‘Trợ giúp’ ngắn hạn gây hại lâu dài cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ chật vật
Không thể nhắm mắt làm ngơ các bằng chứng đang ngày càng tăng thêm. Các chính sách phong tỏa vì đại dịch COVID-19 thiếu căn cứ, có động cơ chính trị và các biện pháp cứu trợ thiếu cân nhắc đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, lâu dài cho nền tảng thịnh vượng của kinh tế Hoa Kỳ.
Sau khi phá hủy nền kinh tế thông qua các biện pháp phong tỏa vô căn cứ và không đáng tin cậy, khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm và các doanh nghiệp trên khắp đất nước phải đóng cửa, chính phủ Hoa Kỳ hiện đang động viên các nạn nhân COVID-19 trong độ tuổi lao động ở nhà—đây không khác gì sự trì hoãn một cách không cần thiết đối với việc phục hồi nền kinh tế.
Việc phong tỏa dẫn đến các chương trình hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, nhưng hiện tại việc phong tỏa này đang được nới lỏng và các doanh nghiệp đang cố gắng trở lại hoạt động bình thường. Các khoản hỗ trợ kích thích kinh tế vẫn tiếp diễn có thể là tốt về mặt chính trị, nhưng lại là tồi tệ khi xem xét về mặt kinh tế. Người lao động đang mất đi động lực làm việc.
Chỉ số bất ổn của Kinh doanh Độc lập Liên Bang của Quốc gia – NFIB (The National Federation of Independent Business’s Uncertainty Index) tăng 6 điểm trong tháng 3/2021, dẫn dắt chủ yếu chủ yếu bởi sự thiếu hụt lao động hiện nay. Theo khảo sát, 42% chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ không thể tuyển đủ người cho các vị trí công việc.
Báo cáo của NFIB nêu: “Các chủ doanh nghiệp đang lo lắng về tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng cho các vị trí công việc mà các ứng viên có năng lực và sẵn sàng làm việc ngày càng khan hiếm.”
Sự khan hiếm lao động này dường như đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đó là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với các doanh nghiệp nhỏ–đến nỗi các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước vô cùng chật vật để thu hút nhân viên, nào là đưa ra các khoản tiền thưởng khi giao kết hợp đồng, tăng lương đáng kể, và thậm chí trả tiền cho việc hiện diện trong các cuộc phỏng vấn việc làm. Ngành công nghiệp nhà hàng đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh, vốn đang phải đóng cửa các cơ sở, cắt giảm giờ mở cửa và giảm giờ làm việc của nhân viên. Điều này khiến một số nhân viên ở trạng thái duy trì công việc phải làm trong nhiều giờ và tình trạng kiệt sức đang trở thành một vấn đề.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu lao động trầm trọng này rất dễ lý giải. Giám đốc NFIB Illinois Mark Grant lưu ý, các ứng viên tiềm năng cho công việc “đang nhận trợ cấp thất nghiệp được tăng thêm, kéo dài trong vài tháng.” Nói một cách đơn giản, chính phủ đang trả tiền cho những người không làm việc, và họ đang coi nhẹ đạo đức làm việc vốn là xương sống của Hoa Kỳ. Thật không may, lực lượng lao động của Hoa Kỳ đang hưởng ứng trước những khuyến khích tồi tệ này.
“Gói kích thích [kinh tế] và thất nghiệp đang tàn phá lực lượng lao động,” chủ một nhà hàng nhượng quyền của McDonald’s, người không thể mở lại nhà hàng do thiếu hụt lao động cho biết. Một chủ nhà hàng ở New York lặp lại quan điểm đó, đổ lỗi cho sự thiếu hụt lao động là do “sự trợ giúp của chính phủ khi mọi người muốn ở nhà và có tiền trong túi của họ.” Một chủ nhà hàng khác thậm chí còn thẳng thắn nói rằng, “Không ai muốn rời khỏi sofa.”
Gói cứu trợ COVID-19 gần đây tăng gấp đôi số tiền mà một cá nhân có thể nhận được cho đến hết ngày 06/09/2021 và mở rộng nhóm đối tượng cá nhân có thể nhận được chúng. Chương trình Bồi thường Thất nghiệp Đại dịch Liên bang hiện cung cấp 300 USD/tuần cùng với các phúc lợi địa phương. Ví dụ: ở Thành phố New York, nơi phúc lợi hàng tuần tối đa của tiểu bang là 504 USD/tuần, những người thất nghiệp hiện có thể nhận được tới 804 USD/tuần — nhiều hơn 200 USD/tuần so với những gì họ làm 8 giờ mỗi ngày với mức lương tối thiểu 15 USD hào phóng của thành phố.
Tình hình thực sự là vô lý. Các chính sách phong tỏa tồi tệ của chính phủ đã gây ra thiệt hại kinh tế không thể kể xiết, và giờ đây các biện pháp “cứu trợ” kinh tế tồi tệ của chính phủ—bề ngoài được thiết kế để kích thích nền kinh tế bị tổn hại—thực tế đang khiến cho việc phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn nhiều.
Và một sự phục hồi kinh tế hợp lý phải là sự phục hồi đối với mọi đối tượng lao động trong mọi thành phần kinh tế. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng cuối cùng nền kinh tế nói chung sẽ phục hồi trở lại. Wall Street sẽ tiếp tục phát triển, và các đại tập đoàn sẽ tiếp tục gặt hái lợi tức. Nhưng còn quán rượu địa phương yêu thích của quý vị thì sao? Điều gì sẽ xảy ra với cửa hàng bánh mì kẹp thịt ở địa phương mà quý vị yêu thích khi còn nhỏ? Tương lai sẽ ra sao đối với quán bar nhỏ tuyệt vời, nơi pha chế ra loại cocktail ngon nhất mà quý vị từng uống?
Chính phủ nên khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc, không tạo cho họ những lý do để lảng tránh như vậy. Nếu chúng ta không sớm đảo ngược hướng đi, những doanh nghiệp nhỏ mà chúng ta biết có thể bị đóng cửa vĩnh viễn, và những người bình thường vẫn dựa vào chúng để kiếm sống—người rửa chén, nhân viên phục vụ bàn, người pha chế, thu ngân và đầu bếp—khó có thể thoát được tình trạng phụ thuộc vào chính phủ trong nhiều thế hệ.
Tác giả Papa John Schnatter là người sáng lập và là cựu CEO của Papa John’s International, Inc.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Papa John Schnatter
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: