Tối cao Pháp viện viết lại Hiến Pháp như thế nào? (Phần 5)
Phần 5: Giết chết tự do kinh tế
Phần đầu tiên, thứ hai, thứ ba, và thứ tư của loạt bài này mô tả cách Hiến Pháp thành lập chính phủ liên bang tương đối nhỏ với quyền lực hạn chế và cách mà Thỏa thuận mới (New Deal) của Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thách thức kế hoạch đó. Ban đầu, Tối cao Pháp viện đã cố gắng dung hòa Thỏa thuận mới với Hiến Pháp. Tuy nhiên, trong những năm từ 1937 đến 1944, tòa án đã phá bỏ hầu hết các hạn chế của Hiến Pháp đối với quyền lực liên bang. Hai mục tiêu bị hủy hoại đầu tiên là giới hạn chi tiêu liên bang (1937) và quyền sở hữu đất đai liên bang (1938).
Phần này khám phá sự phá hủy mọi giới hạn của hiến pháp đối với thẩm quyền kinh tế của Quốc hội.
Quyền lực kinh tế của Quốc hội
Hiến Pháp đã trao cho Quốc hội những quyền kinh tế đáng kể, nhưng hạn chế. Những quyền hạn đó bao gồm việc thông qua “Luật đồng nhất về chủ đề Phá sản”, chính sách và kiểm soát tiền tệ, ấn định trọng lượng và các thước đo, thiết lập bưu điện, thiết lập “đường bưu điện” – nghĩa là, đường cao tốc liên thành phố – cấp bằng sáng chế và bản quyền, quản trị các vùng và lãnh thổ liên bang, và “quy định Thương mại với các Quốc gia ngoại quốc, giữa các một số tiểu bang và với các bộ lạc da đỏ” – điều khoản thương mại (Điều khoản I, Phần 8, Khoản 3).
Ngoài ra, điều khoản cần thiết và thích hợp (Điều I, Mục 8, Khoản 18) đã công nhận đặc quyền của Quốc hội trong việc thông qua luật “cần thiết và thích hợp” để thực hiện các quyền hạn khác.
Quyền lực Thương mại của Quốc hội
Việc mở rộng thẩm quyền kinh tế liên bang trong những năm từ 1937 đến 1944 có thể thực hiện được nhờ các quyết định của Tối cao Pháp viện viết lại hai điều khoản, phối hợp với nhau tạo nên Quyền lực Thương mại của Quốc hội: điều khoản thương mại và điều khoản cần thiết và phù hợp. Để hiểu cách tòa giải quyết những điều khoản này, trước tiên chúng ta phải hiểu ý nghĩa ban đầu của chúng.
Khi Hiến Pháp trao cho Quốc hội thẩm quyền “điều chỉnh Thương mại”, cụm từ này có nghĩa là phê duyệt luật mua bán sản phẩm và một số hoạt động truyền thống liên quan đến các hoạt động thương mại này, chẳng hạn như hệ thống định vị dẫn đường và bảo hiểm hàng hóa. “Thương mại” loại trừ một số hoạt động kinh tế khác, chẳng hạn như sản xuất (chế tạo, nông nghiệp và khai thác mỏ), giao dịch bất động sản và hầu hết các loại bảo hiểm. Nó cũng loại trừ các hoạt động phi kinh tế, chẳng hạn như tội ác do mê muội, hôn nhân và ly hôn, tôn giáo và đạo đức. Hiến Pháp để lại quyền giám sát tất cả các hoạt động đó cho các tiểu bang.
Điều khoản thương mại cũng hạn chế Quốc hội giám sát thương mại xuyên biên giới chính trị. Quốc hội có thể điều chỉnh việc bán giày của một nhà bán sỉ ở North Carolina cho một nhà bán lẻ ở New York. Nhưng chỉ chính quyền bang New York mới có thể giám sát việc bán hàng của một nhà bán lẻ ở New York cho người mua ở New York.
Những người đã viết và phê chuẩn Hiến Pháp đều hiểu rằng các hoạt động kinh tế và phi kinh tế đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu một người trồng lúa mì có một vụ mùa bội thu, thì sẽ ảnh hưởng đến giá lúa mì trong thương mại. Tương tự, giá lúa mì có thể ảnh hưởng đến quyết định mua thêm đất, kết hôn hoặc sinh con của người gieo trồng. Vào những năm 1930, những người theo phe cấp tiến thường tuyên bố rằng vì sự phụ thuộc lẫn nhau, chính phủ liên bang nên điều chỉnh mọi thứ hoặc ít nhất là tất cả các hoạt động kinh tế. Họ dường như nghĩ rằng những Nhà Sáng Lập không hiểu sự phụ thuộc lẫn nhau hoặc đó là một cái gì đó mới (ví dụ: xem trích dẫn từ Chánh án Charles Evans Hughes trong phần thứ hai của loạt bài này).
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau không có gì mới, và các Nhà Sáng Lập hoàn toàn hiểu điều đó. Tuy nhiên, khi viết Hiến Pháp, họ phân chia trách nhiệm giữa các tiểu bang và chính quyền trung ương. Họ làm như vậy vì các giá trị khác (chẳng hạn như sự tự do) quan trọng hơn là sự điều phối trung ương.
Tuy nhiên, các Nhà Sáng Lập đã đặt điều kiện để phân chia trách nhiệm với điều khoản cần thiết và thích hợp. Điều khoản đó quá phức tạp để trình bày ở đây (những độc giả tò mò có thể tham khảo cuốn sách “Nguồn Gốc của Điều Khoản Cần thiết và Thích Hợp”). Đủ để nói rằng nó cho phép Quốc hội quản trị một số hoạt động không chính xác là “thương mại”, nhưng phụ thuộc (“ngẫu nhiên”) vào đó. Ví dụ, điều khoản thương mại cho phép Quốc hội điều chỉnh việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới các tiểu bang, trong khi điều khoản cần thiết và thích hợp cho phép Quốc hội quy định cách hàng hóa được dán nhãn cho hành trình.
Năm 1937: Nỗ lực thỏa hiệp của ông Hughes
Phần thứ ba của loạt bài này thảo luận về quan điểm của ông Hughes trong vụ án ‘National Labour Relations Board v. Jones & Laughlin Steel Corporation’ (Ban Quan hệ lao động kiện Tập đoàn Thép Jones & Laughlin). Ông Hughes cho biết Quốc hội có thể điều chỉnh quan hệ lao động (một phần của sản xuất, chứ không phải thương mại) trong một công ty rất lớn ở nhiều tiểu bang để ngăn chặn “sự cản trở” đối với thương mại. Ý kiến của ông Hughes tiết lộ rằng ông ta đang dựa vào điều khoản cần thiết và thích hợp, mặc dù ông ta không sử dụng tên gọi đó.
Nhưng đối với điều khoản cần thiết và thích hợp để cho phép Quốc hội điều chỉnh một hoạt động, thì hoạt động đó cản trở hoặc ảnh hưởng đến thương mại là chưa đủ. Hoạt động này cũng phải là hoạt động phụ hoặc “ngẫu nhiên” đối với thương mại – và quan hệ lao động là quá quan trọng đối với điều đó. Cuối cùng, nỗ lực thỏa hiệp của ông Hughes đã đem lại cho những người của phe cấp tiến cực đoan một phương tiện để phá hủy hoàn toàn các giới hạn đối với Quyền lực Thương mại liên bang.
1938–1941: Những người cấp tiến chiếm giữ tòa án
Việc nghỉ hưu của các thẩm phán sau vụ Jones & Laughlin cho phép ông Roosevelt đặt những người ủng hộ Thỏa thuận mới lên ghế thẩm phán (Tối cao Pháp viện). Phần trước của loạt bài này đã đề cập đến ông Hugo Black (1937) và ông Stanley Reed (1938). Ông Benjamin Cardozo được ông Felix Frankfurter thay thế (1938) và ông William O. Douglas thay thế ông Louis Brandeis (1939). Ông Pierce Butler phe bảo tồn truyền thống đã được thay thế bởi tổng chưởng lý của FDR, Frank Murphy (1939). Ông James McReynolds được thay thế bởi ông James Byrnes, một thượng nghị sĩ ủng hộ Thỏa thuận mới (1941).
Cũng trong năm 1941, ông Hughes nghỉ hưu. FDR đã đưa thẩm phán theo phe tự do Harlan Fiske Stone lên làm Chánh án. Sau đó, ông ta lấp chỗ trống của ông Stone bằng ông Robert Jackson, người đã kế nhiệm ông Murphy làm tổng chưởng lý.
Đến năm 1942, thành phần của tòa như sau: chín người theo trường phái tự do và không có người nào theo phe truyền thống.
1941–1944: Tòa án trao cho Quốc hội Toàn quyền về Kinh tế
Vào tháng 02/1941, tòa án đã phán quyết vụ Hoa Kỳ kiện Darby. Công ty Darby Lumber là một doanh nghiệp ở Georgia nhỏ hơn nhiều so với Tập đoàn Thép Jones & Laughlin. Vấn đề là liệu luật lao động liên bang có khả thi đối với thực thể nhỏ này hay không.
Ý kiến quanh co của ông Stone dường như đã dựa vào điều khoản cần thiết và thích hợp, nhưng nó không bao giờ đề cập đến điều khoản đó bằng tên của nó. Ông Stone đã trích dẫn quyết định của ông Hughes trong vụ Jones & Laughlin, nhưng bỏ qua thực tế rằng quyết định của ông Hughes chỉ giới hạn ở các công ty lớn hơn nhiều (hoạt động ở nhiều tiểu bang).
Ông Stone lưu ý rằng Quốc hội có thể điều chỉnh bất kỳ hoạt động sản xuất nào có “tác động đáng kể” đối với thương mại, nhưng không bao giờ định nghĩa “ảnh hưởng đáng kể”. Ông Stone cho biết thêm, Quốc hội có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất “liên quan đến thương mại và vì vậy [ảnh hưởng] đến sản xuất nằm trong quyền điều chỉnh của Quốc hội,” dường như không nhận ra rằng tuyên bố này là đi theo đường vòng tròn.
Về phương diện Hiến Pháp, các phần của vụ Darby vừa thảo luận chẳng có giá trị gì. Nhưng họ đã trao cho nhiều chính trị gia liên bang quyền lực gần như tuyệt đối đối với mọi doanh nghiệp ở Hoa Kỳ.
Vụ kiện ở tòa án năm 1942, Wickard kiện Filburn, được xử theo vụ Darby một cách tự nhiên. Ông Roscoe C. Filburn là một nông dân trồng lúa mì. Căn cứ vào chương trình Thỏa thuận mới, chính phủ liên bang đã áp đặt hạn ngạch lúa mì tối đa. Ông Filburn không bán nhiều hơn định mức, nhưng ông đã trồng thêm một ít để sử dụng trong trang trại của riêng mình. Chính phủ đã phạt ông ta. Tòa án chấp thuận giữ nguyên mức phạt.
Ý kiến của ông Jackson thừa nhận rằng việc ông Filburn trồng lúa mì để tiêu thụ tại nhà không phải là “thương mại”. Nhưng ông Jackson dựa vào vụ Darby và nói rằng Quốc hội có thể phán quyết quyết định của ông Filburn vì chính quyết định của ông Filburn, khi được kết hợp với những người khác như vậy, có “ảnh hưởng đáng kể” đến thương mại.
Giống như ông Hughes trước đó, ông Jackson cũng đã trình bày sai ý của Chánh án John Marshall.
“Lúc đầu, Chánh án Marshall đã mô tả sức mạnh thương mại liên bang với một bề rộng chưa bao giờ bị vượt quá,” ông Jackson viết. Vụ “Gibbons kiện Ogden… Marshall đã nhấn mạnh bản chất bao trùm của quyền lực này bằng cách cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế hiệu quả đối với việc thực thi quyền lực này phải được tiến hành từ quy trình chính trị chứ không phải từ các quy trình tư pháp.”
Trên thực tế, ông Marshall không bao giờ cho phép quốc hội kiểm soát hoạt động sản xuất với lý do rằng nó “ảnh hưởng đến thương mại”. Vụ Gibbons kiện Ogden (1824) đề cập đến định vị dẫn đường, một chủ đề cốt lõi trong điều khoản thương mại. Cũng trong vụ này, ông liệt kê các hoạt động nằm ngoài phạm vi quyền lực liên bang, bao gồm một số hoạt động “ảnh hưởng đáng kể” đến thương mại. Ông cũng không bao giờ nói rằng “các biện pháp kiềm chế hiệu quả… phải tiến hành từ các quy trình chính trị hơn là quy trình tư pháp.” Ngược lại, trong vụ McCulloch kiện Maryland (1819), ông khẳng định rõ ràng rằng nếu Quốc hội vượt quá thẩm quyền của mình, “nó sẽ trở thành nhiệm vụ đau đầu của tòa án này… để phải nói rằng, một hành động như vậy không phải là luật của đất nước này.”
Sự trùng lặp của ông Jackson trong vụ Wickard đã bị vượt xa hơn trong vụ của ông Black, đó là vụ Hoa kỳ kiện South–Eastern Underwriters Association, quyết định vào ngày 05/06/1944. Vụ South-Eastern Underwriters đã bác bỏ tiền lệ lâu đời của Tối cao Pháp viện cho rằng Quốc hội có thể quy định tất cả các hình thức bảo hiểm vì tất cả chúng (không chỉ bảo hiểm hàng hóa) đều là “thương mại”.
Ý kiến của ông Black cho phiên tòa chấp thuận (kết luận) này là một ví dụ điển hình về sự khéo léo (xếp đặt) của tòa án.
Ông Black tuyên bố rằng “từ điển, bách khoa toàn thư và các sách khác” ở thế kỷ 18 đã định nghĩa “thương mại” để bao gồm tất cả các hình thức bảo hiểm. Tuy nhiên ông đã không thể trích dẫn một từ điển, bách khoa toàn thư hoặc một cuốn sách nào nói về điều đó (vì không có). Ông đã trích dẫn một báo cáo của ông Alexander Hamilton, nhưng không tiết lộ rằng báo cáo của ông Hamilton chỉ đề cập đến bảo hiểm hàng hóa. Ông tham khảo ý kiến của ông Marshall trong vụ Gibbons kiện Ogden để “chứng minh” rằng bảo hiểm là một hình thức thương mại. Trên thực tế, ông Marshall không bao giờ đề cập đến bảo hiểm trong trường hợp đó. Ông cũng trích dẫn một cuốn sách tài liệu mỏng năm 1937 cho rằng “thương mại” bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế. Nhưng tuyên bố này bị bác bỏ bởi chính văn bản của Hiến Pháp, trong đó liệt kê các hoạt động kinh tế khác riêng biệt (xem ở phần trên).
Khi chúng ta xem xét phạm vi rộng lớn của chế độ quản trị liên bang hiện tại, chúng ta nên nhớ rằng sự biện minh hiến pháp căn bản cho hầu hết chế độ quản trị đó đã được hình thành từ các phán quyết không đúng đắn của Tối cao Pháp viện đối với vụ South–Eastern Underwriters và ngôn ngữ mơ hồ “hiệu quả đáng kể” từ các vụ Darby và Wickard.
Quả là một nền tảng mong manh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).
Vui lòng đón xem Phần 6 “Crushing Civil Liberties” trong loạt bài “Tối Cao Pháp Viện Viết Lại Hiến Pháp Như Thế Nào”.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: