Triển vọng mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc: Bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh
Chính sách thỏa hiệp cầu an của TT Biden sẽ đi được bao xa?
Từ nửa cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đến nay, mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc đang ngày một xấu đi và những “người yêu gấu trúc” (Panda Huggers, những người ủng hộ Trung Cộng) không thoải mái với tình hình này. Vậy rốt cuộc trạng thái hiện tại của mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc là gì? Họ là bạn bè hay là địch thủ? Có vẻ như rất khó để phán đoán cách tiếp cận của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đối với Trung Quốc. Xét theo thực trạng ngoại giao hiện tại, một cuộc xung đột quân sự có thể là không thể tránh khỏi khi một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng quân đội và công khai đe dọa Hoa Kỳ. Chính phủ TT Biden đang phản ứng như thế nào trước các thủ đoạn gây hấn của Bắc Kinh?
Tại sao phải bám lấy một kẻ đối đầu?
Trung Cộng là một chế độ độc tài toàn trị. Kể từ ngày thành lập Đảng [cho đến giờ], Đảng vẫn tiếp tục đàn áp và bức hại người dân của mình như các học viên Pháp Luân Công vô tội, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Bất chấp hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Trung Cộng, những “người yêu gấu trúc” đã tiếp tục ủng hộ Trung Cộng trong nhiều thập kỷ. Ngay cả cựu TT George H.W. Bush cũng nhắm mắt làm ngơ trước cuộc đàn áp tàn bạo của những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 06/1989.
Trong nhiều thập kỷ, những “người yêu gấu trúc” đã tự đánh lừa bản thân khi tin rằng Trung Cộng theo định hướng thị trường sẽ từ bỏ chế độ chuyên quyền và chấp nhận chế độ dân chủ.
Cựu TT Richard Nixon coi Trung Quốc là đồng minh trong Chiến tranh Lạnh giữa Hoa kỳ và Liên Xô, và các tổng thống Hoa Kỳ khác cũng đã làm như vậy để đạt được các thỏa thuận thương mại béo bở. Vì vậy, liệu ngoại giao và thương mại có thể biện minh cho chính sách thỏa hiệp cầu an của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc?
Hai mươi năm trước, Hoa Kỳ đã mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại dưới thời cựu TT Donald Trump–chính phủ của ông đã lên án Bắc Kinh vì tội ăn cắp tài sản trí tuệ của người Mỹ và đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Việc Trung Cộng đánh cắp toàn diện công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã diễn ra trong nhiều năm, khiến Hoa Kỳ bị thiệt hại 500 tỷ USD mỗi năm. Trung Cộng muốn tận dụng vị thế của Trung Quốc là “nhà xưởng của thế giới” để chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Hoa Kỳ và huy động số tiền khổng lồ để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của mình trên toàn thế giới, từ đó đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Mặc dù [Hoa Kỳ] là một quốc gia hùng mạnh, nhưng Hoa Kỳ sẽ không thể duy trì và chịu đựng sự bao vây và đàn áp kinh tế này.
Mục tiêu của Trung Cộng: Đánh bại Hoa Kỳ
Nỗ lực của các chế độ Cộng sản nhằm làm suy yếu và thậm chí làm lung lay các cường quốc dân chủ phương Tây chưa bao giờ dừng lại.
Chiến tranh Lạnh chỉ là sản phẩm tất yếu của mối đe dọa quân sự của Liên Xô đối với Hoa Kỳ. Có thể nói, mong muốn chinh phục pháo đài dân chủ và hệ thống tư bản chủ nghĩa của các chế độ Cộng sản là một chiến lược được phát triển từ chủ nghĩa Marx.
Hoa Kỳ chưa bao giờ có ý định loại bỏ các cường quốc cộng sản mà chỉ phản ứng một cách phòng thủ trước các mối đe dọa quân sự của họ—đây là cách Hoa Kỳ phản ứng với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và họ cũng đang áp dụng cách tiếp cận tương tự để đối phó với Trung Cộng. Các nước dân chủ không thể và sẽ không trực tiếp dẫn khởi một cuộc chiến chống lại các chế độ cộng sản bằng vũ khí nguyên tử, nhưng các “cường quốc đỏ” (cộng sản) thì ngược lại và [họ] không quan tâm tới tính mạng người dân của họ.
Trong quá khứ, Trung Cộng đã chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ ở Bắc Hàn và Việt Nam. Và giờ đây, một cuộc chiến tranh lạnh đã bùng lên giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Dù là bạn hay là thù, [thì] mục tiêu chính của Trung Cộng là đánh bại chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ.
Mối đe dọa nguyên tử trong Chiến tranh Lạnh
Mối quan hệ quân sự Trung Quốc-Hoa Kỳ hiện nay không phải được nhìn nhận đơn giản dựa trên sự thật, mà phải dựa trên quan điểm lịch sử. Mối đe dọa quân sự của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ hiện là một thực tế không thể tránh khỏi.
Mối đe dọa của các cường quốc đỏ đối với các nền dân chủ phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng Berlin năm 1948, khi Liên Xô bất ngờ chặn đường vận chuyển đến Tây Berlin do lực lượng Đồng minh kiểm soát. Điều này gây khó khăn cho sự tồn tại của các đơn vị đồn trú và cư dân Tây Berlin. Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng một cuộc không vận quy mô lớn để phá vỡ sự phong tỏa. Lịch sử thế giới hiện đại nói chung cho rằng cuộc khủng hoảng này là khởi đầu của chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây. Mối đe dọa này đã biến mất trong nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã. Giờ đây, Trung Cộng lại bắt đầu đe dọa quân sự đối với Hoa Kỳ.
Cuộc đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Liên Xô có thể được chia thành bốn giai đoạn. Thứ nhất, hai quân đội đối đầu nhau ở một nước thứ ba—cuộc khủng hoảng Berlin là một ví dụ. Thứ hai, khi cường quốc đỏ phát động một cuộc chiến tranh ở nước thứ ba, Hoa Kỳ đã can thiệp và xảy ra chiến tranh trên bộ và trên không với quy mô lớn. Ví dụ như Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Thứ ba, cường quốc đỏ trực tiếp đưa ra mối đe dọa nguyên tử đối với Hoa Kỳ, như trường hợp của cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba năm 1962. Thứ tư, hai bên tham gia mở rộng vũ khí nguyên tử và chuẩn bị chiến tranh đồng thời ngăn chặn các cuộc tấn công nguyên tử, cho đến khi cường quốc đỏ sụp đổ.
Điều cần phải chỉ ra là giữa giai đoạn thứ hai và thứ ba đã diễn ra một bước chuyển đáng kể của Chiến tranh Lạnh. Đó là thời điểm việc phóng vũ khí nguyên tử đã đạt được một bước đột phá về công nghệ. Điều này bao gồm hai khía cạnh. Thứ nhất, vũ khí nguyên tử được biến đổi thành đầu đạn của vũ khí thông thường trên mặt đất và vũ khí tấn công dưới nước, tức là đạn pháo và ngư lôi được trang bị đầu đạn nguyên tử đã được phát triển. Trong cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba, bốn tàu ngầm của Liên Xô gần Cuba đã mang ngư lôi nguyên tử, nhưng Hoa Kỳ không biết điều đó vào thời điểm đó. Thứ hai, sự ra đời của hỏa tiễn nguyên tử có nghĩa là một bước đột phá trong việc phóng vũ khí nguyên tử tầm xa và hai bên có thể thực hiện các mối đe dọa nguyên tử trên khắp các đại dương.
Trước bước ngoặt trong cuộc Chiến tranh Lạnh này, Hoa Kỳ đã có thể tham gia vào các cuộc đối đầu quân sự với các cường quốc đỏ ở các nước thứ ba—các cuộc chiến tranh nóng như Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Nhưng sự xuất hiện của các mối đe dọa nguyên tử tầm xa đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng này.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc chiến không được tuyên bố, trong đó cả hai bên đều ở trong tình trạng đe dọa nguyên tử lẫn nhau. Đặc điểm căn bản của cuộc chiến này là hai bên tiếp tục mở rộng vũ khí trang bị và chuẩn bị cho chiến tranh.
Bắc Kinh có đang xúi giục một cuộc chiến tranh lạnh mới thông qua các mối đe dọa quân sự?
Các mối đe dọa quân sự của các cường quốc đỏ thường bắt đầu một cách bất ngờ. Trong một bài báo mà tôi đã viết có nhan đề, “Hãy cảnh giác với cuộc khủng hoảng chính sách nhân nhượng Trung Quốc đang nhen nhúm ở Hoa Kỳ,” tôi đã phân tích ba hoạt động quân sự mà Trung Cộng chủ động tiến hành chống lại Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2020. Ba mối đe dọa quân sự như sau: vào tháng 01/2020, Trung Cộng cử một hạm đội hải quân đến Đảo Midway để tập trận cưỡng chế; vào tháng 03/2020, Trung Cộng tuyên bố sẽ chiếm các vùng biển quốc tế ở Biển Đông và thiết lập một pháo đài dưới đáy biển sâu dành cho các tàu ngầm nguyên tử gây ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ; và vào tháng 06/2020, Bắc Kinh tuyên bố hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, đối thủ của [hệ thống định vị toàn cầu] GPS của Hoa Kỳ. Việc xây dựng hệ thống này có thể thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn chính xác vào Hoa Kỳ.
Nếu chúng ta theo dõi khuôn khổ của sự phát triển bốn giai đoạn của Chiến tranh Lạnh để hiểu cuộc đối đầu quân sự Trung Quốc-Hoa Kỳ hiện nay, thì giai đoạn đầu của sự thù địch đã diễn ra rồi; và giai đoạn thứ ba khi các cường quốc đỏ trực tiếp đe dọa nguyên tử đối với Hoa Kỳ đang xảy ra rồi. Cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba năm 1962 trong Chiến tranh Lạnh là một ví dụ về cách một cuộc xung đột leo thang và bước vào giai đoạn đe dọa nguyên tử. Tháng 10/1962, một trinh sát cơ của Hoa Kỳ đã phát hiện các cơ sở hỏa tiễn đạn đạo trung và tầm trung của Liên Xô ở Cuba, cách Florida khoảng 90 dặm. Đáp lại, TT Kennedy đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ tiến vào DEFCON 3 (điều kiện sẵn sàng về quốc phòng), một cuộc phong tỏa hải quân đối với Cuba để ngăn chặn Liên Xô gửi thêm các hỏa tiễn nguyên tử.
Một phiên bản mới của mối đe dọa nguyên tử được khai triển với hỏa tiễn xuyên lục địa, và vũ khí nguyên tử hiện do Trung Cộng sản xuất.
Phiên bản mới của cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba
Sau khi Trung Quốc phóng vệ tinh Bắc Đẩu vào ngày 23/06/2020, hãng thông tấn Đức DW News đã đăng một bài báo vào ngày 26/06/2020, ca ngợi sức mạnh quân sự của Trung Quốc: “Bắc Đẩu tác động đến cục diện hàng hải toàn cầu, sức mạnh quân sự của Trung Quốc tiến bộ phi thường.” Hãng DW News tuyên bố rằng “việc hoàn thành hệ thống Bắc Đẩu cũng có nghĩa là khả năng quân sự của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Vệ tinh [Bắc Đẩu] có cả khả năng hoạt động toàn cầu và hoạt động chính xác. Đồng thời nó có thể thực hiện các cuộc tấn công kỹ thuật chính xác hơn vào các mục tiêu trên toàn cầu.” Rõ ràng, bài báo đang nói về mối đe dọa nguyên tử nhắm vào Hoa Kỳ.
Các căn cứ hỏa tiễn liên lục địa của Trung Cộng nằm dưới sự giám sát 24/24 của các vệ tinh của Bộ Chỉ huy Không gian Hoa Kỳ. Bất kỳ hỏa tiễn liên lục địa trên mặt đất nào chuẩn bị phóng sẽ bị quân đội Hoa Kỳ đánh chặn ngay lập tức. [Tuy nhiên], tàu ngầm nguyên tử đang ở trên biển và nó có khả năng di động. Các hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBMs) sẽ chỉ được phát hiện sau khi vượt qua mặt nước và cất cánh lên không—chúng nguy hiểm hơn nhiều so với hỏa tiễn xuyên lục địa trên đất liền. Thời gian cảnh báo cho Hoa Kỳ là chỉ khoảng mười phút.
Hơn nữa, gần đây cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh kêu gọi trang bị thêm vũ khí nguyên tử cho quân đội Trung Cộng để đe dọa Hoa Kỳ. Hôm 23/04/2021, Trung Cộng đã cho ra mắt hai chiến hạm mới và một tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử tại căn cứ hải quân chiến lược của họ ở Tam Á, trên đảo Hải Nam. Giới truyền thông Trung Quốc thông báo rằng SLBMs của Trung Quốc có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ từ Biển Đông. Trung Cộng cũng công bố biểu tượng của tàu ngầm nguyên tử mới, cho thấy một hỏa tiễn nguyên tử được bắn từ Biển Đông đến Bắc Mỹ.
Chính phủ ông Biden nhìn nhận như thế nào về mối đe dọa nguyên tử của Trung Cộng?
Theo báo cáo hôm 05/05/2021 của tờ Financial Times, Ngoại trưởng Antony Blinken bác bỏ thông tin cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có chiến tranh lạnh với lý do mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ đang “phức tạp.” Tuyên bố của ông Blinken ngụ ý rằng Hoa Kỳ không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng điều này sẽ không ngăn được Trung Cộng bắt đầu cuộc chiến đó.
Hôm 02/05/2021, ông Blinken cho hay trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình 60 Minutes của đài CBS rằng, “nhưng tôi muốn nói rõ ràng về điều gì đó. Và điều này là quan trọng. Mục đích của chúng ta không phải là kiềm chế, kiềm hãm, hay kiềm nén Trung Quốc. Đó là để duy trì trật tự dựa trên những nguyên tắc mà Trung Quốc đang đặt ra một thách thức đối với [các nguyên tắc ấy].” Ông mô tả mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc là, “Tính phức tạp thực sự tồn tại trong mối quan hệ [song phương] này, cho dù là về mặt đối đầu, cạnh tranh, hay hợp tác.”
Tuyên bố của ông Blinken chỉ ra rằng chính sách của chính phủ ông Biden đối với Trung Quốc có ba bộ phận hợp thành: đối đầu, cạnh tranh và hợp tác. Trước đây, ông Blinken đã tuyên bố rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ là “cạnh tranh khi nên cạnh tranh, hợp tác khi có thể hợp tác, và đối thủ khi phải là đối thủ.”
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang, liệu chính phủ ông Biden có đang chuẩn bị đối đầu, cạnh tranh hay hợp tác với Trung Cộng? Cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn từ chối đưa ra một lập trường rõ ràng.
Tiến sĩ Trịnh Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc có trụ sở tại New Jersey. Ông Trịnh từng là nhà nghiên cứu chính sách và là phụ tá của cựu lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, khi ông Triệu còn là thủ tướng. Ông cũng từng là biên tập viên chính của tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Cheng Xiaonong thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: