Trí thông minh thực vật
Các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục tiết lộ rằng thực vật không chỉ là những thực thể nguyên thủy và thụ động như chúng ta vẫn nghĩ. Nhà nghiên cứu Ian Baldwin, từ Khoa Sinh thái Phân tử (Department of Molecular Ecology) tại Viện Max Planck ở Đức, khẳng định rằng thực vật không chỉ có khả năng phát ra các chất hóa học để tự vệ trước côn trùng săn mồi, mà còn có thể giao tiếp với nhau thông qua các từ vựng axit nucleic phức tạp.
Giáo sư Baldwin, được đồng nghiệp mệnh danh là “người thì thầm ngôn ngữ thực vật” (the plant whisperer), đã phát hiện rằng những dạng sống này không chỉ có khả năng thông báo thương tích của chúng cho những người anh em thực vật, mà chúng còn có thể thể hiện cách thức và vị trí mà chúng bị thương. Mức độ giao tiếp phức tạp giữa các loài thực vật, được nghiên cứu sâu hơn trong những năm gần đây, chỉ ra rằng thực vật có thể có một loại gọi là ‘trí thông minh thực vật’.
Nghiên cứu gần đây của Baldwin có thể đã không bao giờ nảy sinh nếu không có chuỗi thí nghiệm đột phá của Cleve Backster bắt đầu vào những năm 1960. Dù có một số lời chế giễu về phát hiện của Backster, nhưng ông đã cung cấp bằng chứng rõ ràng cho nhiều người rằng thực vật không chỉ sở hữu cảm xúc mà còn có khả năng ngoại cảm cao cấp.
Cuộc thí nghiệm Backster
Backster đào tạo các cảnh sát và các quan chức thực thi pháp luật về cách sử dụng máy phát hiện nói dối (polygraph equipment) kể từ năm 1962. Bước đột phá của ông trong lĩnh vực công nghệ tân tiến nhất bắt đầu từ ý tưởng kết nối một trong những máy phát hiện nói dối của ông với một cây huyết dụ trong lớp học. Sau khi các điện cực được kết nối với lá của nó, Backster tưới nước cho cây huyết dụ, và máy dò nói dối lập tức tạo ra một biểu đồ biểu thị cảm xúc tích cực. Bị hấp dẫn bởi điều này, Backster quyết định kiểm tra giới hạn của những gì ông đã chứng kiến. Khi cố tưởng tượng ra mối đe dọa kiểu nào có thể khiến thực vật phản ứng, ông cân nhắc việc đốt lá của nó. Cái cây dường như phản ứng với suy nghĩ của ông khi máy dò nói dối tạo ra một biểu đồ biểu thị khác – một mẫu thường xuất hiện khi một đối tượng cảm nhận được sự nguy hiểm. Tiết lộ đáng kinh ngạc này đã thúc đẩy Backster và các nhà khoa học khác trên khắp thế giới tiến hành các thí nghiệm sâu hơn để kiểm tra ‘khả năng nhận biết’ của thực vật. Nhiều thí nghiệm trong số này được trình bày chi tiết trong cuốn ‘Cuộc sống bí mật của thực vật’ (The Secret Life of Plants) của các tác giả Peter Tompkins và Christopher Bird.
“Khi Backster và các cộng sự của ông sử dụng các loại cây khác, các công cụ khác, ở các địa điểm khác nhau trên khắp đất nước, đưa ra các quan sát tương tự, vấn đề này rõ ràng cần được nghiên cứu sâu hơn. Hơn 25 loại thực vật và cây ăn quả khác nhau đã được thử nghiệm, trong đó có rau diếp, hành tây, cam và chuối. Các quan sát, tất cả đều tương tự như nhau, yêu cầu một cách nhìn mới mẻ về cuộc sống với sự bùng nổ về mặt khoa học,” trích từ ‘Cuộc sống bí mật của thực vật’ (The Secret Life of Plants).
Trong khi Backster phát hiện ra thực vật thực sự suy nghĩ và giao tiếp ở các cấp độ cao hơn những gì con người tin tưởng trước đây, thì Baldwin và những người khác đã có thể giải mã một số cơ chế đằng sau những thông điệp phức tạp này bằng cách phân tích những thay đổi hóa học của chúng.
Ngôn ngữ thực vật
Sau khi đọc về các thí nghiệm trên thực vật của Backster, một kỹ sư điện tử từ Nhật Bản đã bắt tay vào chế tạo một thiết bị có thể đọc được suy nghĩ bên trong của thực vật. Ông đã mời vợ mình, một người ham mê làm vườn, nói chuyện với một cây xương rồng và có thể khiến nó nói chuyện… có thể nói như vậy. Cây xương rồng (được gắn với thiết bị điện tử này) đã phát ra những âm thanh khác nhau với thành phần được tạo nên bởi những cảm xúc đáng chú ý để đáp lại những gì người phụ nữ đang nói.
Mặc dù thực vật không thực sự giao tiếp theo cách giống như các sinh vật khác, chúng không tạo ra âm thanh hoặc những cử chỉ đáng chú ý. Tuy nhiên, khả năng truyền tải thông điệp rõ ràng của chúng được chứng minh là có thật.
Sau nhiều năm điều tra, các nhà khoa học phát hiện ra rằng thông qua các axit ribonucleic nhỏ (smRNA) – các chất tương tự như hoóc-môn – thực vật có thể chống lại sâu bệnh hoặc các mối nguy hiểm khác, cũng như yêu cầu sự giúp đỡ và thậm chí thông báo sự rối loạn của chúng cho những người bạn thực vật khác. Trong khi khoa học đã hiểu smRNA là những chất truyền thông tin di truyền tích cực giữa DNA và protein, Baldwin và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng những hóa chất phức tạp này có thể điều chỉnh quá trình phát triển của thực vật. Sử dụng một cây thuốc lá dại có tên là Nicotiana attenuata, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các smRNA này đã tiết lộ một vốn từ vựng tinh vi để chống lại những kẻ săn mồi.
Sau khi giải mã trình tự toàn bộ từ vựng smRNA của cây thuốc lá, nhóm của Baldwin đã tìm thấy khoảng 110,000 “từ” bao gồm RNA, mỗi từ có độ dài từ 15 đến 30 chữ cái. Sử dụng “cuốn từ điển” này, họ đã chỉ ra trong các thí nghiệm tiếp theo rằng bảng mã smRNA và “lựa chọn từ” đã bị thay đổi sau cuộc tấn công của côn trùng; kết quả là, một số gen phòng thủ được quy định khác nhau.
Lời kêu gọi vũ trang
Thực vật không chỉ giao tiếp với nhau, khi cần chúng còn kêu gọi các sinh vật khác giúp đỡ. Ví dụ, nhiều loài khác nhau phản ứng với các mối đe dọa từ côn trùng bằng cách phát ra các thông điệp phân tử thu hút những kẻ săn mồi của chính những kẻ tấn công. Ngoài ra, những cây trồng gần đó cũng nhận được thông điệp khuyến khích chúng phát ra, theo một cách tương tự, những tín hiệu gọi kẻ săn mồi của chính kẻ săn mồi, hình thành một nhóm giống như một chiến lược phòng thủ thực sự.
Trong thế giới thực vật, côn trùng không phải là mối đe dọa duy nhất; đôi khi các loại thực vật khác cũng có thể là kẻ thù. Năm 2007, các nhà nghiên cứu tại Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario đã phát hiện rằng các loài thực vật cũng tranh giành không gian. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Biology Letters” của Hiệp hội Hoàng gia Anh đã có thể chứng minh điều mà những người làm vườn đã biết từ lâu: một số loài nhất định không thích ở gần các cây khác. Các nhà khoa học đã nghiên cứu một loài cỏ dại ưa bãi biển được gọi là cải lông biển Great Lakes (the Great Lakes sea rocket) và phát hiện rằng mặc dù rất vui khi ở gần các cây cải lông biển đồng loại, chúng vẫn cố lấn át láng giềng bằng cách phát triển bộ rễ sâu rộng hơn. Khi hệ thống rễ phát triển quá mức của cải lông biển lấy hết chất dinh dưỡng và nước ở khu vực xung quanh nó, thì những kẻ xâm nhập chẳng mấy chốc sẽ không thể sống nổi.
Trong khi những phát hiện này có thể đóng góp vào lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai – trồng một số loài cây gần các loại hoa màu để sử dụng khả năng xua đuổi kẻ thù của chúng – thì những tương tác xã hội bí mật tuyệt vời và phức tạp của thực vật lại giúp hình thành một nhận thức mới về cách chúng ta nhìn thế giới của mình. Nó thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi rằng liệu những hình thức giao tiếp khác có tồn tại? Nếu không có não bộ thì thực vật làm thế nào để suy nghĩ và phản ứng với các kích thích? Không có các cơ quan cảm giác thì làm sao chúng có thể nhận biết và thích nghi với thế giới xung quanh?
Epoch Times Staff
Văn Thanh Bùi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: