Tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ ngày càng gay gắt, các lãnh đạo Phòng 610 bị thanh trừng
Giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng gần đây của ông Tập Cận Bình nhắm vào hệ thống chính trị và pháp luật của Trung Quốc, nhiều quan chức mới bị hạ bệ đều thuộc “Phòng 610”.
Hôm 24/10, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc thông báo rằng ông Trần Dật Trung (Chen Yizhong), cựu phó giám đốc sở công an tỉnh, đang bị điều tra. Thông báo cũng ghi nhận chức vụ trước đây của ông Trần là giám đốc Phòng 610 của tỉnh.
Phòng 610 là một tổ chức tương tự như Gestapo do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vào ngày 10/06/1999 — do đó có tên gọi là Phòng 610 — còn tên chính thức được biết đến là “Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Ngăn chặn và Đối phó Dị giáo”.
Phòng này được thành lập với mục đích duy nhất là thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định tâm linh dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức, môn tập này đã trở nên vô cùng phổ biến — với khoảng 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999. Vì lo sợ số người tu luyện nhiều hơn số Đảng viên, nên ông Giang đã ra lệnh đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Công.
Phòng 610 hiếm khi xuất hiện trong các báo cáo của chính quyền, và nó là tổ chức bí mật nhất trong ĐCSTQ cho đến năm 2013, khi nó lần đầu tiên được công khai trước công chúng.
Ông Tập đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng sau khi ông nhậm chức năm 2012. Hầu hết các quan chức bị thanh trừng đều thuộc phe phái chính trị của ông Giang Trạch Dân.
Khi ông Lý Đông Sinh (Li Dongsheng) bị cách chức Thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 12/2013, Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng tại thời điểm đó ông này là giám đốc Phòng 610.
Thông báo này rất đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên ĐCSTQ công khai xác nhận sự tồn tại của Phòng 610.
Kể từ đó, công chúng đã chứng kiến thêm nhiều quan chức Phòng 610 bị cách chức. Ông Tô Vinh (Su Rong), cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị của ĐCSTQ và là cựu Trưởng Phòng 610 tỉnh Cát Lâm, đã bị điều tra vào năm 2014 và bị kết án tù chung thân. Ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương và là cựu lãnh đạo Phòng 610 trung ương (2007–2012), đã bị kết án với nhiều tội danh khác nhau hồi năm 2015 và nhận bản án chung thân.
Năm nay đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, và ông đã không từ bỏ nỗ lực “làm sạch” hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ. Bởi vì ông Tập đang tìm cách tái đắc cử vào năm tới, nên ông muốn bảo đảm rằng các đối thủ chính trị không cản đường đi đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ông.
Trong nửa đầu năm nay, cơ quan kỷ luật hàng đầu của ĐCSTQ đã tiết lộ có ít nhất bốn quan chức bị thanh trừng từng giữ các vị trí trong Phòng 610.
Các quan chức Phòng 610 mới bị thanh trừng gần đây
Các quan chức Phòng 610 mới bị cách chức hồi tháng 10 gồm những người sau đây: ông Bành Ba (Peng Bo), cựu Phó Giám đốc Phòng 610, bị khởi tố; ông Tôn Lập Quân (Sun Lijun), cựu Phó Giám đốc Phòng 610, đã bị loại khỏi ĐCSTQ vì “chia bè kết phái” và “gây nguy hiểm cho an ninh chính trị”; ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, và cựu Giám đốc Phòng 610, đang bị điều tra về tội “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật”; và ông Trần Dật Trung (Chen Yizhong), Giám đốc Phòng 610 của Tỉnh ủy Giang Tô, đang bị điều tra.
Ngay từ năm 2016, cơ quan giám sát kỷ luật của ĐCSTQ đã cử một nhóm thanh tra đến Phòng 610 trung ương. Nhóm thanh tra này cho ra một báo cáo, tuyên bố rằng các cán bộ lãnh đạo khi đó của Phòng 610 trung ương đã không kiên định với tư tưởng chính trị của ông Tập — nói cách khác, họ đã không trung thành với ông Tập.
Năm 2018, ông Tập giải thể Phòng 610 trung ương, sau đó hợp nhất phòng này với Bộ Công an và Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật (PLAC).
Tuy nhiên, Phòng 610 chưa bao giờ có cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của nó bởi vì nó không có sự chấp thuận từ cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc), cũng như từ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định chính hàng đầu của ĐCSTQ.
“Không có luật nào được thông qua để thiết lập nó [và] không có điều khoản nào chính thức nói về nhiệm vụ của nó,” bà Sarah Cook, chuyên gia phân tích nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại tổ chức phi chính phủ Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times trong một báo cáo năm 2020.
“Lý do thực sự [của việc ông Tập ra lệnh giải tán Phòng 610] có lẽ là vì quyền lực của [các quan chức Phòng 610]. Không phải vì họ tham nhũng, mà bởi vì sau khi có quyền lực này, họ không nghe theo lời ông Tập nữa,” chuyên gia bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, ông Hoành Hà (Heng He) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Hệ thống an ninh công cộng, tư pháp, và pháp luật của ĐCSTQ có quyền lực, súng ống, và tiền bạc. Lòng trung thành của họ là mối quan tâm hàng đầu đối với ông Tập.
Theo một báo cáo từ Freedom House, “Ngân sách hàng năm ước tính cho tất cả các chi nhánh trên toàn quốc của Phòng 610 là 879 triệu nhân dân tệ [ước chừng 135 triệu USD]”.
Ngoài ra, một số chủ sở hữu doanh nghiệp lớn có liên hệ với các đối thủ chính trị của ông Tập, trong đó có cả ông Jack Ma, người sáng lập đồng thời là cựu giám đốc điều hành của đại công ty thương mại điện tử Alibaba, và ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), người sáng lập đại công ty bất động sản Evergrande.
Tại cuộc họp hồi tháng Một với cơ quan kỷ luật của ĐCSTQ, ông Tập ám chỉ rằng ông sẽ hạ bệ những quan chức “hai mặt”, đồng thời cảnh báo rằng tham nhũng đã chiếm lĩnh giới chính trị và kinh doanh, “đe dọa an ninh chính trị của Đảng và nhà nước”.
Theo ông Hoành, bất chấp việc hợp nhất với PLAC, Phòng 610 vẫn là một tổ chức độc lập và tồn tại một cách bí mật hơn trong hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ.
Tranh giành quyền lực chính trị
Phòng 610, được cho là đã bị giải tán, lại một lần nữa thu hút sự chú ý do kết quả của đợt thanh trừng các quan chức cao cấp gần đây nhất.
Theo các thông báo chính thức của ĐCSTQ, ông Phó Chính Hoa và các quan chức cao cấp khác đã sử dụng quyền lực của mình trong hệ thống chính trị và pháp luật để thành lập các nhóm lợi ích hoặc phe phái chính trị, với mục đích chính là âm mưu chống lại một mục tiêu lớn hơn.
Một số nhà quan sát sẽ đặt nghi vấn như sau: Kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang, cựu hoàng của phòng 610, bị thanh trừng vài năm trước, những quan chức bị thanh trừng này đã nghe theo sự chỉ huy của ai? Và họ chống lại những ai?
Tin Tức Đa Chiều (DuoWei News), một cơ quan tuyên truyền có trụ sở tại Bắc Kinh nhắm vào người Hoa ở hải ngoại, đã đăng một bài báo hôm 15/10 tuyên bố rằng Phòng 610 được thành lập trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị do ông Giang Trạch Dân triệu tập vào ngày 07/06/1999.
Bài báo cho biết kể từ khi thành lập Phòng 610, ba thủ tướng Trung Quốc — ông Chu Dung Cơ (Zhu Rongji), ông Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao), và ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang) — đã không ký các lệnh bổ nhiệm và cách chức các giám đốc và phó giám đốc. Một lý do là Phòng 610 đã trực tiếp thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vốn được coi là một vấn đề “nhạy cảm”. Ngoài ra, không có văn bản chính thức nào quy định nhiệm vụ và trách nhiệm của Phòng 610, nơi báo cáo trực tiếp lên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ, theo Tin Tức Đa Chiều.
Pháp Luân Công đã bị đàn áp trong 22 năm qua, và là tâm điểm quốc tế của các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Hôm 12/05, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Dư Huy (Yu Hui), cựu Giám đốc Phòng 610 ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, vì vai trò của ông này trong việc đàn áp Pháp Luân Công. Ông Dư và những người thân trong gia đình của ông ta bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Phòng 610 đã được cộng đồng toàn cầu công nhận vì vai trò của nó trong việc thực hiện các vụ vi phạm nhân quyền khét tiếng của ĐCSTQ. Một số chuyên gia bên ngoài Trung Quốc coi biện pháp chống tham nhũng của ông Tập đối với các quan chức Phòng 610 này là dấu hiệu cho thấy ý định của ông trong việc cắt đứt quan hệ với bộ máy đàn áp này.
Ngoài vai trò bức hại Pháp Luân Công, Phòng 610 còn là một tổ chức ngoài pháp luật sử dụng quyền lực và nguồn lực của mình để thu thập thông tin tình báo cho phe ông Giang nhằm tấn công các đối thủ chính trị và âm mưu một cuộc đảo chính.
Phòng 610 đã tấn công ông Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người kế nhiệm ông Giang, và hiện đang đe dọa quyền lực của ông Tập.
Do đó, các vụ thanh trừng các quan chức Phòng 610 gần đây phản ánh sự tranh giành quyền lực gay gắt đang gia tăng giữa các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, khi ông Tập tìm cách bảo đảm quyền lãnh đạo của mình.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Trần Tư Mẫn (Chen Simin) là một nhà văn tự do, chuyên phân tích các vấn đề thời sự của Trung Quốc. Bà viết cho The Epoch Times từ năm 2011.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: