Tổng thống Sri Lanka từ chức sau khi đào thoát sang Singapore
COLOMBO/SINGAPORE — Một phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Sri Lanka cho biết, hôm thứ Năm (14/07), Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã đệ trình đơn từ chức vài giờ sau khi đào thoát đến Singapore sau các cuộc biểu tình hàng loạt trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái.
Thông báo này đã tạo nên bầu không khí hân hoan ở thủ đô thương mại Colombo, nơi những người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng thư ký của tổng thống, bất chấp một lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố.
Đám đông đốt pháo, hô to các khẩu hiệu, và nhảy múa tưng bừng tại địa điểm biểu tình ‘Gota Go Gama’, nhại theo tên gọi của ông Rajapaksa.
“Cả đất nước sẽ ăn mừng ngày hôm nay,” cô Damitha Abeyrathne, một nhà hoạt động, cho biết. “Đó là một chiến thắng lớn.”
Cô nói thêm, “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ giành lại quốc gia này từ tay họ,” ám chỉ đến gia tộc Rajapaksa, những người đã thống trị nền chính trị của quốc gia Nam Á này trong hai thập niên qua.
Phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Sri Lanka cho biết, ông Rajapaksa đã đệ đơn từ chức bằng thư điện tử vào cuối ngày thứ Năm (14/07) và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày thứ Sáu (15/07) sau khi văn bản đã được xác thực về mặt pháp lý.
Theo một người thông thạo nguồn tin, ông Rajapaksa đã đào thoát đến Maldives hôm thứ Tư (13/07) sau đó đi đến Singapore hôm thứ Năm trên một chuyến bay của hãng hàng không Ả Rập Saudi.
Cuối ngày thứ Năm, chính phủ Maldives xác nhận rằng quốc gia này đã cấp phép ngoại giao cho một trực thăng của Không quân Sri Lanka chở Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và phu nhân của ông trong một chuyến bay quá cảnh.
Một hành khách trên chuyến bay này, không tiết lộ danh tính, nói với hãng thông tấn Reuters rằng ông Rajapaksa đã gặp một nhóm nhân viên an ninh và được nhìn thấy rời khỏi khu vực VIP của phi trường trong một đoàn xe màu đen.
Nhân viên hàng không trên chuyến bay đó nói với hãng Reuters rằng tổng thống, vận đồ đen, bay hạng thương gia cùng phu nhân và hai vệ sĩ, và mô tả ông khá “trầm lặng” và “thân thiện.”
Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Rajapaksa đã nhập cảnh vào nước này với tư cách là một chuyến thăm cá nhân, và không xin hoặc không được cấp phép tị nạn.
Hôm thứ Tư (13/07), quyết định của ông Rajapaksa để đồng minh của mình là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nhậm chức quyền tổng thống đã gây ra nhiều cuộc biểu tình hơn, trong đó những người biểu tình xông vào quốc hội và văn phòng thủ tướng yêu cầu ông Wickremesinghe cũng phải từ chức.
“Chúng tôi muốn ông Ranil về nhà,” anh Malik Perera, một tài xế lái xe kéo 29 tuổi, người đã tham gia các cuộc biểu tình xông vào quốc hội, cho biết vào sáng thứ Năm (14/07). “Họ đã bán đứng quốc gia này, chúng tôi muốn một người tài giỏi để tiếp quản, cho đến lúc đó thì chúng tôi sẽ mới dừng lại.”
Cuộc đàm phán với IMF bị gián đoạn
Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát hồi cuối tuần trước khi hàng trăm ngàn người chiếm các tòa nhà chính phủ ở Colombo, đổ lỗi cho gia đình Rajapaksa và các đồng minh vì lạm phát phi mã, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, và tham nhũng.
Sri Lanka đã bắt đầu các cuộc thảo luận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF về một khoản vay cứu trợ tiềm năng, nhưng những cuộc thảo luận này đã bị gián đoạn bởi sự hỗn loạn mới nhất của chính phủ.
Hôm thứ Năm (14/07), phát ngôn viên của IMF, ông Gerry Rice, nói với các phóng viên rằng các nhân viên của Quỹ này vẫn đang liên lạc với các quan chức chính phủ cấp chuyên môn nhưng hy vọng sẽ nối lại đối thoại cấp cao “càng sớm càng tốt.”
Vào sáng sớm ngày thứ Năm, bên trong dinh thự của tổng thống, thường dân Sri Lanka đi lang thang trong các hội trường, ngắm nhìn bộ sưu tập nghệ thuật phong phú, các xe hơi sang trọng, và bể bơi của tòa nhà.
“Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc,” anh Terance Rodrigo, một sinh viên 26 tuổi nói. Anh cho biết anh đã vào bên trong khu nhà kể từ khi những người biểu tình chiếm đóng hôm thứ Bảy (09/07).
“Chúng ta phải làm cho xã hội tốt hơn thế này. Chính phủ không giải quyết được các vấn đề của người dân.”
Những người tổ chức biểu tình đã trao lại dinh thự của tổng thống và thủ tướng cho chính phủ vào tối ngày thứ Năm.
Anh Chameera Dedduwage, một trong những người tổ chức, nói với hãng Reuters: “Tổng thống đã rời khỏi đất nước … việc nắm giữ những địa điểm bị chiếm đóng không còn giá trị biểu tượng nào nữa.”
Một nhà tổ chức biểu tình khác, anh Kalum Amaratunga, cho biết một cuộc đàn áp có thể sắp xảy ra sau khi ông Wickremesinghe gọi một số người biểu tình là “phát xít” trong một bài diễn văn vào tối hôm trước.
Chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở Colombo từ trưa (06:30 GMT) ngày thứ Năm đến sáng sớm ngày thứ Sáu nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn thêm. Truyền thông địa phương cho thấy những chiếc xe bọc thép với binh sĩ trên xe đang tuần tra trên các con đường của thành phố.
Quân đội cho biết binh sĩ được trao quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân và tài sản công cộng.
1 người thiệt mạng và 84 người bị thương trong các cuộc đụng độ
Cảnh sát cho biết 1 người đã thiệt mạng và 84 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình hôm thứ Tư gần quốc hội và văn phòng thủ tướng khi mọi người yêu cầu truất phế cả hai ông Rajapaksa và Wickremesinghe.
Quân đội cho biết hai binh sĩ đã bị thương nặng khi họ bị những người biểu tình tấn công gần quốc hội vào tối thứ Tư, vũ khí và ổ đạn của họ đã bị giật.
Cảnh sát cho biết người đàn ông thiệt mạng là một người biểu tình 26 tuổi sau khi anh này bị thương gần văn phòng thủ tướng và không gượng dậy nổi.
Cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, cả hai đều là anh em của tổng thống, đã thông báo cho Tòa án Tối cao thông qua luật sư rằng họ sẽ ở lại đất nước ít nhất là đến ngày thứ Sáu (15/07).
Họ đã phúc đáp một bản kiến nghị của cơ quan chống tham nhũng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhằm tìm kiếm hành động “chống lại những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.”
Hôm thứ Ba (12/07), các quan chức nhập cư đã ngăn ông Basil Rajapaksa bay ra khỏi Sri Lanka.
Quốc hội dự kiến sẽ bổ nhiệm một tân tổng thống toàn thời gian vào ngày 20/07 và một nguồn tin hàng đầu của đảng cầm quyền nói với hãng Reuters rằng ông Wickremesinghe là lựa chọn đầu tiên của đảng này mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra. Phe đối lập chọn nhà lãnh đạo chính của họ, ông Sajith Premadasa, con trai của một vị cựu tổng thống.