Tổng thống Biden nên chuyển thuế quan hàng Trung Quốc từ nhà nhập cảng Hoa Kỳ sang nhà xuất cảng Trung Quốc
Hôm 19/07, The Epoch Times đã đăng một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tiến sĩ Peter Navarro, một nhà kinh tế học và là một trong những kiến trúc sư chính của Tổng thống (TT) Donald Trump về gói thuế quan đối với lượng hàng hóa xuất cảng trị giá 360 tỷ USD của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Tiến sĩ Navarro viết: “Trong một thế giới thương mại bất bình đẳng, thuế quan là một công cụ thiết yếu để tạo sân chơi công bằng cho người lao động và các nhà sản xuất Hoa Kỳ cạnh tranh chống lại mọi hành vi gian lận thương mại và bóc lột lao động. Chính phủ TT Trump đã cứu ngành công nghiệp thép và nhôm của Hoa Kỳ bằng các mức thuế bảo vệ trước việc bán phá giá ồ ạt và bất công.”
Thuế quan rất quan trọng để bảo vệ cơ sở công nghiệp và công nghệ của Hoa Kỳ khỏi các hành vi thao túng thị trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ TT Biden đang có ý hủy bỏ chính sách thuế quan của TT Trump đối với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết hôm 16/07 rằng, “Quan điểm cá nhân của tôi là các loại thuế quan đã không được áp dụng phù hợp đối với Trung Quốc theo cách chú ý đến những chỗ có vấn đề và lợi ích của Hoa Kỳ là gì.” Bà tiếp tục nói, “Thuế quan là thuế đánh vào người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, đối với tôi, dường như những gì chúng ta đã làm gây tổn thương cho người tiêu dùng Hoa Kỳ, và kiểu thỏa thuận mà chính phủ tiền nhiệm đã đàm phán thực sự không giải quyết được nhiều vấn đề căn bản mà chúng ta gặp phải với Trung Quốc theo nhiều phương diện.”
Bộ trưởng Yellen trên thực tế đã sai khi nói rằng “Thuế quan là thuế đánh vào người tiêu dùng.” Trên thực tế, thuế quan áp lên hàng Trung Quốc có xu hướng do các nhà nhập cảng Hoa Kỳ chịu phần lớn. Các nhà nhập cảng thường cố gắng giảm bớt gánh nặng tăng giá do thuế quan ngược lại vào chuỗi cung ứng của mình, trong trường hợp này bao gồm cả các nhà xuất cảng Trung Quốc. Tùy thuộc vào loại hàng hóa nhập cảng, nó cũng có thể bao gồm các nhà phân phối và các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ ở cuối chuỗi cung ứng. Hiếm khi nó bao gồm cả người tiêu dùng Hoa Kỳ, vì nhà nhập cảng, nhà phân phối, và nhà bán lẻ cố gắng không tự định giá ngoài mức của thị trường. Bà Yellen gọi một cách không chính xác những cuộc thương lượng về giá này, từ thượng nguồn đến hạ nguồn của chuỗi cung ứng, là “thuế đánh vào người tiêu dùng.”
Một cách tiếp cận hữu ích hơn đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chịu gánh nặng của thuế quan hàng Trung Quốc, có lẽ là ủng hộ một sắc lệnh của tổng thống nhằm chuyển thuế quan lên phía nhà xuất cảng Trung Quốc. Điều này sẽ cải thiện vị trí đàm phán của nhà nhập cảng, nhà phân phối, và nhà bán lẻ Hoa Kỳ, do đó mang lại lợi ích cho tất cả họ, cũng như cuối cùng nâng cao vị thế của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Bản thân người tiêu dùng có thể từ chối các sản phẩm có giá cao hơn do bị đánh thuế, tạo áp lực buộc các nhà bán lẻ, nhà phân phối, nhà nhập cảng của Hoa Kỳ, và nhà xuất cảng Trung Quốc phải giảm chi phí. Khi họ từ chối [các sản phẩm] như vậy, ít nhất một số người tiêu dùng thay vì [mua hàng của Trung Quốc] sẽ mua hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất. Sau đó, các nhà sản xuất Hoa Kỳ mở rộng sản xuất, tạo ra công ăn việc làm và một hệ sinh thái công nghiệp và sản xuất lành mạnh hơn, điều vốn quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, gồm cả trong trường hợp khẩn cấp khi gặp khó khăn trong việc mua hàng từ ngoại quốc.
“Bà Bộ trưởng Yellen có thể hiểu lầm mục tiêu chiến lược của Chính phủ TT Trump trong việc xây dựng không chỉ hệ thuế quan đối với Trung Quốc, mà còn là cách tiếp cận để bảo vệ ngành công nghiệp Hoa Kỳ nói chung,” ông Alex Gray, thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ và là cựu chánh văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia viết. “Như đã nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Sắc lệnh 13806 của TT Trump, chính phủ TT Trump đã coi việc bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng đối với an ninh quốc gia và năng lực quân sự của Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh như một ưu tiên chính. Một cách có hệ thống, Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực then chốt của Hoa Kỳ, quan trọng đối với an ninh kinh tế và an ninh của chúng ta trong hai thập kỷ qua, và chính phủ TT Trump đã thực hiện một chiến lược toàn diện, bao gồm một nghị trình thương mại mạnh mẽ, để giải quyết thách thức đó.”
Phản ứng của ông Navarro, được The Epoch Times đăng hôm 19/07, đã bao hàm những thiếu sót chính trong phân tích của bà Yellen, và đã giải thích tầm quan trọng của chiến lược thuế quan với Trung Quốc. Tuy nhiên, còn nhiều điều phải nói về cách làm cho các mức thuế hiện hành vững mạnh hơn và hiệu quả hơn. Đặc biệt, TT Biden cần cấp thiết chuyển dịch gánh nặng thanh toán thuế quan ban đầu từ các nhà nhập cảng Hoa Kỳ sang các nhà xuất cảng Trung Quốc.
Bà Nazak Nikakhtar, cựu Bộ trưởng Công nghiệp và An ninh, viết trong một email: “Nếu Bộ trưởng Yellen và các đồng nghiệp của bà ấy thực sự muốn giúp đỡ người dân Hoa Kỳ, họ nên chuyển trách nhiệm thanh toán thuế quan cho các doanh nghiệp Trung Quốc hơn là các doanh nghiệp Hoa Kỳ.”
Cơ sở pháp lý đằng sau hầu hết các chính sách thuế quan với Trung Quốc là việc thu hồi tới 600 tỷ USD hàng năm từ hành vi Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của Hoa Kỳ. Cơ sở [của chính sách] này sử dụng mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.
Bà Nikakhtar viết: “Về căn bản, điều này hoàn toàn không hợp lý, khi một mặt trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc vì hành vi trộm cắp IP, còn mặt khác lại buộc các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải trả giá cho hành động sai trái của Trung Quốc. Tổng thống có đủ thẩm quyền để chuyển trách nhiệm thanh toán thuế quan cho phía Trung Quốc, và quyền hạn này cần phải được thực thi.”
Ông Aris Kourkoumelis, cựu Cố vấn cao cấp tại Bộ Thương mại, đã viết, “Trách nhiệm cuối cùng đối với hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ theo mục 301 chính sách thuế quan do nhà nhập cảng trên hồ sơ (chủ yếu là các công ty Hoa Kỳ) chịu. Trên thực tế, [trách nhiệm pháp lý] này ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế thương lượng của nhà nhập cảng trong nước bởi [nó] yêu cầu nhà nhập cảng chịu chi phí, hoặc, có một cách thay thế, là chuyển gánh nặng đó cho nhà xuất cảng Trung Quốc. Có vẻ như hoàn toàn trái ngược với luật của Hoa Kỳ, vốn được ban hành để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, [lại đi] buộc các công ty trong nước phải chịu trách nhiệm cuối cùng về thuế quan. Chúng ta nên luôn hướng tới mục tiêu tối đa hóa vị thế thương lượng của các công ty Hoa Kỳ – mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tại hạ nguồn [cung cấp sản phẩm] cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.”
Bà Nikakhtar viết trong một email rằng, “Tuyên bố của Bộ trưởng Yellen rằng thuế quan hàng Trung Quốc gây tổn hại cho người tiêu dùng Hoa Kỳ đã lạc khỏi vấn đề chính. Thuế quan được áp đặt để giải quyết vấn đề trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, vốn đã làm tổn hại Hoa Kỳ do gây mất việc làm và giảm lương, [là những thứ có tác động] lớn hơn nhiều so với tác động tạm thời của loại thuế quan này. Hơn nữa, quan điểm cho rằng các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc sẽ ngăn chặn hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi thao túng khác của họ là vô lý. Chúng ta có bằng chứng nhiều năm chứng minh rằng chính phủ Trung Quốc không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của họ và không bao giờ có ý định làm như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại vẫn theo đuổi những chiến lược đã thất bại? Sự tiến triển không thể đạt được bằng cách rơi vào vòng luẩn quẩn.”
Bà nêu chi tiết những cách mà TT Biden có thể thúc đẩy nghị trình thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, sử dụng quyền hành pháp của mình để chuyển gánh nặng thuế quan trên hàng của Trung Quốc từ các nhà nhập cảng Hoa Kỳ sang các nhà xuất cảng Trung Quốc một cách hiệu quả hơn. “Luật pháp Hoa Kỳ nói chung là không quy định về việc tổ chức nào được yêu cầu trả thuế quan, cho dù đó là nhà xuất cảng ngoại quốc hay nhà nhập cảng Hoa Kỳ, để tùy các bên tham gia trong một giao dịch cụ thể tự quyết định. Sau khi áp các loại thuế quan đối với Trung Quốc theo Mục 301, nhiều ngành công nghiệp của Hoa Kỳ phàn nàn rằng các nhà xuất cảng Trung Quốc đang buộc họ phải trả thuế, và vì Trung Quốc là nguồn cung cấp duy nhất cho nhiều mặt hàng nhập cảng này, nên các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ không còn cách nào khác là phải trả khoản thuế đó. Việc chuyển trách nhiệm trả thuế quan theo quy định pháp luật sẽ thay đổi được điều đó” và “cũng có thể giảm bớt các trường hợp vi phạm thuế quan do khai báo nhập cảng sai lệch.”
Bà Nikakhtar nói thêm rằng, “Nếu Trung Quốc muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, thì việc yêu cầu họ trả thuế và bồi thường cho Hoa Kỳ vì hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ tràn lan kéo dài nhiều thập kỷ của họ là có lý. Chính phủ, đặc biệt thông qua thẩm quyền của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, có quyền lực rộng rãi theo Mục 301(b) và (c) của Đạo luật Thương mại năm 1974, đã được sửa đổi, để áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảng nhằm giải quyết và khắc phục những gánh nặng gây ra đối với thương mại Hoa Kỳ bởi các hành vi thương mại bất chính của các đối tác thương mại ngoại quốc. Điều này có thể được thực hiện thông qua một tuyên bố của tổng thống.”
TT Biden nên kiên định rằng nội các của ông cần làm nhiều hơn nữa để thực thi thuế quan đối với các nhà xuất cảng Trung Quốc, thay vì đối với các nhà nhập cảng chuẩn mực của Hoa Kỳ. Điều này này có ý nghĩa tốt, củng cố thuế quan, và cải thiện vị thế thương lượng của không chỉ của chính phủ Hoa Kỳ, mà còn của các nhà nhập cảng, các nhà phân phối, nhà bán lẻ, và người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập Trung Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: