Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đàm phán về vấn đề Đài Loan
Hôm thứ Ba (05/10), Tổng thống (TT) Joe Biden nói với các phóng viên trong một cuộc điện đàm rằng, ông và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tuân thủ “thỏa thuận Đài Loan.”
TT Biden đã đưa ra tuyên bố sau những ngày khiêu khích từ chế độ Trung Quốc, vốn đã điều động hàng chục chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
TT Biden cho biết, “Tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đều đồng ý. Chúng tôi sẽ tuân theo thỏa thuận Đài Loan. Đó là cách chúng tôi giải quyết và tôi đã nói rõ rằng tôi không nghĩ ông ấy nên làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận này.”
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này có thể có những cách diễn giải khác nhau về điều gì tạo ra “thỏa thuận” đó. Đối với TT Biden, ông dường như đang đề cập đến “chính sách một Trung Quốc” kéo dài hàng thập niên của Hoa Thịnh Đốn, vốn khẳng định rằng chỉ có một duy nhất quốc gia có chủ quyền với tên gọi là “Trung Quốc.”
Ngược lại, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng dựa trên “nguyên tắc một Trung Quốc” của riêng mình, theo đó Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Chế độ Trung Quốc có một lý lịch theo dõi nổi tiếng trong việc yêu sách các chính phủ khác áp dụng nguyên tắc của họ đối với Đài Loan, vốn là điều Hoa Kỳ không chấp nhận.
Hoa Kỳ hiện không phải là một đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan, kể từ khi Hoa Thịnh Đốn thay đổi công nhận ngoại giao ủng hộ Bắc Kinh của mình vào năm 1979. Kể từ đó, Hoa Kỳ vẫn duy trì mối liên hệ phi ngoại giao với Đài Loan dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA). Đạo luật này cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các thiết bị quân sự để hòn đảo này [có thể] tự vệ.
Cuộc điện đàm trên được đưa ra trong bối cảnh chế độ Trung Quốc đang tăng cường gây hấn quân sự đối với hòn đảo dân chủ mà họ tuyên bố là của riêng mình. Bắc Kinh đã điều 56 chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 04/10, đây là con số lớn nhất được ghi nhận. Chỉ trong bốn ngày đã xảy ra các vụ khiêu khích với sự tham gia của gần 150 phi cơ quân sự.
Các cuộc xâm nhập hôm thứ Hai (04/10) đã xảy ra bất chấp việc Hoa Kỳ đã lên án và yêu cầu ngừng các hoạt động này một ngày trước đó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố hôm 03/10, “Hoa Kỳ rất lo ngại về hoạt động quân sự khiêu khích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần Đài Loan, vốn đang làm mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai và làm xói mòn hòa bình và ổn định của khu vực.”
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh phải ngừng [các hoạt động gây] áp lực và cưỡng bách về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan.”
Bắc Kinh đã đáp trả những lời chỉ trích ngày càng tăng hôm thứ Hai bằng cách cảnh báo Hoa Thịnh Đốn về việc bán vũ khí của họ cho Đài Loan và việc các chiến hạm của Hoa Kỳ đi qua Eo biển Đài Loan sẽ làm ảnh hưởng đến mối bang giao song phương.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) cũng đã cảnh báo trong một bài luận được đăng hôm 05/10 rằng sẽ có hậu quả “thảm khốc” đối với hòa bình và nền dân chủ trong khu vực nếu Đài Loan rơi vào tay ĐCSTQ.
Bà Thái viết như sau: “Đài Loan đang nằm trên chiến tuyến của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa chuyên chế, và nói thêm rằng đất nước này không muốn tầm cầu chiến tranh và chỉ mong đợi sự “chung sống hòa bình, ổn định, có thể đoán trước và đôi bên cùng có lợi với các nước láng giềng của mình.”
Bà Thái tuyên bố, “Nhưng nếu như nền dân chủ và cách sống của chúng tôi bị đe dọa, thì Đài Loan sẽ tự vệ bằng mọi giá.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và thề sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Đạo luật Quan hệ Đài Loan quy định rằng tương lai của Đài Loan phải được xác định bằng các biện pháp hòa bình.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao để làm rõ thêm về các bình luận của Tổng thống Biden.
Anh Ivan đã đưa tin cho The Epoch Times về nhiều chủ đề khác nhau kể từ năm 2011.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu, Frank Fang, Dorothy Li, và Katabella Roberts
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: