Tối cao Pháp viện đứng về phía đại công ty mã kim Coinbase trong tranh chấp về đề nghị phân xử trọng tài
Tối cao Pháp viện đã đồng ý với sàn giao dịch mã kim Coinbase hôm 23/06, khi phán quyết theo tỷ lệ 5–4 rằng các tranh chấp của khách hàng không nên tiếp tục ở các tòa án cấp dưới trong khi các tòa phúc thẩm vẫn chưa ra phán quyết về yêu cầu chuyển các vụ kiện đó sang hội đồng trọng tài của công ty này.
Phán quyết này được cho là sẽ củng cố khả năng của các công ty trong việc hướng các tranh chấp của khách hàng đến quy trình phân xử trọng tài, hơn là hệ thống tòa án.
Coinbase đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện vì công ty này ưa thích quy trình trọng tài đã được nêu trong các thỏa thuận với người dùng hơn là hệ thống tư pháp, còn Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 9 thì đã từ chối yêu cầu của công ty này về việc chuyển các vụ kiện tập thể sang phân xử trọng tài.
Các công ty thường thích hình thức hình thức phân xử trọng tài hơn là tòa án, vì cho rằng quy trình này giải quyết các vụ việc nhanh hơn và giảm được chi phí. Một số nhà hoạt động vì người tiêu dùng thì lại ưa chuộng tòa án hơn, vì theo quan điểm của họ, hệ thống tư pháp cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và ít có khả năng đứng về phía các công ty bị kiện hơn.
Thẩm phán Brett Kavanaugh đã viết ý kiến đa số trong vụ Coinbase Inc. kiện Bielski, (hồ sơ tòa án số 22-105). Các Thẩm phán Samuel Alito, Neil Gorsuch, Amy Coney Barrett, và Chánh án John Roberts đã cùng tham gia ý kiến này.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã viết ý kiến bất đồng duy nhất, với sự đồng ý hoàn toàn của Thẩm phán Sonia Sotomayor và Thẩm phán Elena Kagan, và một phần của Thẩm phán Clarence Thomas.
Có trụ sở tại San Francisco, Coinbase vận hành một trong những nền tảng trao đổi mã kim lớn nhất tại Hoa Kỳ, mà trên đó người dùng có thể mua, bán, và giao dịch bằng nhiều loại tiền kỹ thuật số khác nhau, trong đó có bitcoin, ethereum, và dogecoin. Để sử dụng nền tảng này, trước tiên, một cá nhân phải ký thỏa thuận người dùng với Coinbase và đồng ý đưa “bất kỳ tranh chấp nào” ra trọng tài phân xử.
Trong một vụ kiện tập thể đang chờ thụ lý do những người dùng bất bình của Coinbase đệ trình chống lại công ty, công ty này đã muốn chuyển vụ kiện sang phân xử trọng tài.
Người dùng Coinbase, ông Abraham Bielski, đã kiện công ty này, tuyên bố rằng một tên tội phạm đã lừa dối ông và đã rút 31,000 USD từ tài khoản giao dịch của ông.
Coinbase tuyên bố rằng họ đã cảnh báo khách hàng về loại lừa đảo này trong thỏa thuận người dùng của mình, nhưng ông Bielski cho biết công ty này đã tỏ ra không mấy quan tâm đến hoàn cảnh của ông sau khi ông tìm cách khắc phục hành vi gian lận. Công ty này lập luận rằng vì ông Bielski đã ký thỏa thuận người dùng, vốn bắt buộc đưa các tranh chấp cho trọng tài phân xử, ông nên phải tiến hành vụ việc này theo thủ tục phân xử trọng tài.
Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ William Alsup, một người được ông Clinton bổ nhiệm, đã từ chối chuyển vụ kiện này cho trọng tài, nhận thấy rằng thỏa thuận người dùng của Coinbase đã vi phạm các nguyên tắc chung của luật hợp đồng và do đó không thể được thực thi. Cả hai vụ kiện tập thể được cho là vẫn đang tiến hành tại các tòa án địa hạt liên bang sau khi các thẩm phán từ chối hoãn chúng.
Coinbase đã cố gắng ngăn chặn các vụ kiện trong khi các kháng cáo của họ đang chờ giải quyết, lập luận rằng theo Đạo luật Trọng tài Liên bang, các hành động pháp lý đang chờ giải quyết tại tòa án phải được tạm dừng trong khi có kháng cáo đối với việc từ chối đề nghị buộc phân xử trọng tài.
Tòa Khu vực 9 đã từ chối phán quyết có lợi cho Coinbase.
Vẫn hy vọng buộc phân xử thông qua trọng tài, Coinbase đã nộp đơn khẩn cấp lên Tối cao Pháp viện. Pháp viện đã từ chối đơn này hồi tháng 08/2020 nhưng vào tháng 12/2022 đã đồng ý xem xét đơn kiện của công ty trên cơ sở không khẩn cấp. Tòa án đã nghe tranh luận bằng miệng hôm 23/03.
Trong bản ý kiến đa số mới, Thẩm phán Kavanaugh đã đứng về phía Coinbase.
Ông viết, “Khi một tòa án địa hạt liên bang từ chối kiến nghị buộc phân xử trọng tài, bên thua kiện có quyền kháng cáo tạm thời theo luật định.” Kháng cáo tạm thời là một kháng cáo không phải là cuối cùng và được đưa ra trong khi một hành động pháp lý đang được tiến hành.
“Câu hỏi duy nhất ở đây là liệu tòa án địa hạt có phải hoãn các thủ tục trước xét xử và xét xử của mình trong khi việc kháng cáo tạm thời đang diễn ra hay không. Câu trả lời là có: Tòa án địa hạt phải đình chỉ các thủ tục tố tụng.”
Sau khi Coinbase kháng cáo việc từ chối kiến nghị buộc phân xử trọng tài, “Tòa án địa hạt đã được yêu cầu tạm dừng thủ tục tố tụng của mình,” ông Kavanaugh viết.
Ông Kavanaugh cho biết việc để các tòa án tiếp tục tiến hành tố tụng trong khi chờ kháng cáo trọng tài có thể gây ra hậu quả bất lợi cho các đương sự.
Ông viết, “nhiều lợi ích của trọng tài (hiệu quả, ít chi phí hơn, quá trình điều tra khám phá ít gây xâm phạm đến quyền riêng tư hơn, v.v.) sẽ bị mất đi một cách không thể vãn hồi — ngay cả khi tòa phúc thẩm sau đó kết luận rằng vụ việc thực sự thuộc về thẩm quyền trọng tài ngay từ đầu.”
“Khi không tạm dừng, thì các bên cũng có thể bị buộc phải dàn xếp để tránh các thủ tục tố tụng của tòa án địa hạt (bao gồm quá trình điều tra khám phá và xét xử) mà họ có liên quan để tránh việc thông qua phân xử trọng tài. Khả năng cưỡng chế đó đặc biệt rõ rệt trong các vụ kiện tập thể, trong đó khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng có thể dẫn đến điều mà Thẩm phán [Henry J.] Friendly gọi là ‘dàn xếp kiểu tống tiền.’”
Và từ “góc độ thể chế của cơ quan tư pháp … việc cho phép một vụ án được tiến hành đồng thời tại tòa địa hạt và tòa phúc thẩm tạo ra khả năng tòa địa hạt sẽ lãng phí nguồn lực tư pháp khan hiếm — vốn có thể được dành cho các vấn đề dân sự hoặc hình sự cấp bách khác — vào một tranh chấp mà rốt cuộc vẫn sẽ dẫn đến phân xử trọng tài trong mọi trường hợp. Kịch bản đó đại diện cho ‘kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra’ đối với các bên và tòa án: khởi kiện một tranh chấp tại tòa án địa hạt chỉ để tòa phúc thẩm ‘đảo ngược và ra lệnh tranh chấp này cần được phân xử trọng tài.’”
Tối cao Pháp viện đã đảo ngược phán quyết của Tòa Khu vực 9 và đã gửi trả quyết định cho tòa án này “để tiếp tục các thủ tục tố tụng phù hợp với bản ý kiến này,” đồng thời cho biết thêm rằng “chúng tôi dự đoán” tòa án khu vực “sẽ tiến hành thủ tục với tốc độ khẩn trương thích hợp khi xem xét kháng cáo tạm thời của Coinbase đối với việc từ chối kiến nghị buộc phân xử trọng tài.”
Trong bản ý kiến bất đồng của mình, Thẩm phán Jackson đã viết rằng ý kiến của đa số các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã “phát minh” ra một quy tắc mới ủng hộ trọng tài hơn là cơ quan tư pháp như một phương tiện giải quyết tranh chấp.
Bà viết: “Quy tắc bắt buộc-chung-về tạm dừng này đối với các kháng cáo về khả năng phân xử trọng tài tạm thời chẳng biết từ đâu ra.”
“Không có luật nào áp đặt quy tắc này. Cũng không có phán quyết nào của Pháp viện này như vậy. Tuy nhiên, đa số thẩm phán ngày nay phát minh ra một quy tắc tạm dừng mới vĩnh viễn có lợi cho một nhóm đương sự — các bị cáo tìm kiếm phân xử trọng tài.”
Bà Jackson viết, “Giờ đây, bất kỳ bị cáo nào bày đặt ra một lập luận xác đáng để phân xử trọng tài, thì không chỉ có thể kháng cáo, mà còn có thể ép uổng dừng vụ kiện lại — khiến các nguyên đơn bị tổn hại, mất bằng chứng, và cạn kiệt lòng kiên nhẫn cũng như ngân quỹ của họ trong thời gian chờ đợi.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times