Tranh sơn thủy dưới triều đại Tống – Nguyên
Tranh phong cảnh Trung Hoa còn gọi là tranh sơn thủy, được xem là một trong những loại hình nghệ thuật có tính biểu đạt cao nhất thời Trung Hoa cổ đại. Vậy điều gì tạo nên nét riêng biệt rất đặc trưng này?
Bắt nguồn từ việc cổ nhân Trung Hoa tin rằng trời và đất tồn tại hòa hợp cùng nhau. Vậy nên, những họa sĩ thời Trung Hoa cổ đại đã tìm cách khắc họa mối quan hệ giữa thiên nhiên và toàn bộ vũ trụ.
Triết lý của Đạo gia ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của loại hình nghệ thuật tranh sơn thủy. Người Trung Hoa xưa luôn tin rằng các ngọn núi cao rất gần với thiên thượng, đó là nơi trú ngụ linh thiêng của các vị thần bất tử.
Vì vậy, Đạo gia nhấn mạnh rằng con người là vô cùng nhỏ bé trong dòng chảy tự nhiên của vũ trụ bao la. Tranh sơn thủy Trung Hoa cổ đại miêu tả con người như những đốm sáng đơn thuần và thể hiện sự tôn kính tuyệt đối trước lực lượng của thiên nhiên.
Hơn nữa, sự cân bằng âm dương là điều thiết yếu trong việc sáng tạo tranh phong cảnh. Các dãy núi cao sừng sững tượng trưng cho dương còn dòng nước uốn lượn mềm mại tượng trưng cho âm.
Triết học Trung Hoa nhấn mạnh rằng một bức tranh có ý nghĩa chân chính không chỉ thể hiện ở hình thức mà còn phải phản ánh được tinh thần của chủ thể. Bản thân việc mô tả vẻ đẹp bên ngoài là chưa đủ, người họa sĩ cần biết cách biểu đạt nội hàm bên trong. Vẻ đẹp bên ngoài của phong cảnh tự nhiên được khắc họa phù hợp với tinh thần và năng lượng của nó, do đó tả thực không phải là mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ.
Không giống với các bức tranh phong cảnh Tây phương, tranh sơn thủy Trung Hoa không chỉ đơn thuần là tranh phối cảnh mà nó mô tả nhiều khía cạnh và quan điểm đa dạng khác nhau.
Những nét đặc trưng đó định hình nên phong cách của thể loại này, các danh họa hàng đầu trong triều đại nhà Nguyên đã góp phần tạo nên những nét tinh tế nhất định cho nghệ thuật tranh phong cảnh Trung Hoa.
Ngũ Đại và Nhà Tống
Thời kỳ Ngũ Đại (907-960) và nhà Tống (960-1279) được coi là “thời kỳ vĩ đại của nghệ thuật tranh sơn thủy Trung Hoa”. Ở triều đại nhà Đường (618-907), vào thời kỳ đầu các nghệ sĩ tập trung chủ yếu vào chủ đề Phật Giáo và đến thời kỳ cuối dòng tranh phong cảnh đã trở thành một thể loại độc lập.
Ngũ Đại là thời kỳ chính biến kể từ khi nhà Đường sụp đổ và kết thúc với sự lên ngôi của triều Tống. Phong cách tranh sơn thủy của thời kỳ Ngũ Đại đã ảnh hưởng lớn đến phong cách thời Tống.
Họa gia Kinh Hạo (855-915) đã sáng lập nên phong cách tranh sơn thủy của phương Bắc ở thời Ngũ Đại. Tác phẩm “Tuyết Cảnh Sơn Thủy Đồ” của ông miêu tả mùa đông rét buốt với những ngọn núi phủ đầy tuyết với cây cối cằn cỗi. Ông sử dụng nét vẽ đậm và sắc để phác họa những đỉnh núi cao vút và dốc đứng, đó là đặc trưng của miền Bắc Trung Hoa.
Trong số các họa sĩ vẽ tranh sơn thủy thời Ngũ Đại có bậc thầy danh họa Đổng Nguyên (khoảng 934-962), ông là người đã khai lập ra trường phái “Tranh thủy mặc sơn thủy Giang Nam”. Trong bức “Tiêu Tương Đồ”, ông miêu tả một dòng sông chảy qua những ngọn núi trập trùng. Những làn sương mờ ảo làm mềm mại dãy núi non trùng điệp, khắc họa đặc trưng phong cảnh núi sông hùng vĩ vùng Giang Nam.
Đến triều đại nhà Tống, tranh sơn thủy phát triển mạnh mẽ và đạt tới đỉnh cao. Họa sĩ nổi tiếng Lý Thành đã kiến lập ra phong cách tranh sơn thủy thời Tống rất đặc trưng và nổi bật. Chịu ảnh hưởng của cả phong cách cảnh quan của phương Bắc và phương Nam, tác phẩm của ông là sự kết hợp của những ngọn núi cao hùng vĩ từ các bậc thầy phương Bắc với những ngọn đồi nhấp nhô trong sương mù mờ ảo từ các danh hoạ phương Nam. Từ đó, ông đã định hình nên một phong cách hài hoà đặc trưng, trở thành tiêu chuẩn phác họa tranh sơn thủy thời Tống và có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ họa sĩ sau này.
Bức tranh “Tình Loan Tiêu Tự Đồ” của họa sĩ Lý Thành có lẽ là tác phẩm danh tiếng nhất của ông, nó đại diện cho phong cách vẽ tranh phong thủy thời Tống. Ngọn núi hùng vĩ là tâm điểm của bức tranh. Xung quanh lác đác có vài ngọn núi nhỏ bị che khuất trong màn sương. Một ngôi đền đơn độc dưới chân núi nằm ở vị trí trung tâm. Rừng cây giá rét được khắc họa bởi những nét bút đậm và gai góc. Danh họa Lý Thành đi những nét vẽ chuẩn xác mô tả các kết cấu kiến trúc cùng với những nét mực nhàn nhạt thể hiện bối cảnh của những ngọn núi mờ sương.
Từ ngôi đền, một con đường mòn bị che khuất dẫn đến ngôi làng nhỏ ở phía dưới. Các thác nước phía ngoài tạo thành một dòng sông uốn lượn xung quanh. Ở phía dưới bên trái, ba người dân đang đi qua một cây cầu gỗ để đến quán rượu phía bờ bên kia.
Tại các quán khách ven sông là một số học giả đang đàm đạo. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động của con người đặt ở phía dưới cùng của bức tranh và trông rất nhỏ bé, mờ ảo trong khung cảnh núi non hùng vĩ. Điều này thể hiện triết lý của Đạo gia về sự nhỏ bé của con người so với vũ trụ mênh mông.
Bố cục của bức tranh cũng phản ánh tư tưởng nghệ thuật của triều đại nhà Tống, tìm kiếm và nắm bắt mối quan hệ giữa tự nhiên và các vị thần. Về mặt hình tượng, ngọn núi hùng vĩ ở trung tâm tượng trưng cho hoàng đế, là Thiên Tử, còn những ngọn núi xung quanh tượng trưng cho quần thần của vương triều.
Toàn bộ tác phẩm phủ lên một cảm giác bình yên và huyền bí, để lại cho người xem những suy ngẫm về sự vĩ đại của thiên nhiên.
Phong trào Nhân văn và nhà Nguyên
Dưới triều đại nhà Nguyên (1279-1368), lần đầu tiên Trung Hoa nằm dưới sự thống trị của ngoại bang. Người Mông Cổ không có truyền thống về việc trọng dụng các học giả trong bộ máy của triều đình, vì vậy bóng dáng các học giả và nghệ sĩ không xuất hiện trong vương triều thời nhà Nguyên. Rất nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa lui về ở ẩn và biến tư gia trở thành nơi tụ họp cho các văn nhân, nghệ sĩ. Họ tự nhận mình là những văn nhân thông qua thơ ca, thư pháp và hội họa.
Khi khái niệm về nơi ẩn cư riêng tư không phải là điều mới lạ, dưới triều đại nhà Nguyên đã chứng kiến sự phát triển của phong trào nhân văn như một phong trào nghệ thuật thống trị. Các văn nhân họa sĩ sử dụng các kỹ thuật thư pháp như một cách để thể hiện bản thân. Họ cố gắng khắc họa không chỉ những gì họ chứng kiến mà còn cả những gì họ cảm nhận. Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật đại diện cho tư tưởng và tâm hồn của người nghệ sĩ thời bấy giờ.
Một trong những nghệ sĩ ở thời nhà Nguyên rất có ảnh hưởng là thư họa gia kiệt xuất Triệu Mạnh Phủ (1254-1322). Xuất thân từ hoàng tộc, Triệu Mạnh Phủ đảm nhận vị trí khá cao trong triều đình Mông Cổ và cả trong những triều đại khác. Mặc dù làm quan nhưng ông vẫn giữ thái độ của một người ẩn dật và tin rằng ông vẫn có thể giữ tinh thần của mình xa lánh thế tục ngay cả khi ông tham gia vào chính trị.
Bức “Thước Hoa Thu Sắc Đồ” của Triệu Mạnh Phủ là tác phẩm nổi tiếng nhất theo phong cách văn nhân, nó có ảnh hưởng sâu sắc tới rất nhiều những họa sĩ vẽ tranh sơn thủy triều đại Nguyên sau này. Triệu Mạnh Phủ vẽ bức tranh này dành tặng cho thân hữu lâu năm là văn sĩ Châu Mật, nguyên quán ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Vì loạn thế ngăn trở Châu Mật trở về cố hương, vậy nên Triệu Mạnh Phủ đã vẽ bức tranh từ ký ức của mình, nơi mà danh họa cũng đã từng lưu dấu kỷ niệm khi còn là một quan xử án.
Khung cảnh Sơn Đông lấy bối cảnh là vùng đầm nước với hai ngọn núi màu xanh lam. Ngọn núi bên phải với đỉnh nhọn là Hoa Bất Chu Sơn và ngọn núi bên cạnh là Thước Sơn.
Hầu như cây cối trong toàn bộ bức tranh vẫn còn một màu xanh tốt, một số ít đã ngả vàng báo hiệu mùa thu. Xen lẫn giữa những đồng cỏ và bãi lau là vài ngôi nhà tranh, có mấy con dê và những tô điểm nhỏ bé làm tăng sự sống động. Quan sát kỹ chúng, ta sẽ thấy có một số nhân vật đang quăng lưới bắt cá, chèo thuyền và làm việc trong những túp lều.
Kỹ thuật và phong cách vẽ tranh của Triệu Mạnh Phủ rất sáng tạo. Những thực thể không giảm đi theo khoảng cách xa dần, tác phẩm của ông mang bản chất của nghệ thuật thư pháp. Để khắc họa vùng đầm nước, ông sử dụng những nét vẽ giống như những dây thừng uốn lượn đan xen tạo thành nhiều lớp khác nhau. Thông qua những nét vẽ đầy sáng tạo, Triệu Mạnh Phủ đã dùng hết tâm huyết để phác họa những khung cảnh này. Những kỹ thuật tinh xảo đem lại vẻ thanh nhã, giản dị, mộc mạc và thuần khiết cho tác phẩm, gợi lên nỗi nhớ quê hương.
Cuối triều đại nhà Nguyên đã xuất hiện Tứ Đại Nguyên Sư, những nghệ sĩ này đều chịu ảnh hưởng của Triệu Mạnh Phủ, trong số đó có Hoàng Công Vọng là người nổi bật nhất.
Tác phẩm “Phú Xuân Sơn Cư Đồ” một trong 10 bức tranh phong cảnh đẹp nhất trong lịch sử hội họa Trung Hoa của Hoàng Công Vọng. Bức tranh phác họa dãy núi Phú Xuân nằm ở phía tây Hàng Châu, nơi ông đã dành những năm cuối đời để nghỉ hưu. Bắt đầu là một đoạn sông, bức tranh trải dài với những ngọn núi và đầm lầy, xa dần với những ngọn đồi vẽ nhạt. Tính sáng tạo của bức tranh nằm ở sự trừu tượng khi những ngọn núi đồi được tạo hình trông như thể chúng đan xen vào nhau.
Việc sử dụng kỹ thuật đan xen các nét vẽ của Triệu Mạnh Phủ là hiển nhiên, thì Hoàng Công Vọng lại mô tả các kết cấu phong phú bằng mực đơn sắc phủ màu tối lên nền mực sáng, ví như cây cối và các điểm chấm. Nét vẽ của ông mềm mại và khoáng đạt, bộc lộ cảm xúc hòa hợp với thiên nhiên.
“Phú Xuân Sơn Cư Đồ” là một tác phẩm được được nhiều người học tập và có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới các lớp họa sĩ sau này.
Họa sĩ Vương Mông là nghệ sĩ trẻ nhất trong Tứ Đại Nguyên Sư, là cháu của Triệu Mạnh Phủ. Tác phẩm “Cát Trĩ Xuyên Di Cư Đồ” mô tả cuộc di tản của vị ngự y kiêm đạo sĩ Cát Trĩ Xuyên tới núi La Phù. Hình ảnh nhân vật đang băng qua cây cầu với một con ngựa, theo sau là gia quyến và gia nhân, người con của ông cưỡi trên một con bò. Cát Trĩ Xuyên là ngự y trong triều đình Đông Tấn (265-420). Dân gian nói rằng ông đã tạo ra tiên dược bất tử tại núi La Phù, một ngọn núi thiêng ở Quảng Đông, là nơi tu luyện của nhiều đạo sĩ.
Trong tranh Vương Mông phác họa những đỉnh núi cao và khu rừng La Phù với những nét vẽ dày, họa tiết phức tạp. Phía trên cao có vài túp lều tranh ẩn mình, giống như những ngôi nhà thiêng liêng trong một thế giới ẩn dật. Tư tưởng về việc tu dưỡng bản thân thông qua cuộc sống ẩn dật cũng là chủ đề chính của các họa sĩ thời nhà Nguyên.
Các phong cách nghệ thuật xuất hiện dưới thời nhà Tống và nhà Nguyên đã tạo nên nền tảng cho các họa sĩ vẽ tranh sơn thủy trong triều đại tiếp nối Minh-Thanh.
Mike Cai tốt nghiệp Học Viện Nghệ Thuật Phi Thiên New York và Đại Học California – Berkeley.
Do Mike Cai thực hiện
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: