Tối cao Pháp viện phán quyết luật mang súng giấu kín của New York là vi hiến
Thẩm phán Thomas: luật này vi phạm Hiến Pháp vì ngăn chặn các công dân tuân thủ luật pháp tự bảo vệ mình ở nơi công cộng
Hôm thứ Năm (23/06), trên cơ sở Hiến Pháp, Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6–3 để bãi bỏ hệ thống hà khắc của tiểu bang New York vốn cho phép mang theo súng giấu kín.
Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã tăng cường các biện pháp bảo vệ Tu chính án thứ Hai và các nhà quan sát cho rằng với đa số thuộc phe bảo tồn truyền thống 6–3 của tòa án có thể giúp mở rộng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu súng. Trong án lệ Quận Columbia kiện Heller (2008), Tối cao Pháp viện cho rằng Tu chính án thứ Hai bảo vệ “quyền sở hữu và mang vũ khí của cá nhân trong trường hợp xảy ra đụng độ,” và trong án lệ McDonald kiện thành phố Chicago (2010), phán quyết rằng quyền này “hoàn toàn có thể áp dụng cho các tiểu bang”.
Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tội phạm gia tăng, các nhà hoạt động yêu cầu rút ngân sách dành cho các sở cảnh sát và chính phủ Tổng thống Biden đang thúc đẩy việc tăng cường các chính sách kiểm soát súng. Một gói kiểm soát súng, được giới thiệu sau một loạt các vụ xả súng hàng loạt thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng, đang được tiến hành tại Quốc hội.
Luật cho phép mang súng của Empire State (biệt danh của tiểu bang New York), giống như luật pháp ở bảy tiểu bang khác, thường yêu cầu người nộp đơn chứng minh “nguyên nhân chính đáng” để nhận được giấy phép mang một khẩu súng ngắn giấu kín ở nơi công cộng.
New York coi việc sở hữu súng mà không có giấy phép là phạm tội, cho dù bên trong hay bên ngoài nhà. Theo luật tiểu bang, một cá nhân muốn mang súng bên ngoài nhà của mình có thể xin giấy phép không hạn chế để “sở hữu và mang” một “khẩu súng lục hoặc súng lục ổ quay” giấu kín nếu họ có thể chứng minh rằng có “lý do chính đáng” để làm như vậy. Một người nộp đơn đáp ứng yêu cầu về “lý do chính đáng” chỉ khi họ có thể “chứng minh một nhu cầu đặc biệt tự bảo vệ khác với nhu cầu của cộng đồng nói chung,” theo phán quyết năm 1980 của Tòa án Tối cao New York trong án lệ Klenosky kiện Sở Cảnh sát thành phố New York.
Vấn đề cụ thể trước tòa án là liệu việc tiểu bang từ chối đơn xin giấy phép mang vũ khí che giấu để tự vệ của các cá nhân kiến nghị có vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ hay không.
Các tranh luận trong vụ án, Hiệp hội Súng trường và Súng lục Tiểu bang New York kiện Bruen, hồ sơ tòa án 20-843, một đơn kháng cáo từ Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 2, đã được xét xử vào ngày 03/11 (2021).
Bên bị đơn là ông Kevin Bruen người đứng đầu Sở cảnh sát Tiểu bang New York. Bên khởi kiện chính là Hiệp hội Súng trường và Súng ngắn tiểu Bang New York được thành lập vào năm 1871, tự mô tả mình là “tổ chức ủng hộ súng trường lớn nhất và lâu đời nhất của tiểu bang” và là hiệp hội chính thức của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ở New York.
Ý kiến mới được viết bởi Thẩm phán Clarence Thomas, người tuyên bố rằng yêu cầu về lý do chính đáng của New York vi phạm Tu chính án thứ Mười Bốn bằng cách ngăn chặn các công dân tuân thủ luật pháp có nhu cầu tự vệ thông thường thực hiện quyền trong Tu chính án thứ Hai của họ cho phép giữ và mang vũ khí ở nơi công cộng nhằm tự vệ.
“Bởi vì tiểu bang New York chỉ cấp giấy phép mang vũ khí công khai khi người nộp đơn thể hiện nhu cầu đặc biệt về tự vệ, chúng tôi kết luận rằng chế độ cấp phép của tiểu bang này là vi Hiến,” ông Thomas viết.
“Để phù hợp với án lệ Heller, chúng tôi cho rằng khi văn bản thuần túy của Tu chính án thứ Hai đề cập đến hành vi của một cá nhân, thì Hiến Pháp sẽ bảo vệ hành vi đó. Để biện minh cho quy định của mình, chính phủ có thể không chỉ đơn giản là cho rằng quy định đó thúc đẩy một lợi ích quan trọng. Thay vào đó, chính phủ phải chứng minh rằng quy định đó phù hợp với truyền thống lịch sử của Quốc gia này về quy định về vũ khí. Chỉ khi một quy định về vũ khí phù hợp với truyền thống lịch sử của Quốc gia này, một tòa án mới có thể kết luận rằng hành vi của cá nhân nằm ngoài ‘lệnh không đủ tiêu chuẩn’ của Tu chính án thứ Hai,” ông Thomas viết, viện dẫn án lệ Konigsberg kiện Luật Sư Đoàn Tiểu bang California (1961).
Thẩm phán Stephen Breyer đã viết một quan điểm bất đồng, mà Thẩm phán Sonia Sotomayor và Thẩm phán Elena Kagan đã tham gia.
“Năm 2020, 45,222 người Mỹ đã thiệt mạng vì súng đạn. Kể từ đầu năm nay (2022), đã có 277 vụ xả súng hàng loạt được báo cáo — trung bình hơn một vụ mỗi ngày. Bạo lực súng đạn hiện đã vượt qua các vụ tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nhiều tiểu bang đã cố gắng giải quyết một số mối nguy hiểm của bạo lực súng đạn vừa được mô tả bằng cách thông qua luật giới hạn, theo nhiều cách khác nhau, những người có thể mua, mang theo hoặc sử dụng các loại vũ khí khác nhau. Phiên tòa ngày hôm nay đã tạo gánh nặng nghiêm trọng cho nỗ lực của các tiểu bang để đạt được điều này.”
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.