Tổng thống Biden và Chủ tịch EU ra tuyên bố chung về an ninh năng lượng
Hôm thứ Sáu (28/01), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ra một tuyên bố chung với Chủ tịch Liên minh Âu Châu (EU) Ursula von der Leyen để thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp năng lượng cho Âu Châu, vốn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt tự nhiên từ Nga.
Tuyên bố được công bố hôm 28/01 thông báo một cam kết chung về “sự hội nhập đang ngày càng phát triển của Ukraine vào thị trường khí đốt và điện của EU”. Tuyên bố này cũng tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu giảm phát thải carbon của Hiệp định Khí hậu Paris, mô tả các nỗ lực nhằm tránh “các tác động tiêu cực đến nguồn cung” nếu Nga xâm lược Ukraine, và kêu gọi tất cả các nước sản xuất năng lượng lớn giúp bảo đảm thị trường năng lượng thế giới ổn định và được cung ứng đầy đủ.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến những lo ngại về sự phụ thuộc của Âu Châu vào khí đốt của Nga. Nga đã tập trung hàng chục ngàn binh sĩ dọc theo biên giới với Ukraine, cũng như ở Bán đảo Crimea bị Nga xâm chiếm và Belarus.
Nga đã phủ nhận rằng họ đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược và chỉ ra phản ứng của phương Tây như một bằng chứng cho thấy Nga là mục tiêu chứ không phải kẻ chủ mưu gây hấn.
Và tại một cuộc họp báo ở Kyiv hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà lãnh đạo phương Tây giảm bớt những luận điệu cho rằng một cuộc xâm lược của Nga sẽ xảy ra ngay lập tức.
“Hình ảnh mà các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra là chúng tôi có quân đội trên các tuyến đường, chúng tôi huy động binh lính, người dân bỏ đi nơi khác. Điều đó không chính xác,” ông Zelensky nói. “Chúng tôi không cần sự hoảng loạn này.”
Ông Zelensky sau đó đã thừa nhận sự leo thang của Nga trong những tuần gần đây nhưng lưu ý “chúng ta đã nói về điều này trong tám năm nay rồi”.
Ông Zelensky nói thêm rằng việc bàn luận về chiến tranh đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ukraine.
Ông giải thích: “Tôi bắt đầu nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các nước và giải thích với họ rằng chúng tôi cần phải ổn định nền kinh tế. Họ đang nói ‘ngày mai chiến tranh sẽ xảy ra.’ Điều này đồng nghĩa với sự hoảng loạn. Cần phải làm dịu cơn hoảng loạn của thị trường trong lĩnh vực tài chính.”
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng việc Nga tập trung quân đội ở biên giới Ukraine cho thấy một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể xảy ra “bất cứ lúc nào”.
Hoa Kỳ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho EU, nhưng Âu Châu phụ thuộc vào Nga với khoảng một phần ba lượng khí đốt tự nhiên của mình.
Tuyên bố hôm thứ Sáu cho biết Hoa Kỳ và EU sẽ hợp tác để tìm kiếm nguồn cung cấp thêm khối lượng khí đốt tự nhiên cho Âu Châu từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu. Các chính phủ cho biết họ sẽ làm điều này trong khi tiếp tục “cho phép chuyển đổi sang phát thải ròng bằng không”.
Hoa Kỳ đã đàm phán với các nước và công ty sản xuất năng lượng lớn trên thế giới để thảo luận về khả năng chuyển hướng nguồn cung năng lượng sang Âu Châu nếu Nga xâm lược Ukraine, một quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden nói với các phóng viên hồi đầu tuần (24-30/01).
TT Biden đã nói, và các quan chức Bộ Quốc phòng đã xác nhận, rằng Hoa Kỳ không có ý định điều quân đến Ukraine. Hồi đầu tuần, Hoa Kỳ đã bố trí 8,500 quân ở trạng thái “sẵn sàng điều động” nếu cần để hỗ trợ các nước Đông NATO.
Hoa Kỳ đã đe dọa rằng họ sẽ phối hợp với các đồng minh ở Âu Châu để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine hơn nữa.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể ảnh hưởng đến các dòng khí đốt qua các đường ống như Yamal-Europe, Nord Stream 1, và TurkStream.
Nord Stream 2 đang chờ được chấp thuận trước khi đưa thêm khí đốt của Nga sang Đức. Đức đã làm chậm quá trình chấp thuận và các quan chức Hoa Kỳ cho biết khí đốt có khả năng sẽ không chảy qua Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine.
Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: