Tổng thống Trump cam kết sẽ tranh tụng bầu cử ngoài Phiên họp chung ngày 06/01
Tổng thống Donald Trump dự định sẽ tiếp tục tranh tụng chống lại kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 ở tám tiểu bang, cho dù kết quả Phiên họp chung để kiểm đếm phiếu bầu Đại cử tri đoàn của Quốc hội vào ngày 06/01 có thế nào đi nữa.
Trong một cuộc vận động hôm 04/01 tại một sân bay ở Dalton, Georgia, Tổng thống đã nói với một đám đông hàng nghìn người ủng hộ rằng hãy hy vọng sẽ có thêm tin tức về các vụ tranh tụng về cuộc bầu cử trong hai tuần tới.
“Quý vị hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới. Quý vị hãy xem những gì sắp lộ diện. Hãy xem những gì sắp được tiết lộ,” tổng thống nói.
“Đó là một cuộc bầu cử gian lận, nhưng chúng tôi vẫn đang chiến đấu chống lại nó và quý vị sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra.”
“Quý vị có thể thua và điều đó có thể chấp nhận được. Quý vị thua, quý vị đã thua… nhưng khi quý vị thắng long trời lở đất và họ đánh cắp nó và cuộc bầu cử bị biến thành gian lận, điều đó là không thể chấp nhận được.”
TT Trump sau đó cho biết ông sẽ có mặt ở Georgia để vận động chống lại Thống đốc Đảng Cộng Hòa Brian Kemp và Tổng thư ký Brad Raffensperger “trong khoảng một năm rưỡi,” điều này cho thấy rằng Tổng thống đã coi việc tranh tụng hậu bầu cử là một cuộc chiến lâu dài. Thống đốc Kemp và Tổng thư ký Raffensperger là những người đã chứng nhận cựu Phó Tổng thống Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở tiểu bang có biệt danh là Trái Đào (Peach State) này. Cả hai người này phần lớn đều tỏ ra bất hợp tác với những yêu cầu thanh tra cuộc bầu cử của TT Trump.
Gần đây nhất, họ đã phản đối một cuộc kiểm tra chữ ký ở quận Fulton, là quận đông dân nhất của tiểu bang này, theo TT Trump.
Tổng thống đã có mặt ở Georgia để kêu gọi ủng hộ cho Thượng nghị sỹ Kelly Loeffler và ứng cử viên cho ghế Thượng viện David Perdue trong cuộc bầu cử bổ sung dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 05/01. Trong khi bà Loeffler và ông Perdue đều cam kết sẽ phản đối các đại cử tri của ông Biden đến từ các tiểu bang đang bị tranh cãi trong Phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 06/01, vẫn chưa rõ liệu ai sẽ tham gia phản đối, vì kết quả của các cuộc bầu cử bổ sung có thể sẽ chưa được công bố trong nhiều ngày tới.
Tầm quan trọng của Phiên họp chung đã và đang tiếp tục gia tăng khi hàng chục vụ kiện của nhóm pháp lý của TT Trump và một số bên thứ ba khác đã bị các tòa án ở Georgia, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Arizona và Nevada bác bỏ. Chỉ một số ít các vụ kiện này là có diễn ra các phiên điều trần về bằng chứng, trong khi phần lớn chúng đã bị bác bỏ vì không có cơ sở tố tụng.
TT Trump đã thêm một tầng ý nghĩa cho các sự kiện vào ngày 06/01 bằng cách đưa ra một lời kêu gọi chưa từng có rằng những người ủng hộ hãy đến Hoa Thịnh Đốn vào ngày hôm đó vì một cuộc biểu tình “lớn” và “cuồng nhiệt”. Một số nhà tổ chức tin rằng sự kiện này có thể sẽ trở thành cuộc biểu tình ủng hộ TT Trump lớn nhất trong lịch sử.
Theo Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows, hơn 100 thành viên Hạ viện Hoa Kỳ đã cam kết phản đối đại cử tri của ông Biden vào ngày 06/01. Ít nhất 74 người đã thực hiện điều này một cách công khai, theo thống kê của The Epoch Times. Một nhóm gồm 13 thượng nghị sỹ đã cam kết thêm tên của họ vào danh sách phản đối.
Kế hoạch phản đối dường như đã gây chia rẽ trong Đảng Cộng Hòa, với 27 đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện và ít nhất 10 đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phản đối ý tưởng này.
Việc phản đối mỗi nhóm đại cử tri sẽ kích hoạt hai giờ tranh luận, sau đó là cuộc biểu quyết của từng viện về việc nhóm nào sẽ được tính. Các đại cử tri Đảng Cộng Hòa ở bảy tiểu bang [chiến địa] đã gửi phiếu đại cử tri theo thủ tục tới Quốc hội. Đảng viên Đảng Dân Chủ đang chiếm đa số trong Hạ viện và có đủ sự ủng hộ từ đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện để chứng nhận các đại cử tri của ông Biden.
“Tôi hy vọng ông Mike Pence giành phần thắng cho chúng ta”
Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, sẽ dẫn đầu Phiên họp chung dự kiến bắt đầu lúc 1 giờ chiều ngày 06/01. Trong khi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri hạn chế vai trò của ông Pence ở mức chỉ là người mở các phong bì chứa phiếu bầu của Đại cử tri đoàn, một số chuyên gia cho rằng ông Pence có nhiều lựa chọn hơn vì đạo luật này có thể là vi hiến.
Dân biểu Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas) đã nỗ lực buộc tòa án làm rõ vai trò của ông Pence bằng cách kiện Phó Tổng thống. Vụ kiện này đã bị bác bỏ, và những lựa chọn của ông Pence vẫn chưa rõ ràng.
“Phó Tổng thống có quyền bác bỏ những đại cử tri đã được bầu chọn một cách gian lận,” TT Trump đã viết trên Twitter hôm 05/01.
“Tôi hy vọng Mike Pence sẽ giành phần thắng cho chúng ta,” TT Trump nói trong cuộc vận động ở Georgia vào đêm trước. “Nếu ông ấy không làm được thế, tôi sẽ không thích ông ấy lắm. Không đâu, Mike là người đàn ông tuyệt vời. Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời, một người đàn ông thông minh và một người đàn ông mà tôi rất quý mến. Nhưng ông ấy sẽ có nhiều điều để nói về việc đó. Quý vị biết một điều về ông ấy rằng: quý vị sẽ được nghe những lời thẳng thắn và trung thực. Ông ấy sẽ nói ra sự thật.”
PTT Pence đã dành hàng giờ để thảo luận với TT Trump, các nhân viên và thành viên Thượng viện trước khi diễn ra các quy trình vào ngày 06/01. Những người thân cận với Phó Tổng thống đã nhấn mạnh sự tôn trọng của ông đối với các thể chế và nói rằng họ mong đợi ông sẽ hành động theo pháp luật và tuân theo Hiến pháp.
Ông David McIntosh, chủ tịch tổ chức bảo thủ Club for Growth và là một người bạn của ông Pence, đã nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng: “Về cơ bản, tôi nghĩ ông ấy sẽ tiếp cận vấn đề này với tư cách là một người theo chủ nghĩa hợp hiến và sẽ đặt câu hỏi rằng, ‘Vai trò của tôi là gì trong Hiến pháp với tư cách là Chủ tịch Thượng viện?’
“Những gì ông ấy sẽ làm là cho phép bất kỳ ai định bước ra phản đối sẽ được lắng nghe, nhưng sau đó sẽ tuân theo kết quả mà đa số thành viên trong Thượng viện đưa ra.”
PTT Pence đã có mặt ở Georgia hôm 04/01 để vận động cho các thượng nghị sỹ Loeffler và Perdue. Trong một bài diễn văn tại Nhà thờ Rock Springs ở Milner, Phó Tổng thống đã nói với đám đông rằng “chúng ta sẽ có một ngày thành công ở Quốc hội.” Phó Tổng thống sau đó đã đưa ra lời kêu gọi rộng rãi về đức tin, cho thấy rằng ông ấy không tự cho mình là người có thể đưa ra lập trường làm thay đổi cuộc bầu cử vào ngày 06/01.
“Ngay cả khi mọi thứ dường như không diễn ra theo cách chúng ta đang mong đợi, thì chúng sẽ diễn ra theo cách mà Chúa đang mong đợi,” PTT Pence nói, thúc giục khán giả cầu nguyện.
‘Ông ấy đúng là một chiến binh’
Những người ủng hộ TT Trump, những người đã tham dự cuộc biểu tình ở Dalton, Georgia, đã đánh giá cao nỗ lực không ngừng của ông để tranh tụng các kết quả bầu cử.
“Tôi nghĩ ông ấy đúng như là một chiến binh vậy,” bà Amy Hicks, một người nội trợ đến từ Muscle Shoals, Alabama, nói với The Epoch Times. “Trong khi hầu hết các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, nếu họ thua, họ sẽ không chiến đấu vì nó, nhưng ông ấy không phải là một nhân vật hay chính trị gia điển hình như vậy, và ông ấy chưa bao giờ như vậy trong suốt bốn năm tại vị của mình.”
“Nếu họ chứng nhận [ông Biden] vào ngày mai, TT Trump, tôi không nghĩ ông ấy sẽ nhượng bộ. Ông ấy sẽ chỉ tiếp tục [chiến đấu].”
Hàng ngàn người ủng hộ đã đi bộ trong nửa giờ trên con đường ngoại thành tối đen như mực từ trạm kiểm soát của cảnh sát để đến cuộc biểu tình ở khu Sân bay Thành phố Dalton. Đám đông đã vỡ òa trong những lời hô vang “Thêm bốn năm nữa,” “Chiến đấu vì TT Trump” và “Ngừng đánh cắp cuộc bầu cử” trong suốt bài diễn văn của Tổng thống. Điều này đã cho thấy rằng những người ủng hộ ông coi cuộc bầu cử là một sự đã rồi.
“Ông ấy có quyền chiến đấu lâu nhất và hết sức có thể, dựa trên Hiến pháp của chúng ta,” ông Glen Ruggiero đến từ Canton, Georgia, nói với The Epoch Times. “Đầu hàng chỉ vì quý vị không muốn chia rẽ một đất nước ư, chúng ta đã bị chia rẽ rồi. Đầu hàng chỉ vì quý vị muốn một cuộc chuyển tiếp suôn sẻ ư, họ có thể thực hiện việc chuyển tiếp bất cứ lúc nào.
“Miễn là ông ấy tuân theo những gì những người cha lập quốc của chúng ta đã dành cho ông ấy trong Hiến pháp, tôi tin rằng ông ấy nên chiến đấu đến cùng.”
Ivan Pentchoukov
Nguyệt Minh biên dịch
Xem thêm: