Tôi đã tìm thấy phương hướng sáng tác nghệ thuật của riêng mình!
Từ năm 1979 đến năm 1981, tôi học tại Học viện Mỹ thuật Quốc gia (nay là Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan), đây cũng là thời kỳ nghệ thuật hiện đại rất phong phú, là thời kỳ trung gian giữa nghệ thuật đương đại và truyền thống. Khi còn đi học, tôi cũng không dốc tâm học giỏi các kiến thức cơ bản chính thống.
Khi đó, những tác phẩm nghệ thuật hiện đại trưng bày ở các phòng tranh, nếu như không có nhà phê bình nghệ thuật giải thích, thì căn bản cũng không biết tác giả muốn biểu đạt cái gì; rất nhiều tác phẩm có đề mục đều ghi là “Vô đề”, muốn để người xem tự mình phát huy không gian tưởng tượng. Ở vào tình thế như vậy, bản thân tôi cũng chỉ có thể “nước chảy bèo trôi”, dần dần trôi theo quan niệm nghệ thuật hiện đại. Không hiểu cũng phải giả vờ hiểu, nếu không sẽ không theo kịp thời đại.
Từ năm 2003, tôi bắt đầu muốn tìm hiểu nghệ thuật cổ điển chính thống thực sự là gì. Vì vậy, liên tục mấy năm liền tôi đã cùng những người bạn thân học mỹ thuật đi Rome, Florence, Venice, Milan, Hy Lạp, Pháp, Hoa Kỳ, tham quan rất nhiều nhà bảo tàng và giáo đường, đồng thời tìm hiểu các tác phẩm văn hoá nghệ thuật thời kỳ phục hưng.
Nhìn thấy những thiết kế kiến trúc Tây phương hùng vĩ, những bức bích họa vẽ Thiên sứ, các vị Thần trên trần nhà, các giáo đường thần thánh với các tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ trọn vẹn của văn minh cổ Hy Lạp. Càng xem nhiều, tôi càng cảm thấy kiến thức mỹ thuật của mình quá nhỏ bé nghèo nàn, căn bản không hiểu rõ cái gì gọi là nghệ thuật cổ điển chính thống. Thì ra, những gì học trước đây đều đã bị quan niệm nghệ thuật hiện đại méo mó lừa dối, chỉ là đang phản lại truyền thống, truy cầu những thứ lập dị.
Tôi không khỏi suy nghĩ: Tại sao các họa sĩ thời xưa có thể vẽ được thế giới Thiên quốc trang nghiêm và những Thần tích thù thắng ở nhân gian như vậy? Chẳng lẽ là những họa sĩ này đã được Thần lựa chọn, họ có tín ngưỡng, tín Thần, cho nên mới có thể nhìn thấy Thiên quốc và thế giới của Thần triển hiện ra sao? Cảnh giới và tầng thứ của họ, thực sự khác biệt với chúng ta? Hay là bởi vì họ có sứ mệnh đặc biệt vẽ ra thế giới Thiên quốc, để người tin Thần có thể trở về Thiên quốc, người không tin Thần và người hành ác sẽ phải tiếp tục luân hồi hoặc bị đả nhập xuống Địa Ngục. Lựa chọn thiện ác phải chăng là khảo nghiệm chân chính đối với chính tín của con người?
Hoạ sĩ người Pháp Gustave Courbet từng nói: “Tôi sẽ không vẽ Thiên sứ, bởi vì tôi từ trước tới nay chưa từng nhìn thấy họ”. Vậy còn tôi? Tôi cũng chưa từng nhìn thấy Thiên sứ, chưa nhìn thấy Thần, thuyết vô thần cũng dần dần ảnh hưởng đến tôi. Trên thế giới thật sự có Thần tồn tại không? Con người hiện nay tại sao không vẽ được? Những câu hỏi này cứ quanh quẩn mãi trong đầu và quấy nhiễu tôi. Không đích thân tận mắt nhìn thấy, thì làm thế nào để thể hiện một bức tranh thần thánh vĩ đại như vậy?
Vào năm 2007 khi tham quan Bảo tàng Louvre, tôi nhìn thấy một vị hoạ sĩ ngồi bên cạnh pho tượng Molière thế kỷ 17, thần sắc chăm chú phác hoạ bức tượng bằng bút chì. Hình ảnh này rất xúc động lòng người, thế là tôi liền có cảm hứng để hoàn thành tác phẩm sơn dầu “Chuyên chú”. Toàn bộ quá trình vẽ cũng khá suôn sẻ, đặc biệt là khi tô vẽ chỉnh sửa những chỗ khó, tôi cảm nhận được một luồng sức mạnh thần kỳ, bất tri bất giác có thể vẽ xong tự lúc nào. Bức tranh hoàn thành cũng vô cùng kỳ diệu, trong bức họa này tổng cộng có ba cây bút, trên tay hoạ sĩ và pho tượng đều có một cây bút, còn một cây bút khác bạn phải tự đi tìm nhé!
Vào Năm 2009 khi tham gia “Cuộc thi tranh sơn dầu tả thực nhân vật cho người Hoa trên toàn thế giới” lần thứ 2 của Tân Đường Nhân tại New York, bức “Chuyên chú” của tôi đã nhận được giải Đồng.
Điều này đã khích lệ tôi rất nhiều, mang lại cho tôi sự tự tin và hướng đi đúng đắn hơn.
Phảng phất có một luồng năng lượng đánh vào không gian thâm sâu bên trong bộ não, tôi minh bạch được rằng chỉ có buông bỏ bản thân xuống mới có thể mở mang tầm mắt của chính mình. Tôi biết mình sẽ vẽ gì tiếp theo, đó là tác phẩm lớn số 100 – “Trở lại cung điện Versailles”.
Không gian hành lang của Cung điện Versailles có tầm nhìn rất sâu, hai bên trưng bày rất nhiều bức tượng các anh hùng hào kiệt của các niên đại xa xưa, chứng kiến sự thăng trầm giữa các triều đại và hưng suy của văn hóa lịch sử. Một chàng thanh niên 17 tuổi kia đứng trước một pho tượng, ngắm nhìn chăm chú, phải chăng ký ức ngàn năm của cậu đã được gợi lại. Những người trẻ tuổi thời nay đang lạc vào thế giới trò chơi điện tử trên mạng, quên đi lời thệ ước khi đến thế gian. Hy vọng khi đến tham quan Cung điện Versailles, những người mất đi phương hướng có thể tìm lại được chính mình.
Tác phẩm sơn dầu “Cha tôi” khi được trưng bày tại cuộc triển lãm cá nhân “Gặp gỡ chính là duyên” ở Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn tại Đài Bắc, đã có rất nhiều khán giả chạy tới nói với tôi rằng nhân vật trong bức tranh rất giống cha của họ. Bởi vì trong khoảnh khắc ngắm nhìn bức tranh khiến họ nhớ tới cha của mình, thậm chí có người còn rơi nước mắt. Lúc đó tôi càng hiểu hơn rằng, ngoài thủ pháp tả thực ra, nội hàm của tác phẩm đã truyền tải được tầm quan trọng của người cha đối với con cái và gia đình, tình thương sừng sững như núi của cha, hàm nghĩa sâu xa đó là càng phải coi trọng hơn.
Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2020, tôi liên tục tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở rất nhiều nơi. Năm 2016, tôi được mời đến triển lãm cá nhân ở Phòng trưng bày nghệ thuật Thừa Hy của Đại học Kinh doanh Quốc gia Đài Bắc trong một tháng. Trong thời gian này, khi tôi hướng dẫn thuyết minh cho 23 em học sinh của một lớp học tham quan thưởng thức tác phẩm, tôi đã hỏi: “Các em có biết vì sao Bảo tàng Louvre và Cung điện Versailles không bị phá hủy bởi đệ nhị thế chiến không?”.
Các em bắt đầu bàn tán, suy nghĩ, đưa ra đủ loại đáp án khác nhau. Có học sinh nói ra là Thần muốn nó được lưu lại. Chiến tranh tàn khốc vô tình, một khi giao tranh, các tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn rất có thể đều bị phá hủy triệt để. Nếu như không có Thần bảo hộ, con người tương lai sẽ không còn các tác phẩm nghệ thuật cổ điển chính thống để có thể học tập và tham khảo. Đôi khi tôi cũng thảo luận với các họa sĩ khác về nghệ thuật chính thống là gì? Thế nào là tác phẩm đẹp chân chính? Phải làm thế nào mới có thể vẽ ra tác phẩm đẹp?
Tôi rất thích vẽ hoa. Triển lãm cá nhân đầu tiên “Ngàn năm ước hẹn”, tôi đã lấy hoa sen làm chủ đề. Nếu hoa sen sinh trưởng ở nơi tịch mịch hoặc nơi cư dân thưa thớt, hình ảnh sẽ đặc biệt có linh khí và thuần tịnh. Nếu là hoa sen ở vườn thực vật hoặc công viên, vừa vẽ ra liền có một làn hương vị của thế tục. Khi vẽ hoa mẫu đơn, tôi cũng có loại cảm giác mãnh liệt này. Những bông hoa mẫu đơn của đền Nikko Toshogu, Nhật Bản được trồng trong một khu vườn yên tĩnh, chúng toát lên vẻ sang trọng và quý phái. Hoa mẫu đơn ở suối Sam Lâm (thành phố Cao Hùng, Đài Loan) được đặt trong nhà suốt thời gian triển lãm, cộng thêm tiếng ồn ào của khách tham quan, bởi vậy hoa mẫu đơn được vẽ ra có cảm giác rất gượng ép .
Hóa ra môi trường có ảnh hưởng tuyệt đối đến con người và thực vật. Lúc này tôi mới cảm nhận sâu sắc được tầm quan trọng khi tạo ra một tác phẩm thuần chính, thuần thiện và thuần mỹ. Bản thân là một người sáng tác, làm thế nào để vẽ ra những tác phẩm hay và mang đến ảnh hưởng tốt cho người xem? Chỉ khi nắm chắc những kỹ năng cơ bản, và không truy cầu danh, lợi, tình, không ngừng sửa đổi bản thân và tu bỏ những quan niệm xấu, thì mới có thể vẽ được những tác phẩm chân chính và thuần khiết.
Vào ngày 13/5/2015, trong cuộc diễu hành kỷ niệm 23 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền ra thế giới ở Manhattan, tôi đã nhìn thấy những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc khác nhau, cảm thấy tầm quan trọng của việc quay trở về với truyền thống. Trong vài năm trở lại đây, tôi đã sử dụng màu nước để vẽ các tác phẩm có trang phục truyền thống của các dân tộc, và tôi càng thấu hiểu rằng nền văn hóa của nhiều quốc gia đang dần mai một. Trong tình hình đại dịch đang hoành hành toàn cầu như hiện nay, việc tìm lại đạo đức truyền thống và những phong tục thiện lương của con người là điều vô cùng quan trọng.
Đoạn giảng Pháp này của Đại Sư Lý Hồng Chí đã cho tôi sự giác ngộ rất lớn:
“Kỳ thực đối với con người mà nói, nghệ thuật chính thống là theo đuổi sự hoàn mỹ chất lượng cao, không có giới hạn. Không gian của nghệ thuật chính thống là có hàm nghĩa vô cùng rộng lớn, bởi vì một tác phẩm hoàn hảo không chỉ trông rất thật, mà thực ra cũng gồm cả lịch duyệt nhân tính và tính cách của cá nhân bản thân tác giả. Trong đời tác giả đã từng tiếp xúc những gì, trong đời người là đã nắm vững tri thức và kỹ năng của môn học nào về các loại phương diện, thảy đều biểu hiện ra ở tác phẩm ấy. Do vậy cùng một thứ, nhưng trong tác phẩm thì biểu đạt của từng cá nhân đều khác nhau, bất kể là về sắc thái của màu sắc, hay thần thái cho đến trình độ làm chủ kỹ pháp. Vì trải nghiệm cuộc đời mỗi cá nhân là khác nhau, tính cách đặc điểm tác giả là khác nhau, nên khiến tác phẩm có sự khác biệt. Hơn nữa, điều cần biểu hiện là đại thiên thế giới và các sinh mệnh cảnh giới cao, hoặc thậm chí triển hiện ra cái mỹ hảo của chư Thần cũng như thế giới của Thần, thế nên ấy là con đường rộng lớn quang minh không giới hạn”.
(Trích từ “Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003]”)
Đây cũng là sứ mệnh của các họa sĩ chúng ta, dùng bút vẽ của chúng ta để hoàn thành tác phẩm chân chính thuần chân, thuần thiện, và quang minh tốt đẹp.
Tác giả: Họa sĩ Bắc Thúy
Vương Cận biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: