. CIA có một trang darknet có các tính năng tương tự như trang chủ thông thường của họ nhưng chỉ có thể truy cập được thông qua trình duyệt Tor, với các tính năng mã hóa không có trên hầu hết các trình duyệt thông thường.
Hướng dẫn bằng tiếng Anh và tiếng Nga về cách truy cập trang darknet đã xuất hiện hôm thứ Hai (02/05) trên các kênh truyền thông xã hội của CIA.
Cơ quan này hy vọng những người Nga sống ở ngoại quốc có thể chia sẻ hướng dẫn với người quen của mình trong nước.
“Sứ mệnh toàn cầu của chúng tôi đòi hỏi rằng các cá nhân có thể liên lạc với chúng tôi một cách an toàn từ bất kỳ đâu,” cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
Nga trả đũa ‘các quốc gia không thân thiện’
Hôm thứ Ba (03/05), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành một gói các biện pháp kinh tế để trả đũa các lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng đối với Moscow.
Được công bố trên trang web của Điện Kremlin, nghị định mới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga, và được thông qua “liên quan đến các hành động không thân thiện của Hoa Kỳ và các đồng minh vốn vi phạm luật pháp quốc tế và nhằm tước đoạt tài sản của Liên bang Nga và các pháp nhân Nga một cách bất hợp pháp.”
Ông Putin đã cho Nội các Bộ trưởng 10 ngày để xác định danh sách những người sẽ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa này.
Các biện pháp mới cấm các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân “thực hiện các giao dịch (bao gồm cả việc ký kết hợp đồng ngoại thương) với các pháp nhân, cá nhân, và tổ chức” trong danh sách đen mới.
Nghị định cũng cấm xuất cảng các sản phẩm và nguyên liệu thô cho những người bị xử phạt.
Đại sứ Ukraine: Thủ tướng Đức là ‘một kẻ thua cuộc cay cú’
Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk đã mô tả thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz, là một “một kẻ thua cuộc cay cú” vì ông từ chối đến thăm Kyiv sau khi chính phủ Ukraine không chịu tiếp đón Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào giữa tháng Tư.
(Dịch giả: Nguyên văn tiếng Đức là “beleidigte Leberwurst”, nghĩa đen là “cây xúc xích gan bị xúc phạm”, một cách nói ví von hình tượng tương tự như “sore loser” trong tiếng Anh khi ai đó thua cuộc tranh luận và giận dỗi cay cú).
Nói với hãng thông tấn DPA của Đức hôm thứ Ba (03/05), ông Melnyk cho biết: “Vào vai một kẻ thua cuộc cay cú dường như nghe không giống với một nguyên thủ quốc gia cho lắm.” Ông cho biết thêm, “Chúng ta đang nói về cuộc chiến tranh tiêu diệt tàn bạo nhất kể từ cuộc tấn công của Đức Quốc Xã vào Ukraine, đây không phải là trường mầm non.”
Tuy nhiên, quan chức Ukraine lưu ý rằng nhận xét của ông không có nghĩa là Thủ tướng Scholz không được chào đón ở Kyiv. Mặc dù vậy, vượt ra “những chuyến thăm mang tính biểu tượng”, ông Melnyk nói Ukraine sẽ đánh giá cao việc Đức “áp dụng kiến nghị của Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức) về việc cung cấp vũ khí hạng nặng và thực hiện những lời hứa trước đó.”
Nhà ngoại giao này cũng chỉ trích Berlin vì không cung cấp đạn dược cho pháo phòng không tự hành Gepard mà Đức cam kết sẽ chuyển đến Ukraine vào cuối tháng Tư. Những chiếc xe này sẽ là lô vũ khí hạng nặng đầu tiên mà Berlin cung cấp cho Kyiv kể từ khi Nga tiến hành xâm lược vào ngày 24/02.
Nhận xét “kẻ thua cuộc cay cú” của ông Melnyk được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Scholz nói với kênh truyền hình ZDF của Đức rằng việc Ukraine từ chối tiếp Tổng thống Steinmeier vào ngày 13/04 đã ngăn trở một chuyến thăm tiềm năng của chính ông tới Kyiv. Ông Scholz mô tả vụ việc là một “biến cố đáng chú ý”, khi chỉ ra rằng ông Steinmeier đã được bầu lại làm tổng thống vào tháng Hai và nhận được sự ủng hộ từ đại đa số các nghị sĩ Đức tại thời điểm đó.
Thủ tướng Đức cho biết không thể có chuyện Đức cung cấp “quá nhiều hỗ trợ quân sự, quá nhiều hỗ trợ tài chính” như thế cho Ukraine để rồi sau đó bị thông báo rằng tổng thống không thể đến thăm.
Việc đẩy mạnh vũ trang cho Ukraine gây áp lực lên kho dự trữ vũ khí của Hoa Kỳ
Các phi cơ cất cánh gần như hàng ngày từ Căn cứ Không quân Dover ở Delaware — những chiếc C-17 chất đầy hỏa tiễn Javelin, Stinger, lựu pháo và các vật liệu khác đang hối hả tới Đông Âu để tiếp tế cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
Tác động thay đổi cuộc chơi của những vũ khí kể trên chính là điều mà Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ nhấn mạnh khi ông đến thăm nhà máy Lockheed Martin ở Alabama hôm thứ Ba (04/05), nơi chế tạo hỏa tiễn chống tăng Javelin cơ động có đóng vai trò quan trọng ở Ukraine.
Nhưng chuyến thăm của ông Biden cũng đang thu hút sự chú ý đến một mối quan tâm ngày càng gia tăng khi chiến tranh kéo dài thêm: Hoa Kỳ có thể duy trì nhịp độ vận chuyển một lượng lớn vũ khí đến Ukraine trong khi giữ kho dự trữ lành mạnh mà Hoa Kỳ có thể cần nếu một cuộc xung đột mới nổ ra với Bắc Hàn, Iran, hoặc các nước khác?
Theo phân tích của ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 7,000 hỏa tiễn Javelin, hay khoảng ⅓ kho dự trữ cho Ukraine, với một phần trong số đó được giao dưới thời chính phủ ông Trump. Chính phủ ông Biden cho biết họ đã cam kết gửi khoảng 5,500 đến Ukraine kể từ khi Nga xâm lược hơn hai tháng trước.
Các nhà phân tích cũng ước tính rằng Hoa Kỳ đã gửi khoảng ¼ kho dự trữ hỏa tiễn vác vai Stinger cho Ukraine. Giám đốc điều hành Raytheon Technologies Greg Hayes đã nói với các nhà đầu tư vào tuần trước trong một cuộc họp hàng quý rằng công ty của ông sẽ không thể tăng cường sản xuất hỏa tiễn này cho đến năm sau do thiếu linh kiện.
“Điều này có thể là một vấn đề không? Câu trả lời ngắn gọn là, ‘Có thể, có đấy,’” ông Cancian cho biết. Ông nói rằng Stinger và Javelin là hai loại hỏa tiễn có nhiều vấn đề nhất về hàng tồn kho và việc sản xuất cả hai hệ thống vũ khí này đã bị hạn chế trong những năm gần đây.
Cuộc xâm lược của Nga mang lại cho Hoa Kỳ và ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu cơ hội lớn để tăng lợi nhuận vì các nhà lập pháp từ Hoa Thịnh Đốn đến Warsaw đều sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, các nhà thầu quốc phòng phải đối mặt với những thách thức về chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động giống như các nhà sản xuất ở các ngành khác đang phải đối mặt, cùng với một số vấn đề khác có trong ngành.
Các quan chức Ngũ Giác Đài gần đây đã ngồi lại với một số nhà thầu quốc phòng hàng đầu, bao gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, General Dynamics, BAE Systems, và Northrop Grumman để thảo luận về nỗ lực tăng cường sản xuất.
Thủ tướng Đức: Các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Nga ký kết thỏa thuận hòa bình với Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Moscow đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Ông cho biết thêm, các điều khoản thỏa thuận này là do Ukraine quyết định.
Trong một cuộc phỏng vấn với ZDF được phát sóng hôm thứ Hai (02/05), Thủ tướng Scholz cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tính toán sai lầm nếu ông cho rằng mình có thể giành được lãnh thổ từ Ukraine, tuyên bố chấm dứt các hành động thù địch, rồi chứng kiến các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Ông Scholz nói: “Ông ấy chưa suy nghĩ thấu đáo về chiến dịch ở Ukraine của mình. Ông ấy không nghĩ Ukraine sẽ kháng cự như vậy. Ông ấy không nghĩ rằng chúng ta sẽ ủng hộ họ cầm cự được lâu như vậy. … Chúng ta sẽ không rút lại các lệnh trừng phạt trừ khi ông ấy đạt được thỏa thuận với Ukraine, và ông ấy sẽ không đạt được điều đó với một nền hòa bình do mệnh lệnh.”
Ông cũng cho biết Đức sẽ không chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea. “Đó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế… điều đó vẫn đúng,” ông nói.
Ông Scholz bác bỏ những lời chỉ trích rằng ban đầu ông quá do dự trong việc gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, và những lời chỉ trích sau đó từ những người theo chủ nghĩa hòa bình sau khi Đức tuần trước tuyên bố giao xe tăng phòng không “Gepard” cho Ukraine.
“Thật vô ích khi làm điều gì đó chỉ vì ai đó la ó hoặc không làm điều gì đó vì ai đó la ó,” ông Scholz nói và cho biết thêm rằng bảo vệ đất nước và giữ gìn hòa bình là nghĩa vụ của ông với tư cách là thủ tướng.
Quan chức Hoa Kỳ: Nga lên kế hoạch sáp nhập các phần miền đông Ukraine vào giữa tháng Năm
Trích dẫn các báo cáo “rất đáng tin cậy”, một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã cảnh báo hôm thứ Hai (02/05) rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có kế hoạch sáp nhập phần lớn miền đông Ukraine vào cuối tháng này.
Ông Michael Carpenter, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OSCE), cho biết trong một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ lo ngại về các ý định chính trị của Nga ở Ukraine, đặc biệt là những ý định về miền nam và miền đông.
Ông Carpenter nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là các lực lượng của Nga đang tái tập hợp và chuyển trọng tâm nỗ lực của họ vào miền nam và miền đông của Ukraine, và khi chúng tôi xem xét kế hoạch của Nga, kế hoạch này cũng đang được chuyển trọng tâm vào miền đông và miền nam của Ukraine.”
Bộ trưởng ‘xanh’: Các công ty Ý nên được phép mua khí đốt bằng đồng rúp
Hôm thứ Hai (02/05), Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Ý Roberto Cingolani nói với Politico rằng các công ty Ý nên “tiếp tục và thanh toán bằng đồng rúp” cho khí đốt của Nga, như Moscow đã yêu cầu. Mặc dù bộ của ông sau đó nói rằng cơ quan này không ủng hộ một hành động như vậy, nhưng 10 quốc gia EU được cho là đang có kế hoạch làm điều tương tự.
“Tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ là tốt khi cho phép các công ty tiếp tục và thanh toán bằng đồng rúp trong vài tháng, mặc dù chúng tôi hiểu khuôn khổ pháp lý và các tác động,” ông Cingolani nói và cho biết thêm rằng ông muốn “một tuyên bố nhanh chóng và rất rõ ràng từ Ủy ban Âu Châu” về việc liệu một thỏa thuận như vậy có vi phạm các lệnh trừng phạt của EU hay không.
Ngay sau đó, bộ của ông Cingolani đã ra một tuyên bố nói rằng bộ trưởng “chưa bao giờ cởi mở với việc thanh toán bằng đồng rúp.”
Tuy nhiên, Ý phụ thuộc vào Nga cho khoảng 40% lượng khí đốt nhập cảng của mình, và ông Cingolani nói rằng mặc dù các công ty dầu khí “không thể mạo hiểm” thanh toán và vi phạm các lệnh trừng phạt, nhưng họ cũng “không thể mạo hiểm… không thanh toán” cho đến khi các hợp đồng khí đốt được ký kết gần đây với các quốc gia Phi Châu có hiệu lực.
Ukraine tuyên bố Hungary có ý đồ với lãnh thổ của mình
Budapest đã được thông báo trước về cuộc tấn công của Nga và hy vọng sẽ chiếm được một phần lãnh thổ của Ukraine cho mình, một quan chức hàng đầu của chính phủ Kyiv tuyên bố hôm thứ Hai (02/05), nói thêm rằng sẽ có “những hậu quả” đối với Hungary. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban được thêm vào cơ sở dữ liệu danh sách những kẻ thù của chính phủ Ukraine.
Hungary “công khai nói về sự hợp tác của mình với Nga. Hơn thế nữa, [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã cảnh báo sớm cho nước này rằng nước ta sẽ bị tấn công,” ông Alexey Danilov, thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC), cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền thông hôm thứ Hai (02/05). Ông đang trả lời câu hỏi liệu Hungary có thể chặn việc Ukraine gia nhập NATO hay không.
“Hungary nghĩ rằng họ có thể chiếm một phần lãnh thổ,” ông Danilov nói thêm. “Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về chúng ta. Và về Hungary, quốc gia đã hành xử theo cách này, chúng ta sẽ xem những hậu quả sẽ như thế nào đối với đất nước này.”
Đây có lẽ là một ám chỉ đến Zakarpatsk — một khu vực ở miền tây Ukraine với khoảng 150,000 cư dân gốc Hungary — từng là vấn đề tranh chấp giữa Cộng hòa Séc, Hungary, và Liên Xô trong suốt thế kỷ 20.
RIA: EU nhắm tới việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga tại cuộc họp Hội đồng Ngoại giao tiếp theo
Liên minh Âu Châu hy vọng sẽ thông qua vòng trừng phạt thứ sáu chống lại Nga tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Ngoại giao EU, nhà ngoại giao của khối cho biết hôm thứ Hai (02/05).
Ông Josep Borrell nói trong một cuộc họp báo tại thành phố Panama, nơi ông đang có chuyến thăm chính thức, rằng khối hy vọng sẽ hạn chế năng lượng xuất cảng từ Nga như một phần trong nỗ lực trừng phạt Moscow về cuộc xâm lược Ukraine.
Ủy ban Âu Châu, cơ quan hành pháp của liên minh, dự kiến sẽ đề nghị gói trừng phạt EU trong tuần này, trong đó có một lệnh cấm vận tiềm năng đối với việc mua dầu của Nga.
Ông Borrell, người chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao, cho biết ông hy vọng EU sẽ có thể thực hiện “các biện pháp để hạn chế đáng kể lượng nhập cảng này”, nhưng thừa nhận cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào từ tất cả các thành viên.
“Nhưng tôi tin tưởng rằng, ít nhất là liên quan đến nhập cảng dầu, thỏa thuận này sẽ có thể thực hiện được từ nay đến cuộc họp Hội đồng tiếp theo,” ông nói thêm.
Hội đồng có các cuộc họp dự kiến vào ngày 10/05 và 16/05 vào cuối tháng này.
Văn phòng Tổng thống: 3 thường dân bị sát hại trong cuộc tấn công của Nga tại Vuhledar ở miền đông Ukraine
Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết, hôm thứ Ba (03/05) ít nhất ba thường dân đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Nga vào thành phố Vuhledar ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.
Họ cho biết, một số khu vực khác của Donetsk đang chìm trong biển lửa và chính quyền khu vực đang cố gắng di tản dân thường khỏi các khu vực chiến tuyến.
Anh cam kết viện trợ quân sự thêm 375 triệu USD cho Ukraine
Hôm thứ Hai (02/05), Anh cho biết họ sẽ cung cấp thêm 375 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có thiết bị tác chiến điện tử và hệ thống radar phòng thủ phản lực, ngoài khoản viện trợ khoảng 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD) tính đến nay.
Anh đã gửi cho Ukraine hơn 5,000 hỏa tiễn chống tăng và năm hệ thống phòng không cũng như các loại đạn dược và chất nổ khác kể từ khi Nga tiến hành xâm lược.
Theo văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson, bên cạnh các trang thiết bị khác, London sẽ cung cấp thiết bị nhìn đêm, công cụ gây nhiễu định vị vệ tinh, phi cơ không người lái hạng nặng cho quân đội Ukraine và xe thiết giáp cho các quan chức dân sự.
Tính đến nay, Hoa Kỳ đã cung cấp 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, và tuần trước Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ thông qua thêm hơn 20 tỷ USD viện trợ quân sự.
Dù Anh đã cung cấp khoản viện trợ quân sự đáng kể, nhưng cho đến nay nước này vẫn chấp nhận một lượng tương đối ít trong số hơn 5 triệu người di tản Ukraine. Tính tới tuần trước, chính phủ Anh đã cấp 86,100 thị thực cho người Ukraine, trong đó 27,100 người đã đến Anh.
Quan chức an ninh hàng đầu của Ukraine tiết lộ lập trường trong đàm phán hòa bình
Hôm thứ Hai (02/05), trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình của Ukraine, ông Alexey Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC) — khi được hỏi về những bảo đảm an ninh cho Kyiv và thỏa thuận hòa bình với Nga — đã phản hồi rằng, với Nga, Ukraine chỉ ký kết duy nhất một thỏa thuận, đó là sự đầu hàng của Nga.
Lưu ý rằng văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang phụ trách các cuộc đàm phán chứ không phải là NSDC, vị quan chức Ukraine này cho biết, “Chúng tôi có lập trường riêng của mình. Tổng thống hiểu lập trường của tôi về vấn đề này.” Ông cho hay ông tin là Tổng thống Zelensky sẽ không vi phạm Hiến Pháp Ukraine, vốn bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mong muốn gia nhập NATO.
Cùng ngày, cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Alexey Arestovich đã lặp lại nhận định của ông Danilov rằng: “Tuyên bố là rất dễ hiểu: Sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào với Nga mà thay vào đó chỉ có sự đầu hàng của Liên bang Nga.”
TASS: Hơn 1 triệu người Ukraine được đưa đến Nga
Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, hôm thứ Hai (02/05), Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 1 triệu người, trong đó có gần 200,000 trẻ em, đã được đưa từ Ukraine sang Nga kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.
Trong suốt cuộc chiến này, Ukraine đã cáo buộc quân đội của Moscow đưa dân thường Ukraine đến Nga hoặc các khu vực do Nga kiểm soát trái với ý nguyện của họ. Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc này.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với kênh truyền hình quốc gia Hy Lạp ERT, cho biết nửa triệu người Ukraine đã “bị đưa đến Nga hoặc những nơi khác bất hợp pháp, trái với ý muốn của họ.”
Moscow: Hàng nghìn người được đưa từ Ukraine sang Nga, trong đó có 1,847 trẻ em
Hôm thứ Hai (02/05), Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 11,500 người, bao gồm 1,847 trẻ em, đã được đưa từ Ukraine sang Nga mà không có sự tham gia của chính phủ Kyiv.
Con số đó bao gồm các cuộc di tản khỏi các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở Ukraine, cái gọi là nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, được Nga công nhận là độc lập ngay trước khi tiến hành cuộc xâm lược của mình.
Cũng trong cùng ngày, những thường dân đầu tiên di tản khỏi nhà máy thép Mariupol đã đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine nắm giữ, trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế phối hợp với Ukraine và Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết kể từ ngày 24/02, gần 200,000 trẻ em và 1.1 triệu người đã được di tản từ Ukraine sang Nga.
Thống đốc: Nga tấn công hỏa tiễn vào thành phố cảng Odesa
Các nhà chức trách cho biết tối thứ Hai (02/05), Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào thành phố cảng Odesa ở Biển Đen.
Ông Maksym Marchenko, thống đốc khu vực Odesa ở tây nam Ukraine, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng cuộc tấn công đã khiến nhiều người thiệt mang và bị thương, nhưng không nói rõ con số cụ thể.
Ông nói thêm rằng một cơ sở hạ tầng đã bị tấn công mà không nêu rõ về nơi đó. Các chi tiết khác chưa được công bố.
Nguyên thủ của một nước thành viên EU đã được thêm vào ‘danh sách kẻ thù’ của Ukraine
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bị thêm vào Mirotvorets (Người Mang Lại Hòa Bình), được thành lập năm 2014, một cơ sở dữ liệu trực tuyến được coi như danh sách đen những người bị xem là kẻ thù của Ukraine, cụ thể là “những kẻ khủng bố thân Nga, những kẻ ly khai, lính đánh thuê, tội phạm chiến tranh, và những kẻ sát nhân.” Trang web này gọi ông Orban là “đồng phạm của các tội phạm chiến tranh Nga” và “nhà tuyên truyền chống Ukraine”.
Trang web này đề cập rằng Thủ tướng Hungary từ chối ủng hộ lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga, cùng những điều khác. Ông cũng đi ngược lại với EU khi từ chối gửi vũ khí cho Ukraine hoặc cho phép vận chuyển vũ khí nước ngoài đến Ukraine qua lãnh thổ Hungary.
Ông Zelensky đã nêu tên Hungary trong cuộc trò chuyện video với Hội đồng Âu Châu hồi tháng Ba. “Ông phải tự quyết định xem ông đứng về phía ai … Nghe này, Viktor, ông có biết chuyện gì đang xảy ra ở Mariupol không?” ông Zelensky nói.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips, Lorenz Duchamps, The Associated Press, và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt lược dịch
Xem thêm: