Tranh đoạt trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc qua vụ bắt giữ trùm sòng bài Macau
Vụ bắt giữ một ông trùm sòng bài Macau đang gây ra làn sóng chấn động khắp hệ sinh thái chính trị của Trung Quốc. Theo một chuyên gia về Trung Quốc sống lưu vong, sự kiện này có thể báo trước cơn bão chính trị mới của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhắm vào các đối thủ của ông.
Nhiều hãng thông tấn đưa tin hôm 27/11, cảnh sát đã bắt giữ ông trùm sòng bài Macau Châu Trác Hoa (Alvin Châu), chủ sở hữu hoạt động kinh doanh sòng bài có doanh thu hơn 157 tỷ USD hàng năm, cùng 11 người thân tín của ông với tội danh tổ chức đánh bạc trái phép và rửa tiền ở Trung Quốc đại lục.
Phản hồi của cảnh sát Macau được đưa ra một ngày sau khi sở công an thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, tuyên bố trong một thông báo rằng viện kiểm sát địa phương đã ban hành lệnh bắt giữ ông Châu.
Thông báo này cho biết tính đến tháng 07/2020, nhóm đánh bạc xuyên biên giới của ông Châu đã phát triển thành một tập đoàn tội phạm với 199 đại lý cấp cổ đông, hơn 12,000 cơ sở đánh bạc, và hơn 80,000 con bạc thành viên ở Trung Quốc.
Hàng năm, các nền tảng trực tuyến mà nhóm của ông tạo ra ở Philippines và Campuchia đã thu về hàng tỷ bạc lợi nhuận từ các con bạc Trung Quốc đại lục, gần gấp đôi thu nhập xổ số hàng năm của Trung Quốc, theo một bản tin hồi tháng 07/2019 của hãng truyền thông nhà nước Economic Information Daily.
Hiện các phòng đánh bạc VIP của ông Châu đều đã đóng cửa.
Chuyên gia về Trung Quốc sống tại Úc Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) nói với The Epoch Times hôm 29/11 rằng ông Châu khác xa một doanh nhân bình thường, do mối quan hệ phức tạp của ông với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Mốc quan trọng của cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ
“Việc bắt giữ ông trùm sòng bài này là một mốc quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực ngày càng phát triển bên trong nội bộ ĐCSTQ,” ông Viên nói.
Các nguồn tin của ông Viên, người cũng sống ở Macau và làm việc trong hệ thống ĐCSTQ, đã mô tả ông Châu là một tấm bình phong tài sản bí mật cho giới tinh hoa của Đảng, đặc biệt là cho gia đình của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân và đồng minh thân cận của ông là ông Tăng Khánh Hồng, theo chuyên gia này.
Ông nói: “Động cơ của việc bắt giữ ông trùm sòng bài này là hủy hoại nền tảng tài chính của ông Giang và các đồng minh của ông ta.”
Ông Viên tin rằng ông Tập đã không đạt được mục tiêu của mình — để được nâng lên thành địa vị cao quý như lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc Cộng Sản, ông Mao Trạch Đông — do sự phản kháng đến từ ảnh hưởng của ông Giang trong phiên họp toàn thể lần thứ sáu của ĐCSTQ, kết thúc hôm 11/11 vừa qua. Nói cách khác, ông Tập không thể phủ nhận được vai trò của đối thủ cũ của mình, ông Giang — người vẫn còn ảnh hưởng trong chính trường Trung Quốc — mặc dù ông đã chính thức rời nhiệm sở hồi năm 2004.
Ông Viên cũng lưu ý rằng việc bắt giữ ông Châu diễn ra nhanh chóng vì hệ thống công an của Trung Quốc gần đây đã được tái cấu trúc. Đồng minh của ông Tập, ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), đã trở thành người đứng đầu mới của Bộ Công an hôm 19/11, tám ngày sau phiên họp toàn thể lần thứ sáu.
Chuyên gia tài chính sống tại Đài Loan Hoàng Thế Thông (Huang Shih-tsung) cho biết trên chương trình truyền hình “Những khoảnh khắc quan trọng” rằng danh sách tên của 80,000 con bạc Trung Quốc là điều mà ĐCSTQ quan tâm nhất, trong đó chắc chắn phải có rất nhiều quan chức cao cấp của Đảng.
Ông trùm sòng bài bị bỏ rơi
Theo ông Hoàng, “đánh giá theo tư tưởng hoặc bằng hành vi, ông trùm sòng bài này là một người ủng hộ trung kiên cho chế độ chuyên chế của ĐCSTQ.”
Ông Châu tham gia vào nhiều giao dịch khác nhau với ĐCSTQ.
Năm 2011, ông Châu thành lập Hiệp hội Thanh niên Truyền cảm hứng Macau. Một nhóm các quan chức cao cấp của ĐCSTQ đã có mặt tại lễ nhậm chức của ông, trong đó có ông Cao Yến (Gao Yan), Phó Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc tại Macau, và ông Trương Quốc Hoa (Cheong Kuoc Va), Trưởng ban Thư ký An ninh địa phương.
Ông Châu đã hợp tác với các hãng phim Trung Quốc Bona Film Group và Mountaintop Entertainment để quay cái mà Bắc Kinh gọi là “các bộ phim giai điệu chủ đạo”, như “Chiến dịch Mê Kông” và “Chiến dịch Biển Đỏ”, các tác phẩm đáp ứng nghị trình chính trị của đảng này và nhận được sự đánh giá cao từ các quan chức hàng đầu ĐCSTQ.
Năm 2019, ông tham dự một sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ Cộng Sản Trung Quốc.
Hơn nữa, ông Châu đã đảm nhận một danh sách dài các chức danh ở cả Macau và Trung Quốc đại lục, bao gồm những vị trí sau: ủy viên của Ủy ban Công nghiệp Văn hóa Macau (2015); cố vấn danh dự cho Hội đồng Thúc đẩy Hòa bình Thống nhất Quốc gia Trung Quốc (2015); thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc — Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) — tại tỉnh Quảng Đông (2017); và là chủ tịch của Hiệp hội Văn hóa và Sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Macau.
Ông Viên cho biết việc ông Châu là thành viên CPPCC cho thấy tư cách làm việc như một mật vụ của ông trùm sòng bài này cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh, một bộ phận trong hệ thống gián điệp của ĐCSTQ hoạt động cả trong nước và trên toàn cầu.
Chuyên gia này nói thêm rằng, sau vụ thanh trừng của ông Châu như một đòn giáng về kinh tế, ông Tập sẽ khởi động một cơn bão chính trị mới nhắm vào các đối thủ của mình.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Ning Haizhong và Luo Ya
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: