Tổng thống Trump tiết lộ kế hoạch chăm sóc sức khỏe ‘Hoa Kỳ trên hết’ của mình
Ngày 24/9, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tầm nhìn của mình về chăm sóc sức khỏe, trong đó tập trung vào việc cung cấp “dịch vụ chăm sóc tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn, và chi phí thấp hơn”.
“Theo kế hoạch chăm sóc sức khỏe ‘Hoa Kỳ trên hết’, chúng tôi sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chăm sóc cao nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới”, TT Trump cho biết trong bài diễn văn về các chính sách chăm sóc sức khỏe của mình ở Charlotte, North Carolina.
“Kế hoạch của tôi mở rộng các lựa chọn bảo hiểm giá cả phải chăng, giảm chi phí thuốc kê theo toa, chấm dứt các chi phí y tế phát sinh, tăng cường tính công bằng thông qua sự minh bạch về giá cả, thu gọn bộ máy hành chính, tăng tốc đổi mới, bảo vệ mạnh mẽ [chương trình] Medicare, và luôn bảo vệ các bệnh nhân có các bệnh lý từ trước.”
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, ông Alex Azar, trước đó đã thông báo rằng TT Trump sẽ ký một số sắc lệnh hành pháp để giải quyết những lo ngại về tình trạng bệnh lý có từ trước và các chi phí y tế phát sinh.
“TT tuyên bố rằng đó là chính sách của Hoa Kỳ nhằm cung cấp các biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng người dân Hoa Kỳ có các bệnh lý từ trước được bảo vệ, bất kể Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng có vi hiến hay không và các biện pháp bảo vệ của đạo luật này đối với các bệnh lý có từ trước đã bị vô hiệu”, ông cho biết trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 24/9.
Ông Azar nói rằng Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA), còn được gọi là Obamacare và được TT Barack Obama ký thành luật, không phục vụ những bệnh nhân Hoa Kỳ mắc các bệnh lý có từ trước.
“Họ có thể có khả năng mua một gói, nhưng cũng hoàn toàn không lâu dài được, vì phí bảo hiểm đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 4 năm sau khi áp dụng ACA”, ông cho biết.
“Nếu Tòa án Tối cao bãi bỏ toàn bộ hoặc phần lớn Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, thì điều mà TT chỉ rõ trong sắc lệnh hành pháp này là chính sách của Hoa Kỳ đảm bảo những người mắc các bệnh lý từ trước sẽ được bảo vệ.”
Trong sắc lệnh hành pháp, TT Trump cũng sẽ hành động để bảo vệ các bệnh nhân khỏi các chi phí y tế phát sinh. TT sẽ chỉ đạo ông Azar làm việc với Quốc hội để dự luật về các chi phí y tế không nằm trong kế hoạch được Quốc hội thông qua.
Ông Azar cho biết, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua luật này trước ngày 1/1/2021, thì chính phủ sẽ cân nhắc hành động theo chức năng của nhánh hành pháp để giải quyết vấn đề này. Ông từ chối bình luận về chi tiết các hành động [mà chính phủ liên bang sẽ thực hiện].
“Những gì Tổng thống đang đề cập là tất cả các bên có liên quan — bệnh viện, bác sĩ, công ty bảo hiểm — nên làm việc cùng nhau và yêu cầu Quốc hội thông qua luật này, nhằm bảo vệ các bệnh nhân trước các chi phí y tế phát sinh từ bất kỳ bên nào: bệnh viện hay bác sĩ, bên nào cũng vậy”, ông cho biết.
Mùa hè năm nay TT Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc. Ông Azar cho biết, giá thuốc đã không tăng kể từ khi TT đưa ra kế hoạch chi tiết của ông vào năm 2018.
Chính phủ TT Trump cũng đã yêu cầu các bệnh viện phải cung cấp cho bệnh nhân thông tin minh bạch về biểu phí khám chữa bệnh.
Ông Azar cho biết, “Bắt đầu từ tháng 1 năm 2021, bất kỳ người dân Hoa Kỳ nào cần dịch vụ bệnh viện đều có thể tìm hiểu chi phí của họ trước khi sử dụng dịch vụ.”
Theo bà Seema Verma, quản lý của các Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid, kế hoạch [chăm sóc sức khỏe] “Hoa Kỳ trên hết” của TT Trump sẽ trao quyền cho các bệnh nhân, thay vì trao quyền cho các công chức, công ty dược, công ty bảo hiểm y tế, và các công ty độc quyền.
Cô cho biết qua điện thoại rằng, “Phí bảo hiểm y tế đối với người cao niên đã giảm 34% kể từ năm 2017, mức thấp nhất trong 14 năm. Ở một số vùng, phí bảo hiểm đã giảm tới 50%. Phí bảo hiểm cho Phần D, các quyền lợi thuốc theo toa của Medicare đã giảm 12% kể từ năm 2017.”
“Chưa có một vị tổng thống nào từng đạt được mức giảm giá như thế này”, bà nói.
Các sắc lệnh hành pháp của TT Trump được đưa ra khi ông tiến hành đề cử người thay thế cố thẩm phán Tòa án Tối cao, bà Ruth Bader Ginsburg. Nếu đề cử của TT Trump được thông qua, thì sự tồn tại của ACA sẽ gặp rủi ro, vì điều luật này — hoặc phần lớn các điều khoản của luật này — có nhiều khả năng bị bãi bỏ.
Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), cáo buộc TT Trump đã vội vàng lấp ghế trống [ở Tòa án Tối cao] để có thể đảo ngược Đạo luật Obamacare.
“Những gì họ đang nói là, chúng ta phải đặt ai đó vào đó – họ sẽ không bao giờ thay thế được thẩm phán Ginsburg – chúng ta phải lấp vào ghế trống đó, để chúng ta có thể đảo ngược Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng”, bà Pelosi nói trong một cuộc họp báo hôm 24/9.
“Người dân cần phải biết tại sao điều này lại quan trọng đối với họ trong đời sống. Nếu quý vị có bệnh lý từ trước, trong đó có 150 triệu gia đình tại Hoa Kỳ thuộc diện này, thì hãy nói lời tạm biệt với lợi ích của [ACA],” bà cho biết.