Ngày nay, một mớ bòng bong những cảm xúc cứ lẩn quẩn trong tâm trí cô sinh viên đại học Keren Binyamin gốc Do Thái — một sự tạp loạn giữa nỗi kinh hoàng, phẫn nộ, và lòng quyết tâm.
Tại Đại học Maryland, cô đã chứng kiến những gì mà lúc khởi đầu chỉ là các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ người Palestine rồi sau đó lại trở thành những cuộc tụ tập bộc lộ sự giận dữ sôi sục.
Đó là một hiện tượng đang bùng phát ở các trường đại học trên khắp đất nước này.
Các chuyên gia cho biết điều đang thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đầy phẫn nộ đó không chỉ là phản ứng trước cuộc chiến tranh Israel-Hamas. Cuộc xung đột đó bắt đầu sau khi nhóm khủng bố Hamas, có trụ sở tại Gaza, hôm 07/10 đã vượt biên giới vào Israel để sát hại tàn nhẫn 1,200 thường dân và bắt cóc hơn 200 con tin.
Nhiều người từng lên tiếng phản đối Israel thì giờ đây lại đổ lỗi cho nước này về vụ tấn công. Họ gọi Israel là một quốc gia “áp bức.”
Điều đó cũng giống như cách mà những người theo chủ nghĩa Marx nhìn nhận về Hoa Kỳ.
Và theo một số chuyên gia, đó là nguyên nhân khiến những lời lẽ và hành động bạo lực gia tăng đột ngột. Họ quy trách nhiệm cho hệ tư tưởng đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) đã khiến tâm lý chống Israel lan rộng nhanh chóng.
Bà Sherry Sylvester, một thành viên cao cấp của Tổ chức Chính sách Công cộng Texas, cho biết, “Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta đang chứng kiến — các cuộc biểu tình ủng hộ Hamas và phản đối Israel trong các khuôn viên trường đại học — là rõ ràng có liên quan đến DEI.”
Các nhóm sinh viên Palestine tuần hành với các biểu ngữ kêu gọi chấm dứt “sự chiếm đóng” của Israel trên đất Palestine và cáo buộc người Do Thái chiếm Gaza làm thuộc địa. Các cuộc biểu tình phản đối Israel ngày càng trở nên hung hãn.
Những người biểu tình bộc lộ hệ tư tưởng đến từ các chương trình, lớp học, và luận điệu DEI vốn đã thâm nhập vào các tổ chức giáo dục đại học trên toàn cầu. Nhưng các chuyên gia cho biết, đằng sau tất cả những việc này là chủ nghĩa Marx.
Bà Sylvester nói rằng sự hiện diện của DEI — một nhánh của chủ nghĩa Marx — trong các trường đại học đã tạo ra một “loại văn hóa méo mó, xấu xa, và đầy thù hận.”
Các sinh viên nói với The Epoch Times rằng bất kể điều gì đang thúc đẩy những biểu hiện cảm xúc hận thù này thì đều sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và cảm giác rằng nguy hiểm đang gia tăng.
Cô Binyamin nhớ lại nỗi sợ hãi mãnh liệt khiến cô run rẩy khi nhìn thấy khoảng 300 sinh viên hô vang các khẩu hiệu chống Israel và ủng hộ Palestine trong khuôn viên trường. Một cách giận dữ, họ kêu gọi nổi dậy chống lại người Do Thái.
Cô nói với The Epoch Times, “Tôi cảm thấy khiếp sợ khi nghe thấy sự giận dữ và thù hận trong giọng nói của họ khi họ kêu gọi ‘Một giải pháp, cuộc cách mạng Intifada.’”
Từ ngữ “Intifada” nói đến các cuộc tấn công chống lại Israel để trả đũa cho những gì mà người Palestine coi là sự chiếm đóng của Israel ở Tây Ngạn và Dải Gaza. “Một giải pháp” ám chỉ việc xóa sổ quốc gia Israel để người Palestine có thể chiếm vùng đất “từ Sông [Jordan] đến Biển [Địa Trung Hải].”
Cô Binyamin cho biết cô đã nhìn thấy những dòng chữ nguệch ngoạc được viết bằng phấn — “[lời chửi thề] Israel” và “Holocaust 2.0.” — mà những người biểu tình ủng hộ Palestine để lại trong khuôn viên trường.
Cô nói rằng đó là một cảnh tượng lạnh gáy đối với cô và các bạn cùng trang lứa.
Nhưng cô Binyamin tự nhủ sẽ nén nỗi sợ hãi của mình lại và lên tiếng phản đối làn sóng bài Do Thái mà cô đang tận mắt chứng kiến.
Cô cho biết cô sẽ đứng vững ngay cả khi tờ báo của trường viết về các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine mà không đề cập đến bạo lực và ngay cả khi các bình luận trực tuyến ủng hộ những cuộc biểu tình này.
Cô Binyamin sẽ không dao động khi mọi người đưa ra những nhận xét phàn nàn về những chiếc ghế trống tượng trưng cho các con tin bị Hamas bắt giữ, ngay cả khi những người ủng hộ Palestine nói rằng nếu những chiếc ghế được bày ra để tượng trưng cho những người đã thiệt mạng ở Gaza thì họ sẽ cần nhiều ghế hơn nữa.
Cô không lấy làm ngạc nhiên trước tâm lý chống Israel, chống Mỹ phổ biến trong thế hệ của cô. Cô cho biết các lớp học trong trường được giảng dạy qua lăng kính thuyết phê phán.
Các thuyết phê phán — trong đó có hệ tư tưởng DEI — liên quan đến tư duy theo chủ nghĩa Marx mới, trong đó cái được gọi là “tranh đấu giai cấp” trong chủ nghĩa Marx truyền thống được thay thế bằng chủng tộc, giới tính, hoặc bản sắc. Hệ tư tưởng này còn thúc đẩy “tranh đấu chống phân biệt chủng tộc” bằng sự phân biệt đối xử có mục đích nhắm đến những người bị xem là “kẻ áp bức.”
Mới đây, Đảng Xã hội Dân chủ Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ Hamas. Black Lives Matter (BLM) cũng làm vậy.
“BLM đã đăng những nội dung như ‘Chúng ta ủng hộ những anh chị em Palestine của chúng ta,’” cô Binyamin cho biết. “Và hình ảnh mà họ chọn dùng là một người đang chơi dù lượn, giống như cách Hamas đã tiến vào Israel vậy.”
Cô đã tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ người Do Thái ở Hoa Thịnh Đốn hôm 14/11. Với khoảng 250,000 người tham gia, cô cho biết đó là một biển người đoàn kết. Cờ Mỹ tung bay bên cạnh cờ Israel. Những tín đồ Cơ Đốc Giáo tham gia để ủng hộ người Do Thái.
Nhưng khi chứng kiến các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, cô Binyamin cho biết không hề có cờ Mỹ, còn không thì những lá cờ đó đang bị đốt.
“Họ giống như những người Bolshevik của năm 1917,” cô nói về thế hệ của mình.
Theo cô Binyamin, họ cho rằng họ đang tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn bằng “những quan niệm duy tâm” nhưng lại “không nắm bắt được thực tế và dữ kiện chân thật trong lịch sử.”
Các sinh viên Do Thái trên khắp đất nước này đã chứng kiến tình trạng những lời lẽ hận thù và những biểu hiện hung hãn gia tăng nhanh chóng một cách gây hoang mang.
Tại Đại học Cornell, hôm 31/10, một sinh viên năm thứ ba đã bị bắt với cáo buộc thực hiện các hành vi đe dọa trên mạng nhắm vào những sinh viên Do Thái. Theo một tuyên bố từ Văn phòng Biện lý Liên bang cho Địa hạt Bắc New York, anh Patrick Dai, một sinh viên ngành kỹ thuật, bị cáo buộc đã đe dọa xả súng vào một nhà ăn phục vụ sinh viên Do Thái.
“Trong một bài đăng khác, anh Dai bị cáo buộc đã đe dọa sẽ ‘đâm’ và ‘cắt cổ’ bất kỳ người đàn ông gốc Do Thái nào mà anh ta nhìn thấy trong khuôn viên trường, cưỡng gian và ném phụ nữ Do Thái xuống vách đá, và chặt đầu bất kỳ em bé Do Thái nào,” tuyên bố nói trên viết.
Tháng trước (11/2023), tại The Cooper Union, một trường đại học tư thục ở New York, các sinh viên gốc Do Thái đã khóa trái [và trốn] bên trong thư viện trường để được an toàn. Đoạn ghi hình đăng trên YouTube cho thấy một đám đông những người biểu tình ủng hộ Palestine đã đi qua một trạm kiểm soát an ninh và bắt đầu đập cửa thư viện này.
Và hôm 10/11, hai sinh viên gốc Do Thái đang theo học tại Đại học Tiểu bang Ohio đã bị đấm vào mặt ở gần khuôn viên trường sau khi bị hai người đàn ông hỏi liệu họ có phải là người Do Thái hay không. Cảnh sát của trường này cho biết vụ việc đang được điều tra như một tội ác vì thù ghét.
Mối liên kết tới DEI
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng, với việc DEI được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học thì chuyện bạo lực xảy ra không phải là điều đáng ngạc nhiên. Hệ tư tưởng DEI dạy sinh viên rằng Hoa Kỳ là một quốc gia thực dân, phân biệt chủng tộc. Những người ủng hộ DEI cho biết các đồng minh của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Israel, cũng vậy.
Những người ủng hộ hệ tư tưởng DEI cho rằng các nước phương Tây cướp đất của người dân bản xứ vốn bị “áp bức”.
Họ nói rằng các phương pháp DEI là cần thiết để sửa chữa những sai lầm của các thế hệ người Mỹ da trắng, những người trước đây đã phân biệt đối xử với các tộc người thiểu số. Họ nói rằng những người da trắng đã sử dụng [hệ tư tưởng] “người da trắng thượng đẳng” và “đặc quyền người da trắng” để gây bất lợi cho “các nhóm dân tộc bị gạt ra ngoài lề xã hội.”
Họ nói rằng các biện pháp sẽ giúp sửa chữa những sai lầm như vậy, chẳng hạn như việc thuê nhân viên dựa trên màu da, dân tộc, hoặc khuynh hướng tính dục.
Một số người thuộc phe chính trị tả khuynh cho rằng việc chuộc lỗi cho Hoa Kỳ nên bao gồm cả việc bồi thường cho các nhóm dân tộc thiểu số cũng như trả lại cho người Mỹ bản địa những vùng đất đã “bị cướp.”
Bà Sylvester cho rằng lối suy nghĩ đó giống như lối suy nghĩ của một giáo phái. Và bà cho biết tình trạng bạo lực gần đây đã phơi bày điều này.
Bà chia sẻ với The Epoch Times: “Điều đó đã phơi bày loại giáo phái này trong các trường đại học của chúng ta.”
Bà Sylvester, một chuyên gia về truyền thông chính trị, đã chỉ ra các cuộc biểu tình lớn gần đây tại Đại học Texas và các trường khác là bằng chứng về những vườn ươm DEI theo chủ nghĩa Marx.
Theo tờ báo sinh viên University of Texas, hôm 12/11, các nhóm sinh viên đã giúp tổ chức một cuộc biểu tình lớn ủng hộ Palestine ở Austin, Texas.
Khoảng 10,000 người biểu tình ủng hộ Palestine đã tuần hành về phía Tòa nhà Lập pháp tiểu bang hôm 12/11 và chỉ trích cả Đảng Cộng Hòa lẫn Đảng Dân Chủ vì đã giúp đỡ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.
The Epoch Times đã đặt câu hỏi về cuộc biểu tình này cho văn phòng Thống đốc Tiểu bang Texas Greg Abbott, một thành viên Đảng Cộng Hòa.
Phát ngôn viên của văn phòng Thống đốc Andrew Mahaleris cho biết: “Thống đốc Abbott lên án những hành động bạo lực tàn ác, vô nhân đạo chống lại Israel và người dân nước này của những kẻ khủng bố tàn nhẫn, và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp tuyệt đối cho cộng đồng Israel và Do Thái. Texas sẽ luôn sát cánh cùng Israel và các nước láng giềng Do Thái của chúng tôi ở chính quê nhà đây và trên toàn thế giới.”
Ngăn chặn sự lây lan
Theo bà Sylvester, cách tốt nhất để ngăn chặn những tác động tiêu cực của DEI đối với các trường đại học là các nhà tài trợ và các nhà lập pháp tiểu bang rút lại nguồn công quỹ được tài trợ cho các trường đại học nào tiếp tục quảng bá DEI. Các tiểu bang đỏ như Texas và Florida đã thông qua các dự luật chống DEI, không cho phép điều này xảy ra trong các cơ sở giáo dục bậc đại học trở lên.
Tuy nhiên, bà nói rằng cần có một nỗ lực trên toàn quốc.
Bà Sylvester bày tỏ: “Chủ nghĩa Marx luôn có một khuynh hướng bài xích người Do Thái rất mạnh mẽ… do sự hoài nghi về làm việc chăm chỉ và thành công trong kinh doanh.”
Bà nói, Israel được xem là một tiền đồn của nền văn minh phương Tây mà những người theo đuổi chủ nghĩa Marx phản đối.
Theo bà Sylvester, những người hiện đang biểu tình chống lại Israel cũng chính là những nhóm đã biểu tình nhân danh công bằng xã hội liên quan đến các vấn đề về chủng tộc và LGBT.
Diễn viên hài Bill Maher cũng đã nhận ra sự trớ trêu của tình trạng này. Mới đây, ông đã chế nhạo tấm biển “Queers for Palestine” (Đồng tính cho Palestine) được giơ lên tại một cuộc biểu tình trong một trường đại học. Đồng tính luyến ái bị ngăn cấm trong nhiều nền văn hóa Trung Đông. Trong những xã hội đó, người đồng tính nam thường bị xử tử.
Một vị khách trong chương trình của diễn viên hài này, ký giả James Kirchick, đã bày tỏ sự đồng tình, “Quý vị có nghe [đến] tổ chức liên kết với họ, Blacks for the KKK, không?”
Gia nhập lực lượng với những người theo chủ nghĩa Marx
Ông William Jacobson, một giáo sư thực hành tại Trường Luật Cornell, đã kêu gọi Ban Quản trị của Trường Luật Cornell đánh giá lại các sáng kiến DEI của trường đại học này sau khi giáo sư đồng sự Russell Rickford cho biết ông đã “hồ hởi” trước cuộc tấn công của Hamas.
Ông Rickford sau đó đã xin lỗi về sự chọn dùng từ ngữ của mình và xin nghỉ phép trong bối cảnh người ta yêu cầu sa thải ông.
Khi được hỏi liệu trường đại học này có ý định xem xét lại các phương pháp DEI trong trường hay không, một phát ngôn viên đã đề cập với The Epoch Times về tuyên bố của bà Martha Pollack, hiệu trưởng của trường. Tuyên bố đó nói rằng chương trình DEI của trường cần phải được tăng cường để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Ông Jacobson nói với The Epoch Times rằng trường này đã hiểu sai vấn đề.
“Toàn bộ cấu trúc DEI là có vấn đề,” ông cho biết. “Quý vị không thể sửa chữa cấu trúc đó bằng cách cố gắng xoa dịu cộng đồng Do Thái.”
Ông Jacobson cho biết ông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về DEI và thuyết chủng tộc trọng yếu (CRT) trong nhiều năm.
Ông nói: “Chúng tôi đã thành lập cả một trang web, CriticalRace.org, để ghi lại thuyết chủng tộc trọng yếu đã thâm nhập sâu sắc như thế nào theo các hình thức biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như tư tưởng đa dạng, công bằng, và hòa nhập.”
Ông Jacobson nói rằng, ý tưởng là biến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel thành một cuộc xung đột phân biệt chủng tộc bằng cách xếp người Israel vào nhóm “người da trắng.”
Việc sử dụng chủng tộc như một tác nhân gây chia rẽ đã thành công vào năm 2020 sau ca tử vong của ông George Floyd, một người Mỹ gốc Phi Châu đã qua đời khi bị các nhân viên cảnh sát da trắng bắt giữ.
Ông Jacobson cho biết tổ chức đòi công bằng xã hội BLM, do những người tự nhận là “những người theo chủ nghĩa Marx được đào tạo” sáng lập, ngay từ đầu đã liên kết với các tổ chức ủng hộ Palestine. Sự nổi lên của BLM bắt đầu diễn ra sau khi một nhân viên cảnh sát da trắng bắn tử vong ông Michael Brown ở Ferguson, Missouri hồi năm 2014.
Dân biểu Cori Bush (Dân chủ-Missouri), người vốn có liên kết với BLM, cho biết rằng trong các cuộc biểu tình diễn ra sau vụ bắn ông Brown, các tổ chức Palestine đã hướng dẫn các thành viên BLM cách đối phó với hơi cay.
Ông Mike Gonzalez, một nhà nghiên cứu của tổ chức Quỹ Di Sản viết về đề tài chính trị bản sắc, đã đồng ý rằng các phe phái ủng hộ Palestine có quan hệ với BLM ở Hoa Kỳ.
Trong các cuộc bạo loạn sau vụ việc ông Brown bị sát hại, các tổ chức Palestine đã ký một tuyên bố nói rằng họ ủng hộ cuộc chiến của phong trào cách mạng người Mỹ gốc Phi Châu chống lại “hệ thống chủ nghĩa thượng đẳng đang cai trị vùng đất này.”
Ông Gonzalez nói với The Epoch Times rằng, thật kỳ lạ, Israel, nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông, lại bị xem là kẻ áp bức Hamas, một nhóm khủng bố đang sát hại thường dân.
Ông Karl Marx, người đầu tiên nêu ra những nét chính về các triết lý của mình trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” năm 1848, đã tin rằng một giai cấp này sẽ xóa sổ hoàn toàn một giai cấp khác.
“Và điều đó đang xảy ra,” ông Gonzalez nói. “Đó chính là [chủ nghĩa] Marx thuần túy, không có bất kỳ sự pha tạp nào.”
‘Bản cáo trạng’ dành cho các trường học Hoa Kỳ
Ông David Closson, Giám đốc Trung tâm Thế giới quan về Kinh thánh tại Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, cho biết ông xem những luận điệu bài xích Israel trong các khuôn viên trường đại học là một bản cáo trạng đối với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.
Các giáo viên đã khuyến khích một thế hệ chiến binh tranh đấu cho công bằng xã hội. Thay vì được học kiến thức nền tảng thì họ lại thấm đẫm những ý tưởng liên quan đến văn hóa chủ nghĩa Marx. Ông Closson cho biết hiện nay đất nước đang phải gánh chịu hậu quả từ việc này.
Ông nói với The Epoch Times: “Toàn bộ thời gian trên lớp ở trường chúng tôi là về giờ kể chuyện biểu diễn giả trang nữ, lý thuyết về người đồng tính và nữ quyền, chứ không phải là học đọc, viết, toán, và lịch sử.”
Vì vậy, hiện nay, nhiều sinh viên đại học dường như “mù tịt” về lịch sử của Israel, một quốc gia được thành lập sau khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu vào năm 1948, theo ông Closson.
“Vậy dân tộc nào đã hiện diện xuyên suốt [ở Israel] trong 3,000 năm — chà, đó là dân tộc Do Thái,” ông nói.
Ông Closson cho biết, người Do Thái đã chiếm giữ vùng đất nơi Israel tọa lạc, nơi mà nhiều thiên niên kỷ qua đã từng có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như Ả Rập, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, và Anh.
Ông nói, các nhóm cánh tả đã phản đối Israel, nhưng trớ trêu thay, nhiều người Do Thái lại tự xem mình là những người thiên tả.
Các trường đại học bắt đầu hành động
Do ủng hộ cho Hamas, các hội đoàn của Hội Sinh viên Quốc gia vì Công lý ở Palestine (SJP) tại các trường đại học đã bị giám sát chặt chẽ hơn.
Đáp trả lại chủ nghĩa bài Do Thái, các nhà tài trợ lớn cho một số tổ chức đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ ngừng đóng góp. Và các công ty đã rút lại lời mời làm việc mà họ đã đưa ra cho những sinh viên được xác định là người biểu tình ủng hộ Hamas.
Sự đe dọa nhắm vào sinh viên Do Thái tại Đại học Columbia đã dẫn đến việc nhà trường quyết định đình chỉ hội đoàn SJP và Hội Tiếng nói Do Thái vì Hòa bình, hai nhóm sinh viên ủng hộ Palestine.
Theo một thông báo của một trường đại học hôm 10/11, các nhóm này đã vi phạm chính sách của trường. Thông báo này cho biết các nhóm này đã tổ chức một sự kiện trái phép “bất chấp cảnh báo và có cả những lời lẽ uy hiếp, đe dọa.”
Thông báo này cho biết: “Việc dỡ bỏ lệnh đình chỉ sẽ phụ thuộc vào việc hai nhóm này thể hiện cam kết tuân thủ các chính sách của trường Đại học và tham gia thảo luận ở cấp lãnh đạo với những người quản lý trường Đại học.”
Các nhóm này đã đăng một thông báo trên Instagram kêu gọi sinh viên nghỉ học và biểu tình hôm 09/11 với tiêu đề: “Nghỉ học vì Palestine.” Sự kiện này được mô tả là một cuộc biểu tình sáng tạo và “ôn hòa.”
Cùng ngày hôm đó, các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức tại các trường đại học trên toàn quốc.
Tại Đại học Maryland, các sinh viên Palestine viết nguệch ngoạc dòng chữ “Holocaust 2.0” trên lối đi. Trường đại học này, nơi có khá nhiều sinh viên Do Thái, đã lên án thái độ bài Do Thái của cuộc biểu tình do SJP tổ chức.
Tại Florida, Thống đốc Ron DeSantis kêu gọi hội đoàn SJP ở tiểu bang này ngừng hoạt động vì lý do SJP ủng hộ Hamas. Ở Massachusetts, Đại học Brandeis, một trường đại học tư thục Do Thái phi giáo phái, đã cấm SJP.
Ông Jacobson cho biết ông đã theo dõi hoạt động của SJP trong một thập niên. Ông nói, cho đến nay, các trường đại học đã nhắm mắt làm ngơ trước nghị trình và chiến thuật của tổ chức này.
Ông nói: “Một số trường đại học cuối cùng đã tiến đến công nhận cái gọi là Sinh viên vì Công lý ở Palestine.”
Theo ông Jacobson, sinh viên Israel hiếm khi là tỏ ra hung hãn trong các cuộc biểu tình ở trường đại học này.