Tối cao Pháp viện hạn chế luật liên bang tăng hình phạt nếu tội hình sự liên quan đến súng
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết ủng hộ một bị cáo hình sự, bỏ phiếu với tỷ lệ là 7–2 để hạn chế một luật liên bang quy định các hình phạt tăng cường đáng kể đối với các tội danh liên quan đến súng.
Phán quyết hôm 21/06 được đưa ra khi luật kiểm soát súng được giới thiệu tại Quốc hội sau một loạt các vụ xả súng hàng loạt được đưa tin rộng rãi. Đồng thời, người Mỹ đang chờ phán quyết của tòa án cấp cao này trong một vụ án khác liên quan đến súng, thách thức hệ thống cho phép mang theo súng giấu kín cứng rắn của tiểu bang New York.
Trong vụ án đang nói đến này, ông Justin Eugene Taylor đã tham gia buôn bán cần sa ở Richmond, Virginia. Vào ngày 14/08/2003, ông đã đề nghị thu mua ma túy cho một người bán, nhưng thay vào đó lại cố gắng cướp từ người đàn ông này. Nạn nhân đã kháng cự và kẻ tòng phạm của ông Taylor đã bắn tử vong ông ấy. Các công tố viên liên bang đã buộc tội ông Taylor theo Đề mục 18 Điều 924(c) của Bộ luật Hoa Kỳ, vốn trừng phạt bất kỳ ai “sử dụng hoặc mang súng” “trong và liên quan đến bất kỳ tội bạo lực nào,” hoặc người sở hữu một khẩu súng “sau khi có bất kỳ hành vi tội ác nào như vậy,” theo các tài liệu của tòa án.
Một “tội bạo lực” được định nghĩa là một tội có “một yếu tố sử dụng, cố gắng sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với người hoặc tài sản của người khác.” Bản án có mức án tối thiểu là năm năm tù.
Các công tố viên đã xác định cáo buộc ông Taylor tội vi phạm Điều 924(c) đối với hành vi cố gắng cướp theo Đạo luật Hobbs. Đạo luật Hobbs trừng phạt hành vi trộm cướp hoặc tống tiền có ảnh hưởng đến thương mại giữa các tiểu bang. Các công tố viên đã đạt được thỏa thuận với ông Taylor. Ông đồng ý nhận tội với cáo buộc này và tội âm mưu cướp theo Đạo luật Hobbs. Ông Taylor thừa nhận rằng hành động cố gắng cướp là “tội bạo lực” theo điều khoản còn lại của Điều 924(c). Điều khoản còn lại quy định rằng “tội bạo lực cũng có thể bao gồm bất kỳ trọng tội nào mà, ‘theo bản chất của nó,’ kéo theo ‘một rủi ro đáng kể’ về sử dụng vũ lực.”
Một tòa án địa hạt liên bang đã chấp nhận lời nhận tội của ông Taylor đối với một tội danh theo Điều 924(c) và một tội danh theo Đạo luật Hobbs, kết án ông 30 năm, nhiều hơn một thập niên so với mức ông có thể nhận được chỉ riêng với tội danh theo Đạo luật Hobbs. Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Bốn đã bác bỏ việc ông kháng án vào năm 2011.
Năm 2015, Tối cao Pháp viện đã bãi bỏ một phần của Đạo luật Tội phạm Chuyên nghiệp Có vũ trang (ACCA) vì tính mơ hồ một cách vi hiến trong vụ Johnson kiện Hoa Kỳ. Năm 2016, tòa án cao cấp này đã ra phán quyết cho vụ Welch kiện Hoa Kỳ rằng vụ Johnson có thể được áp dụng hồi tố. Viện dẫn vụ Johnson và vụ Welch, ông Taylor đã đệ đơn lên tòa án, cho rằng điều khoản còn lại trong ACCA tương tự với điều khoản còn lại trong Điều 924(c), và do đó điều khoản trong Điều 924(c) cũng mơ hồ một cách vi hiến. Ông cũng lập luận rằng việc cố gắng cướp theo Đạo luật Hobbs không cấu thành “tội bạo lực” theo các yếu tố của Điều 924(c) vì nó thiếu “một yếu tố sử dụng, cố gắng sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.”
Lần này, Tòa Phúc thẩm Khu vực Bốn đã bãi bỏ tội danh theo Điều 924(c) của ông Taylor.
Đa số các thẩm phán Tối cao Pháp viện trong vụ Hoa Kỳ kiện Taylor, hồ sơ tòa án số 20-1459, đã bỏ phiếu đồng ý với tòa án khu vực và phán quyết rằng tội cố gắng cướp theo Đạo luật Hobbs không nhất thiết là tội bạo lực và do đó ông Taylor lẽ ra không nên nhận bản án lâu hơn.
Phán quyết nói trên (pdf) do Thẩm phán Neil Gorsuch viết, có sự tham gia của ba thẩm phán bảo tồn truyền thống và ba thẩm phán tự do.
Ông Gorsuch viết: “Nói một cách đơn giản, không có yếu tố cố gắng cướp theo Đạo luật Hobbs nào yêu cầu bằng chứng rằng bị cáo đã sử dụng, cố gắng sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.” Ông Taylor có thể nhận án 20 năm theo Đạo luật Hobbs, nhưng “Quốc hội không cho phép các tòa án kết tội và kết án ông ấy thêm một thập niên giam cầm theo” Điều 924(c) của luật.
Các thẩm phán bảo tồn truyền thống Samuel Alito và Clarence Thomas đã viết các bản ý kiến bất đồng riêng biệt.
Khi tham khảo các tiểu thuyết giả tưởng kinh điển của Lewis Carroll, “Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên” (“Alice in Wonderland”) và “Bên Kia Màn Gương” (“Through the Looking-Glass”), Thẩm phán Thomas đã viết, phán quyết này “là ví dụ điển hình cho chính cách mà ‘cách tiếp cận tuyệt đối’ của Pháp viện này đã dẫn dắt Nhánh Tư pháp của Liên bang đi trên một ‘cuộc hành trình qua Bên Kia Màn Gương,’ trong đó hành trình đó chúng ta đã tìm thấy rất nhiều ‘điều kỳ lạ.’”
“Thay vì tiếp tục chuyến du ngoạn kéo dài 30 năm này vào điều vô lý, tôi sẽ yêu cầu ông Taylor phải chịu trách nhiệm về những gì ông ấy đã thực sự làm và giữ vững bản án của ông ấy.”
Luật sư của ông Taylor, Trợ lý Luật sư bào chữa Công cộng Liên bang Frances H. Pratt, đã hoan nghênh ý kiến của pháp viện.
Bà nói với The Epoch Times qua thư điện tử, “Chúng tôi rất vui khi biết rằng Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết ủng hộ thân chủ của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng phán quyết này sẽ không chỉ giúp ông ấy mà còn giúp những người khác bị kết án vi phạm Điều 924(c) dựa trên tội âm mưu cướp theo Đạo luật Hobbs.”
Bà Danielle Blevins thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết qua thư điện tử, “Chúng tôi sẽ từ chối bình luận về bất kỳ phán quyết nào được đưa ra ngày hôm qua.”
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.