Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thể tước bỏ một số quyền hạn của chính phủ liên bang vào năm 2024
Nhiều vụ kiện trong sổ ghi án có thể thay đổi vĩnh viễn nhà nước hành chính liên bang
Với việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 08/01, trong phần thứ hai trong nhiệm kỳ của tòa án cao cấp này, Pháp viện có thể đưa ra các phán quyết nhằm hạn chế hoặc mở rộng một số quyền hạn của chính phủ liên bang — đôi khi được gọi là nhà nước hành chính.
Các nhà phân tích đã nói rằng, trong nhiệm kỳ này, tòa án cao cấp đang xét xử ba vụ kiện liên quan đến bộ máy liên bang: Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) kiện Dịch vụ Tài chính Cộng đồng Hoa Kỳ, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) kiện Jarkesy, và Hãng Loper Bright kiện Raimondo.
Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) kiện Jarkesy
Người quản lý quỹ phòng hộ George Jarkesy đã bị SEC phạt vì vi phạm luật gian lận chứng khoán và ông đã kháng cáo. Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 đã đứng về phía nguyên đơn, lập luận trong phán quyết rằng SEC đã vi phạm Tu chính án thứ Bảy của Hiến Pháp, trong đó quy định quyền được một bồi thẩm đoàn xét xử, và tòa phúc thẩm cũng quyết định rằng Quốc hội đã có hành vi lạm quyền bằng cách ủy thác quyền hạn của chính mình khi cho phép một cơ quan — trong trường hợp này là SEC — tiến hành các thủ tục hành chính thay vì đệ đơn kiện ông Jarkesy lên một tòa án dân sự.
SEC đã tổ chức một thủ tục tố tụng nội bộ và sử dụng các thẩm phán luật hành chính của riêng mình, những người làm việc với tư cách là quan chức độc lập trong nhánh hành pháp, giám sát các phiên điều trần nội bộ và xét xử các tranh chấp giữa cơ quan này với các bên khác.
Hôm 29/11/2023, các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã nghe các lập luận. Theo các phóng viên của tòa án, các lập luận tập trung vào việc liệu Tu chính án thứ Bảy của Hiến Pháp có cấm cơ quan chứng khoán liên bang này đưa ra các hình phạt trong thủ tục tố tụng nội bộ mà không cho một bị cáo khả năng được một bồi thẩm đoàn xét xử hay không.
Trong phiên xét xử nói trên, Chánh án John Roberts cho rằng các cơ quan liên bang đã có được nhiều quyền hạn hơn đối với công chúng trong những năm gần đây. “Đó có phải là mối lo ngại đối với chúng ta hay là một điều cần cân nhắc?” ông đã hỏi các luật sư của Bộ Tư pháp (DOJ) đại diện cho SEC trong vụ kiện.
Thẩm phán Brett Kavanaugh ám chỉ với luật sư DOJ, ông Brian Fletcher, rằng vụ Jarkesy sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan liên bang khác.
Theo báo cáo, ông Fletcher nói: “Tôi không muốn quý vị nghĩ rằng đó chỉ là về SEC, và vụ này đơn giản là kiện ra tòa mà thôi.”
“Không, tôi biết, [Ủy ban Thương mại Liên bang] và những người khác, tôi biết,” thẩm phán nói.
Ông Fletcher trả lời: “EPA, Nông nghiệp, ý tôi là, mọi chuyện thực sự đã kết thúc,” ông Fletcher trả lời, đề cập đến Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
“FERC,” Thẩm phán Kavanaugh cho biết, đề cập đến Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) kiện Dịch vụ Tài chính Cộng đồng Hoa Kỳ
Trong vụ CFPB, cơ quan này đã yêu cầu Tối cao Pháp viện hủy bỏ một phán quyết của một tòa án cấp dưới vốn đã xác định cơ cấu tài trợ của cơ quan này là vi phạm Hiến pháp. Phán quyết đó cũng đã được Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 đưa ra hồi đầu năm nay.
Các luật sư của DOJ lập luận trong đơn kháng cáo của họ rằng phán quyết này đặt ra câu hỏi về hầu như mọi hành động của CFPB kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2011 dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Obama.
Vụ kiện bắt nguồn từ việc hai nhóm cho vay ngắn hạn đã kiện để lật ngược quy định của CFPB nhằm chống lại cái mà cơ quan này gọi là các hành vi “không công bằng và lạm dụng” trong ngành. Hôm 19/10, Tòa án Khu vực 5 đã bác bỏ quy tắc này khi cho rằng việc tài trợ của CFPB thông qua Hệ thống Dự trữ Liên bang, thay vì qua các khoản ngân sách đã được Quốc hội thông qua, đã vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.
CFPB cho biết trong bản kiến nghị của mình rằng Tòa án Khu vực 5 “dựa vào một cách hiểu chưa từng có và sai lầm” về Điều khoản Phân bổ ngân sách của Hiến Pháp Hoa Kỳ, trong đó yêu cầu việc chi tiêu của chính phủ phải được Quốc hội cho phép.
CFPB cho biết trong đơn kháng cáo của mình rằng Tòa án Khu vực 5 “dựa vào cách hiểu chưa từng có và sai lầm” về Điều khoản Phân bổ ngân sách. “Quốc hội đã ban hành một đạo luật cho phép rõ ràng CFPB sử dụng một lượng tiền nhất định từ một nguồn cụ thể cho các mục đích cụ thể. Điều khoản phân bổ ngân sách không quy định gì thêm,” đơn kháng cáo cho biết.
Đảng Cộng Hòa từ lâu đã phản đối việc thành lập CFPB. Hồi năm 2020, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết trong một vụ kiện khác rằng sự bảo vệ mà lúc đầu Quốc hội dành cho giám đốc CFPB, người chỉ có thể bị sa thải vì lý do chính đáng, là vi hiến.
Better Markets, một nhóm vận động người tiêu dùng, đã viết trong một báo cáo gần đây rằng “tương lai của CFPB đang đứng trước Pháp viện” tùy thuộc vào cách Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết về điều khoản này.
Hãng Loper Bright kiện Raimondo
Hồi tháng 05/2023, tòa án tối cao này đã quyết định thụ lý vụ Hãng Loper Bright kiện Raimondo. Vụ kiện sẽ quyết định câu hỏi liệu Pháp viện có nên bác bỏ học thuyết của [án lệ] Chevron hay không. Từ lâu những người theo phái bảo tồn truyền thống đã chỉ trích học thuyết này là vi hiến.
Các nhà phê bình phản đối việc áp dụng học thuyết này mà không có một khuôn khổ rõ ràng để giải quyết sự mơ hồ về luật định, để lại quá nhiều quyền quyết định cho các tòa án khi đưa ra các phán quyết định hướng các kết quả. Vụ Chevron kiện Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, phát sinh năm 1984, được xem là một khía cạnh quan trọng của luật hành chính và yêu cầu các tòa án trì hoãn việc giải thích hợp lý các đạo luật chưa rõ ràng của các cơ quan liên bang.
Theo giáo sư Adam D. Orford của Trường Luật Đại học Georgia, vụ kiện này rất quan trọng vì học thuyết Chevron “có thể liên quan bất cứ khi nào một cơ quan liên bang đưa ra một quy định để thực hiện một đạo luật liên bang và chọn lấp đầy những chỗ thiếu sót hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào không được Quốc hội dự tính cụ thể,” nói thêm rằng các cơ quan có “hàng ngàn quá trình xây dựng quy tắc” mỗi năm.