Tổng thống Putin không có thành kiến trước sự gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
Hôm thứ Hai (16/05), khi Thụy Điển và Phần Lan tiếp tục tiến hành kế hoạch gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không có thành kiến nào trước các quyết định này, miễn là không có mối đe dọa quân sự nào đối với quốc gia của mình.
“Về việc mở rộng, Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này — không hề. Và vì thế, theo nghĩa này, không có mối đe dọa cấp bách nào đối với Nga từ sự mở rộng (của NATO) trong việc kết nạp thêm hai quốc gia này,” ông Putin nói với các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga lãnh đạo ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Reuters đưa tin.
“Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi … (phản ứng) đó sẽ là gì — chúng tôi sẽ còn phải xem những mối đe dọa nào được tạo ra cho chúng tôi.” CSTO gồm các quốc gia như Armenia, Belarus, Tajikistan, Kazakhstan, và Kyrgyzstan.
Phản ứng bình tĩnh bất thường của ông Putin đối với việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO hoàn toàn trái ngược với những bình luận trước đây của ông về việc mở rộng khối liên minh này. Trên thực tế, ông đã viện dẫn sự mở rộng sườn phía đông của NATO là một trong những lý do chính khiến Nga xâm lược Ukraine.
Theo ông Putin, khi Liên Xô sụp đổ, một số bảo đảm đã được đặt ra, rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông đối với Moscow, điều mà liên minh này và Hoa Kỳ không cho là đúng. Ngoài “chính sách mở rộng bất tận” của NATO, ông Putin cũng cho rằng liên minh quân sự này đã vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực Âu Châu-Đại Tây Dương của mình.
Trong khi đó, hôm thứ Hai (16/05), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bình luận rằng nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là “một sai lầm nghiêm trọng khác” sẽ gây ra “những hậu quả sâu rộng.” Ông nói thêm, cả hai quốc gia không nên nghĩ rằng Nga sẽ chỉ đơn giản là chấp nhận những lựa chọn của họ.
Theo CNBC, ông Ryabkov nói, “Và chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh của mình dưới hình thức nào sau sự thay đổi cấu trúc chung này của NATO là một câu hỏi khác. Trên thực tế, nó sẽ phụ thuộc vào kết quả của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh là như thế nào. Đừng ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ chấp nhận việc này.”
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định sự phản đối của mình trước việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
“Trước hết, chúng tôi sẽ không nói ‘đồng ý’ để những người nào áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập NATO, một tổ chức an ninh, trong quá trình này,” ông Erdogan cho biết hôm thứ Hai (16/05), theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển và Phần Lan cũng không nên cử các nhà ngoại giao tới Ankara để thuyết phục ông.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên sáng lập của NATO, phản đối các quốc gia trên tham gia liên minh vì cả hai đều bị cáo buộc là nơi chứa chấp lực lượng người Kurd mà Ankara gọi là khủng bố.
Thụy Điển và Phần Lan cũng bị cáo buộc chứa chấp những cá nhân có liên hệ với nhóm Đảng Công Nhân Kurdistan (PKK) và những người theo ông Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau một âm mưu đảo chính vào năm 2016.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: