Tổng thống Trump ký sắc lệnh bảo vệ các tượng đài, di tích ở Mỹ
Các tượng đài và di tích lịch sử ở Mỹ từng là mục tiêu bị phá hoại trong các cuộc biểu tình, nhưng nay được Tổng thống Trump bảo vệ.
Tổng thống Trump tuyên bố hôm 26/6 rằng ông đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các di tích, đài tưởng niệm và tượng đài ở Mỹ. Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng cảnh báo những người cố gắng kéo chúng sẽ phải đối mặt với án tù dài.
“Tôi mới có vinh dự ký một Sắc lệnh hành pháp rất mạnh mẽ để bảo vệ các Di tích, Đài tưởng niệm và Tượng đài ở Mỹ – và chống lại tình trạng bạo lực gần đây”, ông Trump viết trên mạng xã hội. “Án tù dài hạn sẽ dành cho những hành vi vô pháp luật chống lại đất nước vĩ đại của chúng ta!”
Sắc lệnh mới cấm mạo phạm di tích công cộng, phá hoại tài sản của chính phủ và các hành vi bạo lực gần đây. Sắc lệnh cho phép liên bang giữ lại phần ngân sách hỗ trợ các chính quyền tiểu bang và địa phương nếu họ không bảo vệ các di tích công cộng. Đồng thời, liên bang cũng có thể rút các khoản trợ cấp cho các khu vực pháp lý và các cơ quan thực thi pháp luật nếu họ không ngăn chặn sự mạo phạm di tích.
Sắc lệnh cũng cung cấp các hỗ trợ để bảo vệ những bức tượng của liên bang, theo hãng tin Fox News.
Trong khi đó vào tối 26/6, Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr đã cho thành lập một đội đặc nhiệm để đối phó với những kẻ cực đoan chống chính phủ, đặc biệt nhắm đến những người ủng hộ phong trào cực đoan “boogaloo” và Antifa.
Lực lượng đặc nhiệm này sẽ chia sẻ thông tin với cơ quan thực thi pháp luật địa phương và tiểu bang. Đồng thời lực lượng sẽ đào tạo nghiệp vụ xác định những kẻ cực đoan chống chính phủ, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Phong trào biểu tình đã phá hoại nhiều tượng đài danh nhân ở Mỹ
Trước đó, các di tích lịch sử và tượng đài đã trở thành mục tiêu của sự tức giận và phá hoại trong cuộc biểu tình “Black Lives Matter” sau cái chết của người da đen George Floyd ở Minneapolis vào cuối tháng 5.
Ban đầu những bức tượng bị giật đổ là những người lính và tướng lĩnh vinh danh Lãnh đạo liên minh miền Nam (Confederate states) do ủng hộ việc duy trì chế độ nô lệ với người da đen. Sau đó, sự tức giận đã lan sang các tượng đài của các cựu tổng thống, thậm chí cả Christopher Columbus, và một số người đã chiến đấu chống lại chế độ nô lệ.
Những người phản đối trong phong trào đòi xét lại và lật đổ tượng đài liên quan đến chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ cho rằng bức tượng “mô tả người da đen và người bản địa” ở vị thế thần phục, và kém cỏi hơn người da trắng, theo Reuters.
Ví dụ bức tượng nhìn xuống công viên Central Park gồm ba nhân vật: cựu tổng thống Roosevelt cưỡi ngựa, bên phải có người thổ dân Mỹ bản địa và bên trái là người Mỹ gố̃c châu Phi, đứng ở bên.
Vào tối 26/6, những người biểu tình còn có kế hoạch phá Tượng Giải phóng của cựu tổng thống Abraham Lincoln tại Công viên Lincoln. Bức tượng mô tả vị tổng thống thứ 16 đang cầm bản Tuyên ngôn giải phóng bên cạnh một nô lệ quỳ gối, bị xiềng xích. Người biểu tình nói rằng bức tượng không mô tả vai trò của nô lệ trong việc bảo vệ tự do của chính họ.
Những người biểu tình cuối tuần trước đã buộc dây thừng và cố gắng lật đổ bức tượng của cựu tổng thống Andrew Jackson tại Công viên Quảng trường Lafayette, nhưng đã bị lực lượng thực thi pháp luật ngăn chặn.
Tại San Francisco, những người biểu tình đã lật đổ một bức tượng của Ulysses S. Grant, người lãnh đạo Quân đội Liên minh trong cuộc Nội chiến. Những người biểu tình cũng kéo đổ các bức tượng của Thánh Junipero Serra và Francis Scott Key.
Thậm chí, một kẻ biểu tình đã vẽ lên bức tượng của Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington, sau đó kéo nó xuống đất và đốt một lá cờ Mỹ phủ trên bức tượng. Một bức tượng của cựu tổng thống Thomas Jefferson cũng bị kéo đổ ở Portland.