Tranh chấp Đại cử tri và Phiên họp chung sắp tới của Quốc hội
Việc Đại cử tri tranh chấp tay đôi là rất bất thường, nhưng đã từng có tiền lệ. Nếu ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ phản đối bằng văn bản thì phiên họp chung sẽ bị đình chỉ, mỗi viện sẽ họp riêng và tranh luận về ý kiến phản đối để đưa ra quyết định. Ý kiến phản đối sẽ thất bại nếu lưỡng viện không bỏ phiếu đa số tán thành. Nếu nó được chấp thuận, nó sẽ vô hiệu số phiếu đại cử tri của tiểu bang hoặc có thể dẫn đến việc ứng viên dự phòng được chấp nhận.
Các ứng cử viên tổng thống ở Hoa Kỳ sẽ thắng cử khi giành được nhiều phiếu Đại cử tri nhất.
Hệ thống cử tri đoàn phân phối một số phiếu nhất định cho mỗi tiểu bang. Khi cử tri ở một tiểu bang bỏ phiếu cho ứng cử viên của một đảng, họ thực sự đang bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri của đảng đó hoặc những người được chọn để bỏ phiếu Đại cử tri.
Các phiếu Đại cử tri đó được kiểm đếm bởi Quốc hội. Nếu một ứng cử viên đạt 270 phiếu trở lên, người đó sẽ đắc cử Tổng thống.
Tranh chấp Đại cử tri
Tại bảy tiểu bang vào ngày 14/12, một nhóm đại cử tri Dân Chủ đã chọn ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ, ông Joe Biden. Các đại cử tri Đảng Cộng Hòa, dù ông Biden đã được chứng nhận là người chiến thắng ở các tiểu bang này, cũng bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump.
Hiện tượng này đã tạo ra bảy cặp được gọi là đại cử tri tranh chấp, hay các ứng viên dự phòng. Cả hai nhóm đều đang gửi giấy chứng nhận đạt chuẩn cho Quốc hội, nơi dự kiến sẽ triệu tập một phiên họp chung vào ngày 6/1/2021, để kiểm phiếu Đại cử tri.
Việc Đại cử tri tranh chấp tay đôi là rất bất thường, nhưng đã từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ. Lần gần đây nhất là trong cuộc bầu cử năm 1960, khi Thống đốc Hawaii chứng nhận Đại cử tri cho ông Richard Nixon của Đảng Cộng Hòa. Các đại cử tri Đảng Dân Chủ bỏ phiếu cho ông John F. Kennedy của Đảng Dân Chủ.
Một cuộc tái kiểm phiếu sau đó đã xác định ông Kennedy thực sự giành chiến thắng tại tiểu bang, và ông được tuyên bố là người chiến thắng trong phiên họp chung năm 1961.
Ông John Eastman, Giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Chapman, đã chỉ ra kịch bản Kennedy-Nixon khi nói về bảy nhóm Đại cử tri tranh chấp tay đôi lần này.
“Chúng ta có tiền lệ lịch sử ở đây, và ở mỗi tiểu bang này, có những vụ kiện thách thức kết quả cuộc bầu cử đang chờ được xử lý. Nếu những vụ kiện đó thành công, thì các Đại cử tri của TT Trump, sau khi họp và bỏ phiếu, có thể sẽ được chứng nhận phiếu bầu đó và được tính vào phiếu bầu hợp lệ trong phiên họp Quốc hội ngày 6/1,” ông nói với NTD.
Ông Gary Gregg II, Giám đốc Trung tâm McConnell tại Đại học Louisville, nói với Epoch Times rằng việc thiếu “bằng chứng thực tế về gian lận” sẽ khiến Quốc hội chứng nhận nhóm Đại cử tri thay thế, những người được chứng nhận bởi các Thống đốc của tiểu bang — trong trường hợp này, tất cả bầu cho ông Biden – sẽ là những người được tính.
Các phiếu Đại cử tri đã được “chính thức kiểm đếm” và các phiếu bầu đã được gửi đi, ông nói. “Không còn gì phải làm, cho đến khi nó được đưa ra Quốc hội,” ông nói.
Ông Robert Hardaway, Giáo sư Đại học Luật Sturm thuộc Đại học Denver, bổ sung: “Đó rõ ràng là một bước dài, rất rất dài, bởi vì tất cả những thách thức pháp lý bởi cả TT Trump và những người ủng hộ ông đều không thành công.”
“Nhưng điều có có lý do,” ông nói với Epoch Times. “Nếu sau đó nó được xác định là Đảng Cộng Hòa lẽ ra đã được bầu, thì họ sẽ có phiếu bầu ngay tại chỗ.”
Tại ba trong số bảy tiểu bang được đề cập — Michigan, Pennsylvania và Wisconsin — Đảng Cộng Hòa hiện kiểm soát các cơ quan lập pháp của tiểu bang trong khi Đảng Dân Chủ nắm giữ các dinh thự của thống đốc. Ở New Mexico và Nevada, Đảng Dân Chủ kiểm soát cả hai. Ở Georgia và Arizona, đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai.
Đảng Cộng Hòa đã không giành được đủ sự ủng hộ để có được các Đại cử tri tranh chấp tay đôi được chứng nhận bởi quan chức bầu cử hàng đầu – thường là Tổng thư ký – cũng như các cơ quan lập pháp của tiểu bang đã không thực hiện quyền lập hiến của họ để lấy lại quyền lựa chọn ứng cử viên nào để trao phiếu Đại cử tri.
Theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội, khi nhận được danh sách Đại cử tri tranh chấp, các thành viên của Quốc hội trong phiên họp chung sẽ xem xét danh sách khi danh sách đó đến từ một cơ quan khác của tiểu bang so với danh sách đã được chứng nhận và tiến hành bỏ phiếu. Việc chấp nhận một trong hai danh sách sau đó sẽ cần một thỏa thuận đồng thời ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Nếu không có sự xung đột về thẩm quyền tiểu bang, người được bổ nhiệm theo luật bầu cử của tiểu bang sẽ được tính. Nếu không có xác nhận của cơ quan tiểu bang nơi danh sách được bổ nhiệm hợp pháp, thì lưỡng viện đồng ý chấp nhận số phiếu của một nhóm, hoặc quyết định không chấp nhận một trong hai nhóm. Nếu lưỡng viện không đồng ý, các Đại cử tri được Thống đốc chứng nhận sẽ được tính.
Phiên họp chung
Sau khi các Đại cử tri bỏ phiếu trong tuần này, sự chú ý đã chuyển sang phiên họp chung sắp tới, diễn ra chỉ ba ngày sau khi các thành viên mới được bầu của Quốc hội tuyên thệ nhậm chức.
Ít nhất bốn người sẽ là thành viên Hạ viện — Ông Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) và các đại diện được bầu là bà Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Goergia), ông Barry Moore (Cộng Hòa-Alabama) và ông Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) – đã cam kết phản đối trong phiên họp.
Sự phản đối phải được đưa ra bằng văn bản bởi ít nhất một đại diện Hạ viện và một Thượng nghị sĩ. Chưa có Thượng nghị sĩ nào cam kết phản đối.
Những thách thức được đưa ra bởi Đảng Dân Chủ năm 2016 đã không thành công vì không có Thượng nghị sĩ nào ủng hộ họ. Năm 2004, Hạ nghị sĩ Stephanie Tubb Jones (Dân Chủ-Ohio) và Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (Dân Chủ-California) phản đối phiếu bầu từ Ohio, nhưng lưỡng viện đã bỏ phiếu phản đối.
Cơ sở để phản đối dường như là lá phiếu đại cử tri hoặc các phiếu bầu không được cử tri “bầu đúng quy tắc”, và/hoặc đại cử tri đó không được “chứng nhận hợp pháp” dựa trên luật bầu cử của tiểu bang, theo tổ chức Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội.
Nếu một ý kiến phản đối đáp ứng các yêu cầu, phiên họp chung bị đình chỉ, và mỗi viện rút về để họp và tranh luận về ý kiến phản đối và lựa chọn xem có nên bỏ phiếu tán thành nó hay không. Nó sẽ thất bại nếu lưỡng viện không bỏ phiếu đa số tán thành ý kiến phản đối. Nếu nó được chấp thuận, nó sẽ vô hiệu số phiếu đại cử tri của tiểu bang hoặc có thể dẫn đến việc ứng viên dự phòng được chấp nhận.
Một số chuyên gia cho rằng việc phản đối thành công trên thực tế là điều không thể.
Ông Gregg nói: “Nó là việc không tưởng. Cơ hội để được một Thượng nghị sĩ đồng ý, một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đồng ý, là một khó khăn. Sau đó, để nhận được sự đồng ý của Thượng viện và Hạ viện? Tại thời điểm này… điều này sẽ không xảy ra.”
“Cả hai viện sẽ không chấp thuận các phản đối,” ông Alan Dershowitz, một học giả về luật hiến pháp, nói với NTD TV qua email.
Những người khác thì không chắc lắm.
“Tôi nghĩ rằng ở phiên họp chung của Quốc hội sẽ có một cuộc đấu tranh về việc nhóm đại cử tri nào cần được tính dựa trên bằng chứng và các vi phạm luật định được đưa ra vào thời điểm đó,” ông Eastman nói.
Theo số phiếu đã được chứng nhận hiện tại, ông Biden có 306 phiếu Đại cử tri so với 232 phiếu của TT Trump. Epoch Times không xác nhận kết quả cuộc đua vào thời điểm này.
Năm 1877, một phiên họp chung của Quốc hội đã họp để kiểm phiếu Đại cử tri và phải đối mặt với các Đại cử tri từ nhiều bang nơi mà việc kiểm đếm phiếu bầu còn gây tranh cãi. Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát cuối cùng đã đi đến thỏa hiệp, tạo ra một ủy ban bao gồm các thành viên Hạ viện, thượng nghị sĩ và thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Ủy ban đã họp trong nhiều tuần trước khi quyết định vào ngày 2/3 trao các phiếu đại cử tri có tranh chấp cho ông Rutherford Hayes, một đảng viên Đảng Cộng Hòa, đưa tới chiến thắng cho ông.
Zachary Stieber
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: