Tối cao Pháp viện đã viết lại Hiến Pháp như thế nào: 1937–1944 (Phần 2)
Phần II: Giai đoạn thiết lập kịch bản và sân khấu.
Phần đầu tiên của loạt bài này mô tả chính phủ liên bang của Hoa Kỳ là đơn giản với nhiều hạn chế về quyền lực từ năm 1789 cho đến những năm 1930. Phần thứ hai này giải thích kịch bản và sân khấu đã được thiết lập như thế nào để thúc đẩy những sự thay đổi căn bản.
Khủng hoảng và Suy thoái
Vào tháng 10/1929, bong bóng tài chính đã vỡ. Như thường lệ khi bong bóng tài chính vỡ, mọi người mất rất nhiều và khó khăn xảy ra sau đó. Nhưng bong bóng đã vỡ trong nhiều thế kỷ. Những người khôn ngoan biết rằng trong những cuộc khủng hoảng tài chính, hầu hết sự can thiệp của chính phủ đều gây thiệt hại nhiều hơn lợi ích đem lại. Họ đã biết rằng giải pháp tốt nhất là để chính phủ hỗ trợ các tổ chức từ thiện tư nhân cứu trợ người nghèo, nếu họ không làm vậy thì hãy để nền kinh tế tự tổ chức lại và phục hồi một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thông thái như vậy. Trong thời kỳ khó khăn, họ khăng khăng đòi rằng chính phủ “hãy làm điều gì đó”. Các quan chức phản ứng theo kiểu chính trị cổ điển:
Chúng ta phải làm gì đó!
Đây hẳn là một cái gì đó.
Vì thế, chúng ta phải làm điều này!
Thật không may, “điều này” hầu như luôn làm nguy hại thêm, và tốt nhất là “điều này” đến thật trễ để không đem lại nhiều (hoặc bất kỳ) lợi ích nào.
Có một niềm tin phổ biến rằng Tổng thống Herbert Hoover đã làm tương đối ít để ứng phó với cuộc Suy thoái nhưng hành động táo bạo của Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã chữa được phần lớn. Điều này là không đúng sự thật.
Ông Hoover đã thông qua một mức thuế cao để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ, và Cục Dự trữ Liên bang đã thắt chặt tín dụng. Ông Hoover cũng chấp thuận chi tiêu liên bang khổng lồ. Mọi thứ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, và vào năm 1932, ông Roosevelt đã đánh bại nỗ lực tái đắc cử của ông Hoover.
Khi còn là một ứng cử viên, ông Roosevelt đã vận động chống lại các chính sách của ông Hoover, nhưng sau khi đắc cử, ông ta thậm chí còn chi nhiều hơn. “Thỏa thuận mới” (New Deal) của ông ấy đề cập đến những khoản chi khổng lồ để thực thi các dự án, một số có giá trị thực sự nhưng có nhiều khoản lãng phí. Ông Roosevelt đã thao túng tiền tệ, áp dụng các chính sách trái ngược nhau. Thay vì cho phép giá rớt đến mức mà thị trường sẽ chấp nhận, ông đã cố gắng tăng giá bằng cách kiềm chế cạnh tranh kinh doanh. Các chương trình của Thỏa thuận mới đã phá hủy hàng hóa nông nghiệp “dư thừa” trong khi nhiều người trên thế giới đang chết đói.
Không thể chữa khỏi cuộc Suy thoái, các chính sách của ông Hoover và ông Roosevelt đã làm trầm trọng thêm. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 lẽ ra chỉ gây ra một cuộc suy thoái sâu nhưng ngắn hạn. Dưới sự quản trị yếu kém của liên bang, nó đã gây ra cuộc Đại Suy thoái. Sự phục hồi bị đình trệ vào năm 1937, và nền kinh tế lại sụp đổ. Mức sống duy trì ở mức thấp cho đến khi các hạn chế về kinh tế được dỡ bỏ sau Đệ nhị Thế chiến.
Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia liên bang phản ứng với sự cố vỡ bong bóng bằng những ý tưởng dẫn đến bong bóng tiếp theo. Nhưng trước những năm 1930, quyền lực bị hạn chế của họ theo hiến pháp đã kiềm tỏa khả năng phá hoại của họ. Bắt đầu từ những năm 1930, Tối cao Pháp viện cho phép họ phá hoại mà không bị cản trở.
Tối cao Pháp viện năm 1934
Năm 1934, như bây giờ, Tối cao Pháp viện bao gồm chín thẩm phán. Chánh án là ông Charles Evans Hughes.
Ông Hughes là một trong những chính khách được kính trọng nhất của Hoa Kỳ. Ông từng là thống đốc của New York, sau đó là thẩm phán thành viên của Tối cao Pháp viện. Ông từ chức khỏi tòa án để chấp nhận đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào năm 1916, thua ông Woodrow Wilson trong gang tấc. Ông từng là ngoại trưởng trong chính quyền Harding – Coolidge (1921–25) và sau đó trở lại hành nghề luật sư tư nhân. Năm 1930, ông Hoover cử ông trở lại tòa án với tư cách là chánh án.
Trong những ngày đó, nhiều đảng viên Cộng Hòa đã theo phái Theodore Roosevelt cấp tiến. Khi còn là thống đốc của New York, ông Hughes chứng tỏ mình là một người cấp tiến. Vào những năm 1930 và 1940, những người cấp tiến tự gọi mình là “những người theo trường phái tự do”, vì vậy chúng ta sẽ sử dụng cả hai thuật ngữ này.
Thẩm phán thành viên Owen Roberts, một người được bổ nhiệm bởi ông Hoover của Đảng Cộng Hòa, là một lá phiếu dao động, hơi giống với Chánh án John Roberts hiện tại của chúng ta. Tuy nhiên, nhìn chung, ông Owen Roberts đã dần dần chuyển sang cánh tả.
Các nhà bình luận thường chia bảy thẩm phán còn lại thành hai phe. Những cái tên mà họ áp dụng cho hai phe phản ánh thành kiến tự do của “các tầng lớp buôn chuyện”. Họ gọi ba vị thẩm phán cấp tiến nhất là “Ba người lính ngự lâm”—một cái tên gợi ý đến một nhóm đồng minh vui vẻ. Ba chàng lính ngự lâm là Louis Brandeis (do ông Wilson đề cử), ông Benjamin Cardozo (do ông Hoover đề cử) và ông Harlan F. Stone (do ông Calvin Coolidge đề cử). Ông Brandeis và ông Cardozo là những thành viên Do Thái đầu tiên của tòa án. Cả ba đều được nhiều học giả ngưỡng mộ.
Bốn thẩm phán còn lại theo phái truyền thống hơn. Các nhà bình luận tự do gọi họ là “Bốn kỵ sĩ”, một cụm từ gợi ý về thảm họa tận thế. Tuy nhiên, một trong bốn người đã biên soạn một văn bản hỗn hợp chứ không phải là một văn bản theo quan điểm truyền thống thuần túy. Ông George Sutherland (do ông Warren G. Harding đề cử) có nền tảng gốc theo cấp tiến, và vào năm 1923, ông là tác giả của một quyết định gây khó khăn cho việc thách thức tính hợp hiến của các chương trình chi tiêu liên bang (pdf). Năm 1936, ông viết ý kiến rằng chính phủ liên bang có thể thực hiện các quyền hạn về chính sách đối ngoại ngoài những quyền hạn được Hiến Pháp cho phép (pdf). Năm 1937, ông tham gia chung một ý kiến cùng ông Cardozo dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế của hiến pháp đối với chi tiêu liên bang (pdf).
Ba chàng kỵ sĩ khác là James McReynolds, một đảng viên Đảng Dân Chủ và bài Do Thái cật lực, người đã được đề cử bởi ông Wilson; ông Pierce Butler, một đảng viên Dân Chủ do đảng viên Cộng Hòa Harding đề cử; và ông Willis Van Devanter, một đảng viên Cộng Hòa được đề cử bởi đảng viên Cộng Hòa William Howard Taft.
Ông McReynolds, ông Butler và ông Van Devanter là những nhà chính trị gia theo phe truyền thống cuối cùng phục vụ tại Tối cao Pháp viện. “Chính trị gia phe truyền thống”, ý tôi là một thẩm phán sẵn sàng tác động Hiến Pháp để đạt được các mục tiêu chính trị truyền thống. Như tôi đã giải thích ở một số chỗ, không có chính trị gia theo phái truyền thống nào trên băng ghế dự bị hiện nay, mặc dù có ba chính trị gia theo phái tự do.
Tóm lại, Tối cao Pháp viện năm 1934 có ba chính trị gia theo phái truyền thống (McReynolds, Butler và Van Devanter), hai thẩm phán có khuynh hướng hỗn hợp (Sutherland và Roberts), một người theo khuynh hướng tự do ôn hòa (ông Hughes), và ba người kiên định theo hướng tự do (Stone, Brandeis và Cardozo).
Triết học Tự do/Cấp tiến
Những người theo trường phái tự do của những năm 1930 không thể hiện chủ nghĩa toàn trị trá hình đang chi phối đám đông “cấp tiến” hiện nay. Tuy nhiên, họ tin vào một chính phủ “khoa học” tập trung được điều hành bởi các chuyên gia. Niềm tin đó khiến họ rơi vào tình huống chống lại các nguyên tắc hiến pháp của Hoa Kỳ về chính phủ bị hạn chế [quyền lực] và tính trung lập về mặt pháp lý của chính phủ.
Năm 1934, tòa án quyết định trong vụ Home Building & Loan Assn. chống lại Blaisdell (pdf). Trong vụ này, tòa án đã làm suy yếu (ít nhất là ngắn hạn) lệnh cấm của Hiến Pháp đối với luật tiểu bang và làm suy yếu “Nghĩa vụ của Hợp đồng” (Điều I, Mục 10, Khoản 1). Kết quả bỏ phiếu là 5–4.
Theo ý kiến đa số của mình, Chánh án Hughes đã dùng cơ hội này để chỉ rõ thái độ tự do/cấp tiến đối với chính phủ và Hiến Pháp. Đây là một trích đoạn:
“Ngày càng có sự đánh giá cao về nhu cầu của công chúng và sự cần thiết của việc tìm kiếm cơ sở cho thỏa hiệp hợp lý giữa quyền cá nhân và phúc lợi công cộng. Sức ép… của mật độ dân số không ngừng gia tăng, sự tương tác giữa các hoạt động của con người và sự phức tạp của lợi ích kinh tế của chúng ta, dĩ nhiên đã khiến gia tăng việc sử dụng các tổ chức xã hội để bảo vệ chính những nguyên tắc căn bản về cơ hội cho cá nhân. Trong thời gian trước đây, người ta cho rằng chỉ những mối quan tâm của nhiều cá nhân hoặc của các tầng lớp thì mới có liên quan và những mối quan tâm của nhà nước thì ít bị ảnh hưởng, nhưng sau này người ta thấy rằng những lợi ích căn bản của nhà nước đã bị ảnh hưởng trực tiếp.
“Nếu tuyên bố rằng Hiến Pháp có ý nghĩa vào thời điểm được thông qua nó có ý nghĩa [như vậy] vào ngày hôm nay, thì có ý nói rằng các điều khoản lớn của Hiến Pháp phải được giới hạn trong việc giải thích mà các nhà soạn thảo sẽ đặt ra cho chính họ, trong điều kiện và bối cảnh của thời đại lúc bấy giờ, tuyên bố này tự nó mang theo sự phủ định. Chính vì để đề phòng quan niệm hẹp hòi như vậy mà Chánh án Marshall đã phải thốt lên lời cảnh báo đáng nhớ: ‘Chúng ta không bao giờ được quên, rằng chúng ta đang giải thích bản Hiến Pháp.’”
Những gì ông Hughes đã nói là:
- Chính phủ phải cân bằng quyền cá nhân với phúc lợi chung.
- Cuộc sống phức tạp hơn và các mối quan hệ chồng chéo rất nhiều so với trước đây. Chỉ có chính phủ mới có thể gỡ rối sự phức tạp này.
- Sự hiểu biết của các Nhà Sáng Lập không có ràng buộc nào đến việc giải thích Hiến Pháp của chúng ta. Tuyên bố rằng nó đang “mang theo sự phủ định cho chính nó.”
- Các giải thích hiến pháp truyền thống là “hẹp”. (Những người theo trường phái cấp tiến còn gọi là “máy móc” và “hình thức”.)
- Quan điểm của Chánh án John Marshall biện minh cho cách giải thích lại theo kiểu cấp tiến.
Tất nhiên, tất cả những ý tưởng đó đều phải đối mặt với thử thách điều trần về tính thông thái của nó.
Một điểm cuối cùng: ông Hughes đã trình bày sai lệch quan điểm của ông Marshall. Khi ông Marshall viết “Chúng ta không bao giờ được quên, rằng chúng ta đang giải thích bản Hiến Pháp”, ông không nói rằng một thẩm phán nên bỏ qua ý nghĩa nguyên gốc của bản Hiến Pháp. Ông ấy đang giải thích cách sử dụng một quy tắc giải thích chung để tìm ra ý nghĩa ban đầu của Hiến Pháp.
Các phần sau của loạt bài này nói rõ cách các phiên tòa của phái cấp tiến tiếp tục xuyên tạc ông Marshall khi họ phá bỏ các hạn chế của hiến pháp đối với quyền lực liên bang. Sự xuyên tạc về ông Marshall vẫn tiếp tục trong giới học giả tự do ngay cả ngày nay (pdf).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).
Vui lòng đón xem Phần 3 “Tòa án trên bờ vực” trong loạt bài “Tối Cao Pháp Viện Viết Lại Hiến Pháp Như Thế Nào”
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: