Trong bối cảnh thiếu hụt sữa công thức trẻ em, cơ sở sản xuất lớn ở Canada chỉ phục vụ Trung Quốc
Với tình trạng thiếu hụt sữa công thức dành cho trẻ em ở Hoa Kỳ khiến các bậc cha mẹ lo lắng và tranh giành, người Canada có thể tự hỏi các nhà sản xuất sữa công thức đang làm gì để hỗ trợ nguồn cung cấp ở Canada.
Tuy nhiên, một trong những cơ sở sản xuất sữa công thức lớn nhất của nước này vẫn chưa thể giúp đỡ vì hiện tại cơ sở này chỉ vận chuyển sữa công thức đến Trung Quốc.
Canada Royal Milk (CRM) ở Kingston, tỉnh Ontario, là một công ty con của đại tập đoàn sữa Feihe International của Trung Quốc.
Bà Carey Bidtnes của CRM nói với The Epoch Times rằng vào cuối tháng này công ty sẽ hoàn thành việc đệ trình đầy đủ cho Bộ Y tế Canada để được cấp phép bán trong nước.
“Sản xuất cho thị trường nội địa là một phần trong kế hoạch kinh doanh của công ty, nhưng do đại dịch Covid-19, thời điểm thâm nhập vào thị trường nội địa và Bắc Mỹ đã bị trì hoãn,” bà Bidtnes cho biết trong một tuyên bố qua thư điện tử hôm 19/05.
“Sau khi nhận được sự cho phép, CRM có khả năng bắt đầu sản xuất cho thị trường nội địa ngay lập tức.”
Được xây dựng vào năm 2017, nhà máy này đại diện cho khoản đầu tư 332 triệu USD, bà Bidtnes nói. Công ty đã nhận được khoảng 24 triệu USD hỗ trợ từ Quỹ Việc làm và Thịnh vượng của tỉnh Ontario.
Ông Sylvain Charlebois, một giáo sư về chính sách phân phối thực phẩm tại Đại học Dalhousie, đã lên tiếng về hoạt động sản xuất của công ty ở Canada và việc vận chuyển sữa công thức ra ngoại quốc.
“[CRM] là nhà máy sữa công thức dành cho trẻ em lớn nhất ở Canada cho đến nay. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm của hãng đều được chuyển trở lại Trung Quốc. Bản thân nhà máy này sử dụng sữa bò và sữa dê của Canada. Đối với bất kỳ chuyên gia nào hiểu cách thức hoạt động của ngành sữa Canada, điều này thật đáng lo ngại,” ông viết trong một bài đăng trên blog hôm 18/05.
Ông Charlebois chỉ ra rằng sữa bò được người dân Canada trợ cấp một phần, trong khi nông dân chăn nuôi bò sữa phải đáp ứng hạn ngạch nhằm mục đích “chỉ phục vụ người dân Canada” và hệ thống quản lý nguồn cung cấp có dụng ý nuôi sống “chính chúng ta chứ không ai khác.”
Ông viết: “Để khiến người Canada hoàn toàn tin tưởng chế độ quản lý nguồn cung của chúng ta, và sản xuất những gì chúng ta cần ở Canada, các nông dân chăn nuôi bò sữa Canada đã lập luận rằng chúng ta không thể vận chuyển sữa ra ngoại quốc và phát triển thị trường Á Châu.”
“Vì nông dân chăn nuôi bò sữa không có động cơ phát triển bất kỳ thị trường nào, nên chúng ta đã cho phép một công ty do Trung Quốc sở hữu đầu tư vào Canada, chỉ vận chuyển thực phẩm của chúng ta trở lại Trung Quốc.”
Ông lập luận rằng sữa bán cho công ty Trung Quốc nên được bán theo hạn ngạch và công ty này nên thuộc sở hữu của Canada và hoạt động để chủ yếu phục vụ thị trường Canada.
Trung Quốc đã có một vụ bê bối lớn về sữa công thức vào năm 2008 khi người ta phát hiện hóa chất công nghiệp độc hại melamine đã được sử dụng trong một số nhãn hiệu sữa công thức của Trung Quốc để tăng hàm lượng protein được kiểm tra một cách giả tạo. Hàng trăm ngàn trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi chất độc melamine và ít nhất sáu trẻ sơ sinh đã tử vong.
Feihe được cho là không liên quan và thương hiệu của công ty này không bị ảnh hưởng nhiều như các nhà sản xuất Trung Quốc khác. Những nhà sản xuất này vấp phải phản ứng dữ dội từ các bậc cha mẹ, những người mà phần lớn đã quay sang các thương hiệu ngoại quốc.
Sự thiếu hụt ở Hoa Kỳ
Tình trạng thiếu hụt hiện tại ở Hoa Kỳ càng trầm trọng hơn khi sữa công thức dành cho trẻ em do Abbott Nutrition sản xuất tại Sturgis, Michigan, bị thu hồi vào tháng Hai do bốn trẻ em bị bệnh và hai em tử vong do vi khuẩn Cronobacter sau khi tiêu thụ sữa công thức được sản xuất tại cơ sở đó.
Hôm 16/05, Abbott Nutrition và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã ký một nghị định thỏa thuận với sự chấp thuận của tòa án để khởi động lại hoạt động sản xuất tại nhà máy, với việc Abbott đồng ý thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của FDA.
Sau khi cơ sở này sản xuất trở lại, sẽ mất từ sáu đến tám tuần trước khi sản phẩm có sẵn trên các kệ hàng, Abbott cho biết trong một tuyên bố hôm 16/05.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã tìm thấy nhiều chủng Cronobacter tại nhà máy Sturgis, nhưng phân tích của trung tâm này cho biết chúng không “có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền” với các mẫu lấy từ hai bệnh nhân trên.
Tình trạng thiếu hụt sữa công thức dành cho trẻ em ở Hoa Kỳ đã khiến Tổng thống Joe Biden viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng hôm 18/05 để giúp đẩy nhanh việc phân phối nguyên liệu cho các nhà sản xuất.
Canada cũng đã thực hiện các bước để giảm bớt tình trạng thiếu sữa được cho là đã ảnh hưởng đến một số bậc cha mẹ, bằng cách cho phép nhập cảng sữa công thức “có thể không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Canada về ghi nhãn và/hoặc thành phần,” theo chính sách tạm thời của Bộ Y tế Canada.
Chính sách này lưu ý rằng các sản phẩm vẫn tuân thủ “các tiêu chuẩn có thể so sánh được” và cung cấp hướng dẫn “bảo đảm việc chuẩn bị và sử dụng thực phẩm an toàn.”
Ông Noé Chartier là một phóng viên của The Epoch Times tại Montreal.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: