Tranh cãi xung quanh tập đoàn Ant Group của Trung Quốc trước khi chào bán công khai
Ant Technology Group (Ant Group), công ty mẹ của nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn nhất Trung Quốc Alipay, sẽ được chào bán công khai trong năm nay, ngay cả khi mối quan hệ của công ty với ĐCSTQ có thể gây ra rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Được kiểm soát bởi tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, công ty công nghệ tài chính Trung Quốc này đang chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Thượng Hải và Hồng Kông.
Ant Group, trước đây gọi là Ant Financial, dự kiến sẽ huy động được hơn 30 tỷ USD từ việc bán cổ phần, có thể đánh dấu đợt IPO lớn nhất mọi thời đại, vượt qua đợt chào bán công khai 29.4 tỷ USD hồi tháng 12/2019 của Saudi Aramco.
Công ty gần đây đã phải chịu sự giám sát đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành IPO khi cung cấp cho các nhà đầu tư cá nhân quyền truy cập để mua cổ phần của chính mình thông qua nền tảng Alipay. Công ty đã cố gắng phân bổ độc quyền một phần cổ phần cho khách hàng của mình – những người dùng Alipay – thông qua 5 quỹ tương hỗ, các ngân hàng và công ty môi giới bên ngoài.
Điều này đã khiến cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của Trung Quốc tiến hành điều tra xung đột lợi ích tiềm ẩn, và gây ra sự chậm trễ trong IPO.
Ngoài ra, chính phủ TT Trump có thể xem xét đưa Ant Group vào danh sách đen thương mại được gọi là “Danh sách Tổ chức – Entity List” vì những lo ngại an ninh quốc gia, theo tin từ các phương tiện truyền thông. Hành động này sẽ hạn chế các công ty Hoa Kỳ giao dịch kinh doanh với công ty.
Công ty fintech khổng lồ này cũng đang gây lo ngại do các công nghệ của nó đang được ĐCSTQ và Quân đội Giải phóng Nhân dân của nó (PLA) dùng để đàn áp các công dân Trung Quốc.
Bất chấp các rủi ro về nhân quyền và an ninh quốc gia liên quan đến công ty, thương vụ IPO đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ phía các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ có thể tiếp cận cổ phiếu của công ty thông qua các chỉ số thị trường mới nổi và các chỉ số quốc tế.
Tuy nhiên, tranh cãi ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây có thể ảnh hưởng đến sự quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với thương vụ IPO của Ant Group, theo ông Roger W. Robinson, Jr., chủ tịch kiêm CEO của RWR Advisory Group, một công ty tư vấn rủi ro và nghiên cứu có trụ sở tại Washington. Ông Robinson cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh của Quốc hội Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông Robinson nói với The Epoch Times rằng: “Tôi nghĩ rằng sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng của Ant đã phần nào giảm bớt bởi những tranh luận ầm ĩ về giao dịch tự chào bán trên Alipay và các báo cáo được công bố rằng Ant dường như sẽ được đưa vào Danh sách Tổ chức của Hoa Kỳ,” đồng thời cho biết thêm rằng có thể có nhiều khó khăn chính thức hơn ở phía trước đối với Ant Group.
“Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư có thể nhận ra rằng chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét kỹ lưỡng công ty, vì danh sách các rủi ro nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhân quyền và quyền riêng tư cá nhân là không hề nhỏ.”
Trong nhiều số báo cáo được công bố hồi tháng 9 và tháng 10 năm nay, RWR Advisory đã nhắc đến hồ sơ rủi ro của Ant Group, xác định 7 lĩnh vực có vấn đề, bao gồm các vai trò của Ant Group và Alibaba trong các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Ví dụ, Ant Group và Alibaba đều là nhà đầu tư vào Megvii Technology, một công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Megvii được biết đến với nền tảng Face ++, vốn là một công cụ quan trọng trong việc đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương của Bắc Kinh.
Megvii đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt và đưa vào Danh sách Tổ chức hồi tháng 10/2019 vì đã “có liên quan đến vi phạm và lạm dụng nhân quyền”.
Năm 2018, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã chặn Ant Financial mua lại công ty chuyển tiền MoneyGram của Hoa Kỳ vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty cũng là một bên tham gia xây dựng hệ thống tín dụng xã hội gây tranh cãi của Trung Quốc, hệ thống này theo dõi mọi hành động và mua bán của công dân Trung Quốc.
Sáp nhập EyeVerify
Một rủi ro khác được RWR Advisory xác định là Ant Group mua lại EyeVerify, một công ty có trụ sở tại thành phố Kansas, Missouri, với giá 100 triệu USD sau khi được CFIUS chuẩn thuận vào năm 2016.
Công ty ở Hoa Kỳ này, một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của Ant Group, hiện được gọi là ZOLOZ. Việc mua lại EyeVerify đã giúp Ant Group phát triển năng lực công nghệ sinh trắc học của riêng mình, theo RWR Advisory.
EyeVerify đã tạo ra công nghệ “EyePrint ID”, chuyển đổi hình ảnh nhãn cầu của người dùng thành khóa bảo mật sinh trắc học. ID EyePrint được hai công ty Wells Fargo và NCR Corp., vốn là nhà cung cấp công nghệ lớn của nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính, bán lẻ, khách sạn và viễn thông, dùng cho hàng triệu người dân Hoa Kỳ.
NCR cung cấp phần mềm ngân hàng trực tuyến và di động cho hơn 15,000 ngân hàng khu vực và hiệp hội tín dụng. Một số tổ chức sử dụng EyePrint ID thông qua nền tảng Digital Insight của NCR bao gồm Liên minh Tín dụng Liên bang Arizona, Liên minh Tín dụng Cộng đồng Rivermark có trụ sở tại Portland và Liên minh Tín dụng Dịch vụ có trụ sở tại New Hampshire.
“Việc mua lại EyeVerify của Ant Financial vào năm 2016, được CFIUS chuẩn thuận một cách bất cẩn, có thể có vấn đề đặc biệt do việc sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học này bởi các bộ phận của một số công ty lớn của Hoa Kỳ như Wells Fargo và NCR,” ông Robinson cho biết.
Bản cáo bạch của Ant Group không tiết lộ những rủi ro nghiêm trọng này và các lệnh trừng phạt tiềm ẩn của Hoa Kỳ đối với Ant Group và các công ty con của nó, bao gồm cả việc ZOLOZ có thể gây ra rủi ro đáng kể cho những nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào công ty.
Alipay, thuộc sở hữu của Ant Group, có 1.2 tỷ người dùng, trong đó 900 triệu là khách hàng Trung Quốc. Ngược lại, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó, PayPal, phục vụ 346 triệu người dùng đang hoạt động trên 190 quốc gia.
“Nếu đợt IPO này là lớn nhất trong lịch sử thế giới, nó có thể sẽ được Bắc Kinh quảng bá như một sự công nhận cho cuộc đàn áp của họ đối với người dân Hồng Kông, một kiểu trưng cầu dân ý,” ông Robinson nói.