Tổng thống Biden đọc diễn văn trong lễ tưởng niệm 21 năm sau các vụ tấn công ngày 11/09
Hôm Chủ nhật (11/09), Hoa Kỳ đánh dấu lễ tưởng niệm 21 năm sau sự kiện ngày 11/09/2001, các cuộc tấn công khiến gần 3,000 người thiệt mạng và đưa Hoa Kỳ dấn sâu vào cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên tại Afghanistan.
Sáng cùng ngày, Tổng thống (TT) Joe Biden đã đặt một vòng hoa tại tòa nhà Ngũ Giác Đài ở Arlington, Virginia.
“Ngày đó, bản thân Mỹ quốc đã thay đổi,” TT Biden đã nói với đám đông gần tòa nhà, trụ sở của Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. “Nhưng điều mà chúng ta sẽ không thay đổi, và sẽ không bao giờ thay đổi, chính là chí khí của quốc gia này mà kẻ khủng bố nghĩ rằng chúng có thể làm tổn thương.”
“Chúng ta lấy lại ánh sáng bằng cách giúp đỡ lẫn nhau, và tìm thấy một thứ thật hiếm hoi: một ý thức đoàn kết quốc gia thực sự,” ông Biden nói thêm, mặc dù việc này xảy ra chỉ hơn một tuần sau khi ông phỉ báng hàng chục triệu người ủng hộ cựu TT Trump qua một bài diễn văn mang tính phân cực. “Đối với tôi, đó là bài học giáo huấn lớn nhất của vụ 11/09.”
Một hồi chuông và một khoảnh khắc mặc niệm đã bắt đầu lễ tưởng niệm ngay tại hiện trường ở New York, nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng phi cơ bị cướp vào ngày 11/09/2001. Thân nhân của các nạn nhân và các vị chức sắc cũng đã tập hợp tại hai địa điểm tấn công khác, Ngũ Giác Đài và một cánh đồng ở Pennsylvania.
Hôm Chủ nhật (11/09), Đệ nhất phu nhân Jill Biden dự kiến sẽ nói chuyện tại Shanksville, Pennsylvania, nơi có một trong những chiếc phi cơ bị cướp đã rơi xuống sau khi hành khách và thành viên phi hành đoàn cố gắng xông vào buồng lái khi những kẻ không tặc hướng đến Hoa Thịnh Đốn. Những kẻ chủ mưu của Al-Qaeda bị cáo buộc đã chiếm quyền kiểm soát những phản lực cơ này để biến chúng thành các hỏa tiễn chở hành khách.
Phó TT Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff đã tham gia buổi lễ tại Đài tưởng niệm Quốc gia ngày 11/09 ở New York, nhưng theo truyền thống, không có nhân vật chính trị nào diễn thuyết tại buổi lễ tưởng niệm ở hiện trường này. Thay vào đó, sự kiện tập trung vào việc những thân nhân của nạn nhân xướng danh của những người đã khuất.
Hoa Kỳ đã trải qua một giai đoạn hiệp lực ngắn ngủi
Một số nhà bình luận và quan chức cho rằng sau hậu quả của vụ tấn công ngày 11/09, Hoa Kỳ đã trải qua một giai đoạn hiệp lực ngắn ngủi.
“Buổi sáng ngày này vào 21 năm trước, những kẻ khủng bố đã tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo vào quê hương của chúng ta và thay đổi tiến trình lịch sử Mỹ quốc,” Lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) trình bày trong một tuyên bố. “Mặc dù họ đã sát hại hàng ngàn người vô tội, nhưng họ đã không thể xé toạc những lý tưởng thiêng liêng của người dân Mỹ mà họ định tiêu diệt. Thay vào đó, trong những tháng năm sau các cuộc tấn công đó, người dân Mỹ đã tập hợp lại với nhau, ủng hộ các giá trị của chúng ta và khơi dậy sức mạnh quân sự của chúng ta.”
Thị trưởng đương thời Rudy Giuliani đã nhận được sự tán dương trên toàn quốc do cách mà ông giải quyết cuộc khủng hoảng cũng như khả năng lãnh đạo cứng rắn của ông.
Nhưng trong một cuộc họp báo hồi tuần trước (05-11/09), vị thị trưởng thuộc Đảng Cộng Hòa này đã tự hỏi liệu Hoa Kỳ có thể hiệp lực trở lại như quốc gia này đã từng như vậy sau khi các cuộc tấn công xảy ra, cũng nhắm vào tòa nhà Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn hay không. Một phi cơ khác đã rơi ở Shanksville, Pennsylvania.
“Với tất cả sự chia rẽ và tất cả sự hỗn loạn mà chúng ta gặp phải, liệu chúng ta có thể hiệp lực một lần nữa không?” ông Giuliani, người đại diện cho cựu Tổng thống Donald Trump sau cuộc bầu cử năm 2020, hỏi. “Đột nhiên, đất nước của chúng ta rơi vào vòng nguy hiểm chí mạng. Và mọi thứ đã dừng lại và tất cả chúng ta quy tụ cùng nhau. Tôi nghĩ điều đó sẽ lại đến.”
Một người sống sót sau vụ khủng bố kể lại ông đã thoát khỏi một trong những tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi một chiếc phi cơ đâm vào mặt bên của tòa nhà.
“Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một trận động đất bởi vì tòa nhà dịch chuyển theo hướng này rồi lại lùi về hướng khác, và sau đó nó bắt đầu rung lắc,” ông David Paventi, người sống sót nói với hãng thông tấn Fox News Digital hồi cuối tuần trước. “Tôi bắt đầu chui xuống gầm bàn bởi vì tôi không muốn ánh sáng chiếu vào mình, nhưng mọi người nhanh chóng bắt đầu rời khỏi phòng.”
“Trong cầu thang, không có nhiều người từ trên lầu chạy xuống,” ông Paventi nhớ lại và nói thêm rằng điều đó “cho quý vị biết điều gì đang diễn ra trên một vài dãy bậc thang ở trên.”
Khi tìm cách đi xuống cầu thang dài, ông nói rằng có một đám đông đang tụ tập.
“Chúng tôi ngồi đó đôi chút, và nhìn nhau suy nghĩ, chúng tôi có nên thử đi qua một cầu thang khác không?” ông Paventi nói về nhóm người này, khi cho biết thêm rằng “có một điểm khi mọi người dạt sang để lính cứu hỏa có thể chạy lên. Tại đây, tất cả chúng tôi đã cố gắng thoát ra ngoài và tất cả những người lính cứu hỏa này đều mang theo đầy đủ đồ nghề, mang theo cả vòi xịt.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times