Sử dụng lâu dài các loại thuốc trị chứng ợ nóng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Sử dụng trong 1 năm và 3 năm có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên lần lượt là 1.5 và 2.4 lần.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc ức chế bơm proton (PPI), một nhóm thuốc trị chứng ợ nóng phổ biến, có liên quan đến ung thư dạ dày.
Các tác giả viết, nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng PPI kéo dài – quá 3 tháng – “có liên quan nhiều đến nguy cơ bị ung thư cao,” trong khi việc sử dụng ngắn hạn “dường như có nguy cơ tương đối thấp hơn.”
PPI là loại thuốc mạnh làm giảm độ acid dạ dày, hoạt động bằng cách liên kết không thể đảo ngược với bơm proton – protein trong dạ dày giải phóng proton, một thành phần của acid dạ dày, kết quả là ngăn cản sự tiết ra proton.
PPI thường được kê toa để điều trị chứng trào ngược acid, khi acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ợ nóng, đồng thời được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một dạng trào ngược acid mạn tính hơn, cũng như loét dạ dày và ruột.
Ví dụ về nhóm thuốc PPI bao gồm các loại thuốc không kê đơn như omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium) và lansoprazole (Prevcid). Một số PPI cần kê đơn như rabeprazole (Aciphex), pantoprazole (Protonix) và dexlansoprazole (Dexilant).
Tăng nguy cơ ung thư dạ dày và polyp
Các tác giả đã xem xét một số nghiên cứu điều tra về mối liên quan giữa việc sử dụng PPI và nguy cơ ung thư, tìm ra được mối liên quan giữa việc sử dụng PPI với ung thư dạ dày và polyp. Ngoài ra không có mối liên quan đến ung thư nào khác được xác định.
Một trong những nghiên cứu, mà các tác giả trích dẫn ra ở đây, đã đánh giá dữ liệu từ khoảng 2,400 bệnh án và phát hiện ra rằng việc sử dụng lâu dài loại thuốc trị chứng ợ nóng trong 1 năm và 3 năm có liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày tăng gấp 1.5 và 2.4 lần.
Một nghiên cứu khác theo dõi 3,271 bệnh nhân được dùng PPI sau khi bị nhiễm Helicobacter pylori cho thấy, việc sử dụng PPI lâu dài có liên quan đến việc tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ dày.
Trong khi một nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy việc sử dụng PPI có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung. Các tác giả cũng cảnh báo là không nên sử dụng đồng thời PPI trong điều trị ung thư vì trích dẫn từ các nghiên cứu cho thấy kết quả trở nên tồi tệ hơn và tăng nguy cơ tử vong.
Tại sao lại có nguy cơ này?
Một số cơ chế có thể giải thích được lý do vì sao mà PPI có thể góp phần phát triển ung thư như thế nào.
Những loại thuốc này có thể phá vỡ sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách tăng độ pH của dạ dày.
Điều này “có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm sự đa dạng và phong phú của vi khuẩn có lợi, dẫn đến viêm đường tiêu hóa. Đổi lại, điều này có thể thúc đẩy sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại tạo ra chất gây ung thư và làm tăng nguy cơ ung thư,” các tác giả viết.
PPI cũng có thể dẫn đến tăng gastrin máu. PPI làm tăng độ pH của dạ dày nên dạ dày có thể tăng sản xuất gastrin, một loại protein trong dạ dày.
Tuy nhiên, gastrin kích thích sự phát triển và hoạt động của một số tế bào dạ dày và nồng độ gastrin càng cao thì hoạt động và tăng sinh của tế bào càng lớn, làm tăng nguy cơ ung thư.
Ngoài những cơ chế được nêu trên đây, PPI còn có nhiều tác dụng phụ như độ pH acid dạ dày tăng có thể dẫn đến chứng khó tiêu, thiếu dinh dưỡng, vi khuẩn phát triển quá mức và các vấn đề về đường ruột, đồng thời cũng liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn như Helicobacter pylori và Clostridium difficile.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây loét dạ dày và đau đớn. Vi khuẩn tồn tại và sinh sôi ở độ pH từ 3.5 đến 8. Một dạ dày khỏe mạnh có độ pH từ 1 đến 2.
Nhiễm khuẩn Clostridium difficile thường lây truyền qua thực phẩm. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng có thể tăng lên nếu dạ dày không đủ acid để tiêu diệt vi khuẩn.
Theo đánh giá, việc sử dụng PPI cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, gãy xương, loãng xương và các bệnh về gan và thận.
Các lựa chọn thay thế cho thuốc ức chế bơm proton
Những người bị trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu có thể thay thế PPI bằng các lựa chọn thay thế ít hiệu quả hơn, bao gồm thuốc kháng acid và thuốc chẹn H2, khi các vấn đề về sinh lý tiềm ẩn của họ được kiểm soát tốt hơn.
Tiến sĩ Scott Rollins từ Trung tâm Y học Tích hợp Tây Colorado nói với The Epoch Times rằng mặc dù PPI có thể có hiệu quả cao trong việc kiểm soát chứng loét dạ dày nặng ở những bệnh nhân này nhưng loại thuốc này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
So với thuốc kháng acid và thuốc chẹn H2, thường được sử dụng để giảm chứng ợ nóng, PPI kích hoạt chậm hơn và tồn tại lâu hơn nhiều.
Thuốc kháng acid làm tăng độ pH của acid dạ dày ngay khi vào dạ dày và chỉ tồn tại trong khoảng 1 giờ. Thuốc chặn H2 có tác dụng kéo dài vài giờ, nhưng PPI có thể mất tới 12 giờ để kích hoạt và tác dụng có thể kéo dài đến 3 ngày.
Bệnh nhân thường được khuyên dùng PPI hàng ngày và nhiều người đã dùng PPI trong nhiều năm. Điều này có thể gây ra các vấn đề lâu dài cho sức khỏe, bao gồm cả các vấn đề về viêm ruột.
Tiến sĩ Rollins đã phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân phàn nàn về căn bệnh GERD thường gây ra các vấn đề về viêm ruột không được giải quyết. Khi những vấn đề này được giải quyết bằng cách cải thiện chế độ ăn uống trong 6 đến 12 tuần thì các triệu chứng GERD có xu hướng thuyên giảm hoặc cải thiện đáng kể nên bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc kháng acid.
Ông cũng cho biết rằng, mặc dù chứng ợ chua thường được điều trị bằng cách giảm acid dạ dày, nhưng ợ chua cũng có thể là do không đủ acid dạ dày hoặc do tuổi già, hoặc các vấn đề về tuyến giáp và một loại bệnh tự miễn dạ dày.
Tiến sĩ Jonathan Wright, người chuyên về các liệu pháp tự nhiên, cho biết trong một video trên YouTube rằng “99%” bệnh nhân của ông bị ợ chua là do acid dạ dày không đủ chứ không phải dư thừa.
Giữa thực quản và dạ dày có một vòng cơ được gọi là cơ vòng thực quản dưới. Cơ vòng này là cơ quan mở của dạ dày và có nhiệm vụ đóng lại để ngăn những thức ăn khó tiêu và acid dạ dày trào ngược lên thực quản.
Chứng ợ nóng xảy ra khi cơ vòng đóng không đúng cách làm cho acid và thức ăn quay trở lại thực quản, gây đau và tổn thương.
Một số vấn đề có thể khiến cơ vòng gặp trục trặc. Một là độ pH của acid dạ dày không đủ thấp. Do đó, mặc dù PPI có thể làm giảm các triệu chứng nhưng thực tế lại có thể là phản tác dụng.
Vì vậy, bác sĩ Wright khuyến cáo những bệnh nhân bị ợ chua do không đủ acid dạ dày có thể bổ sung acid betaine hydrochloric (acid dạ dày) sau khi ăn.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.