Tổng thống Trump ra lệnh công ty chủ quản TikTok bán tài sản ở Hoa Kỳ
Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng vào ngày 14/8 để ra lệnh cho công ty mẹ của ứng dụng TikTok ở Trung Quốc phải thoái tài sản ở Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày và ủy quyền cho các quan chức Hoa Kỳ tiếp cận các cơ sở của công ty để tiến hành một cuộc kiểm toán nhằm đảm bảo công ty này không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Sắc lệnh hành pháp này là lệnh mới nhất trong chiến dịch của TT Trump chống lại ứng dụng TikTok, mà các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng nó hoạt động như một phần mềm gián điệp cho Trung Cộng. Lệnh này coi việc mua lại ứng dụng musical.ly của ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, là bất hợp pháp. Sau khi mua ứng dụng, ByteDance đã đổi tên từ musical.ly thành TikTok.
Sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức, và ByteDance bị cấm sở hữu bất kỳ cổ phần nào trong music.ly. Tuy nhiên, lệnh này cho phép ByteDance có 90 ngày (có thể gia hạn thêm 30 ngày) để thoái tài sản của mình tại Hoa Kỳ.
“Có bằng chứng đáng tin cậy khiến tôi tin rằng ByteDance… thông qua việc đạt được tất cả các lợi ích tại musical.ly… có thể thực hiện hành động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, ông Trump nói khi ban hành sắc lệnh.
TikTok vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc.
Trong khoảng thời gian 90 ngày, TT Trump đã ủy quyền cho các quan chức Hoa Kỳ tiếp cận bất kỳ cơ sở nào của ByteDance hoặc TikTok tại Hoa Kỳ để kiểm tra và sao chép mọi sổ sách và hồ sơ, kiểm tra phần cứng và phần mềm, đồng thời phỏng vấn bất kỳ nhân viên nào để đảm bảo rằng các công ty này đang tuân thủ lệnh thoái vốn và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ông Trump đã yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) giám sát quá trình thoái vốn và ra lệnh thực hiện kiểm toán [đối với công ty TikTok ở Hoa Kỳ].
Microsoft hiện đang đàm phán với ByteDance về việc mua TikTok, nhưng mối quan hệ sâu rộng của công ty phần mềm Hoa Kỳ với Trung Cộng có thể khiến cơ hội thỏa thuận khó đạt được, các chuyên gia cho biết.
Mọi thương vụ mà ByteDance có thể thương lượng đều phải được CFIUS chấp thuận. Trước khi phê chuẩn, CFIUS cần xem xét liệu người mua có quan hệ với ByteDance hay không và liệu “việc bán hoặc chuyển nhượng được đề xuất có đe dọa làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hay không”, sắc lệnh nêu rõ.
TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn vốn rất phổ biến đối với thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Gần đây, ứng dụng này phải chịu sự giám sát của lưỡng đảng Hoa Kỳ, do các lo ngại về quyền riêng tư [của người dùng] và an ninh quốc gia Hoa Kỳ liên quan đến quyền sở hữu của nó.
Mối lo ngại chính là, theo một luật về tình báo quốc gia năm 2017 [của Trung Cộng], các công ty Trung Quốc được yêu cầu phải cung cấp dữ liệu của họ cho Trung Cộng.
Vào ngày 6/8, ông Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm giao dịch với TikTok và ứng dụng mạng xã hội WeChat sau ngày 20/9. Các lệnh này cũng cấm các giao dịch với công ty ByteDance và công ty chủ quản của WeChat là Tencent Holdings.
Trong khi lệnh cấm chính thức sắp đến hạn, thì các hạn chế quy mô nhỏ đã được áp dụng. Thượng viện gần đây đã thống nhất thông qua một dự luật do Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng hòa-Missouri) đệ trình, trong đó cấm các nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý An ninh Vận tải đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Vào tháng 12/2019, Quân đội Hoa Kỳ cũng đã cấm quân nhân sử dụng ứng dụng này. Trung tá Robin Ochoa, phát ngôn viên của Quân đội, nói với Millitary.com rằng “[TikTok] được coi là một mối đe dọa mạng”.
The Epoch Times gần đây đã đưa tin hơn 130 nhân viên tại ByteDance là thành viên của Đảng bộ Trung Cộng tại công ty này. Theo tài liệu nội bộ, nhiều người trong số những nhân viên này làm việc ở các vị trí quản lý. Công ty ByteDance được thành lập vào tháng 3/2012, sau đó đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10/2014.
Tác giả: Ivan pentchoukov