Tổng thống Kazakhstan cho biết quân đội Nga bắt đầu rút khỏi Kazakhstan sau 2 ngày nữa
Hôm thứ Ba (11/01), Tổng thống Kazakhstan tuyên bố rằng các binh sĩ từ một nhóm liên minh với Nga đã bay đến Kazakhstan vào tuần trước sau tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở quốc gia Trung Á này sẽ bắt đầu rút quân trong hai ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 06/01 đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSC), một liên minh quân sự của 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, hỗ trợ quốc tế sau khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc leo thang thành bạo lực.
“Nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã được hoàn thành xuất sắc,” ông Tokayev nói trong một phiên họp được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước.
“Việc rút dần lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ bắt đầu sau hai ngày,” tổng thống tiếp tục nói. “Quá trình rút quân này sẽ mất không quá 10 ngày.”
Hầu hết các binh lính Nga đó đã được điều động tới Kazakhstan khi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất kể từ khi đất nước Liên Xô cũ này giành được độc lập vào khoảng ba thập niên trước.
Ông Tokayev cho biết trong yêu cầu viện trợ của mình rằng hỗ trợ quân sự là cần thiết để giúp vượt qua “mối đe dọa khủng bố”. Cho đến nay, cảnh sát Kazakhstan đã giam giữ hơn 9,000 người trong tình trạng bất ổn khiến 164 người chính thức thiệt mạng, Bộ Nội vụ nước này báo cáo.
Theo các báo cáo chưa được xác nhận trên các trang mạng xã hội như Twitter, số người thiệt mạng thực tế cao hơn nhiều, vì các lực lượng chính phủ thực hiện mệnh lệnh của ông Tokayev là “bắn chết, không cần cảnh báo.”
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc, bắt đầu vào ngày 02/01 tại thành phố Zhanaozen ở vùng Mangistau của Kazakhstan, khởi đầu bằng phản ứng với việc tăng trần giá khí propan từ mức giá 60 tenge (14 xu) của năm 2021 lên 120 tenge (27 xu).
Hôm thứ Ba, ông Tokayev đã bổ nhiệm một thủ tướng mới, ông Alikhan Smailov, để “phát triển một khuôn khổ hành động của chính phủ cho năm 2022 trong vòng ba tuần.”
Chính phủ Kazakhstan đã bãi nhiệm vào tuần trước, được coi là một trong nhiều hành động nhượng bộ nhằm mục đích xoa dịu những người biểu tình, cùng với mức giới hạn 180 ngày đối với giá nhiên liệu và việc loại bỏ ông Nursultan Nazarbayev, cựu lãnh đạo lâu năm của đất nước, khỏi vị trí có ảnh hưởng của ông với tư cách là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia.
Ông Nazarbayev từ chức tổng thống hồi tháng 03/2019 sau 30 năm làm lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát đối với đảng cầm quyền Nur Otan cho đến ngày 02/12/2021.
Từ NTD News
Bản tin có sự đóng góp của Victoria Kelly-Clark và The Associated Press
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: