Tối cao Pháp viện sẽ không bao giờ là cứu tinh của khuynh hướng truyền thống
Trong nhiều thập kỷ, ít nhất là từ sau vụ kiện Roe v. Wade vào năm 1973 đã dựng lên quyền phá thai trong hiến pháp, những người theo khuynh hướng truyền thống đã rất chú trọng vào việc giành lại chiến thắng trong chiến tranh văn hóa thông qua các đề cử tư pháp. Do đó, Đảng Cộng Hòa vẫn luôn nói với các nhân viên thăm dò ý kiến chính trị rằng Tối cao Pháp viện là vấn đề bỏ phiếu hàng đầu của họ, ở một mức quan tâm cao hơn nhiều so với Đảng Dân Chủ. Chẳng hạn, [Tối cao] Pháp viện chắc chắn là vấn đề quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống đầy cạnh tranh vào năm 2016.
Khi nhiệm kỳ của Tối cao Pháp viện hiện tại kết thúc—một tòa án được cho là có đa số 6-3 thuộc phe “truyền thống,” bao gồm ba ứng cử viên mới của cựu Tổng thống Donald Trump—chúng ta nên xem xét lại hiệu quả của dự án dài hạn nhằm thúc đẩy văn hóa thông qua nền tư pháp. Chúng ta có thể xem qua hai trong số các vụ kiện nổi bật nhất của nhiệm kỳ này: vụ kiện chính trị giữa California và Texas về Obamacare và vụ kiện văn hóa giữa Fulton và City of Philadelphia về tự do tôn giáo.
Trong vụ kiện California, quyết định đa số 7-2 của Tối cao Pháp viện—mà Thẩm phán Samuel Alito đã phản đối và châm biếm là “phần thứ ba trong bộ ba sử thi về Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng”—đã một lần nữa giữ nguyên chính sách đặc trưng này của cựu Tổng thống Barack Obama. Tối cao Pháp viện đã từ chối tiếp nhận vấn đề hiến pháp căn bản này và bác bỏ vụ kiện do Texas và 17 tiểu bang khác đệ trình dựa trên vấn đề về “quyền khởi kiện”—một thuật ngữ cho việc yêu cầu nguyên đơn phải chứng minh một tổn hại cụ thể gây ra bởi hành vi của bị đơn và có thể được đền bù bởi tòa án.
Vụ kiện California đã gây ra tranh cãi về mặt pháp lý: Thẩm phán Neil Gorsuch do cựu Tổng thống Trump đề cử đã phản đối quyết định cùng với Thẩm phán Alito, nhưng Thẩm phán Clarence Thomas, một người không kém phần bảo thủ, đã đồng ý với đa số. Hai ứng cử viên khác của ông Trump, Thẩm phán Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, cũng đồng ý với ý kiến đa số do Thẩm phán Stephen Breyer chấp bút, bất chấp những quả quyết phản đối phe cánh tả trong lúc họ được đề cử—đặc biệt là khi bà Barrett được đề cử trong mùa thu năm ngoái—và rằng một cuộc bỏ phiếu xác nhận của Thượng viện sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu hủy bỏ Obamacare. Thật là sai lầm. Việc Ủy ban Tư pháp Thượng viện của Đảng Dân Chủ gây ra nỗi sợ hãi đã được chứng tỏ là cũng vô nghĩa như các chiến dịch kiện tụng khác của phe truyền thống nhằm lật đổ Obamacare.
Trong vụ kiện Fulton, Tối cao Pháp viện đã đồng thuận rằng thành phố Philadelphia đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất khi từ chối ký hợp đồng cho Catholic Social Services (CSS) cung cấp dịch vụ nuôi dưỡng, trừ khi cơ quan này chứng nhận rằng các cặp đôi đồng tính sẽ được phép làm cha mẹ nuôi. Trên bề mặt, phán quyết 9-0 dành cho CSS này được hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh công chúng ngày càng ủng hộ hôn nhân đồng tính và Tối cao Pháp viện cũng liên tục nhấn mạnh yêu cầu “bình đẳng về phẩm giá” cho các cặp đồng tính vốn đã lan rộng cùng với vụ kiện hôn nhân đồng tính giữa Obergefell và Hodges năm 2015. Thực sự rất đáng lưu ý là không ai—thậm chí cả Thẩm phán cực tả Sonia Sotomayor—cho rằng “tác hại về mặt nhân phẩm” đối với các cha mẹ nuôi đồng tính lại lớn đến mức phải bỏ qua sự phản đối vì lương tâm của CSS.
Nhưng vụ kiện Fulton có thể và nên phải nhiều hơn thế. Vụ kiện này đại biểu cho cơ hội tốt nhất của Tối cao Pháp viện trong nhiều năm để loại bỏ phán quyết của vụ “Employment Division, Department of Human Resources of Oregon v. Smith,” một phán quyết gây tranh cãi sâu sắc vào năm 1990 từ cố Thẩm phán Antonin Scalia. Phán quyết này đã phủ nhận mọi vi phạm Tu chính án thứ Nhất khi một bộ luật trung lập được áp dụng chung ngẫu nhiên làm hạn chế tự do tôn giáo. Vụ kiện Smith luôn rất mơ hồ về mặt pháp lý và trong thực tế sẽ bảo vệ tính hợp hiến của các lệnh cấm rượu vang làm vi phạm đến Thánh lễ Công giáo, hay các yêu cầu gây choáng trước khi giết thịt động vật làm vi phạm luật kashrut—như Thẩm phán Alito đã mô tả trong văn bản đồng ý dài 77 trang mà đọc nghe như một văn bản phản đối. Quyết định cực kỳ hạn hẹp của Chánh án John Roberts “cũng có thể được viết trên tờ giấy dễ bốc hơi bán trong các cửa hàng ảo thuật,” ông Alito chế giễu. Nhưng ông Kavanaugh và bà Barrett rõ ràng đã không đồng ý, dẫn đến việc Tối cao Pháp viện đã không đạt được 5 phiếu đa số chống lại phán quyết Smith.
Đã đến lúc phải tính toán lại. Phong trào luật pháp theo hướng truyền thống cần phải tỉnh táo đối mặt và vật lộn với những thiếu sót của nó. Một số thiếu sót đó là do cấu trúc, chẳng hạn như quá chú trọng vào việc đề cử và đề bạt các luật gia theo chủ nghĩa tự do, những người luôn muốn kiểm soát hành chính, nhưng lại ngại can thiệp và thách thức các “vấn đề văn hóa” đáng sợ. Và một số thiếu sót là do phương pháp luận—mà cụ thể là việc áp dụng rộng rãi luật học theo chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa nguyên bản lịch sử, đồng thời loại trừ một nền luật học truyền thống dựa trên hiểu biết về quy luật của tự nhiên, chẳng hạn như điều mà tôi gọi là “chủ nghĩa nguyên bản ích lợi chung.”
Dù sao đi nữa thì thực tế là, như giáo sư Josh Blackman của Đại học Luật Nam Texas đã viết gần đây: “Chúng ta không có Tối cao Pháp viện 6-3 theo hướng truyền thống. Chúng ta có Pháp viện 3-3-3”, bao gồm ba thẩm phán trung lập với các mức độ dễ uốn nắn khác nhau. Trừ khi thực hiện những thay đổi căn bản chạm đến cốt lõi của phong trào luật pháp truyền thống hiện đại, những người theo hướng truyền thống sẽ vẫn còn thất vọng. Tối cao Pháp viện không phải, và sẽ không phải, là vị cứu tinh của chúng ta.
Tác giả Josh Hammer là một luật sư được đào tạo về hiến pháp. Ông là biên tập viên mục quan điểm cho Newsweek, cộng tác viên podcast với BlazeTV, cố vấn pháp luật cho First Liberty Institute, và là một nhà báo bình luận.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.
Do Josh Hammer thực hiện
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: