Trong nguy khốn, chúng ta nhận ra ai là bạn của mình
Vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, nhà thơ La Mã Quintus Ennius đã viết “y certus in re started,” có nghĩa là “trong nguy khốn người ta nhận ra bạn bè của mình.” Sau hai thiên niên kỷ, tuyên bố này hiện đang được thảo luận từ Delhi đến Hoa Thịnh Đốn bởi những người tự hỏi liệu chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ có đúng là một người bạn thực sự của người dân Ấn Độ hay không.
Các sự kiện gần đây đã khiến người dân Ấn Độ đặt câu hỏi, thay vì dựa vào cách tiếp cận toàn chính phủ giống như cách làm của chính phủ tiền nhiệm đối với vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn cho thấy tầm quan trọng mật thiết của mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, thì chính phủ của ông Biden khá thiếu thuyết phục trong việc đưa ra những quyết định một cách quan liêu từ trong văn phòng đóng kín, nguy cơ làm xói mòn lòng tin đã được thiết lập cẩn thận.
Sự kiện lớn đầu tiên diễn ra vào đầu tháng này (04/2021), khi khu trục hạm USS John Paul Jones thực hiện Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) ở phía tây Ấn Độ Dương gần Maldives. Hoa Kỳ đã tiến hành các FONOP tương tự trong khu vực. Thật không may, do điều này xảy ra quá sớm sau Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ, thông cáo báo chí thông thường của Hạm đội 7 đã thu hút sự chú ý tiêu cực không chính đáng một cách không cần thiết.
Trong khi chương trình FONOP của Hoa Kỳ đã tồn tại từ năm 1975, nhằm mục đích như một biện pháp pháp lý chống lại các yêu sách hàng hải mà Hoa Kỳ cho là quá mức và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, Delhi vẫn tự hỏi tại sao chính phủ Hoa Thịnh Đốn đương nhiệm lại đối đãi với Ấn Độ cũng giống như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một đối thủ cạnh tranh chiến lược đã được tuyên bố.
Hai hành động khác của chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ cũng đã gây ra sự hoang mang, và thậm chí ngày càng bất bình trong người dân Ấn Độ. Đầu tiên là thông báo gần đây của Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] trong đó cảnh báo Ấn Độ rằng nước này có nguy cơ bị trừng phạt vì không tôn trọng “tự do tôn giáo,” điều này đặc biệt gây phẫn nộ cho Ấn Độ, quốc gia vốn có truyền thống tự do tôn giáo và đã can đảm chào đón Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hơn sáu mươi năm.
Thứ hai, Bộ Tài chính của chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ đã thêm Ấn Độ vào danh sách theo dõi những quốc gia thao túng tiền tệ. Mặc dù Ấn Độ đã có tên trong danh sách này, nhưng thời điểm đưa ra thông báo này, với tất cả các quyết định và hành động dường như mâu thuẫn khác, có nguy cơ làm xói mòn niềm tin đã được xây dựng trong bốn năm qua.
Tuy nhiên, quyết định tồi tệ nhất cho đến nay liên quan đến đợt bùng phát virus Covid-19 gây tử vong hiện nay ở Ấn Độ. Với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn trường hợp tử vong mỗi ngày, cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ đã bị đẩy đến mức giới hạn của nó, với các báo cáo về các bệnh viện quá tải và tình trạng thiếu oxy trầm trọng, vật tư y tế và giường chăm sóc đặc biệt.
Trong khi chính phủ của ông Modi sẽ phải đối mặt với công chúng vì tình huống này, rõ ràng là cần có sự hỗ trợ khẩn cấp của quốc tế. Rất nhanh chóng, Anh Quốc, Pháp, Đức, thậm chí cả Trung Quốc và Pakistan đã đề nghị giúp đỡ. Không có gì ngạc nhiên khi Nga cũng nhanh chóng tuyên bố đang tổ chức gửi oxy và thuốc [đến Ấn Độ].
Trong khi đó, về phía Hoa Kỳ, việc thực thi Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) vào tháng 02/2021 đã dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu các nguyên liệu thô (khoảng 35 trong số nguyên liệu đó là từ Hoa Kỳ) được sử dụng để sản xuất vaccine chống virus. Lệnh cấm này đã có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ và làm suy giảm hoặc thậm chí tước đi khả năng sản xuất vaccine cho chính người dân và cứu sống người dân của nước này.
Trong khi chính phủ của ông Biden đã biện minh cho lệnh cấm xuất khẩu nói chung bằng cách nói rằng đây là một phần không thể thiếu của DPA, Delhi tự hỏi tại sao chính phủ của ông Biden không tìm cách miễn Ấn Độ khỏi luật này, đặc biệt là sau nhiều yêu cầu từ phía các nhà ngoại giao Ấn Độ.
Khi được hỏi tại sao Hoa Kỳ lại chặn việc cung cấp cho Ấn Độ nguyên liệu thô để sản xuất vaccine, như đã được thỏa thuận, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, trả lời rằng, “Đầu tiên, chúng tôi có một trách nhiệm đặc biệt với người dân Hoa Kỳ. Thứ hai, người dân Hoa Kỳ, đất nước này đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hơn 550,000 người tử vong, hàng chục triệu ca nhiễm chỉ tính riêng ở đất nước này.” Sau đó, ông nói thêm rằng, “Việc chích ngừa cho người Hoa Kỳ không chỉ vì lợi ích của Hoa Kỳ mà còn là lợi ích của phần còn lại của thế giới.”
Người dân Ấn Độ bị choáng váng cũng là điều dễ hiểu. Ấn Độ là một phần của nhóm [Bộ Tứ] trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Trong đợt bùng phát virus ở Hoa Kỳ vào năm 2020, theo chỉ đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ đã xuất khẩu 50 triệu viên nang hydroxychloroquine sang Hoa kỳ và xuất khẩu hàng chục triệu liều vaccine miễn phí trên toàn thế giới, một phần dựa trên giả định rằng nguyên liệu thô sẽ tiếp tục rót [vào Ấn Độ].
Không có gì ngạc nhiên khi một người Ấn Độ kính trọng và thường có thiện cảm với Hoa Kỳ đã nói rằng, “Người Nga gửi oxy cho chúng tôi, và bây giờ quý vị thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi không nên mua tên lửa của họ.”
Cuối tuần qua, chính phủ của ông Biden đột nhiên tỉnh giấc, và bây giờ có những dòng tweet ủng hộ và hứa hẹn sẽ cung cấp các nguồn nguyên liệu cần thiết. Bên cạnh những sinh mạng bị mất vô cớ, không biết có bao nhiêu thiệt hại cho danh tiếng của đất nước này. Đây sẽ được xem như là một “sai lầm tân binh” của chính phủ mới (trong khi nó vốn được coi là chính sách đối ngoại đã được thử nghiệm), hoặc nó sẽ được xem như cái nhìn thoáng qua về tư duy thực sự của các nhà lãnh đạo.
Để thoát khỏi tình thế khó khăn này, chính phủ của ông Biden sẽ phải nhận ra rằng họ không thể đối xử với Ấn Độ bằng cách phân vùng, vì mỗi bộ phận đều khẳng định lý lẽ riêng cho những lý do riêng mình hoặc bị ảnh hưởng bởi các vận động hành lang nhất định. Ở Delhi, các cuộc tấn công của Hải quân, Bộ Tài Chính và Nhà nước không bị coi là biệt lập, mà là một mô hình.
Đối xử với Ấn Độ như một người bạn thực sự có lợi ích ngắn hạn rõ ràng là … cứu được những sinh mệnh. Lợi ích lâu dài là theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược cứu thế giới khỏi ý thức hệ và hành động phá hoại của Trung Cộng, điều mà chúng ta chỉ có thể cùng nhau làm.
Đã đến lúc Hoa Kỳ chứng minh rằng những lời nói cách đây hơn 2000 năm vẫn đúng với ngày hôm nay: Trong nguy khốn mà chúng ta nhận ra ai là bạn. Ấn Độ đã ở đó khi Hoa Kỳ cần, bây giờ đến lượt Hoa Kỳ.
Đại úy Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu James E. Fanell hiện là thành viên chính phủ tại Trung tâm Chính sách An ninh ở Geneva, Thụy Sĩ. Cựu Giám đốc Hoạt động Thông tin và Tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, sự nghiệp gần 30 năm của ông với tư cách là Sĩ quan Tình báo Hải quân đã trải qua một loạt nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trên biển và trên đất liền trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chuyên gia nghiên cứu về Hải quân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các hoạt động của nó. Là một diễn giả quốc tế nổi tiếng và là một nhà văn xuất sắc, ông James Fanell cũng là người sáng lập và giám đốc của Diễn đàn An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Red Star Rising/Risen kể từ năm 2005.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh ý kiến của The Epoch Times.
Do James E. Fanell thực hiện
Ngọc Quỳnh biên dịch
Xem thêm: