Trái tim kiên định của cha tôi
“Cuộc sống gặp phải khó khăn, cũng không sợ mất mặt. Ai mà không có khó khăn? Ai trưởng thành được dễ dàng? Tâm cần phải lớn, phải sáng tỏ, người như vậy mới có thể nắm được hạnh phúc.”
Thượng Hải là nơi tôi sinh ra, trước khi tôi được mười tuổi thì chưa từng đi qua thành phố khác, đối với tôi, tình yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm mơ hồ được gói gọn lại ở nơi này.
Kỳ thực thì Thượng Hải không phải là quê hương của tôi, mẹ tôi là người Thượng Hải, nói giọng đặc trưng của vùng Thượng Hải, cha tôi đến từ phương bắc, sau khi kết hôn với mẹ thì ông quyết định ở lại nơi này, nhập hộ tịch Thượng Hải.
Với tư cách là chủ gia đình, ấy vậy mà thói quen sinh hoạt ở quê hương của ông không hề ảnh hưởng đến phong cách bài trí trong nhà, bởi vì mẹ tôi phụ trách quản lý mọi việc trong gia đình. Chiếc tủ ba cửa chạm khắc trong nhà, ngăn kéo, bàn trà, ba đến năm chiếc đồng hồ hàng hiệu, bộ đồ ăn Cảnh Trấn Đức, tất cả đều được mua và bài trí theo sở thích của bà. Rèm che cửa sổ, rèm che giường đều khắc những cánh hoa nhỏ màu trắng, toát lên vẻ thẩm mỹ và thú vị mang phong cách phương tây, nhìn qua là biết phong cách của Thượng Hải.
Nhưng mà cha lại có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với tôi, ngoài việc dạy tôi đọc sách và cách nhìn người, ông còn dùng lòng khoan dung và sự thoải mái của người phương bắc, tính cách mạnh mẽ và nỗi buồn của người xa quê để dạy cho tôi có thể ở nơi đô thị phồn hoa này thoát khỏi những ràng buộc trong nhận thức văn hóa nơi đây, nhìn thấy một cuộc sống khác đa dạng hơn.
Nhớ lại khi còn nhỏ, tôi theo cha đến thăm bác gái ở chân núi Nghi Mông, cha nói với tôi rằng: “Một người, tâm nhất định phải lớn, không thể chỉ ở chỗ thấp mà xem chông gai trong cuộc sống, cần phải nhìn rộng ra, như vậy mới có thể có được hạnh phúc và sự yên bình trong tâm hồn.”
Bác gái là chị ruột của cha, nghe nói khi còn tuổi thanh xuân, bác ấy dáng người thon thả nhẹ nhàng, ánh mắt trong veo như làn suối, làm các việc rất nhanh nhẹn. Bà tôi mất từ khi cha tôi còn nhỏ, ông nội lúc đó đang làm ở vùng Đông Bắc, bác gái khi ấy mới bảy, tám tuổi đã hết lòng chăm sóc cha tôi vốn thiệt thòi mất đi tình thương của mẫu tử.
Khi cha tôi mười bảy, mười tám tuổi, ông ấy cứ khăng khăng muốn đi lính. Bác gái không nỡ để cha chịu khổ, cả ngày khóc lóc, nhưng vẫn không ngăn được. Mấy năm sau, bác gái thành thân, sinh con ra đau ốm, gia đình lại chịu thêm biến cố, từ một người mạnh mẽ như bác gái cũng cảm thấy uất ức, cả ngày sầu não bi ai.
Cha tôi rất lo lắng cho bác gái, thường hay gửi thuốc về. Những lúc đi thăm bác, cha thường dẫn tôi leo núi, đi qua rất nhiều con đường quanh núi, ngắm nhìn những cây cao, dây leo uốn lượn. Sau khi leo lên một ngọn núi rất cao, nhìn về phía thôn làng xa xa, khung cảnh trông rất bao la đẹp mắt.
Cha từng nói với tôi rằng, làm người nên đi đến nơi cao hơn, nhìn xa hơn một chút, không thể chỉ tại chỗ thấp mà xem chông gai trong cuộc sống, cần phải nhìn rộng ra. Ông nói: “Cuộc sống gặp phải khó khăn, cũng không sợ mất mặt. Ai chưa từng gặp khó khăn? Ai trưởng thành được dễ dàng? Tâm cần phải lớn, phải sáng tỏ, người như vậy mới có thể nắm được hạnh phúc.”
Ban đêm, ngồi quanh bếp lửa chuyện trò, cha và bác cùng nhớ lại vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng tuổi ấu thơ. Khi còn nhỏ, bác rất vui vẻ, ham chơi, thích giả làm cường đạo đuổi bắt đám bạn. Những việc chi tiết này cả cha và bác đều nhớ rõ, chỉ là người bác với trái tim trong sáng, thuần khiết ngày xưa, giờ đã vô tình đánh mất đi bản chất vui vẻ ngày nào.
Cha nói với tôi rằng: “Cha nghĩ về thời trẻ thơ, muốn tìm lại bác với nụ cười hồn nhiên như con vậy.”
Ngày đó khi cha rời quê hương, bác đến để đưa tiễn, vẫn còn đó dáng vẻ bi thương, trầm lặng, tựa như một con bọ cánh cứng giấu mình ở bên dưới lớp vỏ. Một năm sau ngày biệt ly, bác mắc bệnh qua đời, cho đến tận hôm nay, mỗi khi nghĩ về bác tôi đều thương cảm sâu sắc.
Nhiều thập kỷ sau, khi tôi viết xong tác phẩm “Trái tim kiên định của cha tôi”, ông khi ấy đã qua đời. nhưng mà trong giấc mơ của tôi, sức hút từ nhân cách của ông để lại thật trân quý, hình bóng ông trong tâm trí tôi vẫn như ngày nào, một người to lớn với bàn tay thô ráp nhưng chứa đựng bên trong suối nguồn tình cảm thật tinh tế.
Những cuốn sách mà tôi xuất bản trước đây, phần lớn đều là tiểu thuyết, lần này là dùng giọng văn tùy bút… Kỳ thực bất kể có dùng thể loại nào, chẳng qua cũng là dùng văn tự để biểu đạt trong nội tâm, tìm một phương thức tự thuật lại dễ hiểu mà thôi.
Trích từ “Trái tim kiên định của cha tôi”