[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 13-15/04/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 13-15/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 10-12/04/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Soái hạm Nga bị hư hỏng nặng chìm sau vụ nổ
Bộ Quốc phòng Nga thông báo soái hạm của Nga ở Biển Đen bị chìm hôm thứ Năm (14/05), sau khi phía Ukraine cho rằng đó là một cuộc tấn công hỏa tiễn và Nga mô tả đó là một vụ nổ đạn dược trên tàu.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc tổn thất tàu Moskva, kỳ hạm trong hạm đội Biển Đen của Nga, đã xảy ra khi tàu đang được đậu tại cảng trong thời tiết mưa bão.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết thủy thủ đoàn gồm hơn 500 người trên tàu tuần dương hỏa tiễn thời Liên Xô này đã được di tản sau khi kho đạn phát nổ. Họ không thừa nhận một cuộc tấn công và cho biết vụ việc đang được điều tra.
Ukraine cho biết họ đã bắn trúng tàu chiến này bằng hỏa tiễn chống hạm Hải Vương (Neptune) do Ukraine sản xuất.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết hôm thứ Năm (14/05) rằng Hoa Kỳ không thể xác nhận tuyên bố của Ukraine về việc tấn công soái hạm này. Tuy nhiên, ông vẫn gọi đó là “một tổn thất lớn đối với nước Nga.”
Pháp chuyển đại sứ quán Pháp tại Ukraine về Kyiv
Pháp sẽ “rất sớm” chuyển đại sứ quán của mình ở Ukraine từ thành phố phía tây Lviv về thủ đô Kyiv, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba trong một cuộc điện đàm.
Đại sứ quán Pháp đã được chuyển đến Lviv vào đầu tháng Ba khi tình trạng tồi tệ hơn sau khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, tuyên bố của Bộ cho biết.
Cố vấn Jake Sullivan: Hoa Kỳ không có kế hoạch trả lại tài sản Nga đã bị tịch thu
Hôm thứ Năm (14/05), Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Hoa Thịnh Đốn không có kế hoạch trả lại các tài sản bị tịch thu từ các doanh nhân Nga như một phần của các lệnh trừng phạt mới nhất áp đặt lên Moscow vì hoạt động quân sự ở Ukraine.
“Mục tiêu của chúng tôi là không trả lại chúng,” ông Sullivan nói tại Câu lạc bộ Kinh tế của Hoa Thịnh Đốn, đồng thời nói thêm rằng các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ sử dụng tài sản bị tịch thu “theo cách tốt hơn”.
“Chúng tôi có những cơ quan có thẩm quyền và có những cơ quan có thẩm quyền hơn nữa mà chúng tôi có thể phát triển, và đó là điều mà chúng tôi đang tích cực xem xét,” quan chức này nói thêm.
Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một số vòng trừng phạt đối với Moscow kể từ ngày 24/02, khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu. Như một phần của hình phạt, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã tịch thu các tài sản ngoại quốc của Nga cùng với những tài sản thuộc các doanh nghiệp và cá nhân nổi tiếng của nước này.
Ông cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị những nỗ lực mới để ngăn chặn hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một số thông báo trong một hoặc hai tuần tới để xác định các mục tiêu đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trốn tránh đó ở cả trong và ngoài nước,” ông Sullivan nói nhưng không cho biết chi tiết.
Đức cho biết họ phải chọn vũ khí để gửi cho Ukraine
Đức phải làm “mọi thứ” để hỗ trợ Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là gửi bất kỳ vũ khí nào mà nước này có trong kho đến Kyiv, bà Eva Hoegl, ủy viên phụ trách các Lực lượng Vũ trang của Quốc hội Đức, nói với tờ Handelsblatt hôm thứ Tư (13/04).
Bà Hoegl tin rằng Berlin đã làm “nhiều hơn những gì được đề nghị trong cuộc tranh luận công khai” khi nói đến viện trợ quân sự cho Ukraine. “Mọi thứ phải được thực hiện để hỗ trợ họ,” bà nói thêm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Berlin nên tự do cho đi bất cứ thứ gì họ có trong kho vì điều đó sẽ không hợp lý, ủy viên này lập luận.
Để đưa ra các quyết định “có trách nhiệm”, các nhà chức trách Đức trước tiên phải xem xét những gì Ukraine có thể sử dụng một cách hiệu quả, bà Hoegl nói. Bà giải thích: “Chúng tôi không thể chỉ giao mọi thứ mà một công ty [Đức] có ở sân sau của mình như những chiếc xe chiến đấu bộ binh Marder 50 năm tuổi,” bà giải thích và nói thêm rằng bà tin rằng chính phủ và Hội đồng An ninh Liên bang sẽ tìm hiểu tất cả các phương án hợp lý khả thi.
Trước đó vào cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài phát thanh RBB rằng Berlin đã làm đủ để hỗ trợ Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Đức sẽ không gửi bất kỳ vũ khí nào đến Ukraine cần sự hiện diện của Đức trên đất Ukraine.
Tổng thống Putin: Các quốc gia phương Tây ‘không thân thiện’ đang trì hoãn thanh toán cho năng lượng cho Nga
Hôm thứ Năm (14/05), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một số quốc gia phương Tây đang không thanh toán đúng hạn cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
“Các ngân hàng từ hầu hết các quốc gia ‘không thân thiện’ đang trì hoãn việc chuyển các khoản thanh toán,” người đứng đầu nhà nước nói.
Theo ông Putin, những nỗ lực của phương Tây nhằm loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Ông cho biết thêm rằng hiện tại không có nguồn thay thế hợp lý nào cho khí đốt của Nga ở Âu Châu.
“Ban đầu, các chuyên gia và nhà phân tích nghiêm túc đã cảnh báo và nói công khai rằng một quá trình chuyển đổi xanh được tăng tốc sẽ không thể thực hiện trong thực tế nếu không có chi phí lớn. Đây là cách mọi thứ đã diễn ra trong thực tế,” ông nói. “Và bây giờ có một lý do tuyệt vời để che đậy những tính toán sai lầm của chính họ và đổ lỗi mọi thứ lên Nga.”
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng nhiệm vụ đã được đặt ra là chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các khoản thanh toán cho năng lượng và dần dần rời xa đồng dollar và đồng euro.
“Nhìn chung, chúng tôi dự định tăng mạnh tỷ trọng thanh toán bằng đồng tiền quốc gia trong ngoại thương. Và nhiệm vụ quan trọng ở đây là chuẩn bị cho thị trường ngoại hối của chúng tôi cho một quá trình chuyển đổi như vậy, vì vậy bất kỳ loại ngoại tệ nào cũng có thể tự do và với số lượng bắt buộc được đổi sang đồng rúp của Nga.”
Nga cho biết trực thăng Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga
Nga đã tuyên bố rằng hai trực thăng của Ukraine đã tấn công vào làng biên giới Klimovo ở Vùng Bryansk hôm thứ Năm (14/05), khiến bảy người bị thương. Trước đó, thống đốc khu vực đã cho rằng vụ việc do quân đội Ukraine gây ra.
Ủy ban điều tra của Nga đã công bố thông tin cập nhật về vụ tấn công, cho biết họ đang coi vụ việc là một âm mưu tội phạm. Tuyên bố của họ cho biết hai trực thăng tấn công của quân đội Ukraine đã đi vào không phận Nga vào khoảng giữa trưa theo giờ địa phương, bay ở độ cao thấp.
Tuyên bố cho biết hai chiếc trực thăng này đã bắn vũ khí hạng nặng vào ngôi làng, thực hiện ít nhất sáu cuộc tấn công vào các tòa nhà dân cư. Các nhà điều tra cho biết có bảy người bị thương và sáu ngôi nhà đã bị hư hại trong vụ tấn công.
Bộ trưởng Yellen chỉ trích lập trường của Trung Quốc trong chiến tranh Nga-Ukraine
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã chỉ trích Trung Quốc về lập trường không rõ ràng của họ đối với cuộc chiến của Nga vào Ukraine trong những nhận xét khi bà vạch ra một “con đường phía trước” cho nền kinh tế toàn cầu.
Gần đây, Bắc Kinh khẳng định có “mối quan hệ đặc biệt” với Nga mà bà Yellen hy vọng có thể đóng một vai trò nào đó trong việc chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra, theo một thông cáo báo chí hôm 13/04. Trong tương lai, sẽ ngày càng “khó” để tách các vấn đề kinh tế khỏi các vấn đề như an ninh quốc gia.
Thái độ của thế giới đối với quốc gia này và sự sẵn lòng “ủng hộ việc tiếp tục hội nhập kinh tế” có thể bị ảnh hưởng bởi cách Trung Quốc phản ứng trước lời kêu gọi của Hoa Thịnh Đốn về “hành động kiên quyết” chống lại Nga.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Putin cảnh báo về việc loại bỏ dần khí đốt của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các nỗ lực của các nước phương Tây nhằm loại bỏ dần việc nhập cảng khí đốt từ Nga sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của họ.
Hôm thứ Năm (14/05), ông Putin cho biết những nỗ lực của Âu Châu nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho các lô hàng khí đốt của Nga sẽ là “khá khó khăn đối với những người khởi xướng các chính sách như vậy.”
Ông lập luận rằng “đơn giản là lúc này không có nguồn thay thế hợp lý cho những lô hàng này ở Âu Châu.”
Ông Putin lưu ý rằng “nguồn cung cấp từ các nước khác có thể được gửi đến Âu Châu, chủ yếu từ Hoa Kỳ, sẽ khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhiều lần.” Ông nói thêm rằng việc đó sẽ “ảnh hưởng đến mức sống của mọi người và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Âu Châu.”
Liên minh Âu Châu phụ thuộc vào Nga cho 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu của mình.
Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với gần 400 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ
Hôm thứ Tư (14/04), Nga thông báo rằng họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với gần 400 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ để trả đũa một hành động tương tự của Hoa Thịnh Đốn đối với hơn 300 nhà lập pháp Nga vào tháng trước.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 13/04 rằng “các biện pháp trừng phạt đối ứng” đối với 398 thành viên bao gồm “giới lãnh đạo và các chủ tịch ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ.”
Tuyên bố trên được đưa ra nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào 328 thành viên của Duma Quốc gia Nga, hoặc Hạ viện Nga, gồm 450 ghế, hôm 24/03. Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt sau khi cuộc chiến đang nổ ra ở Ukraine, mà Moscow gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga cho biết soái hạm bị hư hại nặng sẽ được kéo về cảng, khi Ukraine tuyên bố tàu bị trúng hỏa tiễn
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ hỏa hoạn tại tàu tuần dương Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga, đã được kiểm soát. Họ cho biết con tàu vẫn còn nổi và sẽ được kéo về cảng.
Bộ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (14/05) rằng không còn vụ khai hỏa nào vào con tàu nữa và các vụ nổ kho đạn dược đã ngừng. “Các vũ khí hỏa tiễn chính không bị hư hại,” tuyên bố cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng con tàu đã bị chìm, đồng thời cho rằng đây là một “sự ô nhục” đối với các lực lượng của Moscow. Chúng tôi hiện không thể xác minh ngay những nhận xét trái chiều này.
Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng thủy thủ đoàn gồm 510 người đã ở trên tàu tuần dương Moskva khi nó bị chìm ở Biển Đen, sau thiệt hại nghiêm trọng từ một cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine.
Nhà phân tích quân sự Oleg Zhdanov cho biết việc tàu Moskva bị hư hại đã nâng cao sĩ khí của quân đội Ukraine trước một đợt tấn công mới của Nga ở Donbas.
Vào sáng sớm hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết con tàu bị “thiệt hại nghiêm trọng” sau khi đạn của nó phát nổ “do hỏa hoạn”. Bộ không coi vụ nổ là một cuộc tấn công hỏa tiễn.
7 người bị thương trong vụ pháo kích xuyên biên giới từ Ukraine
Các quan chức Nga cho biết 7 người, bao gồm một thai phụ và một trẻ em, đã bị thương hôm thứ Năm (14/05) trong một cuộc pháo kích nhằm vào một ngôi làng ở Nga nằm sát biên giới với Ukraine. Một cuộc tấn công khác nhắm vào một cửa biên giới gần đó đã được lính biên phòng báo cáo.
Vụ việc đầu tiên xảy ra tại làng Klimovo ở Vùng Bryansk của Nga, cách biên giới khoảng 10 km (6 dặm) về phía bắc. Thống đốc Aleksandr Bogomaz cho biết, đạn của quân đội Ukraine đã bắn trúng các tòa nhà dân cư.
Các quan chức y tế thông báo có 7 người bị thương trong vụ việc này. Danh sách các nạn nhân được truyền thông Nga công bố cho biết một cậu bé 2 tuổi, một phụ nữ 74 tuổi và một người đàn ông 35 tuổi bị thương nặng trong vụ pháo kích. Thông tin cập nhật sau đó của Bộ Y tế cho biết vết thương của đứa trẻ là vừa phải chứ không nghiêm trọng. Người mẹ mang thai 25 tuổi của đứa bé này cũng nằm trong số các nạn nhân.
Cuộc tấn công thứ hai nhằm vào trạm kiểm soát Novye Yurkovichi, cách Klimovo khoảng 40 km (25 dặm) về phía tây nam, theo một tuyên bố của chi nhánh biên phòng địa phương của Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Họ cho biết đạn cối bắn từ lãnh thổ Ukraine đã bắn vào đúng lúc một nhóm người tị nạn từ Ukraine đang băng qua biên giới. Hai phương tiện bị hư hỏng, nhưng không có thương vong nào được ghi nhận.
Pháp phong tỏa 33 bất động sản thuộc sở hữu của Nga
Chính phủ Pháp cho biết họ đã phong tỏa 33 bất động sản ở French Riviera, Paris và những nơi khác thuộc về các nhà tài phiệt Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ Tài chính tuần này đã công bố danh sách cập nhật các bất động sản thuộc sở hữu của Nga bị phong tỏa ở Pháp, bao gồm một lâu đài sang trọng nhìn ra Địa Trung Hải trên Cap d’Antibes được cho là thuộc về tỷ phú Nga bị trừng phạt Roman Abramovich.
Tổng cộng, 33 bất động sản được ước tính trị giá hơn nửa tỷ euro. Không giống như tài sản bị tịch thu hoặc sung công, tài sản bị phong tỏa vẫn thuộc về các chủ sở hữu và những người chủ này vẫn có thể tiếp tục sống trong đó. Nhưng các bất động sản này không thể được bán hoặc cho thuê.
Tổng giá trị tài sản của Nga bị phong tỏa hoặc bị tịch thu ở Pháp hiện lên tới 24 tỷ euro (26 tỷ USD), với phần lớn trong số đó là gần 23 tỷ euro tài sản tài chính bị phong tỏa đối với ngân hàng trung ương Nga. Ngoài các tài sản tài chính và bất động sản, các nhà chức trách Pháp cũng đã phong tỏa hoặc tạm giữ 3 du thuyền và 4 tàu vận tải, đồng thời phong tỏa 6 trực thăng và 3 tác phẩm nghệ thuật.
Nga cảnh báo khai triển vũ khí hạt nhân gần Phần Lan, Thụy Điển nếu hai nước gia nhập NATO
Một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (14/05) đã cảnh báo NATO rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu này thì Nga sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình trong khu vực, bao gồm cả việc khai triển vũ khí hạt nhân.
Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1,300 km (810 dặm) với Nga, và Thụy Điển đang xem xét gia nhập liên minh NATO. Thủ tướng Sanna Marin cho biết hôm thứ Tư rằng Phần Lan sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường các lực lượng trên bộ, hải quân, và không quân ở Biển Baltic.
Thủ tướng Medvedev cũng nêu rõ mối đe dọa hạt nhân khi nói rằng không thể có chuyện nói về một vùng Baltic “phi hạt nhân” — nơi Nga có vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Ông Medvedev, tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, cho biết: “Trong trường hợp này, sẽ không thể nói về tình trạng phi hạt nhân hóa của vùng Baltic nữa. Sự cân bằng phải được khôi phục.”
Thủ tướng Medvedev tuyên bố: “Cho đến nay, Nga đã không thực hiện các biện pháp như vậy và sẽ không áp dụng chúng. Nếu chúng tôi bị ép buộc, thì… hãy lưu ý rằng chúng tôi không phải là người đã khởi xướng việc này.”
Lithuania tuyên bố các mối đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow đã khai triển vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.
“Không một người lành mạnh nào lại muốn giá cao hơn và thuế cao hơn, căng thẳng gia tăng dọc theo biên giới, các hệ thống Iskander, các vũ khí siêu thanh, và các chiến hạm có vũ khí hạt nhân ở sát vách nhà họ chỉ trong gang tấc theo đúng nghĩa đen,” ông Medvedev nói.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Lithuania: Nga vẫn luôn có vũ khí hạt nhân ở vùng Baltic
Hôm thứ Năm (14/05), Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas tuyên bố Nga vẫn luôn có vũ khí hạt nhân ở khu vực Baltic.
Ông Anusauskas nói với kênh BNS của Lithuania rằng vũ khí hạt nhân đã được khai triển ở vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic kể từ trước cuộc khủng hoảng hiện tại.
“Các mối đe dọa hiện tại của Nga nghe khá kỳ lạ, khi chúng ta biết rằng, ngay cả khi không có tình hình an ninh hiện tại, họ vẫn giữ các vũ khí đó cách biên giới của Lithuania 100 km,” Bộ trưởng được dẫn lời trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm.
“Vũ khí hạt nhân luôn được cất giữ ở Kaliningrad… cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong khu vực hoàn toàn nhận thức được điều này… Họ sử dụng nó như một mối đe dọa,” ông nói.
Ngoại trưởng Ireland đến thăm Kyiv để hội đàm
Ngoại trưởng Ireland đang ở Kyiv. Ông là người mới nhất trong một loạt các chính trị gia cấp cao của Âu Châu thực hiện chuyến đi để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Chính phủ Ireland cho biết ông Simon Coveney, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng, đang gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov.
Ireland đã gửi cho Ukraine 20 triệu euro (22 triệu USD) viện trợ nhân đạo và 33 triệu euro (36 triệu USD) hỗ trợ quân sự phi sát thương
Nước này cũng là bên ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu của Ukraine và chính phủ cho biết ông Coveney sẽ thảo luận về cách Ireland có thể “hỗ trợ Ukraine trong việc đăng ký tư cách ứng viên EU.”
Giới chức Đức cho biết siêu du thuyền bị tịch thu thuộc về em gái của nhà tài phiệt Usmanov
Giới chức Đức tuyên bố họ đã thu giữ một siêu du thuyền lớn ở Hamburg sau khi xác định nó thuộc về em gái của nhà tài phiệt người Nga Alisher Usmanov.
Hôm thứ Tư (13/04), Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang cho biết, sau “các cuộc điều tra mở rộng” và bất chấp “việc che giấu ở ngoài khơi”, họ đã có thể xác định rằng chủ sở hữu là bà Gulbakhor Ismailova, em gái của ông Usmanov.
Văn phòng cảnh sát Đức cho biết các nhà chức trách Đức đã làm việc tại Brussels để bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu được áp dụng đối với chủ sở hữu này. Họ cho biết du thuyền trên không còn có thể được bán, cho thuê, hoặc chở hàng.
Tháng trước (03/2022), Hoa Kỳ và EU đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ông Usmanov, một ông trùm kim loại, vì mối quan hệ của ông này với Tổng thống Nga Vladimir Putin và để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.
Liên Hiệp Quốc: Chiến tranh Ukraine đe dọa tàn phá nhiều quốc gia nghèo
Một lực lượng đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc đang cảnh báo trong một báo cáo mới rằng cuộc xung đột Ukraine có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển hiện đang phải đối mặt với chi phí lương thực và năng lượng thậm chí còn cao hơn, cùng điều kiện tài chính ngày càng khó khăn.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã công bố báo cáo hôm thứ Tư (13/04), nhấn mạnh rằng cuộc chiến đang “làm nghiêm trọng thêm” cuộc khủng hoảng về lương thực, năng lượng, và tài chính ở các quốc gia nghèo hơn vốn đang phải vật lộn để ứng phó với đại dịch COVID-19 và thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài trợ đầy đủ để phục hồi kinh tế của họ.
Bà Rebeca Grynspan, tổng thư ký của cơ quan xúc tiến thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc, người điều phối lực lượng đặc nhiệm này, cho biết 107 quốc gia “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng, và tài chính. Trong khi đó, 69 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cả ba khía cạnh này và đối mặt với “điều kiện tài chính rất khó khăn, không có không gian cho chính sách tài khóa, và không có nguồn tài chính bên ngoài để giảm thiểu thiệt hại.”
Ông Zelensky ‘cảm ơn’ Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự 800 triệu USD
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông “chân thành cảm ơn” Hoa Kỳ về vòng hỗ trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD.
Trong bài diễn văn hàng đêm trước quốc gia, ông Zelensky cũng cho biết ông rất biết ơn về chuyến thăm hôm thứ Tư của các tổng thống Ba Lan, Estonia, Lithuania, và Latvia.
Ông cho biết những nhà lãnh đạo đó “đã giúp đỡ chúng tôi ngay từ ngày đầu tiên, những người không ngần ngại cung cấp vũ khí cho chúng tôi, những người không nghi ngờ có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt hay không.”
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden, ông Zelensky cho biết họ đã thảo luận về lô hàng vũ khí mới và các biện pháp trừng phạt thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Nga.
Ngũ Giác Đài tiết lộ vũ khí sẽ được gửi đến Ukraine
Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Tư (13/04) rằng Hoa Thịnh Đốn đang mở rộng phạm vi cung cấp vũ khí cho Ukraine bao gồm pháo binh, xe bọc thép, và trực thăng. Tổng thống Joe Biden ghi nhận 2.6 tỷ USD vũ khí mà ông đã cung cấp cho Kyiv kể từ tháng Hai đã đánh bại sách lược mà ông gọi là kế hoạch “chinh phục và kiểm soát” Ukraine của Nga.
Ngoài các hỏa tiễn chống tăng Javelin “hiệu quả cao” và hỏa tiễn phòng không Stinger, Hoa Kỳ hiện sẽ gửi “các vũ khí mới chuyên dụng cho cuộc tấn công rộng lớn hơn” mà họ dự đoán quân đội Nga sẽ khai triển ở miền đông Ukraine, ông Biden cho biết.
Ngoài 500 hệ thống hỏa tiễn Javelin và 300 phi cơ không người lái Switchblade kamikaze, Hoa Kỳ có kế hoạch gửi 18 lựu pháo 155 mm và khoảng 40,000 viên đạn, cũng như 10 radar phản pháo, hai radar giám sát đường không, 200 xe bọc thép chở quân M113, 100 xe bọc thép Humvee, và 11 trực thăng Mi-17.
Thị trưởng Kharkiv của Ukraine cho biết việc đánh bom thành phố đã tăng lên đáng kể
Các quan chức địa phương tuyên bố bốn thường dân của thành phố lớn thứ hai thuộc miền đông Ukraine, Kharkiv, đã thiệt mạng và 10 người bị thương khi quân đội Nga đẩy mạnh chiến dịch ném bom thành phố này.
“Kẻ thù đang ném bom vào nhà dân, khu dân cư. Thật không may, có thương vong dân sự — điều tồi tệ nhất là trẻ em đang thiệt mạng,” Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine.
Thống đốc vùng Kharkiv Oleh Synehubov sau đó đã viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng bốn người đã thiệt mạng và 10 người bị thương do các cuộc không kích vào thành phố.
Kharkiv đã phải hứng chịu các cuộc không kích lớn của Nga, ông Terekhov tuyên bố không có ngày nào mà không bị không kích kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/02.
Anh: Các thị trấn Kramatorsk, Kostiantynivka của Ukraine có khả năng trở thành mục tiêu của Nga
Tình báo quân đội Anh tuyên bố hôm thứ Năm (14/05) rằng các thị trấn Kramatorsk và Kostiantynivka của Ukraine có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của Nga dựa trên quan sát mức độ bạo lực ở các trung tâm đô thị khác kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.
Điện Kremlin cho rằng các bình luận về ‘diệt chủng’ của Tổng thống Biden là sai sự thật và không thể chấp nhận được
Hôm thứ Tư (13/04), Điện Kremlin cho biết họ hoàn toàn không đồng ý với mô tả “tội ác diệt chủng” của Tổng thống Joe Biden về các hành động của Nga ở Ukraine và cáo buộc Hoa Thịnh Đốn là đạo đức giả.
Trước đó một ngày, ông Biden cho biết hành vi của Nga ở Ukraine tương đương với tội ác diệt chủng theo quan điểm của ông, đây lần đầu tiên ông sử dụng từ đó.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi coi nỗ lực bóp méo tình hình này là không thể chấp nhận được.” “Điều này khó có thể chấp nhận được từ một tổng thống của Hoa Kỳ, một quốc gia đã phạm những tội ác tai tiếng trong thời gian gần đây.”
Tổng thống Biden nói với các phóng viên hôm thứ Ba (12/04): “Tình hình đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn rằng ông Putin chỉ đang cố gắng xóa bỏ ý tưởng về việc một người có thể là người Ukraine và ngày càng có nhiều bằng chứng hơn.”
Theo luật quốc tế, diệt chủng là ý đồ tiêu diệt — toàn bộ hoặc một phần — một quốc gia, dân tộc, chủng tộc, hoặc nhóm tôn giáo.
Tổng thống Biden trước đó đã gọi ông Putin là một “tội phạm chiến tranh”, một bình luận mà Moscow đã giận dữ bác bỏ và cho rằng lời nhận xét đó đã đưa quan hệ với Hoa Kỳ đến bờ vực tan vỡ.
Hôm thứ Ba, ông Putin đã bác bỏ cáo buộc rằng Nga đã thực hiện các tội ác chiến tranh ở thị trấn Bucha của Ukraine, coi đó là sự “giả mạo”.
Moscow cho biết họ tin rằng vụ việc này đã được dàn dựng.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc lên tiếng lo ngại về kế hoạch ‘nơi tá túc cho người Ukraine’ của Anh
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) hôm thứ Tư (14/04) đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về một kế hoạch của Anh cho phép người dân Anh cho những người Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga trú tại nhà họ, nói rằng chương trình này có thể bị lợi dụng nếu không có các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Chính phủ Anh đã giới thiệu chương trình “nơi tá túc cho người Ukraine” vào tháng trước, cho phép người Anh tài trợ cho người Ukraine và cung cấp cho họ một nơi nào đó để sinh sống trong thời gian tối thiểu là sáu tháng.
UNHCR cho biết họ đã biết về việc ngày càng có nhiều báo cáo về việc phụ nữ Ukraine cảm thấy rủi ro từ các nhà tài trợ nam, và họ tin rằng phụ nữ và các bà mẹ có con nên kết đôi với các cặp vợ chồng hoặc gia đình hơn là với những người đàn ông độc thân.
“UNHCR nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ và kiểm tra thích hợp để chống lại việc lợi dụng, cũng như hỗ trợ đầy đủ cho các nhà bảo trợ,” UNHCR cho biết trong một tuyên bố.
Cho đến nay, đã có khoảng 43,600 đơn đăng ký cho kế hoạch này, mặc dù chỉ có 12,500 thị thực đã được cấp cho người Ukraine, với những người liên quan cho biết quá trình này tỏ ra chậm chạp và phức tạp, một phần do các cuộc kiểm tra an ninh của Anh đối với những người tìm cách đến Anh.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết họ cũng lo lắng về hậu quả nếu chủ nhà của những người tị nạn tỏ ra là một mối đe dọa, và về thời hạn tối thiểu là sáu tháng.
“Đối với một số người, việc cho người lạ ở trong một phòng ngủ phụ trong thời gian dài không phải là bền vững,” cơ quan này cho biết, đồng thời cho biết thêm nhu cầu kiểm tra lý lịch và cung cấp hỗ trợ tài chính đã khiến chính phủ địa phương bị quá tải.
Chính phủ Anh cho biết những nhà ở và người tị nạn từ Ukraine được bảo trợ đã được các quan chức địa phương kiểm tra lý lịch và thăm hỏi để bảo đảm chỗ ở phù hợp với mục đích.
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: “Những nỗ lực để lợi dụng những người dễ bị tổn thương là thực sự đáng khinh — đây là lý do tại sao chúng tôi thiết kế chương trình Nơi tá túc cho người Ukraine để có các biện pháp bảo vệ cụ thể.”
Thủ tướng Áo cho biết Tổng thống Putin đã nói với ông rằng các khoản thanh toán bằng khí đốt bằng đồng euro có thể tiếp tục
Hãng thông tấn APA dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Karl Nehammer trong cuộc họp tuần này rằng nguồn cung cấp khí đốt của Áo có thể tiếp tục được thanh toán bằng đồng euro.
Moscow đã cảnh báo Âu Châu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp khí đốt trừ khi trả bằng đồng rúp khi ông tìm cách trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hành động xâm lược Ukraine của Nga, mà Điện Kremlin mô tả là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Ông Nehammer cho biết ông đã tổ chức các cuộc hội đàm “rất thẳng thắn, cởi mở, và cứng rắn” với ông Putin gần Moscow vào thứ Hai về cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng nhà lãnh đạo Áo đã không đề cập công khai bất kỳ cuộc thảo luận nào về an ninh nguồn cung khí đốt cho Áo.
Áo nhận 80% khí đốt tự nhiên từ Nga và phản đối lệnh cấm vận khí đốt hiệu lực ngay tức thì của Liên minh Âu Châu đối với Moscow, cho rằng không thể đột ngột chuyển sang các nhà cung cấp thay thế.
Ông Putin nói rằng “nguồn cung cấp khí đốt được bảo đảm, rằng Nga sẽ cung cấp số lượng đã thỏa thuận theo hợp đồng và các khoản thanh toán có thể tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro,” APA dẫn lời ông Nehammer cho biết trong một cuộc phỏng vấn chung hôm thứ Tư với hãng thông tấn Đức DPA.
Ủy ban Âu Châu đã cho biết những nước có hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng euro hoặc dollar nên tuân theo điều đó, ông Nehammer cho biết Áo sẽ làm như vậy.
Đồng thời, Nga dường như đã mở ra cánh cửa để tiếp tục thanh toán bằng đồng euro.
Hai tuần trước, Moscow đã ra một nghị quyết quy định các khách hàng ngoại quốc mua khí đốt của Nga phải mở các tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank do nhà nước điều hành, nếu không sẽ có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp. Gazprombank là một ngân hàng không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tê liệt như nhiều ngân hàng khác của Nga.
Do đó, các bên mua khí đốt ở Âu Châu có thể đặt cọc thanh toán bằng đồng euro và để ngân hàng Gazprombank thay mặt họ mua đồng rúp — một biện pháp mà Áo cho biết dường như khiến việc tiếp tục thanh toán bằng đồng euro trở nên khả thi.
Ông Nehammer đã lặp lại phản đối của mình đối với lệnh cấm vận trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư. APA dẫn lời ông nói rằng điều đó “có nghĩa là cả ngành công nghiệp và các gia đình [Áo] sẽ bị tổn thất nghiêm trọng do không được cung cấp nguồn khí đốt đó.”
Nga mở các vụ án hình sự về cáo buộc Ukraine tra tấn binh lính của họ
Hôm thứ Năm (14/03), Ủy ban Điều tra của Nga cho biết họ đang mở các vụ án hình sự về việc các quân nhân Ukraine bị cáo buộc tra tấn địch quân Nga của họ khi Moscow tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ủy ban vốn điều tra các tội phạm lớn này cho biết một số binh sĩ Nga đã bị quân đội Ukraine bắt giữ ở các vùng Zaporizhzhia và Mykolaiv và bị lực lượng an ninh Ukraine giam giữ bất hợp pháp.
“Người Nga đã phải chịu đựng bạo lực và tra tấn về thể xác để buộc họ phải giải thích sai về điều kiện thực tế của việc họ bị giam giữ bất hợp pháp tại các cơ sở của Cơ quan An ninh Ukraine, cũng như về chiến dịch quân sự đặc biệt [của Nga],” ủy ban này cho biết trong một tuyên bố.
Reuters không thể xác minh độc lập các cáo buộc của ủy ban này.
Ukraine đã tuyên bố họ có kiểm tra tất cả các thông tin liên quan đến việc đối xử với các tù nhân chiến tranh và sẽ điều tra bất kỳ vi phạm nào đồng thời sẽ đưa ra hành động pháp lý thích hợp.
Ông Alexander Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra, cũng đã ra lệnh điều tra vào hôm thứ Năm (14/05) nhắm vào những quân chủng Ukraine được cho là đã pháo kích vào dân thường của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng khi họ di tản qua khu vực Kharkiv lân cận.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy soái hạm Nga trước khi phát nổ
Các hình ảnh vệ tinh được công bố hôm thứ Tư (13/04) cho thấy tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva của Nga ở cảng Sevastopol trước khi con tàu này bị hư hại do một vụ nổ.
Các hình ảnh do Maxar Technologies công bố cho thấy con tàu đi vào và xung quanh Sevastopol hôm 07/04 và 10/04.
Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga, đã bị hư hại nặng khi đạn dược trên tàu phát nổ, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết hôm thứ Năm (14/04).
Interfax cho biết toàn bộ thủy thủ đoàn đã được di tản. Tờ báo trích dẫn lời bộ đổ lỗi vụ nổ cho một đám cháy và cho biết nguyên nhân đang được điều tra.
Một quan chức Ukraine trước đó cho biết tàu Moskva đã bị trúng hai hỏa tiễn chống hạm nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Con tàu 12,500 tấn này thường có thủy thủ đoàn khoảng 500 người.
Nga tuyên bố một vụ nổ làm soái hạm hư hại nghiêm trọng, Ukraine tuyên bố đó là tấn công bằng hỏa tiễn
Hôm thứ Năm (14/04), Nga thông báo soái hạm của hạm đội Biển Đen của họ đã bị hư hại nghiêm trọng và thủy thủ đoàn của họ đã phải di tản sau một vụ nổ mà một quan chức Ukraine cho là kết quả của một cuộc không kích bằng hỏa tiễn.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một vụ hỏa hoạn trên tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva đã khiến kho đạn nổ tung.
Bộ không nói rõ nguyên nhân gây ra hỏa hoạn nhưng ông Maksym Marchenko, thống đốc Ukraine khu vực xung quanh cảng Odesa trên Biển Đen, cho biết tàu Moskva đã bị trúng hai hỏa tiễn hành trình chống hạm Hải Vương (Neptune) do Ukraine sản xuất.
Ông nói trong một bài đăng trực tuyến: “Các hỏa tiễn Hải Vương bảo vệ Biển Đen đã gây ra thiệt hại rất lớn.”
Bộ Quốc phòng Ukraine đã không phúc đáp yêu cầu bình luận và The Epoch Times không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên.
Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 800 triệu USD, bổ sung vũ khí hạng nặng
Hôm thứ Tư (13/04), chính phủ Tổng thống Joe Biden đã thông báo viện trợ quân sự thêm 800 triệu USD cho Ukraine, mở rộng phạm vi của các hệ thống được cung cấp trước một cuộc tấn công rộng lớn hơn của Nga dự kiến sẽ diễn ra ở miền đông Ukraine.
Gói mới nhất, nâng tổng số viện trợ quân sự kể từ khi quân đội Nga xâm lược vào tháng Hai lên hơn 2.5 tỷ USD, bao gồm các hệ thống pháo, đạn pháo, xe bọc thép chở quân, và các tàu phòng thủ ven biển không người lái, ông Biden cho biết trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Biden cho biết ông cũng đã chấp thuận việc chuyển giao thêm trực thăng, nói rằng thiết bị cung cấp cho Ukraine “rất quan trọng” khi họ đối mặt với cuộc xâm lược.
Theo Bộ Quốc phòng, gói hỗ trợ an ninh mới bao gồm 11 trực thăng Mi-17 đã được trang bị cho Afghanistan trước khi chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn sụp đổ và 18 lựu pháo 155 mm, cùng với radar phản pháo và 200 xe bọc thép chở quân.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cung cấp lựu pháo cho Ukraine.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết một số hệ thống, như hệ thống lựu pháo và radar, sẽ cần được đào tạo thêm cho các lực lượng Ukraine.
Khoản viện trợ mới sẽ được tài trợ bằng cách sử dụng Quyền Rút Vốn của Tổng thống, hoặc PDA, theo đó tổng thống có thể cho phép chuyển các vật phẩm và thiết bị từ kho hàng của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với trường hợp khẩn cấp.
Nga: Các đoàn xe chở vũ khí của Hoa Kỳ-NATO ở Ukraine là các mục tiêu hợp pháp
Nga sẽ coi các đoàn xe vận chuyển vũ khí từ các quốc gia NATO đến Ukraine là mục tiêu hợp pháp cho quân đội khi họ đến lãnh thổ Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư (13/04).
Nhà ngoại giao này cho biết, đối với Nga việc liên lạc thường xuyên với Hoa Kỳ là không thể, vì “sự ủng hộ không e dè của Hoa Thịnh Đốn đối với các ý định quân sự của chính quyền Kyiv, việc các thành viên NATO đổ vũ khí hiện đại” vào nước này. Mục tiêu của Moscow hiện nay là làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh hiểu rõ ràng rằng Nga sẽ sử dụng các biện pháp mạnh để đáp trả những nỗ lực gây tổn hại cho quân đội của họ ở Ukraine.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cảnh báo rằng các chuyến vận tải của Hoa Kỳ-NATO chở vũ khí qua lãnh thổ Ukraine được coi là các mục tiêu quân sự hợp pháp.”
Phần Lan hướng tới quyết định đăng ký thành viên NATO ‘trong vòng vài tuần’
Hôm thứ Tư (13/04), Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết Helsinki đang hướng tới quyết định đăng ký làm thành viên liên minh quân sự NATO “trong vòng vài tuần chứ không phải trong vài tháng.”
Bà Marin cho biết trong một cuộc họp báo chung hôm 13/04 với người đồng cấp Thụy Điển ở Stockholm: “Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ loại thời gian biểu về việc khi nào chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình, nhưng tôi nghĩ nó sẽ diễn ra khá nhanh, trong vòng vài tuần chứ không phải trong vài tháng.”
Bà Marin đã đưa ra thông báo này trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại thủ đô của nước này. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách thức tăng cường an ninh của cả hai nước Bắc Âu trong môi trường an ninh đang thay đổi.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine giải thích quyết định từ chối Tổng thống Đức
Ukraine sẽ chào đón bất kỳ “quan chức cao cấp” ngoại quốc nào miễn là họ đi kèm với “đề nghị cụ thể liên quan đến hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự”, một phụ tá của Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với tờ Die Welt, giải thích quyết định từ chối chuyến thăm tới Kyiv của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
“Ngày nay bất kỳ chuyến thăm nào diễn ra đều mang lại một kết quả [cụ thể],” phó tổng tham mưu của Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva nói với hãng thông tấn Đức này, đồng thời nói thêm rằng Kyiv rất muốn gặp mặt “bất kỳ chính trị gia cao cấp nào” đến Ukraine “mang theo” những “kết quả” như vậy với họ. Sau đó, ông tiếp tục nói rằng, trong trường hợp của Đức, nước này có thể áp đặt “lệnh cấm vận đối với dầu [của Nga]” hoặc cung cấp “bảo đảm” cho việc Ukraine gia nhập EU hoặc cung cấp “các thiết bị hạng nặng”.
Phụ tá của tổng thống cũng ám chỉ rằng Berlin có thể không kiên định trong việc ủng hộ Ukraine như Kyiv mong muốn. Tất cả các quốc gia “thân thiện” với Ukraine “thể hiện thái độ tương tự đối với Nga và giới lãnh đạo Nga,” ông Zhovkva nói và cho biết thêm rằng họ không “đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào đối với lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực ngân hàng hoặc một số thành viên trong chính giới [của Nga].”
Tuy nhiên, chính phủ Đức đang bảo vệ tổng thống của đất nước sau vụ từ chối ngoại giao này.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, nguyên thủ quốc gia chủ yếu trên nghi thức, cho biết hôm thứ Ba (12/04) rằng sự hiện diện của ông dường như “không được mong muốn ở Kyiv.” Ông cho biết người đồng cấp Ba Lan đã gợi ý rằng cả hai cùng đến Ukraine cùng với tổng thống của ba nước Baltic.
Phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner đã bảo vệ ông Steinmeier, nói rằng ông ấy “rõ ràng đã đứng về phía Ukraine.”
Tổng thống Putin nói Nga có thể chuyển hướng xuất cảng năng lượng khỏi phương Tây
Nga có thể dễ dàng chuyển hướng xuất cảng các nguồn năng lượng lớn của mình từ phương Tây sang các nước thực sự cần, đồng thời tăng mức tiêu thụ năng lượng trong nước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Tư (13/04).
“Khi nói đến dầu, khí đốt, và than đá của Nga, chúng tôi sẽ có thể tăng tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường nội địa và kích thích chế biến sâu các nguyên liệu thô,” ông Putin nói tại một cuộc họp về sự phát triển của vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ tăng cường cung cấp các nguồn năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới, nơi chúng thực sự được cần đến.”
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lệnh cấm nhập cảng dầu mới nhất của Nga do Hoa Kỳ, Canada, Anh, và Úc áp đặt nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine. Lệnh cấm nhập cảng năng lượng là một phần của các biện pháp trừng phạt chống Nga rộng lớn hơn nhằm loại nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu.
Ông Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Âu Châu là do các nước từ chối “hợp tác bình thường với Nga, do đó tác động đến hàng triệu người Âu Châu.”
“Tất nhiên chúng tôi cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nhưng điều này mở ra những cơ hội mới,” ông nói.
Kyiv: Moscow gây áp lực lên các cuộc đàm phán hòa bình bằng những ‘tuyên bố công khai’
Hôm thứ Ba (12/04), cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak cáo buộc Nga gây áp lực lên tiến trình hòa đàm thông qua việc đưa ra “một số tuyên bố công khai”. Nhận xét này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận các cuộc đàm phán đã đi vào “bế tắc”.
“Các cuộc đàm phán đang vô cùng khó khăn. Các nhóm nhỏ đang làm việc trực tuyến. Nhưng đàm phán vẫn tiếp tục. Rõ ràng là nền tảng cảm xúc trong quá trình đàm phán hôm nay là đen tối. Rõ ràng là phái đoàn Ukraine làm việc hoàn toàn trong một khuôn khổ ủng hộ Ukraine và minh bạch,” ông Podolyak nói với truyền thông địa phương, đồng thời cáo buộc Moscow cố tình làm phức tạp quá trình này.
Những nhận xét trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga thừa nhận rằng các cuộc đàm phán đã đi vào “bế tắc”. Ông Putin đổ lỗi cho phía Ukraine về sự bế tắc này, nói rằng Kyiv đã bội ước về những gì đã được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng Ba.
Nga: Hơn 1,000 thủy quân lục chiến Ukraine đã đầu hàng ở Mariupol
Hôm thứ Tư (13/04), Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1,026 binh sĩ thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine, trong đó có 162 sĩ quan, đã đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây của Ukraine.
Mariupol, nơi đã bị quân đội Nga bao vây trong nhiều tuần, đã chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt nhất và sự tàn phá toàn diện nhất kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24/02.
Cảng chính ở Biển Azov nầy là mục tiêu lớn nhất ở khu vực phía đông Donbas mà Moscow hiện gọi là trọng tâm của chiến dịch, và nếu bị chiếm sẽ là thành phố lớn đầu tiên thất thủ kể từ khi chiến tranh nổ ra. Việc chiếm giữ thành phố này sẽ giúp Nga giành được một lối đi trên bộ giữa các khu vực phía đông do quân ly khai nắm giữ và Crimea, mà Nga đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014.
“Tại thị trấn Mariupol, gần Xưởng Gang Thép Ilyich, nhờ các cuộc tấn công thành công của các lực lượng vũ trang Nga và các đơn vị dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk, 1,026 binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến đã tự nguyện hạ vũ khí đầu hàng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.
Reuters không thể xác minh một cách độc lập việc đầu hàng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết ông không có thông tin về việc này và không có bình luận ngay từ văn phòng tổng thống Ukraine hoặc bộ tổng tham mưu Ukraine.
Hôm thứ Hai (11/04), một bài đăng trên trang Facebook của lữ đoàn thủy quân lục chiến Ukraine cho biết đơn vị này đang chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng ở Mariupol mà sẽ kết thúc bằng cái chết hoặc bị bắt vì quân đội của họ đã hết đạn dược.
“Hôm nay có lẽ sẽ là trận chiến cuối cùng, bởi vì chúng tôi không còn đạn,” bài đăng cho biết. “Sau đó: sẽ có các cuộc chiến đấu tay đôi. Sau nữa, một số người có thể thiệt mạng, một số sẽ bị bắt.”
Một số quan chức Ukraine vào thời điểm đó cho biết bài đăng này có thể là giả mạo và quân đội vẫn đang cầm cự.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 151 binh sĩ Ukraine bị thương đã được điều trị tại chỗ và đưa đến bệnh viện thành phố Mariupol.
Trước đó, hôm thứ Tư (13/04), lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, người nói rằng lực lượng của ông đang đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến giành Mariupol của Nga, cho biết hơn 1,000 thủy quân lục chiến Ukraine đã đầu hàng. Ông kêu gọi các lực lượng còn lại đang ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal ra đầu hàng.
Nga: Các nhà lãnh đạo Bắc Âu phản bội lợi ích quốc gia của họ
Nga đã chỉ trích cáo buộc rằng họ đe dọa Thụy Điển và Phần Lan khi những nước này bất ngờ mong muốn gia nhập NATO. Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia Bắc Âu gần đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối quân sự do Hoa Kỳ đứng đầu sau cuộc tấn công quân sự của Moscow vào Ukraine.
“Những tuyên bố này [cáo buộc về việc Nga đe dọa] là không sáng suốt. Chúng không dựa trên sự thật. Chúng thuộc lĩnh vực tuyên truyền và khiêu khích. Chúng đi ngược lại lợi ích quốc gia của những quốc gia đó,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với Đài Sputnik hôm thứ Tư (13/04). “Tôi tin rằng sẽ là sai lầm nếu coi những tuyên bố này như một ý kiến độc lập,” bà nói thêm.
Chủ tịch Thượng viện: Nga sẽ không quốc hữu hóa tài sản của các công ty ngoại quốc
Hôm thứ Tư (13/04), Thượng nghị sĩ hàng đầu của Nga cho biết nước này sẽ không quốc hữu hóa tài sản của các công ty ngoại quốc rút khỏi Nga. Trình bày trước Nghị viện, bà Valentina Matvienko đã bình luận về các kế hoạch quốc hữu hóa các công ty năng lượng được cho là ở Đức.
“Chúng tôi không muốn biến thành phường trộm cướp giống như đối thủ của chúng tôi. Quốc hữu hóa tài sản của người khác là không thể chấp nhận được,” bà nói và cho biết thêm rằng Nga đã áp dụng một cách tiếp cận tế nhị nhưng hành động cứng rắn hơn đối với từng trường hợp có thể sẽ cần thiết. Các ngành công nghiệp cần phải tiếp tục phát triển để người dân và công việc được bảo vệ, bà nói thêm.
Tổng thống Macron từ chối gọi hành động của Nga ở Ukraine là tội ác diệt chủng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh việc gọi các hành động của Nga ở Ukraine là tội ác diệt chủng.
Khi được hỏi trên kênh truyền hình France-2 hôm thứ Tư (13/04) về việc Tổng thống Joe Biden sử dụng thuật ngữ này, ông Macron nói:
“Tôi có thể nói rằng Nga đã mở ra một cuộc chiến tranh tàn bạo quá mức theo cách đơn phương. Người ta đã xác định rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện bởi quân đội Nga,” ông Macron nói. “Chúng ta phải tìm ra những người chịu trách nhiệm và đưa họ ra trước công lý.”
“Nhưng tôi thận trọng với các thuật ngữ ngày nay… Diệt chủng có một ý nghĩa. Nhân dân Ukraine và nhân dân Nga là các dân tộc anh em. Những gì đang diễn ra ngày nay thật điên rồ. Đó là sự tàn bạo không thể tin được và là một sự quay trở về với chiến tranh ở Âu Châu,” Tổng thống Pháp nói.
“Nhưng đồng thời tôi cũng nhìn vào sự thật, và tôi muốn tiếp tục cố gắng hết sức để có thể chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình. Tôi không chắc liệu sự leo thang về ngôn từ có phục vụ cho mục đích của chúng ta hay không. ”
Việc Ukraine từ chối tiếp đón ông Steinmeier gây ra phản ứng dữ dội ở Đức
Chính phủ Đức đang bảo vệ tổng thống của nước này sau khi Ukraine từ chối tiếp đón ngoại giao.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, nguyên thủ quốc gia chủ yếu trên nghi thức, cho biết hôm thứ Ba rằng sự hiện diện của ông dường như “không được mong muốn ở Kyiv.” Ông cho biết người đồng cấp Ba Lan đã gợi ý rằng cả hai cùng đến Ukraine cùng với tổng thống của ba nước Baltic.
Tờ Bild của Đức dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine ẩn danh cho biết ông Steinmeier không được chào đón ở Kyiv vào thời điểm hiện tại vì ông có quan hệ thân thiết với Nga trong quá khứ. Ông Steinmeier trước đây là ngoại trưởng Đức và gần đây đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách đối với Nga.
Hôm thứ Tư (13/04), Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết bà rất lấy làm tiếc vì ông Steinmeier không thể đến thăm.
Đại sứ Ukraine tại Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz sẽ được hoan nghênh, nhưng một số nhà lập pháp Đức cho rằng thái độ lạnh nhạt đối với ông Steinmeier sẽ làm phức tạp thêm điều đó.
Phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner đã bảo vệ ông Steinmeier, nói rằng ông ấy “rõ ràng đã đứng về phía Ukraine.”
Anh trừng phạt 178 người Nga hỗ trợ các khu vực ly khai
Anh đã công bố một vòng trừng phạt mới liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhắm vào 178 cá nhân đã giúp hỗ trợ các khu vực ly khai được Điện Kremlin hậu thuẫn ở miền đông nước này.
Ngoại trưởng Liz Truss cho biết hôm thứ Tư (13/04) rằng các lệnh trừng phạt được phối hợp với Liên minh Âu Châu. Hành động này diễn ra sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào dân thường ở miền đông Ukraine.
Xuất cảng của Trung Quốc sang Nga giảm sau cuộc xâm lược Ukraine
Theo dữ liệu chính thức hôm 13/04, xuất cảng của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong tháng Ba — một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc có thể đang thận trọng hơn khi giao dịch với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Dữ liệu cho thấy các công ty Trung Quốc đã bán hàng hóa trị giá 3.8 tỷ USD cho Nga trong tháng Ba, giảm 7.7% so với một năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, nhập cảng từ Nga tăng 26.4% so với một năm trước.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Một quan chức Ukraine đe dọa lãnh đạo phe đối lập thân Nga bị bắt
Hôm thứ Tư (13/04), một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói với truyền hình Ukraine rằng lãnh đạo phe đối lập Viktor Medvedchuk nên nhanh chóng bị xét xử, kết án, và hành hạ thể xác trước khi thực hiện nỗ lực hoán đổi ông ta lấy binh lính Ukraine bị Nga bắt giữ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị một cuộc trao đổi sau khi thông báo về vụ bắt giữ chính trị gia này hôm thứ Ba (12/04).
Ông Vadim Denisenko nói về chính trị gia bị bắt giữ ở Ukraine: “Chí ít thì ông ta phải thú nhận vì ông ta biết rất nhiều về việc ai ở Nga đã trả bao nhiêu và trả cho ai để tạo ra một nhóm nội gián” ở Ukraine.
“Nhiều nhất… thì ông ta cần được xét xử nhanh chóng, nhận án tù, bị tra tấn để cung cấp một số lời khai nhất định và sau đó mới được trao đổi,” ông nói thêm.
Nhận xét của ông Denisenko, đặc biệt là ngụ ý rằng ông Medvedchuk có thể bị ép buộc hợp tác bằng bạo lực, đã bị một số quan chức Nga chỉ trích.
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, đã đưa ra một lời đe dọa không che giấu khi nói rằng những người ủng hộ những ý tưởng như vậy “nên chú ý xung quanh và khóa cửa suốt đêm để chính họ không bị đưa vào danh sách những cá nhân đủ điều kiện làm tù nhân hoán đổi.”
Lợi nhuận của JPMorgan giảm 42% khi ghi giảm tài sản Nga
JPMorgan Chase đã ghi giảm tài sản 1.5 tỷ USD khi ngân hàng báo cáo kết quả hàng quý, phần lớn là vì ngân hàng này có các tài sản ở Nga và Ukraine.
Việc ghi giảm tài sản Nga vào thứ Tư (13/04) đã phần nào khiến JPMorgan báo cáo sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận trong quý đầu tiên và khiến số liệu sai so với ước tính của Wall Street.
JPMorgan là ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng lớn của Wall Street báo cáo kết quả hoạt động của mình. Các nhà phân tích kỳ vọng các ngân hàng lớn sẽ ghi giảm hàng tỷ USD tài sản có liên kết với Nga.
Latvia sẽ huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng phi cơ không người lái
Latvia cho biết họ sẽ huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng phi cơ không người lái.
“Hiện tại, chúng ta phải làm mọi cách có thể để thúc đẩy chiến thắng của Ukraine và bảo vệ các nguyên tắc tự quyết và chủ quyền của Ukraine,” Bộ trưởng Quốc phòng Artis Pabriks nói.
Ông nói thêm rằng hai công ty Latvia đã chuyển giao phi cơ không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng cho biết cùng với các mặt hàng tiếp tế khác, Latvia đã cung cấp hệ thống phòng không Stinger cho Ukraine cũng như vũ khí, thiết bị cá nhân, thực phẩm khô, đạn dược, vũ khí chống tăng, trị giá hơn 200 triệu euro.
Lãnh đạo của Ba Lan và các nước Baltic tới Kyiv thảo luận về hỗ trợ quân sự
Các tổng thống của Ba Lan, Lithuania, Latvia, và Estonia đang trên đường đến Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một cố vấn của lãnh đạo Ba Lan cho biết hôm thứ Tư (13/04).
Bốn nhà lãnh đạo này đã bổ sung cho một số lượng ngày càng tăng các chính trị gia Âu Châu đến thăm thủ đô Ukraine kể từ khi quân đội Nga bị rút khỏi miền bắc nước này hồi đầu tháng.
“Chúng tôi đang tới Kyiv với một thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị và hỗ trợ quân sự,” Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda viết trên Twitter hôm thứ Tư (13/04), đính kèm bức ảnh chụp các tổng thống bên cạnh một đoàn tàu.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Estonia Alar Karis cho biết cuộc gặp sẽ tập trung vào các cách thức hỗ trợ dân thường và quân đội ở Ukraine, cũng như điều tra về tội ác chiến tranh.
Diễn biến này xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden nói rằng cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine tương đương với tội ác diệt chủng, trong khi Tổng thống Vladimir Putin thề rằng Nga sẽ “nhịp nhàng và bình tĩnh” tiếp tục chiến dịch quân sự và đạt được các mục tiêu của mình.
Các văn phòng của bốn tổng thống đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chuyến thăm vì lý do an ninh.
Ukraine yêu cầu Nga trả lại tù nhân nếu muốn lấy lại đồng minh hàng đầu
Ukraine yêu cầu Nga trả tự do cho các tù nhân chiến tranh nếu muốn đồng minh cao cấp nhất của Điện Kremlin ở nước này được trả tự do, trong bối cảnh Hoa Kỳ dự kiến sẽ gửi thêm vũ khí sau khi Nga phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài.
Hôm thứ Ba (12/04), Ukraine thông báo rằng ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của Đảng Cương lĩnh Đối lập–Vì Sự sống, đã bị bắt. Hồi tháng Hai, các nhà chức trách cho biết ông này đã trốn thoát khỏi sự quản thúc tại gia sau khi một vụ án phản quốc được mở ra.
Nhân vật thân Nga này, người nói rằng Tổng thống Vladimir Putin là cha đỡ đầu của con gái ông, đã phủ nhận hành vi sai trái. Hiện chưa có bình luận từ phát ngôn viên.
“Tôi đề nghị với Liên bang Nga: đổi người này của các vị lấy những người đàn ông và phụ nữ của chúng tôi hiện đang bị giam cầm ở Nga,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn vào sáng sớm hôm thứ Tư (13/04).
Cơ quan mật vụ Ukraine cho biết đã bắt giữ đồng minh hàng đầu của Tổng thống Putin
Hôm thứ Ba (12/04), Ukraine cho biết họ đã bắt giữ đồng minh nổi bật nhất của Điện Kremlin tại nước này.
Hồi tháng Hai, Ukraine cho biết ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của Đảng Cương lĩnh Đối lập–Vì sự sống, đã trốn thoát khỏi vòng quản thúc tại gia sau khi nhà chức trách mở một vụ án phản quốc chống lại ông ta.
Nhân vật thân Nga này, người nói rằng ông Putin là cha đỡ đầu của con gái ông, đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái. Hiện chưa có bình luận nào về vụ việc từ một phát ngôn viên tính đến hôm thứ Ba.
“Những kẻ phản bội thân Nga và đặc vụ của cơ quan tình báo Nga, hãy nhớ rằng — tội ác của các vị không có thời hạn hiệu lực,” cơ quan an ninh của Ukraine đăng trên Facebook cùng với bức ảnh ông Medvedchuk bị còng tay.
Người đứng đầu cơ quan này, ông Ivan Bakanov cho biết các đặc vụ “đã tiến hành chiến dịch đặc biệt nhiều cấp độ nguy hiểm và nhanh như chớp này.”
Một phát ngôn viên của Điện Kremlin được hãng thông tấn TASS dẫn lời nói rằng ông đã xem bức ảnh và không thể nói liệu nó có phải là thật hay không.
Quân đội Ukraine sẽ huấn luyện ở Anh
Hôm thứ Ba (12/04), Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Anh James Heappey đã xác nhận rằng quân đội nước này sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine trên đất Anh. Một số quân nhân không xác định dự kiến sẽ đến trong “vài ngày tới” để học cách vận hành các phương tiện bọc thép mà Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga đang diễn ra.
Ông Heappey nói với Đài LBC: “Có 120 xe bọc thép đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng.”
“Và các binh sĩ Ukraine sẽ vận hành chúng sẽ đến Vương quốc Anh trong vài ngày tới để học cách lái và điều khiển những chiếc xe đó.”
Tổng thống Putin gọi tình hình ở thị trấn Bucha của Ukraine là ‘giả mạo’
Hôm thứ Ba (12/04), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, những hình ảnh và thước phim về các thi thể nằm rải rác khắp thị trấn Bucha của Ukraine là giả mạo.
Trình bày tại một cuộc họp báo trên truyền hình sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin đã so sánh các cáo buộc của Ukraine rằng quân nhân Nga hành quyết dân thường ở Bucha — với những gì ông nói là màn dàn dựng của phương Tây về một cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria nhằm buộc tội Tổng thống Bashar al-Assad.
Ông Putin nói: “Tình hình ở Bucha cũng là kiểu giả mạo đó.”
Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga hành quyết người dân Bucha, một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Kyiv mà quân đội Nga đã chiếm đóng trong vài tuần trước khi rút đi.
Các nhà chức trách Nga cáo buộc Ukraine dàn dựng hiện trường để phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình và khiến phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Tổng thống Putin: Các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine lại rơi vào ‘bế tắc’
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Kyiv đã rút lại các thỏa thuận dự kiến được thực hiện giữa các đoàn đàm phán Ukraine và Nga tại Istanbul vào cuối tháng Ba. Theo ông Putin, các cuộc đàm phán hòa bình hiện đã “quay trở lại trạng thái bế tắc”.
Ukraine đã từ chối công nhận Crimea là thuộc Nga và các nước cộng hòa Donbas là độc lập, Tổng thống Nga giải thích tại Phi trường Vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga hôm thứ Ba (12/04). Ông nhấn mạnh rằng hai điểm đó là những chủ đề chính mà không thể đạt được bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán này.
Nga bác bỏ tuyên bố vỡ nợ của CNN
Hôm thứ Ba (12/04), Bộ Tài chính Nga cho biết, một bản tin của công ty truyền thông Mỹ CNN về một thông báo cho rằng Nga đã vỡ nợ trái phiếu Âu Châu là không đúng sự thật.
CNN đưa tin hôm thứ Hai (11/04) dẫn lời cơ quan xếp hạng tín dụng S&P nói rằng Moscow đã vỡ nợ ngoại quốc vì họ đề nghị thanh toán bằng đồng rúp chứ không phải bằng dollar cho các trái chủ.
“Thông tin do CNN đăng tải không đúng với sự thật,” tuyên bố của bộ cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng, “Nga không hề công bố vỡ nợ đối với các cam kết trái phiếu Âu Châu của mình.”
“Vỡ nợ có nghĩa là con nợ hoặc không có tiền để thanh toán các khoản nợ của mình hoặc không muốn thanh toán các khoản nợ đó khi có tiền. Đối với Nga, cả hai điều này đều không đúng. Liên bang Nga có đủ tiền để trả kịp thời và hoàn trả tất cả các khoản nợ phải trả của mình,” Bộ Tài chính Nga giải thích.
Bộ nhấn mạnh rằng các hành động của Hoa Thịnh Đốn để chặn các khoản thanh toán của Moscow đã làm phương hại đến lợi ích của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Ukraine cho biết quân đội Mariupol đang cạn kiệt đồ tiếp tế
Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn đối với quân đội Ukraine đang bảo vệ cảng Mariupol bị bao vây ở phía đông nam nhưng thừa nhận rằng họ đang cạn kiệt đồ tiếp tế.
Cố vấn Mykhailo Podolyak đã viết trên Twitter rằng “trong hơn một tháng rưỡi, quân phòng thủ của chúng tôi đã bảo vệ thành phố khỏi quân đội (Nga), đông hơn gấp mười lần. Họ đang chiến đấu dưới làn bom cho từng mét đất của thành phố này. Họ khiến (Nga) phải trả một cái giá ngất ngưởng cho cuộc xâm lược.”
Mariupol là mục tiêu then chốt của quân đội Nga ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng Hai. Thành phố này có ý nghĩa biểu tượng vì là một trong những thành phố lớn nhất ở miền đông Ukraine. Mariupol cũng có giá trị chiến lược như một bến cảng chính và là một phần của hành lang trên bộ nối liền giữa lãnh thổ mà quân ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía đông kiểm soát và bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Ông Podolyak viết, “Binh lính của chúng tôi vẫn bị bao vây và gặp vấn đề với đồ tiếp tế.” Ông cho biết thêm rằng Tổng thống Zelensky và Bộ Tổng tham mưu Ukraine đang làm việc “để tìm ra giải pháp và giúp đỡ người của chúng tôi.” Ông không cho biết chi tiết, viện dẫn lý do [giữ an toàn cho] hoạt động.
Thị trưởng Bucha: 403 thi thể được tìm thấy cho đến nay
Thị trưởng của thị trấn Bucha gần Kyiv của Ukraine hôm thứ Ba (12/04) tuyên bố rằng chính phủ đã tìm thấy 403 thi thể của những người mà họ cho là đã thiệt mạng bởi quân đội Nga trong thời gian Nga chiếm đóng khu vực này nhưng con số vẫn đang tăng lên.
Ông Anatoliy Fedoruk nói thêm trong một cuộc họp báo rằng còn quá sớm để người dân quay trở lại thị trấn, sau khi các binh sĩ Nga rút lui hồi cuối tháng trước.
Reuters không thể xác minh ngay nhận xét của ông Fedoruk về số người được tìm thấy đã thiệt mạng ở Bucha. Reuters đã chứng kiến di hài của năm nạn nhân ở Bucha bị bắn xuyên qua đầu nhưng chưa thể xác định độc lập ai là người chịu trách nhiệm.
Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm vào dân thường kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02. Họ đã gọi những cáo buộc về việc quân Nga hành quyết thường dân ở Bucha trong khi họ chiếm đóng thị trấn là một “sự giả mạo khủng khiếp” nhằm bôi nhọ quân đội Nga.
Ngân hàng Thế giới sẽ gửi cho Ukraine 1.5 tỷ USD khi giá thực phẩm, năng lượng tăng vọt
Ngân hàng Thế giới đang chuẩn bị một gói hỗ trợ 1.5 tỷ USD cho đất nước Ukraine đang bị tàn phá bởi chiến tranh và có kế hoạch hỗ trợ các nước đang phát triển đang chật vật để bắt kịp với giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết hôm thứ Ba (12/04).
Trong bài diễn văn tại Trường Kinh tế Warsaw ở Ba Lan, ông Malpass cho biết ngân hàng đang giúp Ukraine cung cấp các dịch vụ thiết yếu, bao gồm trả lương cho nhân viên bệnh viện, lương hưu, và các chương trình xã hội.
“Ngân hàng Thế giới được thành lập vào năm 1944 để giúp Âu Châu tái thiết sau Đệ nhị Thế chiến. Như chúng tôi đã làm khi đó, chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp Ukraine tái thiết khi thời điểm đến,” ông Malpass nói.
Ông Malpass cho biết gói này đã được kích hoạt khi các quốc gia tài trợ và nhận tài trợ thông qua khoản viện trợ 1 tỷ USD của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cùng khoản thanh toán 100 triệu USD của IDA cho nước láng giềng Moldova hôm thứ Hai (11/04).
Phát ngôn viên của Ngân hàng Thế giới cho biết kế hoạch giải ngân của IDA vẫn cần sự chấp thuận đầy đủ của ban giám đốc Ngân hàng Thế giới trong những tuần tới.
Khoản viện trợ này bổ sung vào khoản tài trợ giải ngân nhanh trị giá khoảng 923 triệu USD đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận vào tháng trước, cũng bao gồm các khoản đóng góp của các quốc gia tài trợ. Trong gói đó có khoản tài trợ hỗ trợ ngân sách trị giá 350 triệu USD từ chi nhánh cho vay chính của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).
Ông Malpass trước đó cho biết ngân hàng đang xem xét tổng số tiền viện trợ ngắn hạn cho Ukraine trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Tổng thống Putin: Sự đoàn kết của người Nga sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sự đoàn kết của người Nga sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và phương Tây sẽ phải đối mặt với bất ổn.
Ông Putin cho biết trong chuyến thăm cơ sở phóng vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga hôm thứ Ba (12/04) rằng phương Tây đã lầm tưởng rằng các biện pháp trừng phạt của họ sẽ làm suy yếu sự ổn định của Nga. Ông nói rằng “nhân dân Nga luôn củng cố tình đoàn kết của họ trong tình huống khó khăn.”
Ông nhấn mạnh rằng phương Tây sẽ bị lung lay bởi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, được thúc đẩy bởi sự thất vọng của công chúng về lạm phát phi mã. Nhà lãnh đạo Nga cũng đả kích các nhà lãnh đạo Âu Châu, mô tả họ là những tay sai của Hoa Thịnh Đốn và nói rằng họ đang thực hiện các chính sách có hại cho quốc gia của họ.
UNICEF bác bỏ cáo buộc bắt cóc trẻ em của Kyiv
Moscow bác bỏ cáo buộc ép buộc đưa người tị nạn Ukraine đến Nga, trong khi UNICEF tuyên bố rằng họ không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã bắt cóc trẻ em trong khu vực như Kyiv tuyên bố.
Hôm thứ Ba (12/04), Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova báo cáo rằng hơn 500,000 thường dân từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Ukraine đã tự nguyện chuyển đến Liên bang Nga kể từ khi cuộc xung đột quân sự bắt đầu.
“Tôi tuyên bố một cách có trách nhiệm rằng chưa bao giờ có bất kỳ vụ cưỡng bức di dời người tị nạn nào đến Nga, tất cả đều là dối trá,” nữ thanh tra này nói, đề cập đến cáo buộc của Kyiv rằng Moscow đã ép buộc hơn 500,000 thường dân đến Nga để “sử dụng họ làm con tin” nhằm gây áp lực khiến Ukraine phải đầu hàng.
Tổng thống Putin nói Nga chống chịu được các lệnh trừng phạt ‘dữ dội’ và không thể bị cô lập
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nền kinh tế Nga đã kháng cự thành công các lệnh trừng phạt mới của phương Tây vì cuộc chiến Ukraine.
Trình bày hôm thứ Ba (12/04) trong chuyến thăm cơ sở phóng vào vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông của Nga, ông Putin nói rằng nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga đã chịu được tác động của cái mà ông gọi là các lệnh trừng phạt “dữ dội” của phương Tây và đồng rúp đã phục hồi được những tổn thất của mình.
Ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ phản tác dụng đối với phương Tây. Ví dụ, ông nói rằng những hạn chế của phương Tây đối với xuất cảng phân bón từ Nga và đồng minh Belarus sẽ đẩy giá phân bón toàn cầu lên, cuối cùng dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và gia tăng dòng người di cư.
Ông Putin nói rằng “lẽ thường phải chiếm ưu thế” và nói thêm rằng phương Tây nên “quay lại với lý trí và đưa ra các quyết định cân bằng mà không làm mất thể diện của mình.” Ông cho rằng “họ sẽ không thể đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ.”
Ông Putin cũng cảnh báo phương Tây rằng những nỗ lực nhằm cô lập Moscow sẽ thất bại, cho rằng sự thành công của chương trình không gian của Liên Xô là bằng chứng cho thấy Nga có thể đạt được những bước tiến ngoạn mục trong điều kiện khó khăn.
Nga cho biết nước này sẽ không bao giờ phụ thuộc vào phương Tây sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt gây tê liệt nhằm trừng phạt ông Putin vì đưa ra mệnh lệnh hôm 24/02 đối với cái mà ông gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
“Các lệnh trừng phạt đã được đưa ra toàn bộ, việc cô lập đã hoàn tất nhưng Liên Xô vẫn là nước dẫn đầu trong không gian,” ông Putin nói, theo kênh truyền hình nhà nước Nga.
“Chúng ta không có ý định bị cô lập,” ông Putin nói. “Không thể cô lập hoàn toàn bất kỳ quốc gia nào trong thế giới hiện đại — đặc biệt là một đất nước rộng lớn như Nga.”
Những thành công trong không gian thời Chiến Tranh Lạnh của Nga như chuyến bay của Gagarin và vụ phóng Sputnik 1 vào năm 1957, vệ tinh nhân tạo đầu tiên từ trái đất, có ý nghĩa đặc biệt đối với Nga: cả hai sự kiện đều khiến Hoa Kỳ sửng sốt. Việc phóng Sputnik 1 đã thúc đẩy Hoa Kỳ thành lập NASA để bắt kịp Moscow.
Ông Putin nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine là cần thiết vì Hoa Kỳ đang sử dụng Ukraine để đe dọa Nga — bao gồm cả thông qua liên minh quân sự NATO — và rằng Moscow phải bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine khỏi bị đàn áp.
Ông nói hôm thứ Ba rằng ông không nghi ngờ gì về việc Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình ở Ukraine — một cuộc xung đột mà ông coi là không thể tránh khỏi và cần thiết để bảo vệ Nga trong dài hạn.
Tổng thống Putin cam kết: Không nghi ngờ gì về việc chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu ở Ukraine
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng hành động quân sự của Nga ở Ukraine là nhằm bảo đảm an ninh của Nga và cam kết rằng các mục tiêu của họ sẽ đạt được.
Trình bày hôm thứ Ba (12/04) trong chuyến thăm cơ sở phóng vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông của Nga, ông Putin cáo buộc rằng Ukraine đã bị biến thành một “khu vực chống Nga hàng đầu”, nơi “những mầm mống của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tân phát xít đang được ươm mầm.” Ukraine và các đồng minh phương Tây đã bác bỏ những tuyên bố như vậy như một sự che đậy cho cuộc xâm lược.
Ông Putin tái khẳng định tuyên bố của mình rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là nhằm bảo vệ người dân ở các khu vực ở miền đông Ukraine do phe ly khai được Moscow hậu thuẫn kiểm soát. Ông cũng nói rằng chiến dịch này cũng nhằm “bảo đảm an ninh của chính Nga.”
Ông Putin lập luận rằng “chúng ta không có sự lựa chọn nào khác” và nói rằng “chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu của mình”.
Tổng thống Putin giải thích về cuộc tấn công vào Ukraine
Kyiv công khai từ chối thực hiện một thỏa thuận hòa bình với phiến quân từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, vì vậy Nga không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ những người sống ở đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại hôm thứ Ba (12/04).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cao cấp khác “đã tuyên bố rằng các thỏa thuận Minsk không thể thực hiện được,” ông Putin nhắc lại, đề cập đến lộ trình tiến tới hòa bình ở Ukraine do Nga, Đức, và Pháp làm trung gian.
Các thỏa thuận năm 2014 nêu chi tiết cách Kyiv có thể tái hòa nhập các khu vực ly khai của mình bằng cách cung cấp cho họ một lệnh ân xá chung, quyền tự chủ cao hơn và đại diện trong chính phủ. Kyiv đã đình trệ tiến trình của thỏa thuận đó, tuyên bố rằng họ chỉ có thể tiến hành phần việc của mình sau khi giành lại quyền kiểm soát các khu vực do phiến quân nắm giữ.
“Họ đã công khai từ chối [thực hiện lộ trình]. Do đó, việc dung thứ cho tội ác diệt chủng đã diễn ra trong tám năm này không còn khả thi nữa,” ông Putin nói.
Tổng thống Nga nói thêm rằng Ukraine, được sự hậu thuẫn của các nước phương Tây, đang “biến thành một chỗ đứng vững chắc chống lại Nga”.
Tổng thống Putin tuyên bố về chương trình Mặt Trăng của Nga
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga phải có khả năng ứng phó với những thách thức trong việc khám phá không gian, đồng thời cho biết thêm rằng nước này sẽ tiếp tục với chương trình Mặt Trăng của mình, cùng với các dự án khác.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình Mặt Trăng,” ông Putin khẳng định khi ông đến thăm Phi trường Vũ trụ Vostochny ở Vùng Viễn Đông Amur của Nga hôm thứ Ba (12/04) với người đồng cấp Belarus, ông Alexander Lukashenko.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông đang đề cập đến vụ phóng tàu đổ bộ robot Luna-25, dự kiến diễn ra tại Vostochny vào ngày 22/08, theo nhà phát triển tàu vũ trụ NPO Lavochkin.
Tàu thăm dò sẽ được giao nhiệm vụ hoàn thiện một cuộc hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt Trăng cho các sứ mệnh trong tương lai và nghiên cứu khu vực gần cực nam của Mặt Trăng. Tàu được lên kế hoạch mang theo 30 kg thiết bị khoa học, bao gồm một cánh tay robot và một máy khoan.
Ông Putin nói: “Thế hệ những người sáng tạo ra chương trình hỏa tiễn và vũ trụ quốc gia đã để lại cho chúng ta không chỉ nền tảng công nghệ đồ sộ mà còn cả những giá trị mà ngày nay chúng ta hướng tới.”
Nga cho biết đã tấn công các kho vũ khí của Ukraine
Quân đội Nga cho biết họ đã tấn công các kho vũ khí của Ukraine bằng hỏa tiễn hành trình tầm xa.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết hôm thứ Ba (12/04) rằng quân đội đã sử dụng hỏa tiễn phóng từ trên không và trên biển để phá hủy một kho đạn và một khoang chứa phi cơ được gia cố tại Starokostiantyniv trong vùng Khmelnytskyi.
Ông Konashenkov nói rằng một cuộc tấn công khác đã phá hủy một kho đạn của Ukraine ở Havrylivka, gần Kyiv.
Phe ly khai phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học
Một phát ngôn viên của phe ly khai do Moscow hậu thuẫn ở miền đông Ukraine đã phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học để tiêu diệt quân đội Ukraine ở thành phố cảng Mariupol.
Ông Eduard Basurin được hãng thông tấn Interfax dẫn lời hôm thứ Ba (12/04) nói rằng lực lượng ly khai “không sử dụng bất kỳ vũ khí hóa học nào ở Mariupol.”
Ông Basurin khẳng định sau tuyên bố của ông hôm thứ Hai (11/04) trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng phe ly khai sẽ sử dụng “binh lính hóa học” chống lại các binh sĩ Ukraine đang tập trung tại các vị trí được gia cố tại một nhà máy thép lớn ở Mariupol để “xịt hơi bắt họ ra khỏi đó.”
Một đơn vị Ukraine bảo vệ Mariupol tuyên bố mà không cung cấp bằng chứng rằng một phi cơ không người lái đã thả chất độc vào các vị trí của họ. Họ cho biết không có trường hợp nào bị thương nghiêm trọng.
Nhật Bản thông qua lệnh phong tỏa tài sản đối với 398 người Nga
Nội các Nhật Bản đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Moscow. Chúng bao gồm việc phong tỏa tài sản của gần 400 cá nhân, bao gồm cả hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như lệnh cấm đầu tư mới và nhập cảng rượu vodka.
Các biện pháp trừng phạt mới được thông qua hôm thứ Ba (12/04) bao gồm việc phong tỏa tài sản của 398 cá nhân Nga, trong đó cũng bao gồm vợ và con gái của Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Nhật Bản hiện đã phong tỏa tài sản của hơn 500 cá nhân và tổ chức Nga.
Các biện pháp mới của Nhật Bản cũng bao gồm việc phong tỏa tài sản của các ngân hàng lớn Sberbank và Alfa Bank, cũng như 28 tổ chức khác của Nga, chẳng hạn như những tổ chức có liên quan đến các doanh nghiệp quân sự. Biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 12/05.
Việc thông qua các biện pháp này hôm thứ Ba bao gồm một phần của danh sách các lệnh trừng phạt được công bố vào thứ Sáu tuần trước (08/04) bởi Thủ tướng Fumio Kishida, người cũng đề nghị loại bỏ dần việc nhập cảng than của Nga và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Ukraine cho biết đang kiểm tra thông tin chưa được xác minh rằng Nga đã sử dụng vũ khí hóa học ở Mariupol
Hôm thứ Ba (12/04), Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết Ukraine đang kiểm tra thông tin chưa được xác minh rằng Nga có thể đã sử dụng vũ khí hóa học trong khi bao vây thành phố cảng Mariupol thuộc miền nam Ukraine.
Bà Malyar nói trong các bình luận trên truyền hình: “Có một giả thuyết cho rằng đây có thể là bom, đạn photpho,” và cho biết thêm, “Thông tin chính thức sẽ có sau.”
Bộ Quốc phòng Nga đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đang cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn Mariupol đã phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học trong các bình luận do hãng thông tấn Nga Interfax trích dẫn.
Hội đồng thành phố Mariupol đã viết trên dịch vụ nhắn tin Telegram rằng vẫn chưa thể kiểm tra khu vực mà chất độc được cho là đã được sử dụng vì hỏa lực của đối phương. Họ nói thêm rằng dân thường của thành phố tiếp xúc tối thiểu với chất độc không xác định này nhưng binh lính Ukraine đã tiếp xúc gần hơn với nó và hiện đang được quan sát để tìm các triệu chứng có thể xảy ra.
Nga trước đó đã cáo buộc Ukraine chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học, mà không cung cấp bằng chứng.
Xung đột Ukraine khiến cuộc khủng hoảng phân bón tồi tệ hơn, gây rủi ro cho nguồn cung thực phẩm
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đẩy giá phân bón vốn đã cao lên cao hơn, khiến nguồn cung vốn đã khan hiếm nay ngày càng khó tìm hơn và gây khó khăn cho nông dân, đặc biệt là người ở các quốc gia đang phát triển.
Giá phân bón cao hơn đang làm cho nguồn cung cấp lương thực trên thế giới trở nên đắt đỏ hơn và kém phong phú hơn, do nông dân tiết kiệm chất dinh dưỡng cho cây trồng của họ và thu được sản lượng thấp hơn.
Trong khi khách mua hàng bách hóa ở các nước giàu có sẽ cảm nhận được những gợn sóng, thì sự khan hiếm về nguồn cung thực phẩm sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các gia đình ở các quốc gia nghèo hơn. Cuộc khủng hoảng phân bón có nguy cơ hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp lương thực trên toàn thế giới, vốn đã bị hạn chế bởi sự gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng từ Nga và Ukraine.
Ngũ Giác Đài, các đối tác làm việc để xác minh báo cáo của tiểu đoàn Azov rằng Nga đã sử dụng ‘chất độc’ ở Mariupol
Hoa Kỳ, Anh, và Úc cho biết họ đang làm việc để xác minh các tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội rằng quân đội Nga đã sử dụng “chất độc” ở thành phố Mariupol thuộc miền nam Ukraine, vốn từ lâu vẫn trong trạng thái giao tranh.
Tiểu đoàn Azov, một đơn vị tân phát xít của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết trên Telegram rằng Nga đã sử dụng một “chất độc không rõ nguồn gốc” ở thành phố cảng này. Kể từ khi Azov giành Mariupol khỏi vòng kiểm soát của quân ly khai thân Nga vào năm 2014, tiểu đoàn này đã bảo vệ Mariupol, một thành phố cảng chiến lược trên Biển Azov bị tàn phá bởi chiến tranh mà nếu Nga chiếm được, sẽ cung cấp cho nước này một hành lang trên bộ tới Crimea.
“Lực lượng chiếm đóng của Nga đã sử dụng chất độc không rõ nguồn gốc chống lại quân đội và dân thường của Ukraine tại thành phố Mariupol, vốn được thả từ [phi cơ không người lái] của quân địch,” Tiểu đoàn Azov đăng hôm 11/04. “Các nạn nhân bị suy hô hấp, hội chứng rối loạn tiền đình. Hậu quả của việc sử dụng chất không rõ nguồn gốc đang được làm rõ.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Bộ trưởng Anh: Tất cả các phương án sẽ được xem xét nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine
Hôm thứ Ba (12/04), Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cho biết tất cả các phương án sẽ được đưa ra xem xét để ứng phó với bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào ở Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss hôm thứ Hai (11/4) cho biết Anh đang làm việc với các đối tác để xác minh thông tin chi tiết về việc quân đội Nga có thể đã sử dụng chất hóa học trong một cuộc tấn công vào Mariupol.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC TV, ông Heappey cho biết tình báo quốc phòng Anh cho đến nay vẫn chưa thể xác minh các thông tin nhưng họ đang “làm việc khẩn cấp để tìm hiểu xem vũ khí hóa học có được sử dụng hay không.”
“Nếu vũ khí hóa học đã được sử dụng, đó là thời điểm rất quan trọng để thủ tướng của chúng tôi và những người đứng đầu chính phủ khác trên thế giới xem xét cách chúng ta sẽ phản ứng với điều đó,” ông Heappey nói thêm.
Hôm thứ Hai (11/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học và kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Moscow để thậm chí có thể ngăn chặn cả việc bàn về việc sử dụng vũ khí như vậy.
Ngân hàng Trung ương: Nga hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm tỷ trọng USD trong kho dự trữ ngoại hối
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết Nga giữ đủ nhân dân tệ và vàng trong kho dự trữ để hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây — ngay cả sau khi Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh phong tỏa một nửa số tiền nắm giữ của nước này bằng dollar và các loại tiền tệ khác.
Cơ quan quản lý này đã cắt giảm tỷ trọng dự trữ USD xuống 10.9% kể từ ngày 01/01 từ mức 21.2% một năm trước đó. Trong khi đó, mức nắm giữ euro được báo cáo đã tăng từ 29.2% lên 33.9%. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ nhân dân tệ đã tăng từ 12.8% một năm trước đó lên mức 17.1%, trong khi tỷ trọng vàng giữ ổn định ở mức 21.5%.
Báo Đức thuê ký giả biểu tình chống chiến tranh trên truyền hình Nga
Tờ Die Welt của Đức đã thuê một phóng viên mới: ký giả người Nga Marina Ovsyannikova, người đã thu hút sự chú ý của thế giới sau khi bất ngờ biểu tình trên kênh truyền hình nhà nước Nga để phản đối cuộc xâm lược gần đây và vẫn đang tiếp diễn của quê hương bà vào Ukraine.
Bà Ovsyannikova “hiện là phóng viên tự do của Die Welt, đưa tin từ Ukraine và Nga, cùng những nơi khác,” tờ báo cho biết trong một tuyên bố. Die Welt là tờ báo hàng đầu của Axel Springer SE, một tập đoàn truyền thông của Đức cũng sở hữu các ấn phẩm Insider và Politico của Hoa Kỳ.
“Vào một thời điểm quan trọng, cô Marina Ovsyannikova đã có đủ can đảm để cho khán giả Nga thấy một cái nhìn chân thực về thực tế,” phát ngôn viên Ulf Poschardt của Welt cho biết. “Khi làm như vậy, cô ấy đã bảo vệ đạo đức báo chí quan trọng nhất — bất chấp mối đe dọa về sự đàn áp của nhà nước Nga. Tôi rất hào hứng khi được làm việc với cô ấy.”
Tổng thống Zelensky của Ukraine tuyên bố Nga có thể đã sử dụng vũ khí hóa học, kêu gọi thêm trừng phạt
Hôm thứ Hai (11/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Nga có thể đã sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine và kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Moscow, nhằm thậm chí có thể ngăn chặn cả việc bàn về việc sử dụng vũ khí như vậy.
Có những tin tức chưa được xác nhận hôm thứ Hai cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng ở cảng Mariupol bị bao vây, thuộc miền nam Ukraine.
“Chúng tôi đối đãi với việc này với sự nghiêm túc nhất,” ông Zelensky cho biết trong video hàng đêm của ông vào thứ Hai. Ông không nói rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng.
Ông Petro Andryushchenko, phụ tá của thị trưởng Mariupol, đã viết trên kênh Telegram của mình về một vụ tấn công hóa học vẫn chưa được xác nhận và ông mong đợi sẽ cung cấp thông tin chi tiết và làm rõ sau đó.
Pháp tuyên bố sáu điệp viên Nga là ‘người không được chào đón’ vì hoạt động bí mật
Hôm thứ Hai (11/04), Bộ Ngoại giao Pháp đã tuyên bố sáu điệp viên Nga đóng giả các nhà ngoại giao là “người không được chào đón” sau khi một cuộc điều tra của cơ quan tình báo trong nước kết luận rằng họ đang làm việc chống lại lợi ích quốc gia của Pháp.
“Sau một cuộc điều tra rất lâu, Tổng cục An ninh Nội bộ (DGSI) đã tiết lộ hôm 10/04 về một hoạt động bí mật do các cơ quan tình báo Nga thực hiện trên lãnh thổ của chúng tôi,” bộ cho biết trong một tuyên bố mà không nêu chi tiết.
“Sáu điệp viên Nga hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao và những hoạt động của họ được chứng minh là đi ngược lại với lợi ích quốc gia của chúng tôi đã được tuyên bố là những người không được chào đón,” bộ cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đã chúc mừng nhân viên DGSI trên Twitter vì đã ngăn chặn được hoạt động này. Ông không cho biết chi tiết về bản chất của nhiệm vụ. Bộ Ngoại giao cũng từ chối đưa ra thông tin chi tiết.
Bộ ngoại giao cho biết trong trường hợp không có đại sứ của Nga tại Paris, cấp phó của ông đã được triệu tập để thông báo cho ông về lý do trục xuất.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Nga sẽ đáp trả tương ứng.”
Đầu tháng này, Pháp đã trục xuất 35 người Nga có tư cách ngoại giao như một phần của hành động rộng lớn hơn của Âu Châu và cho biết các nhân viên này đã làm việc chống lại lợi ích của Pháp.
Bất chấp một số chỉ trích, Tổng thống Emmanuel Macron đã tìm cách duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Putin. Ông thường xuyên nói chuyện với ông Putin như một phần trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine và bắt đầu một cuộc đàm phán đáng tin cậy giữa Kyiv và Moscow.
Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng trong những tuần gần đây với việc đại sứ Nga bị triệu tập ba lần, trong đó hai lần là vì các tweet của đại sứ quán mà Pháp mô tả là không thể chấp nhận được.
Bị bỏ rơi ở miền đông Ukraine, thú cưng tìm kiếm nhà mới ở Nga
Với thùng xe chật kín lồng thú cưng, cô Yulia lái xe qua khu vực Donetsk nơi đang có những cuộc giao tranh dữ dội ở miền đông Ukraine để thu nhặt chó mèo bị chủ bỏ rơi với hy vọng tìm cho những con thú cưng này nhà mới ở Nga.
Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, một khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn, đã thông báo di tản cư dân của mình về phía đông nam nước Nga do những ngày pháo kích gia tăng trước khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/02 trong cái gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Khi cư dân vội vã chạy nạn, nhiều vật nuôi đã bị bỏ mặc.
Cô Yulia đến từ Donetsk, đã thực hiện chín chuyến đi đến biên giới Nga, mang theo 18 con vật nuôi mỗi lần. Ở đó, cô giao những con mèo và chó bị bỏ rơi cho các tình nguyện viên Nga, những người này sau đó đưa chúng đến Moscow khoảng 900 km (560 dặm) về phía bắc.
Các tình nguyện viên do cô Irina Marchenko, một chủ cửa hàng thú cưng ở Moscow dẫn đầu, đã hội tụ cùng nhau từ hai bên biên giới để đưa chó mèo bị bỏ rơi ở Donetsk đến những ngôi nhà mới ở Nga.
Cô Yulia cho biết cô cảm thấy buộc phải giúp đỡ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải lái xe hàng giờ qua các trạm kiểm soát với những con mèo không ngoan và những con chó con sủa inh ỏi là hành khách trên chiếc xe Lada màu xanh lá cây đậm của cô.
EU điều tra tài sản của Nga
Europol và các cơ quan khác của EU đã hợp tác với các thành viên của khối để hỗ trợ điều tra hình sự đối với tài sản của các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt vì cuộc tấn công quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine.
Europol thông báo hôm thứ Ba (12/04), “Chiến dịch Oscar” cũng sẽ hỗ trợ các cuộc điều tra của các quốc gia EU vào những hành vi bị cáo buộc vi phạm các hạn chế kinh tế và thương mại được áp dụng đối với Moscow.
“Hoạt động rộng khắp” này sẽ kéo dài ít nhất một năm và được thiết lập để bao gồm một số cuộc điều tra song song. Theo nhiều cách, việc này tương tự như Chiến dịch Sentinel, được thực hiện trong đại dịch COVID-19 nhằm giải quyết gian lận đối với quỹ phục hồi của Liên minh Âu Châu.
Canada phủ nhận việc huấn luyện tiểu đoàn Azov của Ukraine
Quân đội Canada được cho là đã cung cấp huấn luyện chiến đấu cho các thành viên tiểu đoàn Azov của Ukraine, trái với chính sách đã nêu và bất chấp những phủ nhận trước đó về bất kỳ mối quan hệ chính thức nào giữa Ottawa và lực lượng dân quân khét tiếng này.
Theo một bản tin hôm thứ Hai (11/04) của Radio-Canada, mối liên hệ này dường như được tiết lộ trong các bức ảnh được Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đăng trên mạng xã hội, Những hình ảnh này cho thấy những người lính mang miếng vá tiểu đoàn Azov trên đồng phục khi tham gia huấn luyện với quân đội Canada.
EU đưa các hãng hàng không Nga vào danh sách đen
EU đã cấm 20 hãng hàng không Nga vì các vấn đề an toàn và bảo trì, theo một thông cáo báo chí được công bố trên trang web của Ủy ban Âu Châu hôm thứ Hai (11/04). Các hãng hàng không Nga đã bị cấm bay vào không phận Âu Châu như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow về cuộc xung đột ở Ukraine.
Thông cáo nêu rõ, các hãng hàng không lớn nhất của Nga như Aeroflot, S7, Rossiya, UTair nằm trong số những hãng được thêm vào Danh sách An toàn Hàng không của Liên minh Âu Châu. Danh sách này liệt kê các hãng hàng không phải chịu lệnh cấm hoạt động hoặc các hạn chế hoạt động trong Liên minh Âu Châu, vì họ không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Thủ tướng Áo: Tổng thống Putin có ý định ‘giải quyết’ xung đột Donbas
Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã rời cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (11/04). Ông tin rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây không làm suy yếu quyết tâm của Điện Kremlin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Donbas trước khi kết thúc cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.
“Ông ấy xác nhận rõ ràng rằng các lệnh trừng phạt là khó khăn đối với Nga nhưng tình hình ở Donbas, như ông ấy nói, phải được giải quyết, bất chấp các lệnh trừng phạt — ngay cả khi chúng khá hữu hình,” ông Nehammer nói với các phóng viên sau cuộc họp tại dinh thự bên ngoài Moscow của ông Putin, theo trích dẫn của TASS.
Trung Quốc sử dụng không phận NATO để chuyển hỏa tiễn cho Serbia
Hôm 11/04, sáu phi cơ quân sự của Trung Quốc đã bay qua không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, cả hai đều là thành viên NATO, để chuyển hỏa tiễn tới Serbia, một đồng minh quan trọng của chế độ Vladimir Putin ở Nga.
Hành động này có thể được coi là một màn phô trương vũ lực, vì Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trước đó đã nói rằng NATO từ chối để các lô hàng vũ khí Trung Quốc đi qua không phận của các quốc gia thành viên.
Các phi cơ chở hàng Y-20 đã chuyển giao hệ thống vũ khí phòng không cho Serbia thông qua phi trường dân sự Nikola Tesla ở Belgrade.
Ngân hàng Pháp SocGen chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Nga
Societe Generale (SocGen) đã thông báo rằng họ sẽ chấm dứt các hoạt động ở Nga — trở thành ngân hàng phương Tây lớn đầu tiên thông báo rằng họ sẽ rời khỏi Nga.
SocGen cũng đang bán toàn bộ cổ phần của mình tại Rosbank cho một công ty có liên hệ với một nhà tài phiệt người Nga, khiến ngân hàng Pháp tổn thất khoảng 3 tỷ euro (3.3 tỷ USD).
Rosbank là một công ty lớn trong lĩnh vực ngân hàng Nga và SocGen là cổ đông chính.
“Sau nhiều tuần làm việc khẩn trương,” ngân hàng cho biết trong một tuyên bố, họ đã ký một thỏa thuận với quỹ đầu tư Nga Interros Capital để bán toàn bộ cổ phần của mình tại Rosbank cũng như các công ty bảo hiểm con ở Nga.
Interros là một trong những quỹ lớn nhất ở Nga, nắm giữ tài sản trong lĩnh vực công nghiệp nặng và luyện kim.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Katabella Roberts, Alan Cheung, Lorenz Duchamps, Naveen Athrappully, The Associated Press, và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: