Tri thức
Đại dịch và tình hình chính trị hiện tại có thể khiến bạn uể oải. Thăng trầm là điều bình thường trong cuộc sống, nhưng nếu bạn bị mắc kẹt vài tháng trong các cuộc gọi Zoom thì việc đó có thể làm bạn quên luôn “thăng” là như thế nào.
Trong quyển sách “Học cách lạc quan: Cách thay đổi tư duy và cuộc sống của bạn”, tác giả Martin Seligman cung cấp một lộ trình để có quan điểm lạc quan hơn.
Là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Pennsylvania, ông Seligman đã nghiên cứu về loài chó và nhận thấy rằng một số con chẳng làm gì khi chúng bị xáo động. Ông Seligman nhận thấy rằng một số con khi “khi liên tục bị xáo động thì sẽ vùng vẫy, khi thì nhảy lùi lại, lúc thì sủa ầm ĩ hoặc chẳng làm gì cả”.
Vì thế, ông Seligman cho rằng những chú chó này “có thể nhận ra hay ‘học’ được rằng, dù chúng có làm gì thì cũng không thể thay đổi được vấn đề. Vậy sao cứ phải cố?”
Hầu hết mọi người đã đối mặt với những tình huống mà họ cảm thấy bất lực, các cố gắng đều không thay đổi được tình hình. Rốt cục, khi đã kiệt sức thì họ bỏ cuộc và chẳng làm gì cả.
Một số người trong chúng ta có thể cảm thấy như vậy về tình trạng đại dịch và chính trị hiện tại.
Một nghiên cứu mà ông Seligman tham khảo cho thấy có khoảng 33% đối tượng thử nghiệm không chấp nhận sự bất lực mà vẫn tiếp tục kiên trì. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng có khoảng 10% đối tượng thử nghiệm chẳng hề cố gắng, hay tỏ ra bất lực ngay từ đầu.
Áp dụng kết quả nghiên cứu này vào xã hội nói chung thì có 10% dân số chưa bao giờ thử vượt qua trở ngại; 57% chấp nhận sự bất lực khi phải đối mặt với thất bại; và 33% không bao giờ từ bỏ.
Tin tốt mà giả thuyết của ông Seligman đưa ra là nếu sự bất lực “có thể học được, thì cũng có thể quên được”. Lợi ích từ việc quên đi được sự bất lực có thể rất lớn: Tiếp tục hành động, nghị lực, kiên trì và đạt kết quả. Khả năng quên đi được sự bất lực cũng có những lợi ích tiềm tàng cho 57% dân số. Đây là điều chúng ta thực sự cần bây giờ cho cả quốc gia.
Tại sao sự lạc quan lại quan trọng? Ông Seligman cho biết: “Những người lạc quan sẽ nhanh chóng phục hồi sau sự bất lực nhất thời. Ngay sau khi thất bại, họ tự khôi phục tinh thần, nhún vai rồi thử làm lại. Đối với họ, thất bại là thử thách, là một bước lùi trên con đường tiến đến thành công. Họ xem thất bại chỉ là tạm thời và riêng biệt chứ không phải toàn bộ.”
Ông Seligman lưu lý rằng: “Những người bi quan luôn gục ngã trước thất bại, và họ xem việc thất bại là lâu dài và có ảnh hưởng sâu rộng. Họ trở nên chán nản và thất vọng trong một thời gian dài. Lùi bước là thất bại, và thất bại ở một trận đánh là thua luôn cả cuộc chiến.”
Vậy làm cách nào để một người có thể quên đi được sự bất lực? Ông Seligman cho rằng: “Việc chấp nhận sự bất lực có thể thay đổi được bằng cách cho đối tượng thấy các hành động mới của họ có hiệu quả. Nó có thể được khắc phục bằng cách dạy đối tượng nghĩ khác về nguyên nhân làm họ thất bại.” Ông Seligman trích dẫn 3 cách giải thích vấn đề: Sự cố định (tạm thời hoặc lâu dài), Tính lan tỏa (cụ thể so với phổ biến), và Cá nhân hóa (bên trong so với bên ngoài).
Cũng theo ông Seligman, “đó là vấn đề của Nghịch cảnh – Niềm tin – Hậu quả (ABC, Adversity-Belief-Consequence): Khi chúng ta gặp nghịch cảnh, chúng ta sẽ phản ứng theo cách mà chúng ta nghĩ về nó. Suy nghĩ của chúng ta nhanh chóng trở thành niềm tin.” Và những niềm tin này có hậu quả.
Ông cho biết: “Những giải thích có tính chất bi quan (lâu dài, phổ biến và hướng nội) sẽ tạo ra sự thụ động và uể oải, trong khi những giải thích mang tính chất lạc quan (tạm thời, cụ thể và hướng ngoại) lại tiếp thêm sinh lực.”
Khi phân tích những chứng cứ liên quan đến một vấn đề, thay vì suy nghĩ nó sẽ cố định, lan tỏa và mang tính cá nhân, thì hãy nhìn nhận nó chỉ là tạm thời (có thể thay đổi), cụ thể (tập trung vào một hành động cụ thể hơn là toàn bộ quá trình) và không mang tính chất cá nhân (vấn đề này không phải do bạn).
Ông Seligman nhận định rằng có ba cách để tiếp cận những niềm tin bi quan: phân tâm, tranh luận và tái phục hồi.
Cuối cùng thì đặt câu hỏi về tính hữu ích: Một niềm tin có thể đúng nhưng liệu nó có hữu ích không? Nếu một niềm tin cản trở bạn vượt qua khủng hoảng, thì tốt nhất là bạn nên phân tán tư tưởng để trì hoãn nó về sau.
Một khi Tranh luận (D-disputation) được thêm vào Nghịch cảnh – Niềm tin – Hậu quả (ABC), thì kết quả là động lực (E-energy), đúng ra là sự thờ ơ. Nó là động lực để tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn, rằng vấn đề đó không phải do bạn, đó chỉ là trường hợp đặc biệt thôi.
Hãy bàn về nhận thức của chúng ta trước tình huống hiện tại. Nghịch cảnh: Đại dịch và sự phân cực chính trị. Niềm tin: Chỉ là tạm thời – những tin tức không ngừng bao phủ – là cụ thể và là nhân tố bên ngoài.
Hãy tập trung vào những gì chúng ta có thể làm: Ngủ ngon giấc, ăn ngon miệng, tập thể dục và bổ sung vitamin D bằng cách ra ngoài đều đặn. Ngoài ra có thể tập trung vào những gì chúng ta cảm thấy biết ơn: Trái Đất mà chúng ta đang sống, không khí mà chúng ta đang hít thở, người thân mà chúng ta đang có, những cơ hội mà chúng ta có thể mang đến sự khác biệt cho cuộc sống của người khác – thậm chí là nở một nụ cười để cải thiện tâm trạng họ.
Hệ quả là: Chúng ta cảm thấy lạc quan hơn về tương lai đồng thời có được năng lượng để hình thành động lực khác cho tương lai thay vì vùi đầu vào những tư tưởng bi quan.
Bà Jackie Gingrich Cushman là nhà báo chuyên mục tổng hợp trên toàn quốc, tác giả từng đoạt giải thưởng và là nhà sáng lập Tổ chức Học tập Tạo nên Sự Khác biệt (Learning Makes a Difference Foundation).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.