[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 04-06/04/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 04/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 01-03/04/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Hoa Kỳ, đồng minh cấm đầu tư ở Nga, trừng phạt các ngân hàng
Hôm thứ Tư (05/04), Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngân hàng và quan chức Nga, đồng thời cấm đầu tư mới vào Nga, sau khi các quan chức ở Hoa Thịnh Đốn và Kyiv cáo buộc Moscow phạm tội ác chiến tranh ở thị trấn Bucha của Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt này sẽ gia tăng các hạn chế đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp quốc doanh ở Nga và nhắm vào các quan chức chính phủ Nga và gia đình họ, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên hôm thứ Ba (05/04).
“Ngày mai, những gì chúng tôi sẽ công bố… với sự phối hợp với nhóm G7 và EU, (là) một gói biện pháp trừng phạt sâu rộng bổ sung sẽ áp đặt các phí tổn lên Nga và cô lập nước này hơn nữa về mặt kinh tế, tài chính, và công nghệ,” bà Psaki nói, lưu ý rằng G7 và EU chiếm khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu.
Các biện pháp này sẽ “làm suy giảm các công cụ chủ chốt trong năng lực của nhà nước Nga, gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng và ngay lập tức đối với Nga, đồng thời quy trách nhiệm cho chế độ đạo tặc Nga đang tài trợ và hỗ trợ cuộc chiến của (Tổng thống Nga) Putin,” bà nói.
Bà từ chối bình luận về các tin tức cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào các con gái của ông Putin.
Bộ trưởng Quốc phòng bảo vệ cách ứng phó của Hoa Kỳ về vấn đề Ukraine
Hôm thứ Ba (05/04), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã bảo vệ cách ứng phó của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc trao đổi sôi nổi với một nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, người cáo buộc Ngũ Giác Đài ước tính quá mức khả năng quân sự của Nga.
“Ông có nghĩ rằng Nga chưa chiếm được Ukraine là nhờ những gì chúng ta đã làm không? Và những gì các đồng minh của chúng ta đã làm? Ông đã bao giờ nghĩ về điều đó chưa?” ông Austin đã đặt ra những câu hỏi tu từ cho Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) trong lời chứng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Ông Austin và các quan chức Hoa Kỳ khác nói rằng sự hỗ trợ của Mỹ đối với quân đội Ukraine, cùng ý chí chiến đấu mạnh mẽ của Ukraine, đã cản trở kế hoạch của Nga về một chiến thắng chóng vánh trong cuộc xâm lược hiện đã kéo dài hơn một tháng.
Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thị trường darknet và sàn giao dịch mã kim của Nga
Hôm thứ Ba (05/04), Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một trang web thị trường darknet nổi tiếng có trụ sở tại Nga và một sàn giao dịch mã kim (cryptocurrency) mà họ cho biết hoạt động chủ yếu ở Moscow và St. Petersburg.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với Hydra và sàn giao dịch tiền tệ Garantex được công bố trên trang web của Bộ Ngân khố “gửi một thông điệp ngay hôm nay tới những tên tội phạm rằng họ không thể ẩn nấp trên darknet hoặc diễn đàn của họ.”
Theo các nhà nghiên cứu blockchain, trong năm 2019, khoảng 86% bitcoin bất hợp pháp mà các sàn giao dịch mã kim của Nga nhận được trực tiếp đến từ Hydra, thị trường được Bộ Ngân khố mô tả là “thị trường darknet lớn nhất và nổi bật nhất” trên thế giới.
Bộ Ngân khố cho biết, các biện pháp trừng phạt mới sẽ cấm người dân Hoa Kỳ thực hiện hoặc nhận “bất kỳ khoản đóng góp hoặc cung cấp quỹ, hàng hóa, hoặc dịch vụ nào” cho Hydra hoặc Garantex.
Bộ cho biết, các lệnh trừng phạt – vốn cấm người Mỹ giao dịch với Hydra và Garantex đồng thời tìm cách đóng băng bất kỳ tài sản nào mà hai tổ chức này có thể có dưới quyền tài phán của Hoa Kỳ – là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các dịch vụ tội phạm mạng độc hại, ma túy và các dịch vụ bất hợp pháp khác, bao gồm cả hoạt động mã độc tống tiền có nguồn gốc từ Nga.
Tổng thống Zelensky đề nghị loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Hôm thứ Ba (05/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Nga nên bị loại khỏi cơ quan Liên Hiệp Quốc này vì những gì ông nói là hành động tàn bạo đã xảy ra gần Kyiv.
Trong một bài diễn văn, nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng Nga cần phải chịu trách nhiệm và kêu gọi Liên Hiệp Quốc hành động. Cuối tuần qua (02-03/04), các quan chức Kyiv đã cáo buộc rằng quân đội Nga tra tấn và tàn sát thường dân ở Bucha, điều mà Moscow bác bỏ trong khi cáo buộc chính phủ Ukraine dàn dựng một hành động khiêu khích.
“Bây giờ thế giới có thể chứng kiến những gì quân đội Nga đã làm ở Bucha, nhưng thế giới vẫn chưa thấy những gì họ đã làm ở các thành phố và khu vực bị chiếm đóng khác của đất nước chúng tôi,” ông Zelensky nói và cho biết thêm rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên hoàn toàn “giải tán” nếu tổ chức này không hành động chống lại Moscow.
“Nếu không có giải pháp thay thế và không có sự lựa chọn nào khác, thì lựa chọn tiếp theo sẽ là tự giải thể hoàn toàn,” ông Zelensky nhận xét.
Ông nói thêm, Nga nên bị loại khỏi tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Anh, và Nga là các thành viên thường trực duy nhất của hội đồng này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky nói với Liên Hiệp Quốc: Nga ‘không thể tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm’
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Nga “không thể tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm” khi ông cáo buộc quân đội Nga phạm “tội ác chiến tranh khủng khiếp nhất” kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Ông Zelensky đã chiếu một đoạn video ngắn về các thi thể bị bỏng, đầy máu, và bị cắt xẻo, bao gồm cả trẻ em, ở Irpin, Dymerka, Mariupol, và Bucha.
Sau đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an rằng quân đội Nga không nhắm vào dân thường, bác bỏ những cáo buộc lạm dụng như là những lời dối trá.
Ông Zelensky đặt nghi vấn về giá trị của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên, vốn đã không thể thực hiện bất kỳ hành động nào đối với cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02 của Nga vì Moscow là một cường quốc có quyền phủ quyết, như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, và Trung Quốc.
“Chúng tôi đang ứng phó với một quốc gia biến quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành quyền [gây ra] cái chết,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn trực tiếp từ thủ đô Kyiv của Ukraine, kêu gọi cải tổ cơ quan quốc tế này. “Nga muốn biến Ukraine thành những nô lệ thầm lặng.”
Nga cho biết họ đang thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm mục đích phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và “phi phát xít hóa” nước này, đồng thời phủ nhận việc tấn công dân thường. Ukraine nói rằng họ đã bị xâm lược mà không có hành động khiêu khích.
Nga giải thích về kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng rúp
Hôm thứ Ba (05/04), phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ không tìm kiếm các khoản thanh toán khí đốt từ “các quốc gia không thân thiện” bằng đồng rúp ngay lập tức, lưu ý rằng việc chuyển đổi có thể là một “quá trình dần dần”.
Ông Peskov nói với các phóng viên, “Không ai phải vội vàng.” Ông giải thích, “Đây là hành động theo từng giai đoạn, rất thận trọng, có xét đến các thực tế kinh tế và tài chính hiện hữu trên thị trường toàn cầu. Chắc chắn, sẽ không có chỗ cho những thay đổi đột ngột.”
Theo ông Peskov, đây phải là một “hoạt động được suy nghĩ hoàn toàn thấu đáo, được điều chỉnh dần dần và thận trọng. Không thể hành động khác đi được.”
EU ra lệnh cho 19 nhà ngoại giao Nga rời Bỉ
Liên minh Âu Châu đã tuyên bố 19 nhà ngoại giao Nga không được chào đón vì “tham gia vào các hoạt động trái với tư cách ngoại giao của họ” và yêu cầu họ rời nước chủ nhà Bỉ, khối này cho biết. Bỉ đã tham gia cùng các quốc gia thành viên khác trục xuất các đại diện ngoại giao Nga.
“Dựa trên quyết định của Đại diện Cao cấp Josep Borrell, 19 thành viên của Phái đoàn Thường trực của Liên bang Nga tại EU ở Brussels đã được tuyên bố là người không được chào đón vì đã tham gia vào các hoạt động trái với tư cách ngoại giao của họ,” khối cho biết trong một tuyên bố.
Đức gửi vũ khí bổ sung cho Ukraine
Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng ủng hộ việc cung cấp vũ khí bổ sung cho Ukraine để tự vệ trước Nga.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết hôm thứ Ba (05/04) rằng “chúng tôi đang xem xét các giải pháp, cùng với EU, NATO và đặc biệt là các đối tác G7.”
Bà bác bỏ những lời chỉ trích rằng Đức đã nỗ lực không đủ để trang bị vũ khí cho Ukraine, nói rằng “không có nhiều quốc gia khác cung cấp nhiều [vũ khí] hơn.”
Bà Baerbock đưa ra nhận xét này sau một hội nghị ở Berlin về sự ủng hộ đối với Moldova, một quốc gia Đông Âu nghèo nhỏ bé giáp biên giới với Ukraine đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc xung đột.
Các bên tham gia đã đồng ý tiếp nhận 12,000 người tị nạn Ukraine hiện đang ở Moldova, cung cấp 71 triệu euro viện trợ và gần 700 triệu euro cho nước này vay, đồng thời hỗ trợ nước này trong nỗ lực chống tham nhũng và giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Các nước Baltic trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga
Estonia và Latvia sẽ đóng cửa các cơ quan lãnh sự của Nga tại hai thành phố của mỗi nước, trục xuất tổng cộng 27 nhà ngoại giao và nhân viên Nga hiện đang làm việc tại các nước Baltic.
Hôm thứ Ba (05/04), Bộ Ngoại giao Estonia cho biết nước này đã quyết định trục xuất các nhân viên của lãnh sự quán Nga ở thành phố phía nam Tartu và thành phố biên giới Narva đồng thời đóng cửa các cơ sở này. Bộ cho biết có tổng cộng 14 nhân viên Nga, trong đó bao gồm 7 nhân viên có tư cách ngoại giao, sẽ phải rời khỏi đất nước trước ngày 30/04.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rincevics cho biết trong một tweet rằng Latvia sẽ đóng cửa các lãnh sự quán Nga ở Daugavpils và Liepaja, đồng thời trục xuất 13 nhà ngoại giao và nhân viên Nga.
Tổng thống Putin cảnh báo về việc quốc hữu hóa cổ phần của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào của ngoại quốc nhằm quốc hữu hóa cổ phần của Nga trong các công ty sẽ là “con dao hai lưỡi”.
Ông nói: “Chúng tôi đã nghe tuyên bố từ các quan chức về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi. Điều đó sẽ đẩy chúng ta đi đến đâu? Đừng ai quên rằng đó là một con dao hai lưỡi.”
Ông Putin cũng than phiền điều mà ông nói là “áp lực hành chính đối với công ty Gazprom của chúng tôi ở một số nước Âu Châu.” Hôm thứ Hai (04/04), Đức đã đưa một cơ quan chính phủ lên phụ trách một công ty con lâu năm của Gazprom tại Đức, đại tập đoàn năng lượng do nhà nước Nga kiểm soát.
Hành động này không mang tính quốc hữu hóa vì chính phủ Đức chưa nắm quyền sở hữu cổ phần và đây là sự thay đổi quản lý tạm thời cho đến hết tháng Chín.
Tuần trước (28/03-03/04), Gazprom cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với công ty này nhưng Đức nói rằng điều đó không hợp lệ, vì danh tính của bất kỳ chủ sở hữu mới nào là không rõ ràng và thương vụ đã xảy ra mà không có sự chấp thuận theo quy định của chính phủ.
Điện Kremlin: Bucha là ‘sự giả mạo khủng khiếp’ nhằm bôi nhọ Nga
Điện Kremlin hôm thứ Ba (05/04) cho biết những cáo buộc của phương Tây rằng các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh bằng cách hành quyết dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine là “sự giả mạo khủng khiếp” nhằm bôi nhọ quân đội Nga.
Kể từ khi quân đội Nga rút khỏi các thị trấn và làng mạc xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine, quân đội Ukraine đã cho các ký giả xem các thi thể của những người mà họ nói là thường dân bị quân Nga sát hại, và tàn tích của những ngôi nhà bị phá hủy cùng những chiếc xe hơi cháy rụi.
Phương Tây nói rằng những thường dân thiệt mạng là bằng chứng của tội ác chiến tranh.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Đó chỉ đơn giản là một chương trình được đạo diễn tốt — nhưng bi thảm. Đó là một sự giả mạo nhằm mục đích bôi nhọ quân đội Nga — và nó sẽ không có tác dụng.”
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế: hãy tách mình ra khỏi những nhận thức cảm tính như vậy và suy nghĩ bằng cái đầu của quý vị,” ông Peskov nói. “So sánh các dữ kiện và hiểu chúng tôi đang đối phó với một sự giả mạo khủng khiếp như thế nào.”
Ukraine nói rằng Nga phạm tội diệt chủng và Tổng thống Joe Biden hôm thứ Hai (04/04) đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phạm tội ác chiến tranh và kêu gọi xét xử.
Điện Kremlin cho biết nhận xét của ông Biden là không thể chấp nhận được và không xứng đáng đối với một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Nga coi bằng chứng về các vụ hành quyết dân thường ở Bucha là một mưu đồ định kỳ của Ukraine và những người ủng hộ phương Tây của họ, những người mà Moscow cho rằng đang bị mắc chứng hoang tưởng kỳ thị bài Nga.
“Đây là những trò giả mạo đã chín muồi trong trí tưởng tượng hoài nghi của tuyên truyền từ phía Ukraine,” ông Dmitry Medvedev, người từng là tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012 và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói về Bucha.
Ông cho rằng quân đội Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng để sát hại chính công dân của họ nhằm làm mất uy tín của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ có bằng chứng cho thấy Trung Tâm Chính về Tâm Lý Chiến số 72 của Ukraine đã hỗ trợ việc tuyên truyền như vậy ở một ngôi làng cách Kyiv 23 km (14 dặm) về phía tây bắc cũng như ở Sumy, Konotop, và các thị trấn khác.
Nga không công bố bằng chứng cho tuyên bố của mình nhưng họ nói rằng truyền thông phương Tây đã đưa tin tường thuật một cách quá thiên kiến về cuộc chiến ở Ukraine, phớt lờ phần lớn những lo ngại của Nga về việc mở rộng NATO và đàn áp những người nói tiếng Nga.
Moscow đã đặt câu hỏi tại sao lực lượng của họ rút khỏi Bucha vào ngày 30/03 và thị trưởng Bucha tuyên bố khu vực này không có quân Nga vào ngày 31/03, mà thi thể của những thường dân thiệt mạng lại chỉ được công bố lần đầu tiên vào ngày 03/04.
Nga cũng cho biết các thi thể được ghi hình trong một số đoạn phim không có dấu hiệu xuống cấp đặc trưng như mong đợi sau vài ngày.
NATO: Nga đang tái tập hợp để cố chiếm Donbas của Ukraine
Hôm thứ Ba (05/04), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Nga sẽ không từ bỏ cuộc tấn công của nước này ở Ukraine nhưng sẽ cố gắng chuyển hướng sang tập trung vào việc chiếm toàn bộ khu vực Donbas trong những tuần tới.
Ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo: “Giờ đây, chúng tôi nhận thấy sự di chuyển đáng kể của quân đội (Nga) khỏi Kyiv để tập hợp lại, tái trang bị vũ khí và tái tiếp tế đồng thời chuyển trọng tâm của họ sang phía đông.”
“Trong những tuần tới, chúng tôi dự đoán Nga sẽ thúc đẩy hơn nữa chiến sự ở miền đông và miền nam Ukraine để cố gắng chiếm toàn bộ Donbas và tạo một cây cầu trên bộ tới Crimea nơi bị Nga chiếm đóng,” ông nói trước cuộc họp các ngoại trưởng NATO hôm thứ Tư (06/04).
Nga tuyên bố Ukraine đang dàn dựng thêm ‘những vụ sát hại thường dân’
Hôm thứ Ba (05/04), Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng các cơ quan an ninh Ukraine đang dàn dựng thêm nhiều vụ sát hại thường dân ở một số thị trấn và làng mạc để gây chấn động trên các phương tiện truyền thông phương Tây và cáo buộc Moscow về tội ác chiến tranh.
Moscow khẳng định rằng Kyiv đã sử dụng chính các chiến thuật này để đổ lỗi cho quân đội Nga về những hành động tàn bạo ở thị trấn Bucha vào tuần trước.
Phát ngôn viên của bộ, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết trong một cuộc họp báo, “Các binh sĩ của Trung Tâm Chính về Tâm Lý Chiến số 72 của Ukraine đã thực hiện một đoạn phim dàn dựng khác về những thường dân được cho là bị sát hại bởi các hành động bạo lực của các lực lượng vũ trang Nga để phát tán qua các phương tiện truyền thông phương Tây.”
EU tiết lộ lý do tại sao không cấm khí đốt của Nga
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell đã thông báo rằng việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập cảng khí đốt của Nga đã bị loại trừ vì khối sẽ không thể thông qua một cuộc bỏ phiếu đồng thuận do quan điểm của Hungary.
“Một quyết định đồng thuận không thể được đưa ra bởi vì có một quốc gia, Hungary, đã nói rằng họ sẽ phủ quyết,” chính trị gia này nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn COPE của Tây Ban Nha.
Đồng thời, ông Borrell dường như thừa nhận quan điểm của Budapest khi nói rằng, “từ bỏ những gì quý vị không có thật dễ dàng,” đồng thời nói thêm rằng các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập cảng khí đốt của Nga hiện đang ở trong tình thế khó khăn.
EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow
Cơ quan hành pháp của Liên minh Âu Châu đã đề xướng lệnh cấm nhập cảng than từ Nga, đây sẽ là lệnh trừng phạt đầu tiên nhắm vào ngành công nghiệp năng lượng lợi nhuận cao của nước này sau cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm thứ Ba (05/04), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết lệnh cấm nhập cảng than sẽ trị giá 4 tỷ euro (4.4 tỷ USD) mỗi năm. Bà nói thêm rằng EU đã bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả việc cấm nhập cảng dầu.
Bà von der Leyen không đề cập đến khí đốt tự nhiên. Sự đồng thuận giữa 27 quốc gia thành viên EU về việc nhắm mục tiêu vào khí đốt vốn được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm cho các gia đình, và làm nhiên liệu cho ngành công nghiệp sẽ khó đạt được hơn.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky: Đàm phán giữa Ukraine và Nga là lựa chọn duy nhất để chấm dứt chiến tranh
Hôm thứ Ba (05/04), Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh nhưng ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể không đích thân hội đàm.
Ông Zelensky đã đưa ra bình luận này sau khi cáo buộc quân đội Nga thực hiện các vụ sát hại dân thường bất hợp pháp ở thị trấn Bucha, phía tây thủ đô Kyiv của Ukraine.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết các tin tức về các vụ sát hại dân thường ở Bucha là “giả mạo” nhằm làm mất uy tín của Nga. Moscow cho biết họ sẽ đưa ra “bằng chứng thực tiễn” trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba để chứng minh các lực lượng của họ không dính dáng tới hoạt động này.
“Tất cả chúng tôi, bao gồm cả tôi, sẽ coi thậm chí cả khả năng đàm phán là một thách thức,” ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với các ký giả Ukraine được phát sóng trên truyền hình quốc gia.
“Thách thức này là nội tại, trước hết là thách thức của chính tự thân, thách thức của con người. Sau đó, khi quý vị bình tâm lại, và quý vị phải làm điều đó, tôi nghĩ rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác.”
Ông nói rằng các sự kiện ở Bucha là không thể tha thứ nhưng Ukraine và Nga nên đưa ra lựa chọn khó khăn là theo đuổi các cuộc đàm phán, đồng thời phát đi tín hiệu rằng Moscow nên công nhận những gì quân đội của họ được cho là đã làm.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết các cuộc đàm phán đang tiếp tục thông qua liên kết video.
Khi được hỏi liệu ông và ông Putin có tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp hay không, ông Zelensky cho biết điều này có khả năng sẽ không xảy ra nhưng không cho biết chi tiết.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine: Nga đang tái tập hợp quân đội
Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo vào sáng thứ Ba (05/04) rằng Nga đang tái tập hợp quân đội và chuẩn bị cho một cuộc tấn công ở Donbas.
“Mục tiêu là thiết lập toàn quyền kiểm soát lãnh thổ của các vùng Donetsk và Luhansk,” bản cập nhật được đăng trên trang Facebook của Bộ Tổng tham mưu cho biết.
Bộ cho biết, tại các khu vực Donetsk và Luhansk, quân đội Nga đang tập trung nỗ lực giành quyền kiểm soát các thành phố Popasna và Rubizhne, cũng như thiết lập toàn quyền kiểm soát Mariupol. Các thị trấn và khu định cư khác ở hai khu vực này đang tiếp tục bị pháo kích.
Theo Bộ Tổng tham mưu, quân đội Nga cũng đang tiếp tục phong tỏa Kharkiv.
Ukraine: Tàu dân sự chìm ở Mariupol
Ukraine tuyên bố một tàu dân sự đã chìm tại cảng của thành phố đang bị bao vây Mariupol sau khi bị quân đội Nga nã đạn.
Bộ Nội vụ Ukraine tuyên bố trong một tuyên bố hôm thứ Ba (05/04) rằng con tàu đã bị tấn công trong “cuộc pháo kích từ biển” của Nga, gây ra hỏa hoạn trong buồng máy. Bộ cho biết thêm, thủy thủ đoàn đã được cứu, bao gồm cả một thành viên bị thương.
Bộ cho biết con tàu treo cờ Cộng hòa Dominica và đăng hình ảnh một tàu chở hàng. Bộ không nêu rõ có bao nhiêu người trên tàu hoặc quốc tịch của các thành viên thủy thủ đoàn.
Tổng thống Ukraine cho biết tình hình chiến sự ở Mariupol rất khó khăn
Hôm thứ Ba (05/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết những nỗ lực của Ukraine nhằm đẩy lùi quân đội Nga khỏi Mariupol đang gặp khó khăn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với các phương tiện truyền thông địa phương, ông Zelensky cho biết tình hình chiến sự ở thành phố cảng phía nam này đang “rất khó khăn.”
Ông cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xướng một kế hoạch giúp di tản những người bị thương và thi thể ra khỏi thành phố, nhưng tuyên bố rằng sáng kiến này phụ thuộc vào ý muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ukraine mở hành lang nhân đạo dẫn ra ngoài Mariupol
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng bảy hành lang nhân đạo sẽ được mở vào thứ Ba (05/04), bao gồm các hành lang từ thành phố cảng Mariupol bị bao vây và thành phố Berdyansk do Nga kiểm soát.
Theo bài đăng của bà Vereshchuk, cư dân của Mariupol và Berdyansk sẽ có thể đến Zaporizhzhia bằng phương tiện di chuyển của riêng họ. Các hành lang cũng sẽ được mở từ thành phố Tokmak trong vùng Zaporizhzhia và các thành phố Severodonetsk, Lysychansk, Popasna, và Hirske trong vùng Luhansk.
Tuyên bố của bà Vereshchuk không cho biết rõ ngay liệu Nga có đồng ý ngừng giao tranh dọc theo các hành lang đã thông báo hay không. Một số nỗ lực của Ukraine để di tản dân thường qua các hành lang nhân đạo trước đó đã thất bại khi các cuộc giao tranh dọc theo chúng vẫn tiếp diễn dù đã có thỏa thuận với Nga.
Liên Hiệp Quốc: Ước tính 11 triệu người đã rời bỏ nhà cửa ở Ukraine
Cơ quan di cư của Liên Hiệp Quốc hiện ước tính rằng hơn 11 triệu người đã rời bỏ nhà cửa của họ ở Ukraine kể từ khi Nga xâm lược.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong lần đánh giá đầy đủ đầu tiên sau ba tuần, đã báo cáo hôm thứ Ba (05/04) rằng hơn 7.1 triệu người đã phải di chuyển chỗ ở bên trong Ukraine tính đến ngày 01/04. Con số đó cao hơn con số hơn 4 triệu người đã chạy ra ngoại quốc, do cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc thông báo.
IOM cho biết hơn 2.9 triệu người khác đang tích cực xem xét việc “rời bỏ nơi thường trú của họ do chiến tranh.”
Ukraine có dân số trước chiến tranh là 44 triệu người.
Tổng thống Ukraine trình bày tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chiến tranh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày lần đầu tiên trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba (05/04) tại một cuộc họp tập trung vào những gì được cho là các vụ sát hại dân thường của quân đội Nga.
Vương quốc Anh, nước giữ chức chủ tịch hội đồng trong tháng này, đã thông báo vào cuối ngày thứ Hai rằng ông Zelensky sẽ trình bày tại cuộc họp mở được kêu gọi vào thứ Ba để thảo luận về tình hình ở Ukraine.
Ông Zelensky trình bày trước cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc sau khi cơ quan này xem các bài diễn văn tóm tắt từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người đứng đầu về vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo, và người đứng đầu về vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths. Ông Griffiths đang cố gắng sắp xếp một lệnh ngừng bắn nhân đạo tức thời và đã gặp các quan chức cao cấp Nga tại Moscow hôm thứ Hai đồng thời sẽ sớm tới Ukraine.
Berlin tiết lộ lập trường về khí đốt của Nga
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã loại trừ lệnh cấm nhập cảng khí đốt của Nga vì Berlin không tin rằng lệnh cấm năng lượng sẽ khiến Nga từ bỏ các hành động quân sự ở Ukraine.
Bà Baerbock nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức Tagesschau vào tối hôm thứ Hai (04/04), “Nếu việc áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn ngày mai có thể ngăn chặn cuộc chiến này thì chúng tôi sẽ làm điều đó ngay lập tức. Một lệnh cấm như vậy sẽ chỉ đẩy chi phí của cuộc chiến này lên cao hơn. Nhưng sẽ không thể ngăn chặn giết chóc vào ngày mai.”
Tổng thống Zelensky: Thủ tướng Orban của Hungary sẽ phải lựa chọn giữa Nga và ‘thế giới khác’
Hôm thứ Ba (05/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ phải lựa chọn giữa Moscow và “thế giới khác”, và ông cho rằng nhà lãnh đạo Hungary lo sợ ảnh hưởng của Nga.
Ông Zelensky đang trình bày trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với giới truyền thông Ukraine. Ông Orban đã giữ được thế đa số áp đảo của mình tại cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (03/04).
Phần Lan tiết lộ lịch trình gia nhập NATO tiềm năng
Chính phủ Phần Lan sẽ cung cấp cho nghị viện nước này bản đánh giá khả năng gia nhập NATO vào giữa tháng này, Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết.
Cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine đã khiến Phần Lan, quốc gia có biên giới chung với Nga, tăng cường thảo luận về những lợi ích tiềm năng khi tham gia liên minh quân sự này. Ông Haavisto tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo của Phần Lan đã thảo luận vấn đề này với “hầu hết tất cả” các thành viên NATO và ông “gần như hàng ngày” nói về vấn đề này với nước láng giềng Thụy Điển cũng đang xem xét gia nhập khối.
Nga đe dọa phạt Wikipedia nếu không xóa ‘thông tin sai lệch’
Hôm thứ Ba (05/04), cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết họ muốn Wikipedia xóa “tài liệu có thông tin không chính xác được công chúng quan tâm” về tình hình ở Ukraine.
Cơ quan quản lý này cáo buộc Wikipedia lưu trữ thông tin sai lệch về cái mà Nga gọi là “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine và về các hành động của quân đội Nga.
Cơ quan quản lý này cho biết, theo luật pháp Nga, chủ sở hữu tài nguyên Internet không xóa thông tin bất hợp pháp khi được Roskomnadzor yêu cầu làm như vậy có thể bị phạt tới 4 triệu rúp (48,120.30 USD).
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu sẽ đến thăm Kyiv trong tuần này
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, sẽ đến Kyiv trong tuần này để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Phát ngôn viên của bà, ông Eric Mamer, cho biết hôm thứ Ba (05/04) rằng chuyến đi của bà sẽ diễn ra trước một cuộc họp cam kết đặc biệt ở Warsaw vào cuối tuần này. Đây là chuyến đi cấp cao thứ hai của các quan chức EU. Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola đã đến Ukraine vào tuần trước (28/03-03/04).
Ngân hàng Thế giới cho biết những hậu quả của chiến tranh sẽ khiến các nền kinh tế Á Châu chậm lại
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết gián đoạn nguồn cung ứng hàng hóa, căng thẳng tài chính, và giá cả leo thang là một vài trong số những hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến các nền kinh tế ở Á Châu chậm lại trong những tháng tới.
Được công bố hôm thứ Ba (05/04), báo cáo dự báo tăng trưởng chậm hơn và đói nghèo gia tăng ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trong năm nay. Tăng trưởng của khu vực ước tính là 5%, giảm so với dự báo ban đầu là 5.4%.
Báo cáo cho biết “nhiều hậu quả” đang làm tăng thêm những khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, và các chính phủ vốn đã bị căng thẳng tài chính do đại dịch sẽ ít có khả năng trợ giúp hơn.
Công ty sở hữu Facebook Meta chặn các hashtag liên quan đến vụ thảm sát ở Bucha trong thời gian ngắn
Công ty sở hữu Facebook Meta Platforms đã hạn chế các hashtag liên quan đến những cái chết của dân thường dưới bàn tay của quân đội Nga ở miền bắc Ukraine trong thời gian ngắn, một phát ngôn viên của công ty xác nhận hôm thứ Hai (04/04).
Được cho là xảy ra ở Bucha, ngoại ô Kyiv, các vụ sát hại đã khiến phương Tây cam kết đưa ra các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Moscow.
Phát ngôn viên Meta Andy Stone cho biết các hệ thống tự động quét hình ảnh bạo lực trên Facebook và Instagram mà công ty này cũng sở hữu, là nguyên nhân gây ra việc các thẻ hashtag bao gồm #bucha (Bucha) và #buchamassacre (vụ thảm sát ở Bucha) bị chặn.
“Việc chặn đã xảy ra một cách tự động do nội dung bạo lực mà mọi người đã đăng khi sử dụng các thẻ hashtag này. Khi chúng tôi biết về vấn đề này ngày hôm qua, chúng tôi đã hành động nhanh chóng để bỏ chặn các thẻ hashtag đó,” ông viết trên Twitter.
Facebook và Instagram cho phép đăng nội dung phản cảm và bạo lực khi nó được chia sẻ để nâng cao nhận thức về các hành vi vi phạm nhân quyền tiềm ẩn, nhưng sẽ xóa nội dung đó nếu nó tục tĩu một cách công khai hoặc tán dương sự đau khổ.
Công ty truyền thông xã hội này cũng gán thêm nhãn cảnh báo vào một số bài đăng có nội dung bạo lực mà người dùng phải nhấp vào trước khi họ có thể xem hình ảnh.
Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ thảm sát thường dân.
Hội Chữ Thập Đỏ cho biết nhóm của họ đang bị cảnh sát bắt giữ gần Mariupol ở Ukraine
Một nhóm Chữ Thập Đỏ quốc tế đã gác lại hy vọng tiến vào thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine sau khi bị cảnh sát bắt giữ qua đêm ở một thị trấn khoảng 20 km (12 dặm) về phía tây.
Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cố gắng đưa một nhóm nhỏ vào Mariupol kể từ hôm thứ Sáu (01/04), như một phần trong nỗ lực hộ tống những người dân thường bị bao vây ra ngoài và đưa hàng viện trợ vào đó. Ủy ban này cho biết nhóm này đã bị cảnh sát bắt giữ ở Manhush và được thả trong đêm. Họ không nêu rõ quốc tịch của lực lượng cảnh sát có liên quan.
ICRC cho biết trong một tuyên bố rằng trọng tâm của nhóm bây giờ là hoạt động di tản và “sự cố ngày hôm qua cho thấy hoạt động tạo điều kiện cho việc đi lại an toàn xung quanh Mariupol cho nhóm của chúng tôi là bất ổn và phức tạp như thế nào.”
Ông Jason Straziuso, một phát ngôn viên của ICRC, cho biết nhóm “không có kế hoạch cố gắng vào Mariupol ngày hôm nay. Các nỗ lực nhân đạo của nhóm chúng tôi hôm nay tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực di tản ở các khu vực lân cận.”
Ý trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga vì lo ngại an ninh
Theo TASS, Ý đã trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga vì lo ngại an ninh vào hôm thứ Ba (05/04), và Nga đang chuẩn bị trả đũa.
Một số chính phủ phương Tây khác đã thực hiện các bước đi tương tự sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Ý đã triệu tập đại sứ của Nga tại Bộ Ngoại giao vào thứ Ba để nói với ông rằng các nhà ngoại giao đang bị trục xuất.
“Biện pháp này được sự đồng thuận của các đối tác Âu Châu và Đại Tây Dương khác và là cần thiết vì những lý do liên quan đến an ninh quốc gia của chúng tôi và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay do cuộc xâm lược phi lý vào Ukraine từ phía Liên bang Nga,” ông Di Maio nói trong một tuyên bố.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga sẽ có phản ứng đáp trả thích hợp.
Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn cáo buộc lẫn nhau về vụ nổ bể chứa acid
Cả Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn đều báo cáo hôm thứ Ba (05/04) rằng một thùng chứa acid công nghiệp đã nổ tung ở miền đông Ukraine, tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng nghiêm trọng cho người dân địa phương và mỗi bên đều đã đổ lỗi cho bên kia.
“Tại Rubizhne, vùng Luhansk, quân đội Nga đã tấn công một xe tăng bằng acid nitric,” ông David Arakhamia, một thành viên trong nhóm đàm phán của Ukraine tại các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, tuyên bố trên Telegram.
Thống đốc vùng Luhansk Serhiy Haidai nói với người dân trong một thông điệp trên Facebook: “Đừng rời khỏi hầm trú bom. Nếu quý vị đang ở trong nhà — hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào.”
Luhansk là một phần của vùng Donbas, nơi quân ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine kể từ năm 2014.
Các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, được Nga hậu thuẫn tuyên bố trên Telegram rằng “các nhóm người dân tộc chủ nghĩa Ukraine” đã cho nổ thùng acid trước khi rút lui khỏi thị trấn. Họ nói rằng nó đã tạo ra một đám mây khí độc nguy hiểm.
Không thể xác minh độc lập sự việc hoặc xác định ai chịu trách nhiệm ngay lập tức.
Đan Mạch trục xuất 15 sĩ quan tình báo Nga
Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết nước này sẽ trục xuất 15 sĩ quan tình báo Nga từng làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Copenhagen.
Bộ cho biết đại sứ Nga đã được thông báo về quyết định này hôm thứ Ba (05/04).
Các sĩ quan có hai tuần để rời Đan Mạch. Ngoại trưởng Jeppe Kofod cho biết “họ gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia của chúng tôi mà chúng tôi không thể bỏ qua.”
Hành động này diễn ra sau khi Pháp và Đức thông báo hôm thứ Hai rằng họ sẽ trục xuất hàng chục người Nga có tư cách ngoại giao.
Tổng thống Biden kêu gọi ông Putin đối mặt với phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh khi những hình ảnh bạo lực từ Bucha của Ukraine xuất hiện
Tổng thống Joe Biden một lần nữa gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” và thề sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga để đáp trả những hình ảnh bạo lực mới từ thị trấn ngoại ô Kyiv.
Những hình ảnh từ thị trấn Bucha của Ukraine cho thấy những thi thể nằm trên đường phố với một số người bị ném vào trong những ngôi mộ được đào vội vàng, sau khi chính phủ Ukraine cho biết họ đã giành lại thành phố này.
Các quan chức Nga đã phủ nhận việc sát hại thường dân ở Bucha, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phạm tội “diệt chủng”.
Trình bày trước các phóng viên khi đến Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai (04/04), Tổng thống Biden gọi Tổng thống Putin là “kẻ tàn bạo” và kêu gọi xét xử tội ác chiến tranh đối với nhà lãnh đạo Nga.
“Quý vị có thể nhớ tôi đã bị chỉ trích vì gọi ông Putin là tội phạm chiến tranh,” ông Biden nói, đề cập đến lần đầu tiên ông gán cho ông Putin danh xưng này hôm 16/03. “Vậy đấy, sự thật của vấn đề này — chúng ta đã thấy nó xảy ra ở Bucha — điều này bảo đảm rằng ông ấy — ông ấy là một tội phạm chiến tranh.”
“Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ cần để tiếp tục chiến đấu và chúng ta phải có được tất cả các chi tiết để sự việc này có thể — có thể thực sự có một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Người đàn ông này thật tàn bạo và những gì đang diễn ra ở Bucha thật vô nhân đạo và mọi người đều thấy thế.”
“Nhưng chúng ta phải thu thập thông tin,” ông Biden nói thêm.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ những hình ảnh từ Bucha là bằng chứng về một cuộc diệt chủng không, ông Biden đã trả lời, “Không, tôi nghĩ đó là một tội ác chiến tranh.”
Khi được hỏi liệu ông có hành động để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hay không, ông Biden nói, “Tôi đang tìm kiếm thêm các biện pháp trừng phạt, vâng.” Khi được hỏi về chi tiết, tổng thống nói, “Tôi sẽ cho quý vị biết.”
Moscow cảnh báo về sự đáp trả ‘tương xứng’ đối với việc các nhà ngoại giao Nga bị các nước phương Tây trục xuất
Nga sẽ đáp trả tương xứng với việc các nhà ngoại giao của họ bị trục xuất khỏi một số nước phương Tây, cựu Tổng thống Nga kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cho biết vào cuối ngày thứ Hai (04/04).
“Mọi người đều biết câu trả lời: nó sẽ tương xứng và mang tính hủy diệt đối với quan hệ song phương,” ông Medvedev nói trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình.
“Họ đã trừng phạt ai? Trước hết, chính họ.”
Cùng ngày, Pháp cho biết họ sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì các hành động của Moscow ở Ukraine và Đức tuyên bố “một số lượng đáng kể” các nhà ngoại giao Nga sẽ trở thành người không được chào đón.
“Nếu hành động này tiếp tục, sự đáp trả sẽ tương xứng, như tôi đã viết hôm 26/02 — đóng cửa các đại sứ quán phương Tây,” ông Medvedev nói. “Việc này sẽ tồi tệ hơn cho tất cả mọi người. Và rồi chúng ta sẽ chỉ nhìn nhau không theo cách nào khác hơn là qua các cuộc đọ súng.”
Tổng thống Ukraine hối thúc Nga đàm phán
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga cần nhanh chóng tiến hành đàm phán một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Trình bày trong chuyến thăm thị trấn Bucha ở ngoại ô Kyiv hôm thứ Hai (04/04), ông Zelensky cho biết bằng chứng về các hành vi tàn bạo bị cáo buộc khiến việc tiến hành các cuộc đàm phán với Nga trở nên khó khăn.
“Rất khó để tiến hành các cuộc đàm phán khi quý vị thấy những gì họ đã làm ở đây,” ông Zelensky nói, đồng thời tuyên bố rằng Bucha và những nơi khác “đã tìm thấy các thi thể trong các thùng rượu, các tầng hầm, bị bóp cổ, tra tấn.” Ông nói thêm rằng giới lãnh đạo Nga “cần phải suy nghĩ nhanh hơn nếu họ có điều gì phải ngẫm nghĩ.”
Ông Zelensky cho biết thêm rằng, “Liên bang Nga càng kéo dài thời gian, thì họ sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình của chính mình và cả cuộc chiến này.” Ông Zelensky tái khẳng định lời chỉ trích của mình đối với việc cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, nói rằng bà và các nhà lãnh đạo phương Tây khác phản đối hành động này nên đến Bucha để “chứng kiến việc tán tỉnh với Liên bang Nga dẫn đến điều gì.”
Pháp và Đức sẽ trục xuất ‘hàng loạt’ nhà ngoại giao Nga
Hôm thứ Hai (04/04), Bộ Ngoại giao Pháp thông báo Pháp đã quyết định trục xuất “nhiều” nhà ngoại giao Nga, nói rằng “các hoạt động của họ trái với lợi ích an ninh của chúng tôi.”
Thông báo này được đưa ra vài giờ sau khi Đức cho biết họ sẽ trục xuất 40 nhà ngoại giao và Lithuania cho biết họ đã trục xuất đại sứ Nga và sẽ triệu hồi đặc phái viên của họ tại Moscow. Hiện không rõ bao nhiêu người sẽ bị Pháp trục xuất.
Hãng thông tấn Đức dpa dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói rằng các nhà ngoại giao bị trục xuất là những người mà “chúng tôi cho rằng làm việc với các cơ quan tình báo Nga.”
Bà Faeser nói rằng “chúng tôi sẽ không cho phép cuộc chiến tranh xâm lược tội ác này cũng được tiến hành như một cuộc chiến tranh tình báo ở Đức.”
Nga nối lại các chuyến bay với 52 quốc gia ‘thân thiện’
Nga có kế hoạch chấm dứt các hạn chế đối với các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia sau ngày 09/04. Quyết định này là một phần trong kế hoạch giảm các biện pháp được thực hiện để làm chậm sự lây lan của COVID-19, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết hôm thứ Hai (04/04).
Ông Mishustin nói, Nga dự định nối lại các chuyến bay đến và đi từ Argentina, Nam Phi và các “quốc gia thân thiện khác”, có nghĩa là những nước không tham gia làn sóng trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với Moscow về cuộc xâm lược Ukraine, mà Moscow gọi là một “chiến dịch đặc biệt” để phi quân sự hóa nước láng giềng của họ.
Nga đã áp đặt các hạn chế đi lại rộng rãi vào thời điểm ban đầu của đại dịch virus corona hồi tháng 03/2020, tại nhiều quốc gia trong số đó những hạn chế này vẫn còn hiệu lực, nhưng đã dần dần mở rộng danh sách các quốc gia được coi là an toàn cho việc đi lại bằng đường hàng không.
Các quốc gia khác mà Nga sẽ nối lại các chuyến bay sau ngày 09/04 bao gồm Algeria, Trung Quốc, Lebanon, Peru, và Pakistan, lực lượng đặc nhiệm virus corona của Nga cho biết.
Ông Mishustin cũng cho biết Nga sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại qua biên giới đường bộ giữa Nga và Trung Quốc.
Nga đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không từ 36 quốc gia, bao gồm toàn bộ 27 thành viên của Liên minh Âu Châu, để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine nhắm vào lĩnh vực hàng không của nước này.
Các biện pháp trừng phạt do các cường quốc phương Tây áp đặt cũng đã buộc các công ty phương Tây phải chấm dứt hợp đồng cho các hãng hàng không Nga thuê hơn 500 phi cơ.
Các lệnh trừng phạt cũng ngăn các hãng hàng không Nga mua các bộ phận phi cơ hoặc dịch vụ bảo dưỡng từ Âu Châu hoặc Hoa Kỳ, làm tăng thêm áp lực lên thị trường hàng không lớn thứ 11 thế giới có từ một lệnh cấm sử dụng không phận Bắc Mỹ và Âu Châu.
5 Ngoại trưởng Ả Rập đến Moscow để hội đàm
Năm ngoại trưởng Ả Rập đã đến Moscow để hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
Liên đoàn Ả Rập cho biết ngoại trưởng các nước Ai Cập, Algeria, Iraq, Jordan và Sudan sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Hai (04/04). Ông Ahemd Aboul Gheit, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, cũng sẽ tham gia cuộc họp này.
Tổ chức các nước Ả Rập cho biết các ngoại trưởng sau đó sẽ đến Ba Lan vào thứ Ba để hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Nga bắt đầu cuộc điều tra riêng về những cái chết của thường dân Ukraine
Một cơ quan thực thi pháp luật Nga cho biết họ đã mở cuộc điều tra riêng về các cáo buộc rằng thường dân Ukraine bị thảm sát ở ngoại ô Kyiv do quân đội Nga chiếm đóng, tập trung vào cái mà họ gọi là “thông tin sai lệch” về quân đội Nga.
Ủy ban Điều tra tuyên bố các nhà chức trách Ukraine đưa ra các cáo buộc “với mục đích làm mất uy tín của quân đội Nga” và những người liên quan nên bị điều tra về những vi phạm tiềm tàng đối với luật mới của Nga vốn cấm những gì chính phủ cho là thông tin sai lệch về quân đội của họ.
Cơ quan thực thi pháp luật Nga đã tiến hành một số cuộc điều tra kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, điển hình là các vụ việc như pháo kích vào các khu vực do lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn nắm giữ.
Nga có thể thu về 321 tỷ USD nếu vẫn có các hợp đồng dầu và khí đốt
Doanh thu năng lượng của Nga dự kiến sẽ tăng vọt trong năm nay nếu các đối tác thương mại tiếp tục mua dầu và khí đốt từ quốc gia bị trừng phạt này.
Theo phân tích của Bloomberg được công bố hôm thứ Sáu (04/04), Nga sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD xuất cảng năng lượng vào năm 2022, đánh dấu mức tăng hơn ⅓ so với năm ngoái.
Các đại sứ Nga bị trục xuất
Lithuania và Latvia đã thông báo quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao của họ với Nga, yêu cầu các đại sứ của Moscow rời khỏi hai quốc gia Baltic này.
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã thông báo hôm thứ Hai (04/04) rằng đại diện ngoại giao của Lithuania cũng sẽ được triệu hồi khỏi Moscow trong những ngày tới.
Vilnius cũng quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Klaipeda.
Nga áp dụng các hạn chế về thị thực đối với công dân của ‘các quốc gia không thân thiện’
Hôm thứ Hai (04/04), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định giới hạn thị thực đối với công dân của các quốc gia mà Moscow cho là “không thân thiện” để đáp lại các lệnh trừng phạt vì vấn đề Ukraine.
Bắt đầu có hiệu lực từ thứ Hai, nghị định này sẽ đình chỉ cơ chế cấp thị thực đơn giản hóa của Nga với một số quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu cũng như Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch, và Iceland.
Nghị định cũng ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Nga và các cơ quan khác quyết định áp dụng các hạn chế nhập cảnh cá nhân đối với “công dân ngoại quốc và những người không quốc tịch có hành động không thân thiện đối với Nga, đối với công dân hoặc pháp nhân của Nga.”
Tháng trước, chính phủ Nga đã thông qua danh sách các quốc gia không thân thiện bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, các quốc gia EU và Ukraine, trong số các quốc gia khác.
Hoa Kỳ thúc giục loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hôm thứ hai (04/04), Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch tìm cách đình chỉ Nga khỏi trong cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, trong bối cảnh ngày có càng nhiều cáo buộc rằng quân đội Nga có thể đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Theo một tuyên bố từ văn phòng, bà Thomas-Greenfield đã đưa ra lời kêu gọi Nga tước bỏ ghế trong Hội đồng Nhân quyền sau khi có tin tức cuối tuần qua về bạo lực đối với dân thường ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kyiv của Ukraine, sau khi quân đội Nga rút quân.
Bất kỳ quyết định đình chỉ Nga nào đều phải có quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Nga và bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc — Anh, Trung Quốc, Pháp, và Hoa Kỳ — hiện đều có ghế trong hội đồng nhân quyền gồm 47 thành viên, có trụ sở tại Geneva này. Năm nay Hoa Kỳ đã tái gia nhập hội đồng.
Tại New York, phát ngôn viên của Đại hội đồng Paulina Kubiak cho biết hôm thứ Hai (04/04) rằng họ chưa nhận được yêu cầu họp về vấn đề này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga phủ nhận ngày càng nhiều cáo buộc về tội ác chiến tranh, ra lệnh điều tra hành động ‘khiêu khích’ của Ukraine về những cái chết của dân thường ở Bucha
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng quân đội Nga đã thực hiện các hành động tàn bạo đối với dân thường của họ, gọi đó là một hành động khiêu khích được dàn dựng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết khi bắt đầu cuộc hội đàm hôm thứ Hai (04/04) với Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths rằng Moscow coi tuyên bố của Ukraine về một vụ thảm sát dân thường ở Bucha thuộc ngoại ô Kyiv là “một hành động khiêu khích gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an tinh toàn cầu.”
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng Nga đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng nước hiện đang nắm giữ ghế chủ tịch luân phiên — Vương quốc Anh đã từ chối triệu tập. Ông thề sẽ thúc ép việc yêu cầu tổ chức cuộc họp này.
Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc rằng thị trưởng Bucha không đề cập đến hành vi tàn bạo đối với dân thường một ngày sau khi quân đội Nga rời Bucha hôm thứ Tư (30/03), nhưng hai ngày sau, rất nhiều thi thể nằm rải rác trên đường phố đã được chụp lại. Ngoại trưởng Nga mô tả việc này này là “hành động khiêu khích được dàn dựng để chống lại Nga.”
Hôm thứ Hai (04/04), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tuyên bố của phía Ukraine rằng quân đội Nga đã sát hại hàng trăm dân thường bên ngoài Kyiv là không thể tin tưởng, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi kiên quyết bác bỏ những cáo buộc này.” Ông Peskov đưa ra bình luận này trong một cuộc gọi hội nghị với các phóng viên diễn ra sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các nhà chức trách Ukraine đã dàn dựng cái mà họ mô tả là một “hành động khiêu khích” nhằm bôi nhọ Nga.
Các nhà chức trách Ukraine cho biết thi thể của ít nhất 410 dân thường đã được tìm thấy ở các khu vực bên ngoài thủ đô Ukraine sau khi quân đội Nga rút quân vào tuần trước, nhiều người bị trói tay, có vết thương do đạn bắn tầm gần, và các dấu hiệu bị tra tấn. Các nhà lãnh đạo quốc tế đã lên án các hành động tàn bạo được đưa tin này và kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow.
Ông Peskov nói rằng các tài liệu hình ảnh và video từ khu vực này phản ánh những hành động “thao túng” không xác định, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế phân tích kỹ các sự kiện và nghe các lập luận của Nga trước khi đổ lỗi cho Moscow.
Ông Peskov cũng nói rằng Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lưu ý rằng Nga muốn vấn đề được thảo luận ở cấp cao nhất.
Điều tra viên trưởng của Nga hôm thứ Hai cũng đã ra lệnh điều tra chính thức điều mà ông gọi là “hành động khiêu khích” của người Ukraine sau khi Kyiv cáo buộc quân đội Nga thảm sát thường dân ở thị trấn Bucha.
Ông Putin chúc mừng đồng minh thắng cử
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng các nhà lãnh đạo thân thiện với Moscow của Hungary và Serbia giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Trong một bức thư gửi hôm thứ Hai (04/04) tới Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc của Hungary Viktor Orban, người mà đảng Fidesz cánh hữu của ông đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật, ông Putin nói rằng “bất chấp tình hình quốc tế khó khăn, sự phát triển hơn nữa của quan hệ đối tác song phương hoàn toàn phù hợp với lợi ích của các dân tộc Nga và Hungary,” theo Điện Kremlin.
Ông Putin cũng chúc mừng Tổng thống Serbia Alexandar Vucic trong ngày tái đắc cử hôm Chủ Nhật, nói rằng kết quả cuộc bỏ phiếu xác nhận “sự ủng hộ rộng rãi của công chúng” đối với các chính sách ngoại giao độc lập của ông. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng rằng các hoạt động của ông Vucic sẽ giúp tăng cường hơn nữa “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Nga và Serbia.
Một vựa ngũ cốc hàng đầu thế giới khác có thể ngừng xuất cảng ngũ cốc
Hôm thứ Hai (04/04), Bộ trưởng Nông nghiệp Yerbol Karashukeev cho biết Kazakhstan đang xem xét việc áp dụng các hạn chế tạm thời đối với việc xuất cảng ngũ cốc và bột mì để bảo vệ thị trường lương thực trong nước. Kazakhstan là một trong 10 nước xuất cảng ngũ cốc hàng đầu thế giới, cung cấp cho hơn 70 quốc gia.
Ukraine sẽ điều tra về hành vi tàn bạo bị cáo buộc của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này sẽ tiến hành một cuộc điều tra về các hành vi tàn bạo đối với dân thường của quân đội Nga với sự tham gia của các nhà điều tra quốc tế.
Ông Zelensky tuyên bố trong một bài diễn văn rằng “thế giới đã chứng kiến nhiều tội ác chiến tranh,” nói thêm rằng “đã đến lúc biến tội ác chiến tranh của quân đội Nga trở thành tội ác cuối cùng trên Trái Đất.” Ông cho biết một cơ chế tư pháp đặc biệt sẽ được thành lập để điều tra các hành vi tàn bạo của Nga với sự tham gia của các công tố viên và thẩm phán quốc tế.
Các nhà chức trách Ukraine tuyên bố rằng thi thể của ít nhất 410 dân thường đã được tìm thấy ở các khu vực bên ngoài thủ đô Ukraine sau khi quân đội Nga rút lui vào tuần trước.
Nga đã bác bỏ cáo buộc sát hại dân thường, cho rằng đó là một “hành động khiêu khích” của chính phủ Ukraine và đề xướng một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về vấn đề này.
Các nhà chức trách Ukraine công bố thêm thương vong dân sự ở Kharkiv
Các nhà chức trách Ukraine đang báo cáo thêm nhiều thương vong dân sự do cuộc tấn công của Nga.
Theo văn phòng công tố khu vực, có ít nhất 7 người thiệt mạng và 34 người, trong đó có 3 trẻ em, bị thương trong một vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhắm vào thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine vào cuối ngày Chủ Nhật (03/03). Văn phòng tuyên bố có 10 tòa nhà đã bị phá hủy.
Tại cảng Mykolaiv của Biển Đen, Thống đốc khu vực Vitaliy Kim tuyên bố ít nhất một người dân đã thiệt mạng và 14 người khác bị thương do trận pháo kích của Nga vào cuối ngày Chủ Nhật. Chính phủ địa phương cũng báo cáo thêm các cuộc tấn công của Nga vào Mykolaiv vào sáng hôm thứ Hai (04/04), nhưng không có thông tin ngay lập tức về thương vong.
Anh cho biết quân đội Nga tiếp tục chuyển hướng cuộc tấn công sang tập trung vào khu vực Donbas
Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đang tiếp tục tăng cường binh lực gồm cả quân nhân và lính đánh thuê của mình ở miền đông Ukraine.
“Các lực lượng Nga đang tiếp tục củng cố và tái tổ chức khi họ chuyển hướng cuộc tấn công sang tập trung vào khu vực Donbas ở phía đông Ukraine,” Bộ cho biết trong một bản cập nhật tình báo được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Hai (04/04).
Bộ tuyên bố quân đội Nga đang được điều động đến khu vực này, cùng với lính đánh thuê từ tập đoàn quân đội tư nhân Wagner.
Đêm qua, Anh tuyên bố Nga vẫn đang cố gắng chiếm thành phố cảng phía nam Mariupol, nơi đã chứng kiến nhiều tuần giao tranh dữ dội.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu buộc tội Nga phạm tội ác chiến tranh
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố các hành động tàn bạo đối với dân thường bị cáo buộc của quân đội Nga ở Ukraine nên bị xét xử tại tòa án quốc tế và có thể tạo thành tội diệt chủng.
Ông Sánchez cho biết hôm thứ Hai (04/04): “Tôi hy vọng rằng mọi thứ có thể sẽ được thực hiện để những kẻ đứng sau những tội ác chiến tranh này bị trừng phạt và họ có thể ra trước tòa án, trong trường hợp này là Tòa án Hình sự Quốc tế, để trả lời những vụ việc bị cáo buộc là tội ác phản nhân loại, tội ác chiến tranh và, tại sao không nói điều đó, cả tội ác diệt chủng nữa.”
Thủ tướng Ba Lan cáo buộc Nga là một nhà nước “phát xít toàn trị” đã thực hiện các hành động tàn bạo đối với dân thường ở Ukraine.
Ông Mateusz Morawiecki hôm thứ Hai đã kêu gọi thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra các bằng chứng cho thấy binh sĩ Nga thực hiện các vụ hành quyết thường dân Ukraine.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết: “Giới chức Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo này, vốn được thực hiện khi họ đã kiểm soát hoàn toàn khu vực. Họ phải tuân theo luật chiếm đóng quốc tế.”
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France-Inter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án hành động được cho là tra tấn và sát hại thường dân Ukraine của quân đội Nga bằng “những ngôn từ mạnh mẽ nhất.”
“Có bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh. Chính quân đội Nga là những người có mặt ở Bucha,” ông Macron tuyên bố. “Chúng tôi đã nói với các nhà chức trách Ukraine rằng chúng tôi sẵn sàng trợ giúp cho cuộc điều tra mà họ đang thực hiện. Công lý quốc tế phải được đặt lên hàng đầu. Những kẻ đã gây ra những tội ác này sẽ phải chịu trách nhiệm.”
Ông Macron đã cùng các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm đáp lại những thông tin này.
Đức: Phương Tây đồng ý áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau cáo buộc tội ác chiến tranh ở Bucha
Hôm Chủ Nhật (03/04), sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh gần Kyiv, Đức cho biết phương Tây sẽ đồng ý áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong những ngày tới, gây thêm áp lực kinh tế vốn đã rất lớn đối với Nga do cuộc xâm lược.
Nga hôm Chủ Nhật đã bác bỏ việc quân đội của họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân thường ở thị trấn Bucha và nói rằng Ukraine đã dàn dựng một màn diễn cho các phương tiện truyền thông phương Tây.
Các phóng viên Reuters cho biết họ đã nhìn thấy những thi thể ngổn ngang khắp thị trấn. Một người dường như bị trói tay bằng vải trắng và bị bắn vào miệng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga thực hiện một cuộc diệt chủng.
Phương Tây cảnh báo sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Ông Putin và những người ủng hộ ông ấy sẽ cảm nhận được những hậu quả” từ hành động của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Liên minh Âu Châu nên thảo luận về việc chấm dứt nhập cảng khí đốt từ Nga.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, cho đến nay vẫn phản đối lời kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng nhập cảng từ Nga, cho rằng nền kinh tế của nước này và của các nước Âu Châu khác quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng này. Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của Âu Châu.
Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho biết các sự kiện ở Bucha đã “khơi mào cho làn sóng phẫn nộ dẫn đến các lệnh trừng phạt mới” và không loại trừ khả năng “trong vài giờ tới một cuộc tranh luận về vấn đề nhập cảng hydrocacbon từ Nga có thể nổ ra,” ông nói với một chương trình trên kênh Rai 3 của Ý, đồng thời cho biết thêm rằng Ý sẽ không phủ quyết gói trừng phạt thứ năm.
Điện Kremlin nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây — là gánh nặng lớn nhất trong lịch sử hiện đại — tương đương với một lời tuyên chiến kinh tế và Moscow giờ sẽ hướng về phía đông đến các đối tác như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc cắt khí đốt của Nga — hoặc nhiều tài nguyên thiên nhiên của Nga — sẽ xóa sổ tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, đẩy giá năng lượng lên mức kỷ lục và tạo ra một làn sóng sốc lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với kênh truyền hình nhà nước Channel One: “Thế giới rộng lớn hơn nhiều so với Âu Châu — và trên thực tế, Nga lớn hơn Âu Châu rất nhiều — vì vậy sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có một cuộc đối thoại bất kể người dân bên kia đại dương muốn gì.”
Thủ tướng Ba Lan: Đức là rào cản chính cho các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga
Hôm thứ Hai (04/04), Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Đức là rào cản chính để áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, đồng thời cho biết thêm rằng Hungary đang không chắn ngang các lệnh trừng phạt.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi Thủ tướng Viktor Orban giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử vào Chủ Nhật sau khi vấp phải những lời chỉ trích về lập trường không đủ cứng rắn đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
“Chúng ta phải nhận thấy rằng, bất kể chúng ta tiếp cận Hungary như thế nào, đây là lần thứ tư giành chiến thắng như vậy và chúng ta phải tôn trọng các cuộc bầu cử dân chủ… chính Đức là rào cản chính đối với các lệnh trừng phạt. Hungary ủng hộ các lệnh trừng phạt,” ông Morawiecki nói.
Ngoại trưởng Hy Lạp dẫn đầu phái đoàn viện trợ tới Odesa, mở lại lãnh sự quán
Hôm Chủ Nhật (03/04), Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết, Ngoại trưởng Nikos Dendias đã đến Odesa với tư cách là người đứng đầu phái đoàn viện trợ nhân đạo tới thành phố cảng phía nam của Ukraine này.
Viện trợ nhân đạo đã được trao cho chính quyền thành phố.
Ông Dendias, 62 tuổi, cũng đặt mục tiêu thiết lập một cơ chế liên tục để phân phối viện trợ từ Hy Lạp và mở lại lãnh sự quán của đất nước ông tại thành phố này.
“Việc mở cửa lại lãnh sự quán [Hy Lạp] sẽ giúp phân phối viện trợ nhân đạo và thiết lập hành lang cho cộng đồng người gốc Hy Lạp rời khỏi bất kỳ khu vực nào của Ukraine thông qua Odesa, nếu cần,” ngài ngoại trưởng cho biết sau khi đến Odesa, theo một tuyên bố từ bộ ngoại giao Hy Lạp.
Hội đồng thành phố cho biết hỏa tiễn đã tấn công Odesa vào đầu ngày Chủ Nhật trong một bài đăng trực tuyến.
Hồi tháng trước (03/2022) ông Dendias cho biết, ông dự định dẫn đầu một phái đoàn viện trợ nhân đạo tới thành phố Mariupol bị bao vây ở Ukraine, nơi có hàng ngàn người gốc Hy Lạp sinh sống, nhưng giao tranh dữ dội ở đó khiến điểm đến sau đó được đổi thành Odesa.
Theo chính phủ Hy Lạp, đã có ít nhất 10 người dân tộc Hy Lạp thiệt mạng và một số người bị thương kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Mariupol. Hơn 150 công dân Hy Lạp, thủy thủ đoàn, và người gốc Hy Lạp đã được di tản khỏi khu vực này.
Hôm thứ Bảy (02/04), các quan chức Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã giành lại hơn 30 thị trấn và làng mạc xung quanh Kyiv, đồng thời tuyên bố kiểm soát hoàn toàn khu vực thủ đô lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.
Latvia có thể sẽ đồng ý thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp
Nhà vận hành khí đốt chính của Latvia cho biết họ sẽ không loại trừ việc thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp, đồng thời tiết lộ rằng phương thức thanh toán mới do Moscow công bố đang được đánh giá từ góc độ pháp lý và kinh doanh.
“Theo ấn tượng đầu tiên, thủ tục thanh toán bằng đồng rúp của Nga không chính thức vi phạm chế độ trừng phạt và khả thi,” ông Latvijas Gaze cho biết trong một tuyên bố.
Nhật Bản lên án các cuộc tấn công vào dân thường Ukraine
Hôm thứ Hai (04/04), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên rằng ông lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công được đưa tin là nhắm vào dân thường ở các thị trấn Ukraine ở ngoại ô Kyiv là “vi phạm luật pháp quốc tế.”
Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã lên án các cuộc tấn công được đưa tin này, trước những hình ảnh về các thi thể trên đường phố, trong đó có một số bị trói tay sau lưng.
Ông Kishida cho biết, “Nhật Bản sẽ kiên quyết thực hiện những gì cần làm” trong khi hợp tác với xã hội quốc tế để có thể có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
“Chúng ta phải lên án mạnh mẽ các vấn đề nhân quyền và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế,” ông Kishida nói thêm.
Nhật Bản đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga cùng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã giành lại một số thị trấn ở vùng Chernihiv
Quân đội Ukraine cho biết, lực lượng của họ đã giành lại một số thị trấn ở vùng Chernihiv và hàng viện trợ nhân đạo đang được chuyển đến.
Hãng thông tấn RBK Ukraina cho biết con đường giữa Chernihiv và thủ đô của Kyiv sẽ thông thoáng trở lại vào cuối ngày thứ Hai (04/04).
Chernihiv là một thành phố cách Kyiv 80 dặm về phía bắc và nó đã bị cô lập khỏi các chuyến vận chuyển thực phẩm và các nguồn tiếp tế khác trong nhiều tuần. Thị trưởng cho biết hôm Chủ Nhật rằng các cuộc pháo kích không ngừng của Nga đã phá hủy 70% thành phố này.
Quân đội Nga cũng đã rút khỏi khu vực Sumy, ở phía đông bắc của Ukraine, quản trị viên địa phương Dmitry Zhivitsky cho biết trong một thông điệp video được các hãng thông tấn Ukraine đăng hôm Chủ Nhật. Quân đội Nga đã chiếm đóng khu vực này gần một tháng.
Tại các khu vực khác vừa được giành lại từ quân đội Nga, các quan chức Ukraine cho biết họ đã tìm được thi thể của hàng trăm thường dân bị sát hại trong vài ngày qua. Tổng công tố viên của Ukraine cho biết thi thể của 410 thường dân đã được tìm thấy tại các thị trấn trong khu vực Kyiv.
The Epoch Times không thể xác minh các tin tức này một cách độc lập.
Tổng thống Ukraine thỉnh cầu trợ giúp qua video tại Lễ trao giải Grammy
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xuất hiện trong một video tại Lễ trao giải Grammy để thỉnh cầu hỗ trợ thông qua việc chia sẻ câu chuyện về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Trong thông điệp được phát sóng trong chương trình vào tối Chủ Nhật, ông đã ví vụ tấn công như một sự im lặng chết người đe dọa dập tắt ước mơ và sinh mệnh của người dân Ukraine, bao gồm cả trẻ em.
Ông Zelensky nói với khán giả: “Hãy lấp đầy khoảng lặng bằng âm nhạc của quý vị. Hãy lấp đầy khoảng lặng này ngày hôm nay để kể câu chuyện của chúng tôi. Hãy nói sự thật về cuộc chiến này trên mạng xã hội của quý vị, trên TV, ủng hộ chúng tôi bằng mọi cách quý vị có thể, nhưng đừng im lặng. Và rồi hòa bình sẽ đến với tất cả các thành phố của chúng ta.”
Tiếp nối thông điệp của ông Zelensky, ca sĩ, nhạc sĩ John Legend đã biểu diễn bài hát “Free” của mình với các nhạc sĩ người Ukraine Siuzanna Iglidan và Mika Newton cùng nhà thơ Lyuba Yakimchuk khi những hình ảnh từ cuộc chiến được chiếu trên màn hình phía sau họ.
Ukraine: Tìm thấy 410 thi thể dân thường gần Kyiv
Tổng công tố Ukraine cho biết thi thể của 410 thường dân đã được di dời khỏi các thị trấn trong khu vực Kyiv, nơi gần đây đã được giành lại từ tay quân đội Nga.
Bà Iryna Venediktova nói trên Facebook rằng các thi thể đã được tìm thấy vào thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật (03/04). Bà cho biết 140 thi thể trong số này này đã được giám định bởi các công tố viên và các chuyên gia khác.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết thị trưởng của làng Motyzhyn ở vùng Kyiv đã bị sát hại trong lúc bị quân Nga giam giữ. Bà Vereshchuk cho biết thêm rằng có 11 thị trưởng và người đứng đầu cộng đồng đang bị quân Nga giam cầm trên khắp Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc về hành động tàn bạo đối với dân thường ở Bucha và các vùng ngoại ô khác của Kyiv.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc kêu gọi cuộc điều tra độc lập về những cái chết của dân thường ở thị trấn Ukraine
Hôm Chủ Nhật (03/04), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông “vô cùng bàng hoàng” trước hình ảnh những thường dân thiệt mạng ở thị trấn Bucha của Ukraine, và ông kêu gọi một cuộc điều tra độc lập “dẫn đến việc quy trách nhiệm một cách hiệu quả.”
Ông Guterres đã đăng bình luận của mình trên Twitter một ngày sau khi các nhân chứng và quan chức nói rằng quân đội Nga đã sát hại gần 300 thường dân khi họ rút khỏi thị trấn gần Kyiv.
“Tôi vô cùng bàng hoàng trước những hình ảnh thường dân bị sát hại ở Bucha, Ukraine,” ông Guterres nói khi tham gia cùng các quan chức phương Tây bày tỏ sự phẫn nộ.
Ông cho hay: “Điều quan trọng nhất là một cuộc điều tra độc lập dẫn đến việc quy trách nhiệm một cách hiệu quả.”
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ thông tin quân đội Nga sát hại dân thường ở Bucha, nói rằng video và ảnh chụp các thi thể là “một hành động khiêu khích khác” của chính phủ Ukraine.
Phương Tây hứa sẽ có thêm lệnh trừng phạt chống lại Nga giữa các cáo buộc về tội ác chiến tranh
Sau khi các bức ảnh được cho là chụp cảnh một vụ thảm sát gần thủ đô của Ukraine xuất hiện vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách buộc chịu trách nhiệm trong khi các quan chức Liên minh Âu Châu hứa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt.
“Chúng tôi sẽ… bảo đảm rằng các cơ quan và tổ chức có liên quan đang điều tra vụ việc này, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, có mọi thứ họ cần để đánh giá chính xác những gì đã diễn ra ở Ukraine, ai là người phải chịu trách nhiệm, và những gì xảy ra cấu thành tội gì,” ông Blinken nói với CNN trên Chủ Nhật (03/04).
Cùng ngày, các quan chức hàng đầu của Ukraine nói rằng quân đội Nga đã thảm sát thường dân ở Bucha gần Kyiv, trong khi Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ những cáo buộc đó. Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng một video trên Twitter được cho là quay cảnh những thường dân đã thiệt mạng trong khi tuyên bố họ đã bị hành quyết với hai tay bị trói sau lưng. The Epoch Times không thể xác minh các tuyên bố của Ukraine hay của Nga.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Bộ trưởng Kinh tế Slovakia cho biết nước này sẵn sàng thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp
Slovakia không thể ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga và sẵn sàng trả bằng đồng rúp theo yêu cầu của Moscow, quan chức kinh tế hàng đầu của quốc gia Trung Âu này cho biết.
Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thanh toán bằng đồng rúp cho các công ty mua khí đốt tự nhiên đăng ký tại các quốc gia “không thân thiện”. Slovakia, quốc gia nhập cảng khoảng 87% lượng khí đốt tự nhiên và ⅔ lượng dầu từ Nga, nằm trong danh sách 48 quốc gia mà Điện Kremlin coi là “không thân thiện”.
Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết nước ông sẵn sàng tuân thủ yêu cầu đó.
Trưởng phái đoàn đàm phán Nga: Các cuộc đàm phán hòa bình chưa tạo điều kiện sẵn sàng cho cuộc gặp của các nhà lãnh đạo
Hôm Chủ Nhật (03/04), Nga cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đã không đủ tiến triển cho một cuộc gặp của các nhà lãnh đạo và quan điểm của Moscow về tình trạng của Crimea và Donbas vẫn không thay đổi.
Trưởng phái đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết trên Telegram: “Dự thảo thỏa thuận chưa sẵn sàng để đệ trình lên một cuộc họp ở cấp cao nhất. Tôi nhắc đi nhắc lại: Lập trường của Nga đối với Crimea và Donbas vẫn KHÔNG THAY ĐỔI.”
Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán định kỳ kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24/02 nhưng không có bước đột phá nào và họ vẫn cách xa nhau về vấn đề lãnh thổ.
Ông Medinsky nói rằng Ukraine đã bắt đầu thể hiện một cách tiếp cận thực tế hơn đối với các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông cho biết Ukraine đã đồng ý sẽ trung lập, không sở hữu vũ khí hạt nhân, không gia nhập một khối quân sự và từ chối cho phép đặt các căn cứ quân sự.
Nhưng đối với các câu hỏi về Crimea, nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 và hai khu vực nổi dậy do Nga hậu thuẫn ở phía đông Donbas mà Tổng thống Vladimir Putin đã công nhận là độc lập vào tháng Hai, ông Medinsky chỉ ra rằng không có tiến triển nào.
Lithuania ngừng nhập cảng khí đốt từ Nga
Lithuania đã ngừng mọi hoạt động nhập cảng khí đốt từ Nga, trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh Âu Châu làm như vậy.
Hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này đã hoạt động mà không cần nhập cảng khí đốt của Nga kể từ đầu tháng, Bộ Năng lượng Lithuania cho biết hôm 02/04.
Bộ trưởng Năng lượng Dainius Kreivys cho biết Lithuania là quốc gia EU đầu tiên trong số các quốc gia được đại tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga cung cấp giành được sự độc lập khỏi nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Ông cho biết hành động này “là kết quả của một chính sách năng lượng nhất quán trong nhiều năm và các quyết định về cơ sở hạ tầng kịp thời.”
Thay đổi này là một phản ứng đáp trả đối với “sự tống tiền năng lượng của Nga ở Âu Châu và cuộc chiến ở Ukraine,” bộ năng lượng nước này cho biết. Gần đây, Nga đã yêu cầu nhận thanh toán cho khí đốt được vận chuyển đến Âu Châu bằng đồng rúp, đơn vị tiền tệ chính thức của Nga.
Nga bác bỏ cáo buộc sát hại thường dân ở thị trấn Bucha của Ukraine
Hôm Chủ Nhật (03/04), Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng họ đã sát hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine, mô tả các video và ảnh chụp các thi thể là một “hành động khiêu khích” và một “màn diễn dàn dựng” của Kyiv.
Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga thảm sát các cư dân của Bucha, một thị trấn phía tây bắc thủ đô Kyiv, khu vực mà quân đội Ukraine cho biết họ đã giành lại một ngày trước đó.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, “Tất cả các bức ảnh và video do chính quyền Kyiv công bố, được cho là bằng chứng cho ‘tội ác’ của các quân nhân Nga ở thành phố Bucha, vùng Kyiv, là một hành động khiêu khích khác.”
Họ gọi đoạn phim là “một màn diễn được dàn dựng khác của chính quyền Kyiv cho các phương tiện truyền thông phương Tây.”
Hình ảnh những thi thể thường dân nằm rải rác khắp thị trấn đã khiến các quốc gia phương Tây kêu gọi trừng phạt những kẻ gây ra tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tất cả các đơn vị quân đội Nga đã rời Bucha hôm 30/03 và thường dân có thể tự do di chuyển xung quanh thị trấn hoặc di tản trong khi nó nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
“Trong thời gian các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát khu định cư này, không một cư dân địa phương nào phải chịu bất kỳ hành động bạo lực nào,” họ cho biết.
Moscow trước đây đã bác bỏ cáo buộc rằng họ nhắm vào dân thường và các cáo buộc về tội ác chiến tranh.
Ukraine cho biết quân đội Nga đã hoàn thành việc rút quân khỏi miền bắc của đất nước
Quân đội Ukraine cho biết các binh lính Nga đã hoàn thành việc rút quân khỏi miền bắc nước này.
Bộ Tổng tham mưu của quân đội cho biết trong tuyên bố hôm Chủ Nhật (03/04) rằng các đơn vị Nga đã rút khỏi các khu vực ở phía bắc của đất nước đến nước láng giềng Belarus, nơi đóng vai trò là nơi chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Nga.
Quân đội Ukraine cho biết lực lượng đổ bộ đường không của họ đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Pripyat ngay bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động và phần biên giới với Belarus. Họ đã đăng hình ảnh một người lính Ukraine treo quốc kỳ, với hậu cảnh là một hầm trú ẩn chứa lò phản ứng Chernobyl phát nổ vào năm 1986.
Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ việc gửi Ukraine vũ khí, viện trợ
Tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc Ron Klain nói rằng Hoa Kỳ vẫn hoàn toàn cam kết cung cấp nhiều viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, điều mà ông mô tả là “còn lâu mới kết thúc”.
Ông Klain ca ngợi người Ukraine vì đã chiến đấu chống lại quân đội Nga ở miền bắc Ukraine và nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đang gửi vũ khí vào nước này “hầu như mỗi ngày”.
Tuy nhiên, ông cũng nói với chương trình “This Week” của ABC rằng có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khai triển lại quân đội Nga tới miền đông Ukraine.
Ông Klain cho biết mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ quyết định xem liệu giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến này có cho phép Nga chiếm đóng phần phía đông của Ukraine hay không, nhưng theo quan điểm của Hoa Kỳ, thì “tương lai quân sự của cuộc tấn công này phải được đẩy lùi.”
Ba Lan sẵn sàng cho việc lưu trữ vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ lâu dài ở Đông Âu
Chính trị gia quyền lực nhất của Ba Lan nói rằng ông sẵn lòng lưu trữ vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ lâu dài ở Đông Âu.
Hôm Chủ Nhật (03/04), ông Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng bảo thủ cầm quyền của Ba Lan, Đảng Luật pháp và Công lý, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Welt am Sonntag của Đức rằng “về nguyên tắc, việc mở rộng sự tham gia hạt nhân sang sườn phía đông là rất hợp lý.”
Ông Kaczynski nói thêm rằng “nếu người Mỹ yêu cầu chúng tôi lưu trữ vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ ở Ba Lan, chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp nhận. Việc này sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe chống lại Moscow.”
Ông Kaczynski thừa nhận rằng “hiện tại, vấn đề này chưa được đặt ra, nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi.”
Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng kêu gọi sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa của binh lính Hoa Kỳ ở Âu Châu trong tương lai, đặc biệt là ở sườn phía đông của NATO.
Nga cho biết đã không kích nhà máy dầu và các kho nhiên liệu ở Odesa
Quân đội Nga cho biết họ đã tấn công một nhà máy xử lý dầu và các kho chứa nhiên liệu xung quanh cảng Odesa chiến lược của Biển Đen.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các tàu và phi cơ của Nga đã bắn hỏa tiễn hôm Chủ Nhật để tấn công các cơ sở này. Theo ông, những nơi đó được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho quân đội Ukraine gần Mykolaiv.
Ông Konashenkov cũng cho biết các cuộc không kích của Nga đã phá hủy các kho đạn ở Kostiantynivka và Khresyshche.
Bộ Quốc phòng Nga cũng chia sẻ đoạn phim về những gì họ nói là quay cảnh các trực thăng tấn công Ka-52 của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, vốn sẽ phá hủy các vị trí ngụy trang của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Điện Kremlin tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây là ‘mất lý trí’
Điện Kremlin nói rằng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin, phương Tây đã chứng tỏ rằng họ đã mất đi lý trí của mình.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình hôm Chủ Nhật (03/04) rằng các lệnh trừng phạt chống lại ông Putin đã “mất lý trí”, nói thêm rằng chúng cho thấy phương Tây “có khả năng thực hiện bất kỳ hành động ngu ngốc nào.”
Ông Peskov nói thêm rằng cuộc gặp của Tổng thống Putin với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “có thể xảy ra trên giả thuyết” sau khi các nhà đàm phán của hai nước chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận để thảo luận.
Đạo diễn phim người Lithuania Kvedaravicius thiệt mạng ở Mariupol
Đạo diễn điện ảnh người Lithuania Mantas Kvedaravicius đã thiệt mạng hôm thứ Bảy (02/04) tại Mariupol của Ukraine, một thành phố mà ông đã làm phim về trong nhiều năm, theo cơ quan thông tin của Bộ Quốc phòng Ukraine và một đồng nghiệp.
Cơ quan này viết trên Twitter hôm Chủ Nhật (03/04): “Trong lúc cố gắng rút lui khỏi Mariupol, những kẻ xâm lược người Nga đã sát hại đạo diễn người Lithuania, ông Mantas Kvedaravicius.”
The Epoch Times không thể xác minh ngay tin tức này.
“Chúng ta đã mất đi một người sáng tạo nổi tiếng ở Lithuania và trên toàn thế giới, người cho đến giây phút cuối cùng, bất chấp nguy hiểm, đã làm việc ở Ukraine khi bị Nga chiếm đóng,” Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết hôm Chủ Nhật.
Ông Kvedaravicius, năm nay đã bước sang tuổi 46, nổi tiếng với bộ phim tài liệu về khu vực xung đột “Mariupolis”, được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin 2016.
Bộ phim khắc họa chân dung Mariupol, một cảng chiến lược nằm trong khu vực ly khai Donetsk, nơi các chiến binh thân Nga đã chiến đấu với quân đội Ukraine kể từ năm 2014.
Liên minh Âu Châu cáo buộc quân đội Nga thực hiện các hành vi tàn bạo tại thị trấn Bucha của Ukraine
Hôm Chủ Nhật (03/04), Liên minh Âu Châu cáo buộc quân đội Nga thực hiện các hành động tàn bạo ở khu vực Kyiv sau khi thị trưởng thị trấn Bucha cho biết 300 cư dân đã bị sát hại trong cuộc chiếm đóng kéo dài một tháng của quân Nga.
“Bàng hoàng trước tin tức về những hành động tàn bạo của quân đội Nga. EU hỗ trợ Ukraine trong việc ghi lại tội ác chiến tranh,” giám đốc chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết trên Twitter, đồng thời cho biết thêm tất cả các trường hợp đều cần được Tòa án Công lý Quốc tế truy tố.
Hôm thứ Bảy (02/04), Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã giành lại tất cả các khu vực xung quanh Kyiv, họ tuyên bố kiểm soát hoàn toàn khu vực thủ đô lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24/02. Thị trưởng Bucha, một thị trấn đã được giải phóng cách thủ đô 37 km (23 dặm) về phía tây bắc, cho biết 300 cư dân đã bị thiệt mạng bởi quân đội Nga.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly, Bill Pan, The Associated Press, và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: