Trẻ em đại lục được chẩn đoán bệnh bạch cầu sau khi chích vaccine Trung Quốc
Môt số người ở Trung Quốc đại lục xác nhận với phóng viên của The Epoch Times rằng ngày càng có nhiều người phát triển các triệu chứng của bệnh bạch cầu sau khi chích vaccine do Trung Quốc sản xuất, và hầu hết các trường hợp này là trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 11.
Sau khi chích liều vaccine COVID-19 đầu tiên, cô con gái bốn tuổi của anh Lý Quân (Li Jun) bị sốt cao và bắt đầu ho, những triệu chứng này nhanh chóng thuyên giảm sau khi được tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện. Nhưng sau mũi chích thứ hai, người cha đã có thể nhận ra có điều gì đó bất ổn.
Mắt con gái anh sưng húp lên mãi mà không thấy đỡ. Bé kêu bé bị đau hai chân mấy tuần liền, nơi mà các vết bầm tím bắt đầu xuất hiện mà không biết nguyên do từ đâu. Hồi tháng Một, một vài tuần sau khi chích liều [vaccine] thứ hai, đứa trẻ này được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL).
“Con tôi hoàn toàn khỏe mạnh trước khi chích vaccine,” anh Lý (hóa danh), đến từ tỉnh Cam Túc, bắc trung bộ Trung Quốc, chia sẻ với The Epoch Times. “Tôi đã đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Mọi thứ đều bình thường.”
Anh là một trong số hàng trăm người Trung Quốc tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội, mà trong đó các thành viên tuyên bố rằng [họ] đang mắc bệnh hoặc có thành viên trong gia đình mắc bệnh bạch cầu, vốn sinh sôi sau khi chích các loại vaccine của Trung Quốc. Tám người trong số họ đã xác nhận tình trạng này khi được The Epoch Times liên lạc; danh tính của những người được phỏng vấn đã được giữ bí mật để bảo vệ cho sự an toàn của họ.
Các ca mắc bệnh bạch cầu dàn trải ở nhiều nhóm tuổi khác nhau và đến từ tất cả các vùng của Trung Quốc. Nhưng anh Lý và những người khác đặc biệt chỉ ra sự gia tăng của [nhóm] bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong vài tháng qua, trùng hợp với việc chính quyền nước này thúc đẩy việc chích ngừa cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi từ hồi tháng 10 năm ngoái.
Con gái anh Lý đã chích mũi đầu tiên vào giữa tháng Mười Một theo yêu cầu của nhà trẻ. Cô bé hiện đang làm hóa trị tại Bệnh viện Nhân dân số 2 Lan Châu, nơi có ít nhất 20 trẻ em đang được điều trị cho các chứng bệnh tương tự, hầu hết là những trẻ em từ 3 đến 8 tuổi, theo anh Lý.
“Bác sĩ của bệnh viện nói với chúng tôi rằng kể từ tháng Mười Một, số trẻ em đến khoa huyết học để điều trị bệnh bạch cầu đã tăng gấp đôi so với những năm trước, và họ bị thiếu giường bệnh,” anh chia sẻ.
Anh Lý nói rằng gần đây ít nhất có tám em nhỏ ở quận Tô Châu, nơi anh sinh sống, đã tử vong vì bệnh bạch cầu.
Hiện vẫn không thể liên lạc với khoa huyết học của bệnh viện này để xin bình luận.
Áp lực từ phía nhà nước
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến hôm 13/11, có khoảng 84.4 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi đã được chích ngừa, chiếm hơn một nửa dân số trong nhóm tuổi đó.
Đã có một vài các bậc cha mẹ Trung Quốc lên tiếng phản đối khi chiến dịch chích ngừa cho trẻ em được khai triển. Họ bày tỏ lo ngại về việc không có dữ liệu cho thấy những ảnh hưởng đối với các em nhỏ của các loại vaccine do hai nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac cung cấp. Các vaccine này được cho là mang lại tỷ lệ hiệu quả tương ứng là 79% và 50.4%, dựa trên dữ liệu có sẵn từ các thử nghiệm được thực hiện trên người trưởng thành.
Thông tin về các ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe trẻ em của những loại vaccine này còn hạn chế, và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hồi cuối tháng Mười Một rằng, tổ chức này đã không chấp thuận hai loại vaccine này để sử dụng khẩn cấp cho trẻ em.
Các bậc cha mẹ đối mặt với áp lực bắt buộc tuân thủ đã phải miễn cưỡng chích ngừa cho con của mình, trong đó một số người cho biết họ đã bị cắt tiền thưởng trong công việc hoặc bị người giám sát của mình gây áp lực. Trong những trường hợp khác, con em của họ phải đối mặt với các hình thức phạt khác nhau, từ việc bị xúc phạm danh dự hay thậm chí bị cấm đến trường, như trường hợp con trai 10 tuổi của anh Vương Long (Wang Long).
“Năm ngoái, trường học thông báo với chúng tôi rằng hãy đưa thằng bé đến chích ngừa ngày này, rồi ngày nọ, nếu không thằng bé sẽ không thể đến lớp,” anh Vương, đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chia sẻ với The Epoch Times.
Con trai anh chích mũi thứ hai hôm 04/12. Một tháng sau đó, cậu bé bắt đầu cảm thấy người mỏi mệt và sốt nhẹ. Hiện cậu bé đang nằm trong bệnh viện Tề Lỗ thuộc trường Đại học Sơn Đông, để điều trị bệnh bạch cầu cấp tính, được chẩn đoán hôm 18/01.
Cụ ông Mộ Thịnh Học (Mu Rongxue), một nhà hoạt động y tế công 75 tuổi, đã thúc giục các cơ quan chức năng công khai dữ liệu lâm sàng liên quan đến tác dụng của vaccine đối với trẻ em kể từ khi bắt đầu khai triển chủng ngừa cho trẻ nhỏ, chẳng hạn như dữ liệu về nhiễm trùng, nhập viện, và tử vong; yêu cầu của ông ấy đã bị từ chối.
“Dữ liệu mà ông yêu cầu đòi hỏi các cơ quan hành chính giải quyết và phân tích thông tin hiện có của chính phủ, vậy nên sẽ không được cung cấp,” Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết trong một bức thư hôm 12/11, dựa trên ảnh chụp màn hình mà ông Mộ đăng tải trực tuyến.
Trong khi ông ấy đã nhiều lần nỗ lực đệ đơn kiện cơ quan này, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa có hành động nào đối với vụ kiện của ông ấy, có lần [họ] nói với ông rằng nếu họ tiếp nhận vụ kiện của ông ấy, “điều đó sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực kiểm soát đại dịch,” ông Mộ cho biết.
“Nếu tôi không có bằng chứng, các ông có thể cho tôi bản án chung thân hoặc thậm chí tử hình, nhưng tại sao các ông lại lo ngại về vụ kiện của tôi?” ông viết trong một bài đăng trên Weibo của Trung Quốc vào tháng trước.
Kiểm duyệt
Ở trên WeChat, nền tảng mạng xã hội đa di năng của Trung Quốc, anh Lý biết được có hơn 500 bệnh nhân hoặc các thành viên gia đình của họ cũng đang trong tình trạng khó khăn.
Khi anh Lý và những người khác gọi đến Trung tâm kiểm soát dịch bệnh địa phương, [họ] hứa hẹn rằng sẽ điều tra. Tuy nhiên những cuộc thăm dò như thế này luôn kết thúc với lời khẳng định của các nhà chức trách, rằng: những trường hợp bệnh bạch cầu này là “trùng hợp ngẫu nhiên” và do đó không liên quan gì đến các loại vaccine [trong nước].
Các nhà chức trách cũng tuyên bố tương tự đối với các ca tử vong của hơn chục em bé trong độ tuổi chập chững biết đi sau khi tiêm vaccine viêm gan B vào năm 2013.
Nhưng anh Lý và những người trong hoàn cảnh tương tự vẫn chưa cảm thấy đủ thuyết phục.
“Tôi dám khẳng định rằng họ không thực hiện bất kỳ sự kiểm chứng nào, mà chỉ làm qua loa tắc trách,” anh cho biết.
Anh Lý nghi ngờ rằng chính quyền không thực sự muốn giúp anh, chỉ làm lấy lệ. Các quan chức nói với anh rằng sẽ có một nhóm chuyên gia bắt đầu một cuộc điều tra trong tỉnh của anh, nhưng khi anh ấy gọi đến cơ quan y tế cấp tỉnh, họ từ chối [cung cấp] mọi thông tin, nói rằng họ chưa hề nhìn thấy báo cáo về những trường hợp nhiễm bệnh [bạch cầu] này.
Anh Lý và những người khác đang theo đuổi [một cuộc] điều tra kỹ lưỡng về vấn đề này có rất ít cơ hội để tiếng nói của họ được bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của Trung Quốc lắng nghe, bộ máy này liên tục sàng lọc bất cứ thứ gì được cho là làm tổn hại đến lợi ích của chế độ cộng sản.
“Thông tin bị chặn ngay khi chúng tôi cố gắng đăng tải trực tuyến một thông tin nào đó. Anh không thể loan tin ra ngoài,” anh ấy cho biết.
Khi hai cơ quan chính trị hàng đầu của Trung Quốc gặp gỡ vào tuần trước trong cuộc họp thường niên quan trọng nhất của Đảng, được Bắc Kinh gọi là cuộc họp “Hai Phiên,” anh Lý đã bày tỏ trong nhóm WeChat về ý tưởng thỉnh nguyện ở thủ đô để thu hút sự chú ý của các quan chức.
Thông điệp đó ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của nhà chức trách.
“Cảnh sát đã gọi cho từng người một trong chúng tôi,” anh Lý cho biết. “Họ nói rằng chúng tôi đã bịa đặt ra mọi chuyện và ra lệnh cho chúng tôi rời khỏi nhóm trò chuyện đó.”
Nhóm này nhanh chóng bị giải tán. Một bảng thông tin bao gồm các thông tin chi tiết về bệnh tình của hơn 200 bệnh nhân bị bạch cầu, mà các thành viên của nhóm đã điền vào, hiện không thể truy cập được nữa.
Theo anh Lý, nhiều dấu hiệu cho thấy giới chức trách đã nhận thức rất rõ về vấn đề này. Khi tiếp nhận những bệnh nhân có các triệu chứng tương tự, trước tiên các bác sĩ sẽ hỏi họ đã chích vaccine chưa, anh nói, viện dẫn thông tin mà anh biết được từ nhóm WeChat.
“Họ chỉ nói: ‘Hiểu rồi.’ Và thế là đã xong,” anh nói về việc thăm khám của các bác sĩ.
Anh Lý cũng gặp phải phản ứng tương tự khi gọi đến đường dây nóng của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV với hy vọng giới truyền thông sẽ giúp anh phơi bày sự việc.
“Ngay sau khi chúng tôi nói rằng bọn trẻ đã chích vaccine COVID-19, họ hỏi tôi rằng con bé có bị bệnh bạch cầu hay không. Họ biết hết.” anh cho biết.
Tuyệt vọng
Chi phí cho việc điều trị ước tính vào khoảng 400,000 đến 500,000 NDT (khoảng 63,093 đến 78,867 USD), gấp hơn 20 lần thu nhập bình quân hàng năm.
Anh Vương, cha của bé trai 10 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, là trụ cột duy nhất trong gia đình và hiện [anh] đang rất căng thẳng khi phải ứng trước tiền [viện phí]. Anh chỉ nhận được khoảng 1,000 NDT (157 USD) thông qua chương trình trợ cấp xã hội của nhà nước để giúp trang trải chi phí điều trị cho con trai mình.
Anh Vương cho biết: “Đêm qua, tôi đã ở bệnh viện đến tận 4 giờ sáng,” và nói thêm rằng tin động trời này đã làm mẹ cậu bé rất đau lòng.
Anh Vương nói rằng: “Nếu đây là căn bệnh mà thằng bé bị di truyền từ gia đình, chúng tôi sẽ chấp nhận nó như là điều chúng tôi phải chấp nhận, nhưng thằng bé bị bệnh là do chích vaccine. Tôi không thể nào chấp nhận được điều này.”
Trong khi đó, anh Lý đang phải vay mượn họ hàng để trang trải tiền viện phí. Anh cho biết, nhiều lúc vài chục tệ, tầm 20 đến 30 tệ, tương đương với vài dollar, anh cũng phải đi vay.
Anh Lý chưa nghe thông tin gì từ các quan chức chức hay giới truyền thông, và một người bạn của anh đang làm việc tại ủy ban y tế địa phương giám sát việc phân phối vaccine đã nói với anh rằng, đừng hy vọng quá nhiều.
“Giới lãnh đạo biết rằng anh có thể bị bạch cầu, nhưng ‘trứng không chọi được đá’ đâu’”, người bạn này nói với anh, sử dụng câu thành ngữ ví von ẩn dụ của Trung Quốc. “Đây là một vấn đề quốc gia.”
Ủy ban Y tế thành phố Lan Châu, Ủy ban Y tế tỉnh Cam Túc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Cam Túc, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Lan Châu, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Jiuquan, hai công ty Sinopharm và Sinovac đã không hồi đáp các cuộc gọi xin ý kiến bình luận từ The Epoch Times.
Ủy ban Y tế Quốc gia, hai công ty Sinopharm và Sinovac đã không phản hồi những nghi vấn báo chí qua email trước thời điểm phát hành bài báo này. Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cũng không phản hồi yêu cầu bình luận qua fax.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: