Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: ‘Không nên xây dựng các nhà máy than mới’
Trong một bài diễn văn đặc biệt tại Nghị trình Davos 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng “không nên xây dựng các nhà máy than mới.”
Ông cho biết: “Đây phải là ưu tiên của tất cả chúng ta — loại bỏ dần than đá.”
Ông Guterres, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, người trước đây cũng từng lãnh đạo tổ chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, đã giữ chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 2017.
Bài diễn văn của ông được đưa ra chỉ vài tháng sau hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Văn bản quyết định cuối cùng của COP26 yêu cầu các bên “[đẩy nhanh] nỗ lực hướng tới việc loại bỏ dần năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch không đạt hiệu quả, thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi chính đáng” — một sự thay đổi đáng kể so với một đoạn song song trong bản thảo đầu tiên của văn bản này, vốn đang “kêu gọi các bên đẩy nhanh việc loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch,” mà không đề cập đến bất kỳ “nhu cầu hỗ trợ” nào.
Ông Guterres nói rằng, “Các quốc gia khác đang phải đối mặt với những trở ngại to lớn về cấu trúc. Họ có một hỗn hợp năng lượng phụ thuộc nhiều vào than, và điều đó đang cản trở sự tiến bộ của tất cả các quốc gia. Vì vậy, họ cần được hỗ trợ. Không nên tìm người để đổ lỗi. Hãy hỗ trợ — giúp đỡ — các nền kinh tế mới nổi đó để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.”
“Chúng ta đã có Hoa Kỳ và Trung Quốc ký một thỏa thuận mà tôi hy vọng sẽ cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ phù hợp hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá.”
Ông Guterres đang đề cập đến một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại COP26.
Trong thỏa thuận đó, các bên cam kết đẩy nhanh “đổi mới công nghệ khí hậu” và phối hợp trong việc “khai triển và ứng dụng công nghệ như CCUS và thu khí trực tiếp.” Trung Quốc cam kết “giảm dần tiêu thụ than trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 và thực hiện các nỗ lực tốt nhất để đẩy nhanh công việc này”.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này về việc làm rõ các công nghệ cụ thể mà Trung Quốc sẽ nhận được từ Hoa Kỳ như một phần của thỏa thuận Glasgow, cũng như những gì đổi lại Hoa Kỳ có thể mong đợi nhận được.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về tình trạng của Trung Quốc như một “nền kinh tế mới nổi”, trước thời điểm phát hành bản tin.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một tổ chức trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, xác định Trung Quốc là một “thị trường mới nổi” tính đến năm 2021, theo phân tích từ ông Francisco Arizala và ông Di Yang của IMF trên trang web của mình.
Các cam kết của Trung Quốc về than được đưa ra khi nước này cho xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, tính đến tháng 02/2021, quốc gia này đang trong giai đoạn phát triển 247 gigawatt điện than mới, tương đương với hơn 20% công suất phát điện 1,200 gigawatt của Hoa Kỳ.
Một báo cáo từ tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember cho thấy chỉ riêng Trung Quốc đã chịu trách nhiệm về 53% sản lượng điện than trên thế giới tính đến năm 2021. Vào năm 2015, nước này chỉ chiếm 44% sản lượng điện than toàn cầu.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) gần đây đã rút lại sự chấp thuận của chính phủ cựu Tổng thống Trump liên quan đến Đơn vị 2 của nhà máy than Jim Bridger ở Wyoming. Sự từ chối của EPA, nếu được hoàn tất, có thể sẽ đóng cửa đơn vị này, và có khả năng mất hàng trăm việc làm.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), các kho dự trữ than của Hoa Kỳ cũng đã nhanh chóng sụt giảm, đạt mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 09/2021, kể từ năm 1978.
The Epoch Times đã liên lạc với EIA để có số liệu thống kê mới nhất về tổng lượng than dự trữ của đất nước này.
Tại COP26, Đặc phái viên Khí hậu Hoa Kỳ John Kerry nói với phóng viên Bloomberg rằng vào cuối thập niên này, Hoa Kỳ “sẽ không có than đá”.
Nghị trình Davos 2022 đã bắt đầu với bài diễn văn đặc biệt từ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người được Chủ tịch WEF Klaus Schwab giới thiệu.
Ông Tập nói trong bài diễn văn của mình, “Các nền kinh tế phát triển nên đi đầu trong việc tôn trọng trách nhiệm giảm khí thải, thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cần thiết cho các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được phát triển bền vững”.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) định nghĩa Trung Quốc, được gia nhập tổ chức này vào năm 2001, là một “nước đang phát triển”.
Các diễn giả khác trong ngày đầu tiên của sự kiện trực tuyến này bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã có bài diễn văn.
Trong bài diễn văn đặc biệt của mình, ông Guterres cũng đã bình luận về đại dịch COVID-19, nói rằng “nếu chúng ta không chích ngừa cho tất cả mọi người, thì chúng ta sẽ làm phát sinh các biến thể mới lây lan qua đường biên giới và khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ”.
Ông nói rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo thông qua các khoản đầu tư có lợi ích chung vào giám sát, phát hiện sớm, và phản ứng nhanh ở mọi quốc gia, và bằng cách nhấn mạnh thẩm quyền của Tổ chức Y tế Thế giới.”
Tổ chức Y tế Thế giới, trực thuộc Liên Hiệp Quốc, đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi vì phản ứng của họ vào thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19.
Trong một ‘Luận điểm’ tháng 04/2020, Foreign Policy đã mô tả tổ chức này là “kẻ đồng lõa với virus corona của Trung Quốc.” Trong một bài bình luận tháng 05/2020 cho Newsweek, ông John Yoo và ông Robert Delahunty đã mô tả WHO là “không thể cứu vãn được,” viện dẫn vai trò của tổ chức này trong việc khuếch đại cái mà họ gọi là “thông tin sai lệch” của Trung Quốc về virus corona chủng mới ở giai đoạn đầu, giai đoạn rất quan trọng trong sự xuất hiện của một đại dịch toàn cầu.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: