Tín ngưỡng là mối đe dọa đối với chủ nghĩa độc tài
Vì là một người đam mê đọc sách, tôi quyết định đọc cuốn hồi ký nổi tiếng của cô Jennifer Zeng (tên thật là Tăng Tranh) có nhan đề, “Nhân chứng Lịch sử: Một người phụ nữ Chiến đấu cho Tự do và Pháp Luân Công.”
Tác phẩm này được xuất bản vào năm 2005, là cuốn hồi ký nổi tiếng của một học viên Pháp Luân Công, người đã bị giam cầm trong một trại cải tạo lao động ở Trung Quốc, bị tra tấn, và làm nhục cho đến khi cô ấy được “cải tạo.”
Đó là một câu chuyện về sự kiên định, về đức tin, về cuộc bức hại, và về sự cứu độ, đồng thời là minh chứng cho sức mạnh trường tồn của đức tin, [của] chân, thiện, và nhẫn.
Nhưng quan trọng hơn cả, cuốn sách này như một lời cảnh tỉnh hết sức thực tại về cuộc đàn áp tôn giáo và lương tri ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới này. Chính vì thế, cuốn sách của cô Tăng đã nhận được rất nhiều lượt đánh giá.
Câu chuyện của cô Tăng đi sâu tìm hiểu nguyên do mà giới chức ĐCSTQ và chính phủ ở những nơi khác lại đàn áp các nhóm tôn giáo một cách tàn nhẫn và thô bạo chỉ vì họ thực hành đức tin của mình.
Trong trường hợp của Pháp Luân Công, cuộc bức hại này bao gồm việc cấm ngủ, lao động khổ sai, nhồi sọ, hành quyết, một cuộc sống bị giày vò trong trại cải tạo, thu hoạch nội tạng, v.v.
Tuy nhiên, việc đối xử với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc này không phải là một trường hợp cá biệt của cuộc đàn áp tôn giáo trên thế giới. Điển hình như tại Trung Quốc ngày nay, dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng đang phải hứng chịu phần nào sự đối xử tương tự.
Hơn nữa, cộng đồng tôn giáo Baha’i đã bị đàn áp trong một thời gian dài ở Iran và Yemen, nơi các thành viên của cộng đồng này phải nhận những bản án tù [có thời hạn] dài.
Gần đây hơn, các nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Indonesia đã bị phá hủy, thậm chí đôi khi còn có sự hỗ trợ ngầm của chính phủ. Còn tại Afghanistan, đã có các báo cáo về những người dân bị hành quyết chỉ vì họ lưu trữ Kinh thánh trên điện thoại của mình.
Vậy, vì lẽ nào một số quốc gia lại đàn áp các tôn giáo một cách tàn độc như vậy?
Đáp án cho câu hỏi này thật sự rất đáng lo ngại vì đó là sự thật. Nhà cầm quyền lo sợ rằng người dân sẽ tuân theo và thực hiện các chỉ dẫn từ một đấng quyền năng mà họ coi là cao hơn cả đảng cầm quyền.
Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã thế chỗ của Thần Phật một cách hiệu quả. Đảng này sẽ thẳng tay đàn áp bất kỳ tôn giáo, triết học hay hệ tư tưởng nào được xem là đang cạnh tranh với đảng này để lấy được lòng dân.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ làm bất cứ điều gì để giữ vững quyền lực và dập tắt hành động đi ngược lại với sự cai trị độc tài của họ, thậm chí ngay cả đối với một phong trào tôn giáo ôn hòa, bởi vì nhà cầm quyền này sợ các tư tưởng mà họ không thể kiểm soát hoặc không phát xuất từ đảng này.
Cuốn sách của cô Tăng cảnh tỉnh khán/độc giả rằng, ngày nay các quyền tự do tôn giáo đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Ngay cả ở những quốc gia như Úc, nơi hệ thống thông luật – bắt nguồn từ tôn giáo, các giá trị tôn giáo, và truyền thống – đang bị xói mòn, phá hủy, và trong bất kỳ trường hợp nào, đều bị cật vấn và tấn công nghiêm trọng.
Tín ngưỡng thường không ăn nhập với với làn sóng luật pháp mới nhằm mục đích thiết kế xã hội.
Những luật này ảnh hưởng đến cuộc đời của người ta, từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Những điều này bao gồm, cũng như liên quan đến việc chúng ta được sinh ra khi nào và như thế nào, hôn nhân được ấn định ra làm sao, và thậm chí bây giờ còn can thiệp cả vào cách mà chúng ta vĩnh biệt cõi đời.
Việc đối xử với Pháp Luân Công, vốn bị chính quyền Trung Quốc chụp mũ sai sự thật là “tà,” là một lời nhắn nhủ rằng chủ nghĩa toàn trị rất sợ tôn giáo.
Các quốc gia độc tài toàn trị sẽ ủng hộ Điều 1 của Tuyên ngôn Nhân văn II 1973 – một văn bản của phong trào nhân văn – trong đó nêu rõ, “các tôn giáo…truyền thống vốn đặt sự mặc khải, Thượng Đế, nghi lễ hoặc tín ngưỡng lên trên nhu cầu và kinh nghiệm của con người, tạo thành mối nguy hại cho nhân loại. Mọi lý giải về tự nhiên đều phải vượt qua các bài kiểm tra với bằng chứng khoa học; … Các giáo điều và sự huyền hoặc của những tôn giáo truyền thống không làm được điều đó.”
Việc đàn áp các tôn giáo cũng vi phạm luật pháp quốc tế. Có nhiều văn kiện nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ quyền tự do thực hành tin ngưỡng của một người ở chốn công cộng hay chốn riêng tư. Các văn kiện này là một nỗ lực để hệ thống hóa các quyền tự nhiên [của con người].
Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc quy định rằng, “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tri và tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và quyền tự do, ngay cả khi một mình hay trong một cộng đồng cùng với những người khác, cũng như ở chốn công cộng hay chốn riêng tư, để thể hiện niềm tin tôn giáo của mình trong việc truyền dạy, thực hành, thờ phượng và nghi lễ.”
Giáo sư Danh dự về Luật Harrop A. Freeman đã lập luận vào năm 1958 rằng, niềm tin tín ngưỡng và hành động là không thể tách rời nhau, ông nói, “tôn giáo vĩ đại không chỉ đơn thuần là vấn đề của niềm tin; đó là hành động” và một trong những “lời răn dạy nghiêm khắc nhất trong tôn giáo được dành cho những kẻ đạo đức giả, những người tin tưởng nhưng không thực hành.”
Có nhiều văn kiện quốc tế khác bảo vệ quyền tự do tôn giáo, trong đó có quyền kiên định tín ngưỡng tôn giáo và thực hành các tín ngưỡng này.
Điển hình như Tuyên bố Xóa bỏ Mọi Hình thức Không Khoan dung và Phân biệt Đối xử Dựa trên Tôn giáo và Tín ngưỡng đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 25/11/1981. Điều 3 của Tuyên bố này quy định rằng, “Phân biệt đối xử giữa con người trên cơ sở tôn giáo hoặc tín ngưỡng hình thành nên một sự xúc phạm đến phẩm giá con người và một sự phủ nhận các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và sẽ bị lên án là vi phạm các quyền con người và các quyền tự do căn bản.”
Hành động đàn áp tôn giáo này, dùng đúng ngôn từ của Tuyên bố năm 1981, chính là “một sự xúc phạm đến phẩm giá con người.”
Hành động đó không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế vốn bảo vệ tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng.
Tôn giáo cần phải được bảo vệ ở Trung Quốc và các quốc gia độc tài khác, đồng thời cũng cần được đánh giá lại ở các quốc gia Tây phương, trong đó có Úc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa luật tại Đại học Murdoch. Ông đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết về nguồn gốc của bệnh COVID-19, “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”), và gần đây đã xuất bản một truyện ngắn, “The Greedy Pros Inspector” (“Kẻ soi xét Điểm mạnh Tham lam”) trong Tuyển tập truyện ngắn, “The Outback” (“Vùng hẻo lánh”) (NXB Boolarong Press, 2021).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: