Trần Nhân Tông (P3): Giai thoại tu hành và những vần thơ bất tử
Người đời hay biết đến vua Trần Nhân Tông qua những chiến công hiển hách cũng như một Thiền sư đắc Đạo. Nhưng chính tâm hồn trong sáng nhất Tâm hướng Phật của ông mới là điều đáng quý nhất, vì nó là cội nguồn của những thành tựu lớn lao của ông. Tâm hồn ấy được thể hiện qua những giai thoại và các vầng thơ Thiền bất hủ còn truyền lại đến nay.
Phần 1:Những giai thoại về nhân duyên to lớn nơi cửa Phật
Phần 2:Đệ nhất vũ công, hai lần đánh thắng Nguyên Mông
Thi nhân tài năng, những vầng thơ Thiền bất hủ
Không những là một vị vua anh minh, giỏi đánh giặc, Trần Nhân Tông còn là một vị thi nhân tài năng và một thiền sư đắc Đạo nổi tiếng. Những vầng thơ ông lưu lại đến ngày nay vẫn là kiệt tác trong nền văn thơ nước nhà.
Đứng trước nét đẹp bình yên của một cảnh hoàng hôn tịch mịch nơi thôn dã, thi nhân Trần Nhân Tông đã viết:
Thiên Trường vãn vọng
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Bản dịch:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng. (Ngô Tất Tố dịch)
Bản thân là hoàng đế tôn quý với trách nhiệm nặng nề, nhưng Trần Nhân Tông luôn dùng yếu chỉ của Thiền để giữ cho tâm mình thanh tịnh. Có lẽ quốc gia được bình yên hay chiến thắng cường địch cũng là từ cái tâm thanh tịnh của bậc quân chủ vậy.Qua bài thơ dưới đây ta có thể cảm nhận được điều ấy.
Cư trần lạc đạo phú
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Bản dịch:
Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Lên ngôi báu từ lúc còn trẻ, lại phải gánh vác nhiều đại sự triều chính, thật khó mà viên dung được cuộc sống của một vị vua và lẽ sắc không của Phật Đà. Vậy mà ngài vẫn kiên trì tu tập cho đến khi có thành tựu, quả thật đáng khâm phục.
Xuân vãn
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Bản dịch:
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng. (Ngô Tất Tố dịch)
Thiền sư đắc Đạo, những giai thoại còn truyền lại
Từ những giai thoại truyền kỳ và nếp sống đặc biệt của Trần Nhân Tông thuở nhỏ, ta có thể thấy rằng ông chính là một người mang Thiên mệnh đặc biệt. Không chỉ là làm vua đem lại hạnh phúc cho muôn dân, mà ông còn phải tu thành Đạo, để lại cho đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Những câu chuyện về hành trình tu học của ông có lẽ còn truyền kỳ hơn cả những chiến công chống giặc lừng lẫy bên trên.
Khi vua cha ngài là Trần Thánh Tông cũng là một thiền giả-sắp mất, thân thể vô cùng đau đớn chống chọi những giây phút cuối cùng. Sự hấp hối khó khăn đó làm cho ông không thể bảo toàn tâm thanh tịnh để chờ đợi cái chết. Trần Nhân Tông khi đó còn trẻ nhưng đã có căn cơ tu tập vững chắc, ngài đã nhẹ nhàng dùng bài kệ của thiền sư Vĩnh Gia nhắc chở vua cha, khiến cha ngài hốt nhiên đại Ngộ mà ra đi thanh thản.
“Rồi vua đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên, thưa:
– Bệ hạ còn nhớ lời của ngài Vĩnh Gia chăng?
Liễu liễu kiến vô nhất vật,
Diệc vô nhân hề diệc vô Phật.
Đại thiên sa giới hải trung âu,
Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.
Nhậm thị thiết luân đảnh thượng triền,
Định tuệ viên minh chung bất thất.
Tạm dịch:
Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ, cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.
Dẫu cho vòng sắc trên đầu chuyển,
Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.
Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:
Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.
Xong, ngay chiều hôm đó sấm gió nổi dậy, thấy một vầng ánh sáng tròn rọi nơi
bức vách ngăn, vua liền băng hà, hưởng thọ 51 tuổi, nhằm ngày 22 tháng 05 năm Canh Dần (1290). (Thánh đăng ngữ lục)
Sau khi chiến thắng ngoại xâm, nhường ngôi cho con, hoàn thành nghĩa vụ hoàng đế, ngài liền vào núi tu hành thỏa nguyện từ lúc bé. Sau khi đắc Đạo, ngài rời núi và đi khắp nơi thuyết Pháp độ tăng, dạy dân chúng tu hành. Cả triều đình từ vua đến quan hầu như đều theo gương ngài mà tu tập Phật pháp, thọ giới quy y Tam Bảo.
“Tháng 10 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hưng Long thứ bảy (1299), Ngài đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng chuyên lo tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa chiền, cất tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo. Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường đón chư tăng về đây lập hội giảng pháp trải qua mấy năm.
Kế Ngài lại đi vân du thong thả, đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến ở lại đây.
Năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ mười hai (1304), Ngài đi khắp nơi thôn xóm khuyến hóa dân chúng từ bỏ những dâm từ, đồng thời dạy họ tu hành Thập thiện.
Mùa đông năm ấy vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài vào đại nội trao cho tâm giới Bồ tát tại gia. Hôm Điều Ngự vào thành vương công, bá quan chuẩn bị đầy đủ lễ nghi nghinh đón và sau đó đồng thọ giới pháp.”
(Thánh đăng ngữ lục)
Những Thiền sư đắc Đạo như Trần Nhân Tông sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ở trần gian đều sẽ biết trước ngày mình sẽ ra đi. Giai thoại phút lâm chung của Trúc Lâm Yên tử còn lưu lại đến nay cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của Phật pháp vậy.
“Ngày 20, Bảo Sát trên đường đi xuống, đến Doanh Tuyền thì thấy một đám mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn rồi hạ thấp xuống Doanh Tuyền, nước bỗng đầy tràn, dâng cao lên mấy trượng. Giây lát, mặt nước lặn xuống như bình thường, Bảo Sát thấy hai con rồng đầu to như đầu ngựa, ngẩng đầu lên cao hơn trượng, hai mắt như sao sáng, chốc lát thì lặn xuống.
Từ đó, suốt mấy ngày liền trời đất u ám, gió trốt nổi dậy, mưa tuyết phủ lấp cả cây cối, vượn khỉ vây quanh am gào la, chim rừng kêu thảm thiết.
Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý.
Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: “Tôn Đức đi đâu?”
Điều Ngự đáp:
“Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt,
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?”
Bảo Sát thưa: “Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?”
Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát, bảo: “Chớ nói mớ!”
Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử lặng lẽ mà tịch. Qua đêm thứ hai, Bảo Sát
vâng theo lời di chúc, làm lễ hỏa táng ngay nơi am Ngài ở, có mùi hương lạ xông lên thoảng ra xa, nhạc trời trên không, mây năm sắc che trên giàn hỏa.
Ngày thứ tư Tôn giả Phổ Tuệ (Pháp Loa) từ núi Yên Tử vội vã đến, dùng nước thơm rưới lên giàn hỏa làm lễ. Xong, Pháp Loa thu lấy ngọc cốt, được xá lợi năm màu hơn năm trăm hạt lớn, còn hạt nhỏ cỡ hạt lúa hạt cải thì nhiều vô kể. Vua Anh Tông, Quốc phụ Thượng Tể cùng đình thần đem thuyền rồng đến lễ bái dưới chân núi, gào khóc vang trời, sau đó đón ngọc cốt và xá lợi xuống thuyền rồng đưa về kinh. Từ triều đình cho đến thôn quê đều rất mực thương tiếc.” (Thánh đăng ngữ lục)
Lời bình:
Xưa vua Thuấn ba lần từ chối ngai báu, cai trị bằng nhân đức, không dùng đến binh đao mà bốn phương quy phục, dựng nên cơ nghiệp thịnh trị muôn đời mà hậu thế vẫn còn mãi ngưỡng vọng. Mấy nghìn năm đã qua, mấy ai còn biết đến thánh nhân trị đời là thế nào? Mà nay một cõi nước Nam xa xôi nhỏ bé, lại có bậc Thánh nhiều lần muốn bỏ cả ngai vàng mà đi tu, dùng một nhúm quân nhỏ bé mà 2 lần đập tan quân xâm lược Nguyên Mông vốn đang làm rung chuyển thế giới.
Bằng sự tu tập bản thân mà khiến cả triều đình và nhân dân sùng thượng Chính Pháp, làm lành lánh dữ. Chỉ bằng chân trần vân du hóa độ chúng sinh mà hóa giải binh đao 2 nước, thêm vào lãnh thổ 2 châu. Thế mới hay để trị quốc làm nên sự nghiệp vĩ đại nghìn năm thì người lãnh đạo đều không phải vì bản thân mà cầu danh cầu lợi. Vì sao mà Phật gia giảng “Không”, Đạo gia giảng “Vô”, bởi vì tinh thần vô dục vô cầu mới có thể đạt đến trí huệ to lớn nhất và thành quả tốt đẹp nhất. Cũng chỉ có người tu mới có thể làm được mà thôi, chỉ có tu hành thì làm gì cũng đem lại lợi ích lớn nhất cho chúng sinh.