Tránh việc ly khai của Hoa Kỳ thông qua Hội nghị sửa đổi Hiến Pháp
Sự chia rẽ trên toàn quốc đã trở nên sâu sắc đến nỗi ngay cả người nổi tiếng như ông Roger Simon cũng đã đề cập đến chủ đề về sự kế thừa [trong tương lai]: “Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ viết về sự ly khai hoặc bất cứ điều gì gần với chủ đề này. Một triệu năm cũng không thể có.”
Sau khi kể lại tình yêu đất nước của mình, ông Simon tiếp tục:
“Nhưng ở thời điểm hiện tại và với vị nam nhân đang nắm giữ chức tổng thống, chưa kể những người xung quanh ông ta là người như thế nào, cộng với các vấn đề chia rẽ chúng ta … tôi cảm thấy buộc phải thảo luận về sự ly khai hoặc chia rẽ như thể chúng là một khả năng thực sự đáng được xem xét.”
Ông Simon đã bắt đầu câu chuyện ly khai mà tôi đã nghe thấy bàn tán ở khắp các nơi.
“Tôi biết mình không đơn độc khi nghĩ về những điều đã từng là điều không tưởng,” ông đã viết. “Thật vậy, từ những gì tôi đã nghe, ngay cả trong các phòng họp của Quốc hội, đã có những người rất lo lắng về việc phe đỏ [người theo Đảng Cộng Hòa] và phe xanh [người theo Đảng Dân Chủ] không thể đối thoại hoặc lập luận cùng nhau, họ nhìn thấy một hố sâu ngăn cách giữa hai bên quá rộng và sẽ không bao giờ có thể kết nối được, rằng một số chính trị gia của chúng ta cũng bắt đầu xì xào về việc ly khai hoặc tương tự.”
Các phong trào ly khai là phản ứng đối với các chính sách quốc gia được áp đặt mặc dù có sự phản đối mạnh mẽ từ các khu vực khác nhau của đất nước. Phong trào ly khai lớn đầu tiên nảy sinh ở các tiểu bang New England trong Chiến tranh năm 1812. Chính phủ liên bang, khi đó do các quan chức từ các tiểu bang khác thống trị, đã tuyên chiến với Vương quốc Anh. Chiến tranh đã phá hủy ngành đánh cá và kinh tế thương mại ở New England.
Phong trào ly khai lớn thứ hai, tất nhiên, là cuộc tháo chạy của các tiểu bang miền Nam vào năm 1860 và 1861. Miền Nam phẫn nộ với thuế quan liên bang và lo sợ rằng chính quyền trung ương sẽ hành động chống lại chế độ nô lệ. Hệ quả ngay lập tức là cuộc bầu cử cho một tổng thống mà đảng của ông cam kết chấm dứt chế độ nô lệ trong các lãnh thổ liên bang. Nếu điều đó xảy ra, các tiểu bang ủng hộ chế độ nô lệ sẽ bị thu hẹp lại và “thể chế đặc biệt” của họ có khả năng bị diệt vong.
Cũng như các phong trào ly khai trước đây, tâm lý ly khai hiện nay bắt nguồn từ sự bất mãn của các khu vực đối với chính sách của quốc gia. Tuy nhiên, tâm lý hiện tại khác với các phong trào trước đó ở ít nhất bốn điểm:
Thứ nhất, trong các phong trào trước đây, số lượng các chính sách quốc gia gây ra sự bất mãn là rất ít. Ngày nay có rất nhiều điều để phàn nàn: Chính quyền trung ương đã buộc tất cả các tiểu bang và công dân (trừ những người có cùng khuynh hướng chính trị) phải cúi đầu tuân theo những quy định độc đoán và ngu ngốc về quản trị lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhập cư, giáo dục, hôn nhân, chính sách xã hội, sử dụng đất đai, và nhiều vấn đề khác.
Thứ hai, trong Chiến tranh năm 1812, New England chỉ có 5 trong số 18 tiểu bang (Maine vẫn là một phần của Massachusetts). Vào năm 1860–1861, chỉ có 11 trong số 34 tiểu bang ly khai — chỉ có 27% dân số.
Sự bất mãn ngày nay rộng lớn hơn về mặt địa lý. Trong những năm gần đây, đa số các tiểu bang đã kiện để hủy bỏ Obamacare, các quy định về chích ngừa và các chính sách liên bang khác. Vào năm 2020, một nửa số tiểu bang đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Và 60% trong số họ có các cơ quan lập pháp của Đảng Cộng Hòa và đa số có các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa.
Thứ ba, thật khó xử khi xét đến khía cạnh đạo đức trong vấn đề thương mại của New England và đặc biệt khó khăn cho chế độ nô lệ — mặc dù một số người đã cố gắng. Ngược lại, nhiều chính sách ban hành từ Hoa Thịnh Đốn hiện nay đang xúc phạm sâu sắc đến đạo đức truyền thống.
Thứ tư, các chính sách tập trung của năm 1814 và 1861, dù khôn ngoan hay không, đều hợp hiến về mặt hiến pháp. Hiến Pháp trao cho Quốc hội quyền tuyên chiến và (bất chấp phán quyết vô lý trong vụ Dred Scott) quyền quản trị các lãnh thổ liên bang. Ngược lại, nhiều chính sách quốc gia hiện nay, theo bất kỳ cách hiểu trung thực nào về Hiến Pháp, nằm ngoài thẩm quyền liên bang. Một số trong đó, chẳng hạn như việc chính quyền ông Biden không thực thi các quy định nhập cư, thực sự bất chấp luật liên bang.
Người ta có thể tranh luận rằng bốn điểm khác biệt này làm cho sự ly khai trở nên thực tế hơn so với năm 1814 hay năm 1861. Nhưng lạc quan hơn mà nói thì những điểm khác biệt đó đem lại cho các tiểu bang bất đồng chính kiến những lợi thế nhất định và những lựa chọn khả thi hơn, chứ không chỉ đơn thuần là phục tùng hoặc ly khai. Lựa chọn tốt nhất — và chìa khóa để cứu đất nước — là sự phân quyền.
Những Người Sáng Lập đã hiểu những lợi thế của sự phân quyền. Đó là lý do tại sao họ tạo ra một chính phủ liên bang, thay vì một chính phủ thống nhất. Lịch sử đã chỉ ra rằng các nước cộng hòa tự do chỉ tồn tại nếu họ cai trị các vùng lãnh thổ nhỏ. Các nước Cộng Hòa chiếm đóng các khu vực rộng lớn đã trở thành chế độ chuyên quyền, bởi vì việc quản trị hợp nhất các khu vực có lợi ích và văn hóa khác nhau đòi hỏi một người [lãnh đạo] mạnh mẽ hoặc là một nhà độc tài quân sự. Một ví dụ rõ ràng là Cộng hòa La Mã không thể thích nghi với việc mở rộng lãnh thổ và do đó đã suy thoái thành chế độ chuyên quyền. Một ví dụ khác là nước Nga ngày nay.
Ông John Dickinson trong các bài tiểu luận “Fabius” và ông Alexander Hamilton trong “Người liên bang số 9” (Federalist No. 9) lưu ý rằng Hiến Pháp đã giải quyết được thách thức đó bằng cách tạo ra một hệ thống phi tập trung. Phần lớn các vấn đề chính sách sẽ được giải quyết ở cấp tiểu bang hoặc địa phương; Những tranh cãi gây chia rẽ quốc gia sẽ chỉ giới hạn ở thuế quan, ngoại giao, bưu điện và một số ít chủ đề khác.
Chúng ta đã bỏ quên điều thông thái này và Hiến Pháp đã bảo tồn nó. Các cơ quan chức năng liên bang và các phương tiện truyền thông cũng như các đồng minh có cùng chung lợi ích với họ đã quốc hữu hóa mọi vấn đề. Đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự chia rẽ gay gắt của chúng ta: Chúng ta bất đồng trong mọi vấn đề vì liên bang đang cố gắng kiểm soát mọi thứ.
Làm thế nào để chúng ta khôi phục sự phân quyền? Hiến Pháp cung cấp cho chúng ta một công cụ cho mục đích đó. Điều V của Hiến Pháp cho phép hai phần ba (34) cơ quan lập pháp của tiểu bang buộc Quốc hội phải triệu tập đại hội để đệ trình sửa đổi. Tại đại hội đệ trình sửa đổi, mỗi tiểu bang đều có tiếng nói bình đẳng: Đó là một loại trong các hình thức hội nghị lớn được gọi là “Đại hội của các tiểu bang”. Các nhà lập pháp tiểu bang có thể yêu cầu đại hội này đề xướng các sửa đổi hạn chế quyền lực liên bang, sau đó các tiểu bang quyết định có phê chuẩn chúng hay không.
Đây là quy trình mà những Người Sáng Lập đưa ra để khắc phục sự lộng hành quá mức từ chính quyền liên bang. Ông George Mason, một đại biểu của Hội nghị Lập hiến từ Virginia, cương quyết giữ điều này như một biện pháp khắc phục trong trường hợp chính phủ trung ương trở nên “áp bức”. Ông Samuel Rose, nhà phê chuẩn hàng đầu của New York, lưu ý rằng quy định “chỉ rõ cho các tiểu bang phương thức để hạn chế quyền lực của chính phủ, nếu khi xét xử người ta thấy rằng họ đã cho [chính phủ] quá nhiều [quyền lực]”. Ông Tench Coxe, tác giả của một số bài tiểu luận ủng hộ Hiến Pháp được đọc nhiều nhất, đã viết:
“Chủ quyền quốc gia trong việc thay đổi và sửa đổi hiến pháp … được trao cho một số cơ quan lập pháp và do hội nghị các tiểu bang [phê chuẩn], do người dân của các tiểu bang đó lựa chọn. Chính phủ liên bang không thể thay đổi hiến pháp, nói chung người dân thông qua các cơ quan đại diện của họ không thể thay đổi hiến pháp, nhưng các cơ quan đại diện của các tiểu bang, tức là cơ quan lập pháp và đại hội của họ, có thể thực hiện những hành vi này đối với quyền lực quốc gia.
“Vì cơ quan lập pháp liên bang không thể thực hiện những thay đổi nguy hiểm mà họ có thể mong muốn, vì vậy họ không thể ngăn chặn những thay đổi và sửa đổi lành mạnh như mong muốn hiện nay, hoặc kinh nghiệm nào về sau này có thể nói đến … Nếu 2/3 số cơ quan lập pháp đó yêu cầu điều này, Quốc hội phải triệu tập một đại hội chung, mặc dù họ không thích những đề xướng sửa đổi và nếu 3/4 số cơ quan lập pháp hoặc đại hội [các tiểu bang] chấp thuận những sửa đổi được đề xướng, chúng sẽ trở thành một phần thực tế và ràng buộc của hiến pháp, mà Quốc hội sẽ không thể có bất kỳ sự can thiệp nào.”
Số lượng các tiểu bang có cơ quan lập pháp của Đảng Cộng Hòa (thống đốc không có vai trò gì trong quá trình này) đã đạt đến mức cần thiết là 2/3. Vì ham muốn quyền lực của chính quyền ông Biden chỉ phù hợp với sự kém cỏi của họ, nên sau cuộc bầu cử năm 2022, số lượng các cơ quan lập pháp của Đảng Cộng Hòa sớm có thể cao hơn. Chắc chắn rằng một đại hội được thống trị bởi các cơ quan lập pháp của các tiểu bang truyền thống [của Đảng Cộng Hòa] có thể soạn thảo các sửa đổi đủ để được 38 tiểu bang phê chuẩn. Dù sao chăng nữa, cũng có những người biết lẽ phải cho dù theo đảng dân chủ, cũng kinh hoàng trước sự quá đáng của chính phủ liên bang và nguy cơ tan rã quốc gia.
Chúng ta có thể đạt được mọi thứ từ một đại hội các tiểu bang và không có gì để mất (tuyên bố rằng một đại hội để sửa đổi [hiến pháp] là không thể kiểm soát hoặc có thể bị Quốc hội kiểm soát là huyền hoặc không có cơ sở lịch sử hoặc pháp lý). Theo đó, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức và pháp lý để sử dụng công cụ hiến pháp đó trước khi đất nước phân ly.
Tác giả Rob Natelson là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập tại Denver, là cựu giáo sư về luật hiến pháp, nhà sử học. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Hiến Pháp Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3 năm 2014).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: