Tổng thống Nga Putin ký luật gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ thêm 5 năm
Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (29/1) đã ký một đạo luật để gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START, hiệp ước lớn cuối cùng thuộc loại này giữa Nga và Hoa Kỳ.
Hạ viện và thượng viện của Nga đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn việc gia hạn hôm thứ Tư (27/1).
Nga cho biết việc gia hạn sẽ có hiệu lực vào lúc hai bên trao đổi công hàm sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, “việc gia hạn hiệp ước đáp ứng lợi ích quốc gia của Liên bang Nga, giúp duy trì tính minh bạch và khả năng dự đoán của mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Hoa Kỳ, đồng thời góp phần ổn định chiến lược toàn cầu.”
Thành viên Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) nói với Fox News hôm thứ Hai rằng hiệp ước New START này có lợi cho Nga.
“Nó không bao gồm kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ mà Nga có hoặc một số hệ thống mới của họ như hệ thống bắn dưới biển hoặc hỏa tiễn hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và các phương tiện bay siêu thanh,” ông Cotton nói, “đó là lý do tại sao Vladimir Putin muốn gia hạn nó vô điều kiện.”
Ông Cotton cũng lo ngại rằng hiệp ước New START là một hiệp ước song phương “khi vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc đe dọa sẽ vượt qua Hoa Kỳ khi kết hợp với Nga và vũ khí hạt nhân của họ.”
Ông Cotton cho biết rất thất vọng khi Tổng thống Joe Biden trong ngày đầu tiên nắm quyền đã cho phép ông Putin gia hạn vô điều kiện hiệp ước vũ khí một bên “mà không đòi hỏi sự nhượng bộ đáng kể để đổi lại,” và “nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia chúng ta về lâu dài,” ông nói.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ, Nga và Hoa Kỳ cùng nhau sở hữu hơn 90% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới tại năm 2020, trong đó Nga có 6,372 đầu đạn và Hoa Kỳ có 5,800 đầu đạn. Họ tính rằng Trung Cộng có 320 đầu đạn hạt nhân, nhưng con số thực tế thì không nắm được.
Trung Quốc đã được mời tham dự các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân do Hoa Kỳ và Nga tổ chức vào tháng 6/2020 nhưng Trung Cộng đã từ chối lời mời.
Hiệp ước New START được ký kết vào năm 2010 bởi tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiệp ước giới hạn mỗi quốc gia không có quá 1,550 đầu đạn hạt nhân đã được khai triển, 700 hỏa tiễn đạn đạo và oanh tạc cơ đã được khai triển, 800 bệ phóng và oanh tạc cơ đã khai triển và không khai triển. Trong đó cũng có dự kiến về việc kiểm tra hiện trường để xác minh sự tuân thủ.
Tuy nhiên, hiệp ước coi mỗi oanh tạc cơ mang đầu đạn hạt nhân là một đầu đạn, theo tuyên bố của Điện Kremlin.
Bà Patty-Jane Geller, nhà phân tích chính sách về ngăn chặn hạt nhân và phòng thủ hỏa tiễn tại tổ chức bảo thủ The Heritage Foundation, đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng điều khoản này cho phép Nga bỏ qua giới hạn của New START một cách hợp pháp nếu một oanh tạc cơ có thể mang nhiều đầu đạn.
Sau khi cả Moscow và Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 vào năm 2019, hiệp ước New START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân còn lại duy nhất giữa hai nước.
Ella Kietlinska
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: