Trào ngược dạ dày thực quản thể im lặng, ẩn giấu có thể làm tổn thương vùng hầu họng
Trào ngược im lặng là tình trạng bệnh lý không dễ nhận biết. Nếu bạn bị ho kinh niên, thường xuyên hắng giọng, và đau họng, thì đó có thể [là do] chứng trào ngược dạ dày thực quản thể im lặng.
Trào ngược dạ dày thực quản là [hiện tượng] các thành phần trong dạ dày trào lên cổ họng, dẫn đến chứng ợ nóng. Trong trào ngược dạ dày thực quản thể im lặng, có thể không xuất hiện chứng ợ nóng, nên bạn không biết [cơ thể mình] có vấn đề. Nhưng điều này không có nghĩa là cổ họng và giọng nói của bạn không bị tổn thương.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ định nghĩa về chứng trào ngược im lặng và các bệnh lý liên quan như GERD và LPR, mô tả những gì có thể gây ra trào ngược im lặng, và chia sẻ các chiến lược dựa trên nghiên cứu để cải thiện chứng trào ngược im lặng và ợ chua.
Trào ngược im lặng, LPR, trào ngược acid, và GERD là gì?
Trào ngược [xảy ra] khi các chất trong dạ dày chảy ngược lên thực quản hoặc cổ họng. Một số thuật ngữ được dùng để [diễn tả] các bệnh lý trào ngược liên quan:
- Trào ngược im lặng chủ yếu ảnh hưởng đến thanh quản và phần sau của cổ họng hoặc các xoang. Gọi là trào ngược im lặng khi các cơn đau rát liên quan đến trào ngược acid và ợ nóng không xuất hiện.
- LPR (laryngopharyngeal reflux – trào ngược thanh quản) chỉ là thuật ngữ y khoa thuộc chứng trào ngược im lặng. “Laryngo” nghĩa là có ảnh hưởng đến thanh quản, và “pharyngeal” nghĩa là có ảnh hưởng đến phần sau của cổ họng, gọi là yết hầu.
- Trào ngược acid tương tự với trào ngược dạ dày, nhưng triệu chứng điển hình là cơn đau rát ở cổ họng hoặc ợ nóng.
- GERD (bệnh trào ngược dạ dày do thực quản) là rối loạn chức năng sau thời gian dài bị tổn thương cổ họng do không điều trị chứng trào ngược.
Các triệu chứng trào ngược im lặng
Các triệu chứng của trào ngược im lặng chủ yếu ảnh hưởng đến thanh quản, yết hầu, và các xoang. Nếu có nhiều triệu chứng sau đây, bạn có thể bị trào ngược im lặng:
- Khàn tiếng hoặc viêm dây thanh âm
- Ho kinh niên hoặc viêm phế quản thường xuyên
- Nôn mửa
- Viêm họng
- Hắng giọng hoặc ngứa trong cổ họng
- Khó nuốt
- Cảm giác có khối u ở phía sau cổ họng
- Ợ nóng
- Chảy dịch mũi sau
- Rối loạn giấc ngủ
- Khó thở
Trào ngược im lặng không được điều trị có thể dẫn đến các triệu chứng hoặc tình trạng còn trầm trọng hơn chứng GERD, bao gồm:
- Chấn thương thanh quản kinh niên hoặc sẹo của các nếp gấp thanh âm
- Barrett thực quản (những thay đổi ở niêm mạc thực quản), có thể dẫn đến ung thư thực quản hiếm gặp [2]
- Thu hẹp đường thở ngay dưới dây thanh âm [3]
- Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan [4]
Trào ngược thanh quản thường được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ tai mũi họng chẩn đoán, dựa trên bệnh sử hoặc nội soi (một loại xét nghiệm giúp xem xét thực quản và dạ dày), [ngoài ra] không thể quan sát được sự trào ngược qua chụp phim x-quang.
Nếu bạn bị khó nuốt, cảm thấy có khối u trong cổ họng, hoặc thường xuyên bị nôn, vui lòng đi khám bác sĩ để loại trừ các bệnh lý trầm trọng.
(Ảnh: Shutterstock)
Nguyên nhân gây ra chứng trào ngược im lặng?
Mỗi người có những nguyên nhân gây trào ngược im lặng khác nhau và không có nguyên nhân chung. Tuy nhiên, tương tự với các vấn đề về tiêu hóa khác, nguyên nhân có thể liên quan đến các thay đổi như:
- Làm chậm nhu động ruột (sự di chuyển của thức ăn trong đường ruột) [1];
- Dịch tiêu hóa ít, như acid dạ dày hoặc các enzyme tiêu hóa;
- Hoặc cơ vòng hoạt động kém (các cơ trong đường tiêu hóa mở và đóng tạo điều kiện cho thức ăn đi qua). Điều này có thể khiến các thành phần trong dạ dày trào ngược lên thực quản [1].
Ví dụ, cơ thắt thực quản dưới lười hoạt động thường là nguyên nhân gây trào ngược
Bên cạnh đó, mặc dù không có nguyên nhân rõ ràng, nhiều khả năng bạn mắc trào ngược im lặng nếu đồng thời bị các bệnh sau:
- Ngưng thở khi ngủ: Một bài đánh giá có hệ thống cho thấy 45% người bị ngưng thở khi ngủ cũng bị LPR [1].
- Thoát vị cơ hoành: xảy ra khi phần trên của dạ dày lọt qua cơ hoành, có liên quan đến chứng trào ngược của khoảng 53% bệnh nhân [1].
- Hàm lượng acid dạ dày thấp: Bệnh này thường có nguyên nhân từ tuổi tác gia tăng [5], một số bệnh tự miễn hoặc dùng thuốc PPI kéo dài [6].
Cách giải quyết chứng trào ngược im lặng
Nếu bạn bị trào ngược im lặng, điều quan trọng là điều trị để ngăn ngừa tổn thương kéo dài đối với thực quản và cổ họng.
Cách điều trị thông thường cho chứng trào ngược im lặng thường có liên quan đến các thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole (Prilosec), nhưng nhiều bệnh nhân bị trào ngược không thuyên giảm [triệu chứng] sau khi dùng những loại thuốc này. Tệ hơn nữa, dùng PPI kéo dài có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân [1], các vấn đề tim mạch, và nhiễm trùng đường tiêu hóa [7].
Một cách tiếp cận tự nhiên thường có thể cải thiện hoặc giải quyết chứng trào ngược im lặng đồng thời có ít rủi ro hơn. Hãy cùng khám phá những [giải pháp] có thể trợ giúp cho chứng bệnh này.
Một cách tiếp cận tự nhiên cho chứng trào ngược im lặng
Trào ngược có thể đáp ứng tốt với một số thay đổi về cách ăn uống và lối sống. Nói một cách đơn giản, chiến lược [điều trị] tự nhiên cho chứng trào ngược bao gồm các bước sau đây:
- Điều chỉnh bữa ăn hàng ngày và thói quen ăn uống để loại bỏ các tác nhân gây trào ngược.
- Cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột bằng men vi sinh. Điều trị nhiễm trùng đường ruột bằng thuốc kháng sinh nếu cần.
- Hỗ trợ acid dạ dày với betaine HCL nếu cần.
- Thêm các liệu pháp bổ sung nếu ba liệu pháp trên không giúp thuyên giảm.
Hãy cùng khám phá những chi tiết cụ thể của cách tiếp cận này.
Lời khuyên về cách ăn uống cho chứng trào ngược im lặng
Một số thực phẩm và thói quen ăn uống, như ăn quá nhiều, thường khiến chứng trào ngược và ợ nóng trầm trọng hơn.
Nếu bạn vẫn chưa tìm ra nguyên nhân làm chứng trào ngược nặng thêm, việc ăn kiêng để loại trừ thực phẩm gây viêm phổ biến là một bước khởi đầu đúng đắn. Các nghiên cứu cho thấy ăn ít carb hoặc ăn kiêng FODMAP có thể có ích cho chứng GERD, trào ngược, và ợ nóng. Ăn kiêng Paleo ít carb hoặc kiêng FODMAP là những lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu.
Những lời khuyên về cách ăn uống khác [cũng] được chứng minh là có ích với chứng trào ngược, GERD, hoặc ợ nóng nhằm mục đích giảm các tác nhân gây ra triệu chứng thông thường. Bao gồm:
- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, chua, chiên, hoặc cay
- Tránh caffeine và rượu
- Chia nhỏ bữa ăn để tránh ăn quá nhiều
- Không nằm trong vài giờ sau ăn
- Nâng đầu giường lên vài inch bằng cách đặt các khối bên dưới chân giường.
Cuối cùng, bạn nên xem xét về sự thay đổi [mỗi khi áp dụng] các cách ăn kiêng trong vài tuần. Nếu không có bất kỳ sự thay đổi nào, thì không cần phải tiếp tục. Nếu có, thì tiếp tục tránh dùng các loại thực phẩm và hành vi gây ra các triệu chứng trong lúc thử các giải pháp khác.
Hệ vi sinh vật đường ruột và trào ngược im lặng
Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột có thể liên quan đến chứng trào ngược. Ví dụ, một bài báo đánh giá có hệ thống cho thấy chế phẩm vi sinh có thể cải thiện một số triệu chứng của GERD, bao gồm nôn mửa, trào ngược, ợ nóng, và khó tiêu..
Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp khác cho thấy H. pylori, một vi khuẩn gây bệnh loét dạ dày, phổ biến ở gần nửa số bệnh nhân bị LPR [1]. Điều này cho thấy có một mối tương quan giữa nhiễm trùng H. pylori và một số trường hợp LPR. Mặt khác, H.pylori được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống trào ngược và ung thư thực quản trong một số nghiên cứu, vậy nên các dữ liệu không hoàn toàn thống nhất với nhau.
Trong tình huống không có nghiên cứu lâm sàng rõ ràng, chúng ta có thể tạm thời suy luận rằng việc cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột bằng liệu pháp men vi sinh nhân ba và điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng cơ bản nào như H. pylori hoặc SIBO có thể giúp giảm nhẹ chứng trào ngược.
Acid dạ dày đối với chứng trào ngược im lặng
Các thuốc PPI như esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), hoặc thuốc chẹn H2 (thuốc kháng histamine như Pepcid AC) thường được kê đơn cho chứng trào ngược im lặng để làm giảm acid dạ dày.
Tuy nhiên, không phải tất cả bằng chứng đều đồng ý rằng PPI giúp cải thiện chứng trào ngược. Ví dụ, một đánh giá có hệ thống và một phân tích tổng hợp cho thấy PPI cải thiện chứng trào ngược, trong khi một bài đánh giá có hệ thống khác cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở bệnh nhân dùng PPI và giả dược.
Trớ trêu thay, sự gia tăng acid dạ dày giúp cải thiện chứng trào ngược đối với một số bệnh nhân. Acid dạ dày hỗ trợ nhiều phương diện của chức năng tiêu hóa, và [nếu] thiếu có thể gây ra nhiều triệu chứng đường ruột. Không phải tất cả bệnh nhân đều cần [tăng] acid dạ dày, nhưng chúng tôi đã quan sát thấy sự khác biệt lớn [khi dùng acid dạ dày] đối với một số bệnh nhân tại trung tâm y học chức năng. Nếu acid dạ dày bổ sung phù hợp với bạn, liệu pháp này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về các triệu chứng. Nếu không phù hợp thì nên ngừng bổ sung.
Bạn có thể có nhiều lợi ích hơn từ việc bổ sung acid dạ dày nếu:
- Trên 65 tuổi
- Mắc bệnh tự miễn dịch, như viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc viêm khớp dạng thấp
- Bị thiếu máu
- Đã được chẩn đoán nhiễm H. pylori
- Đã dùng thuốc kháng acid hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường xuyên
Các liệu pháp bổ sung cho chứng trào ngược im lặng
Một số giải pháp tự nhiên khác có thể bổ sung để giảm bớt các triệu chứng trào ngược im lặng. [Bạn có thể] cân nhắc việc dùng các liệu pháp này nếu việc thay đổi cách ăn uống, men vi sinh, và hỗ trợ acid dạ dày không có tác dụng.
- Sodium alginate, một chất bổ sung có nguồn gốc từ tảo bẹ nâu, tạo thành một bè bọt hoạt động như một hàng rào vật lý giữa thực quản và dạ dày. Một bài đánh giá có hệ thống cho thấy liệu pháp alginate có hiệu quả cao đối với chứng GERD nhẹ [16]. Alginate là thành phần hoạt chất trong một loại dung dịch thuốc không kê đơn ở Anh có tên là Gaviscon Advance và một sản phẩm tương đối mới gọi là Reflux Gourmet.
.
- Melatonin, một hormone mà cơ thể sản xuất vào ban đêm để kích thích giấc ngủ, có thể bảo vệ thực quản cho những người bị GERD và ợ nóng [17]. Các nghiên cứu cho thấy melatonin có thể có hiệu quả giống với PPI trong cải thiện chứng GERD.
- Các loại thảo mộc có tác dụng kích thích vận động, như Iberogast hoặc RKT (một hỗn hợp thảo dược của Nhật Bản}, cải thiện sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa và trợ giúp cho chứng trào ngược, ợ nóng, và chức năng cơ vòng thực quản dưới.
Điều trị phẫu thuật cho chứng trào ngược im lặng và thoát vị hoành
Thoát vị hoành – khi phần trên của dạ dày lọt [lên trên] qua vết rách ở cơ hoành (cơ ở đáy lồng ngực giúp cho việc hít thở) – có liên quan đến chứng trào ngược trong khoảng 53% trường hợp.
Một nghiên cứu đã so sánh phương pháp điều trị bằng phẫu thuật gọi là fundoplication với liệu pháp dùng thuốc PPI đơn thuần cho bệnh nhân bị LPR và thoát vị hoành. Người ta phát hiện fundoplication có hiệu quả hơn trong việc cải thiện chứng ho, hắng giọng, và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bị LPR [26]. Hầu hết bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật có thể không cần tiếp tục dùng liệu pháp PPI.
Ngoài ra, một số bác sĩ chỉnh hình và bác sĩ nắn xương có kỹ năng điều chỉnh thoát vị hoành, có thể tạm thời giảm bớt các triệu chứng của trào ngược liên quan đến thoát vị hoành.
Tóm lại
Nếu bạn có các triệu chứng kinh niên như ho thường xuyên, hắng giọng, hoặc đau họng, trào ngược im lặng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.
Thay vì dùng thuốc theo toa có thể tạo nên những tác dụng phụ trầm trọng, hãy tập trung vào các giải pháp giải quyết nguyên nhân gốc rễ như loại bỏ các tác nhân gây bệnh từ thức ăn, tái cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, và hỗ trợ acid dạ dày trước tiên. Hãy cân nhắc các liệu pháp bổ sung nếu các chiến lược này không có tác dụng ngăn chặn tổn thương thực quản.
Với một chút để tâm đến những chi tiết trên, bạn có thể cải thiện chứng trào ngược im lặng và bảo vệ sức khỏe thanh quản và vùng cổ họng dài lâu.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times