Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ấn định ngày 1/7 ra phán quyết về vụ kiện quyền miễn trừ của cựu TT Trump
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lên lịch đưa ra ý kiến cuối cùng vào ngày 01/07, ngày cuối cùng của nhiệm kỳ hiện tại.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng vào ngày 01/07, ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ hiện tại của tòa án này.
Phán quyết quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất này liên quan đến việc liệu cựu Tổng thống (TT) Donald Trump có nên được tuyên bố miễn truy tố liên quan đến các cáo buộc hình sự về bầu cử do Biện lý Đặc biệt Jack Smith đưa ra hay không.
“Vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ công bố tất cả các ý kiến còn lại đã sẵn sàng trong nhiệm kỳ này của tòa án,” Chánh án John Roberts nói từ ghế quan tòa hôm 28/06, theo các phóng viên tại tòa án.
Còn lại là các vụ việc khác liên quan đến những luật do Đảng Cộng Hòa bảo trợ ở Florida và Texas nhằm giới hạn khả năng của các công ty truyền thông xã hội trong việc hạn chế nội dung mà các nền tảng này cho là đáng chê trách, vụ kiện của một cửa hàng tiện lợi ở North Dakota thách thức quy định của chính phủ về “lệ phí quẹt” thẻ ghi nợ, và những vụ khác.
Liên quan đến vụ án của ông Trump, các luật sư của cựu tổng thống đã lập luận rằng các cựu tổng thống của Hoa Kỳ nên có một mức độ miễn trừ rộng rãi trước các cáo buộc hình sự phát sinh từ một số hoạt động mà họ đã thực hiện khi còn đương chức. Đơn kháng cáo của ông Trump đã thực sự khiến vụ án được đưa ra ở Hoa Thịnh Đốn của biện lý đặc biệt này bị lâm vào tình trạng bế tắc, và có thể sẽ không được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Trong các cuộc tranh luận trực tiếp hồi tháng Tư, một số thẩm phán Tối cao Pháp viện dường như ủng hộ lập luận của các luật sư của ông Trump rằng lẽ ra ông nên nhận được ít ra là phần nào sự bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn về các tuyên bố của phía luật sư rằng ông nên được hưởng “quyền miễn trừ tuyệt đối.”
Tại một phiên tòa hồi tháng Tư, Chánh án Roberts cho biết ông lo ngại về phán quyết của tòa phúc thẩm, vốn đã bác bỏ các khẳng định về quyền miễn trừ của cựu tổng thống. Đồng thời, ông cũng nói rằng tòa phúc thẩm đã không đưa ra một phân tích chi tiết về việc họ tin rằng bản cáo trạng là nhắm vào các hành động theo thẩm quyền hay các hành động cá nhân của ông Trump.
Chánh án Roberts lập luận rằng tòa án cấp dưới này chỉ đơn giản nói rằng “một cựu tổng thống có thể bị truy tố vì ông ấy đang bị truy tố,” và đặt ra câu hỏi, “Tại sao chúng ta không gửi lại vụ việc cho Tòa phúc thẩm hoặc đưa ra một ý kiến nói rõ rằng đó không phải là luật?”
Thẩm phán Brett Kavanaugh cho biết vụ án này “có mối quan hệ rất lớn đối với chức vụ tổng thống, đối với tương lai của chức vụ tổng thống, và tương lai của đất nước.”
Trong những thẩm phán còn lại, có một số vị dường như rất có thể đứng về phía nhóm của biện lý đặc biệt và cho rằng phiên tòa xét xử ông Trump nên được tiếp tục.
Các luật sư của phía công tố nói với tòa án tối cao này rằng có những hành động cá nhân bị cáo buộc trong bản cáo trạng sẽ cho phép vụ án được đưa ra xét xử ngay lập tức.