Tổng thống Biden và Tổng thống Putin rời Geneva sau Hội nghị thượng đỉnh
Tổng thống (TT) Joe Biden đang ở trên chuyên cơ Air Force One và trên đường trở về Hoa Thịnh Đốn sau cuộc họp hôm thứ Tư (16/06) tại một biệt thự ven hồ có từ thế kỷ 18 ở Thụy Sĩ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi hành đi Moscow trên phi cơ của mình cùng thời điểm chuyên cơ Air Force One cất cánh.
Cả hai nhà lãnh đạo đã bay khỏi Thụy Sĩ sau khi tổ chức các cuộc họp báo cá nhân và cuộc họp giữa hai bên kéo dài hơn ba giờ.
An ninh đã được thắt chặt và khả năng tiếp cận các khu vực xung quanh địa điểm tổ chức hội nghị là cực kỳ hạn chế.
Đôi bên đã gặp nhau trong gần bốn giờ vào thứ Tư (16/06), trong một phiên họp nhỏ ban đầu và sau đó trong một cuộc họp lớn hơn được mở rộng bao gồm cả nhiều quan chức hơn từ hai phía và kéo dài khoảng 65 phút.
TT Biden gọi đây là cuộc thảo luận giữa “hai cường quốc” và nói rằng “gặp gỡ trực tiếp bao giờ cũng tốt hơn.” Ông Putin nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ “hiệu quả.”
Tổng thống Biden đưa ra khả năng trao đổi tù nhân với Nga
Ông Biden nói sau cuộc gặp với ông Putin rằng ông “sẽ không thôi quan tâm” đến tình cảnh của hai người Mỹ bị giam giữ ở Nga.
Nói chuyện với các phóng viên, ông Biden nói rằng ông đã nêu lên việc bỏ tù hai công dân Paul Whelan và Trevor Reed trong cuộc gặp với ông Putin.
Trình bày với các phóng viên sau cuộc họp ở Geneva, ông Biden cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về việc đó. Tôi sẽ theo đến hết cuộc thảo luận đó.”
Ông Putin đã mở đường cho các cuộc thảo luận có thể diễn ra về việc trao đổi tù nhân với Hoa Kỳ để trả tự do cho những người Mỹ này và cho biết những cuộc thảo luận này sẽ còn tiếp diễn. Hoa Kỳ đã không bình luận ngay tức thì về những gì ông Putin thể hiện trong cuộc thảo luận này.
Ông Biden tầm cầu các cuộc hội đàm để hạn chế các mục tiêu tấn công mạng
TT Biden cho biết ông và ông Putin đã đồng ý thảo luận thêm về việc giữ cho một số loại cơ sở hạ tầng quan trọng nhất định khỏi bị tấn công mạng. Ông Biden cũng cho biết họ sẽ có các cuộc đàm phán bổ sung về việc truy quét tội phạm thực hiện các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware).
Ông Biden nói với các phóng viên tại Geneva rằng 16 loại cơ sở hạ tầng quan trọng nên được giới hạn khỏi các cuộc tấn công mạng, “theo chu kỳ.” Ông cho biết điều này bao gồm cả lĩnh vực năng lượng và nước.
Hành động này xảy đến sau một cuộc tấn công ransomware hồi tháng Năm nhằm vào một trong những nhà vận hành đường ống lớn nhất ở Hoa Kỳ, [khiến công ty] đã buộc phải ngừng cung cấp nhiên liệu cho phần lớn Bờ Đông trong gần một tuần. Vụ tấn công đó được đổ lỗi cho một băng nhóm tội phạm người Nga. Nga đã không hợp tác với các cuộc điều tra tội phạm về mã độc tống tiền (ransomware) và đã không dẫn độ các nghi phạm sang Mỹ.
Thảo luận về ‘Các biện pháp kiểm soát vũ khí’
TT Biden cho biết ông và ông Putin đã thảo luận chi tiết về “các bước tiếp theo mà các quốc gia của chúng ta nên thực hiện trong các biện pháp kiểm soát vũ khí” để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh.
Tại một cuộc họp báo, TT Biden cho biết điều này có nghĩa là các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự của cả hai nước sẽ gặp nhau cho điều mà ông gọi là “đối thoại ổn định chiến lược” nhằm tạo cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Ông không cho biết khi nào cuộc đàm phán này sẽ bắt đầu. Mục đích là tìm ra cách tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận kiểm soát vũ khí nhằm nối tiếp hiệp ước New START được ấn định sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
Ông Biden nhấn mạnh vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với ông Putin
TT Biden nói rằng ông đã nhấn mạnh các vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với ông Putin. Điều đó bao gồm cả trường hợp của hai người Mỹ mà ông Biden nói là “bị bỏ tù oan” ở Nga.
TT Biden cũng cho biết ông sẽ tiếp tục nêu lên mối lo ngại về những trường hợp như ông Alexei Navalny, lãnh đạo người Nga của phe đối lập với ông Putin đã bị bỏ tù.
Ông Biden cho biết thêm rằng ông sẽ không ngừng nêu ra những lo ngại về các vấn đề “các quyền cơ bản của con người bởi vì đó là những gì chúng ta [Hoa Kỳ] đang có được.”
Nga, Hoa Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh mạng
TT Putin nói rằng ông và ông Biden đã đồng ý rằng hai quốc gia của họ sẽ bắt đầu tham vấn về an ninh mạng.
Sau cuộc gặp với ông Biden tại Geneva, ông Putin nói: “Chúng tôi tin rằng an ninh mạng là quan trọng đối với thế giới nói chung, đối với Hoa Kỳ nói riêng và đối với cả Nga nữa.”
Tổng thống Nga nói rằng hai nước “chỉ cần bỏ đi những lời bóng gió khác nhau, ngồi lại ở cấp chuyên gia và bắt đầu làm việc vì lợi ích của Hoa Kỳ và Nga.”
TT Putin nói rằng “hầu hết các cuộc tấn công mạng trên thế giới đều được thực hiện từ phạm vi mạng lưới của Hoa Kỳ,” cùng với Canada và Anh Quốc đứng vị trí thứ hai và thứ ba.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lớn nhất được ghi nhận bởi Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu được quy cho cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga, bao gồm cả virus NotPetya đã gây thiệt hại kinh tế hơn 10 tỷ USD vào năm 2017, đã tấn công các công ty bao gồm cả hãng vận tải khổng lồ Maersk, công ty dược phẩm Merck và công ty thực phẩm Mondolez.
Trong khi Hoa Kỳ, Canada và Anh đều tham gia vào hoạt động gián điệp mạng, thì các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại nhất được ghi nhận lại đến từ các tin tặc Nga được nhà nước hậu thuẫn hoặc những tên tội phạm ransomware nói tiếng Nga hoạt động ở Nga và các quốc gia đồng minh mà không bị trừng phạt.
Tổng thống Putin tuyên bố bản án tù là xứng đáng với Navalny
Ông Putin nói rằng lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã nhận được những gì xứng đáng khi lĩnh án tù.
Ông Navalny, địch thủ chính trị nổi tiếng nhất của ông Putin, đã bị bắt hồi tháng Giêng khi trở về từ Đức, nơi ông đã dành 5 tháng để hồi phục sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh mà ông đã đổ lỗi cho Điện Kremlin thực hiện—một cáo buộc mà các quan chức Nga đã bác bỏ. Vào tháng Hai, Navalny đã bị tuyên án hai năm rưỡi án tù vì vi phạm các điều khoản của án treo từ một cáo buộc tham ô năm 2014 mà ông đã bác bỏ vì mang động cơ chính trị.
Trình bày sau hội nghị thượng đỉnh với TT Biden tại Geneva, TT Putin cho biết ông Navalny đã nhận hình phạt thích đáng vì vi phạm các điều khoản quản chế, đồng thời nói thêm rằng ông Navalny vốn đã ý thức được mình sẽ phải đối mặt với án tù khi trở về Nga.
“Ông ta đã cố tình trở về để bị bắt,” ông Putin nói, giữ thói quen không nhắc đến tên ông Navalny.
Tuần trước, một tòa án ở Moscow đã cấm các tổ chức do ông Navalny thành lập bằng cách dán nhãn cho họ là cực đoan, hành động mới nhất trong chiến dịch bịt miệng những người bất đồng chính kiến và ngăn cấm những người chỉ trích Điện Kremlin tham gia tranh cử vào quốc hội trong tháng Chín tới.
TT Biden và TT Putin thiết lập ‘tham vấn’ về Hiệp ước Nguyên tử cập nhật
TT Putin nói rằng [đôi bên] đã đạt được một thỏa thuận để tiến hành các cuộc hội đàm Hoa Kỳ-Nga về việc hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử.
Ông Putin cho biết hai bên đã đồng ý rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Nga sẽ thảo luận chi tiết về các cuộc đàm phán này.
Từ lâu, Nga đã kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán ổn định chiến lược để có khả năng thay thế Hiệp ước New START về hạn chế vũ khí nguyên tử sau thời điểm [hiệp ước này] hết hiệu lực vào năm 2026.
Hoa Thịnh Đốn đã chấm dứt các cuộc đàm phán với Moscow vào năm 2014 để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea của Ukraine và sự can thiệp quân sự của nước này nhằm hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Các cuộc đàm phán sau đó đã được nối lại vào năm 2017 nhưng đạt được rất ít sự đồng thuận và đã không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn hiệp ước New START.
Ngay sau khi TT Biden nhậm chức vào tháng Giêng, đôi bên đã đồng ý gia hạn 5 năm của hiệp ước chỉ vài ngày trước khi hết hạn.
Moscow cho biết họ đã sẵn sàng đưa các vũ khí hủy diệt hàng loạt—chẳng hạn như phi cơ không người lái dưới nước chạy bằng năng lượng nguyên tử Poseidon và hỏa tiễn hành trình chạy bằng năng lượng nguyên tử Burevestnik-vào nội dung đàm phán với điều kiện Hoa Kỳ cũng đưa hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và vũ khí không gian vào bàn đàm phán.
Tổng thống Putin nói không có sự thù địch trong cuộc gặp với ông Biden
Ông Putin đã mô tả ngữ khí của các cuộc hội đàm với ông Biden là “mang tính xây dựng” và nói rằng không có sự thù địch nào trong các cuộc hội đàm này.
Nhận xét của ông được đưa ra tại một cuộc họp báo sau khi ông cùng ông Biden gặp nhau tại Geneva cho một hội nghị thượng đỉnh có tính quyết định trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Điện Kremlin.
“Chúng tôi đã có sự đánh giá về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng theo quan điểm của tôi, cả hai bên đều thể hiện mong muốn thấu hiểu lẫn nhau và tìm cách để gắn kết chúng tôi chặt chẽ hơn,” ông Putin nói.
“Cuộc đối thoại khá mang tính xây dựng,” ông nói thêm.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga và Hoa Kỳ sẽ đưa các đại sứ trở lại vị trí
TT Putin nói rằng ông cùng ông Biden đã đồng ý đưa các đại sứ của hai nước trở lại vị trí nhằm giảm căng thẳng.
Sự trở lại này của các đại sứ diễn ra sau một cuộc giằng co ngoại giao chứng kiến sự cắt giảm sâu sắc về nhân sự ngoại giao.
Đại sứ của Nga tại Hoa Kỳ, ông Anatoly Antonov, đã được triệu hồi từ Hoa Thịnh Đốn khoảng ba tháng trước sau khi ông Biden mô tả ông Putin là một kẻ sát nhân.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, ông John Sullivan, cũng đã rời Moscow gần hai tháng trước sau khi Nga đề nghị ông trở về Hoa Thịnh Đốn để tham vấn.
Cuộc họp mở ra với sự xô đẩy của các phóng viên
Hội nghị thượng đỉnh giữa TT Biden với TT Putin đã mở đầu với những phút xô đẩy và la hét dữ dội bất thường giữa các ký giả và lực lượng an ninh Hoa Kỳ và Nga.
Các nhà tổ chức tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư (16/06) ở Geneva đã mở phòng họp cho các ký giả theo lệ thường dành vài phút quay phim trên các phương tiện truyền thông tin tức và đưa ra các câu hỏi trước khi bắt đầu hội đàm.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư (16/06), các lực lượng an ninh và quan chức của Nga và Hoa Kỳ ngay từ đầu đã chặn các ký giả khi họ cố gắng vào địa điểm để tác nghiệp.
Cảnh tượng sau đó biến thành những phút hỗn loạn bên trong phòng họp.
Các ký giả Mỹ mô tả an ninh Nga và các phương tiện truyền thông tin tức đã túm lấy tay và quần áo của họ để cố gắng giữ họ lại. Các ký giả Hoa Kỳ đã cố gắng vượt qua, và một phóng viên Hoa Kỳ đã bị ngã xuống đất.
Trước khi hiện trường lắng xuống, một số người trong đám đông hét lên rằng họ đang bị đè bẹp trong cuộc hỗn chiến.
TT Biden đã gật đầu khi một phóng viên hỏi liệu ông Putin có thể đáng tin cậy hay không, nhưng Tòa Bạch Ốc nhanh chóng gửi một dòng tweet khẳng định rằng tổng thống “rõ ràng là không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, mà hành động gật đầu là để xác nhận với báo chí nói chung.”
TT Putin đã phớt lờ những câu hỏi la hét của các phóng viên, bao gồm cả việc liệu ông có lo sợ việc lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny bị bỏ tù hay không.
Hai nhà lãnh đạo đã bắt tay—ông Biden đưa tay ra trước và mỉm cười với nhà lãnh đạo Nga nghiêm khắc—ngay sau khi cả hai chụp ảnh với Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin, người đã chào đón họ đến Thụy Sĩ để tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Do The Associated Press thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: