Tối cao Pháp viện: Cuộc chiến Hiến Pháp và các giá trị Mỹ
Thời điểm bầu cử sắp cận kề càng trở nên kịch tính hơn bao giờ khi cùng lúc diễn ra một việc trọng đại trong nền chính trị Hoa Kỳ, Thượng viện chuẩn bị phê chuẩn vị trí Tối cao Pháp viện do tổng thống Trump đề cử.
Đại dịch chết chóc thế kỷ, nền kinh tế suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và bạo loạn Black Lives Matter lan tràn khắp nước Mỹ khi ngày bầu cử đang đến gần dường như vẫn chưa đủ cho sự chia rẽ căng thẳng vào giai đoạn cuối cuộc bầu cử Tổng thống 2020.
Chảo lửa chính trường Mỹ vừa được đổ thêm dầu khi vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện – nhân vật quyền lực có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và hướng đi của nước Mỹ trong vài thập kỷ tiếp theo, ngay cả khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc được đề cử cho bà Amy Coney Barrett, người kiên định với quan điểm phá bỏ tất cả những gì mà vị thẩm phán tiền nhiệm dành cả đời để bảo vệ…
Vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện và sự đối lập trong quan điểm pháp luật của bà Amy Coney Barrett và bà Ruth Bader Ginsburg, đại diện quan điểm pháp luật của 2 Đảng đối lập bản chất là cuộc chiến Hiến Pháp – văn kiện pháp lý tối cao của Hoa Kỳ, một cuộc chiến giữa Tổng thống Trump – người bảo vệ những di sản của những vị Quốc Phụ viết nên Hiến Pháp với phe cánh tả và mục tiêu viết lại Hiến Pháp Mỹ.
Cuộc đối đầu một mất một còn giữa 2 ứng viên Tổng thống và cuộc đua cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện là bức tranh toàn cảnh về những xung đột trong nền chính trị Mỹ mấy thập kỷ qua và đến thời điểm quyết định xem điều gì sẽ thay đổi nước Mỹ mãi mãi.
Quyền lực quan trọng nhất của Tối cao Pháp viện đối với Hiến Pháp là gì?
Hiến Pháp là công cụ luật để quản lý chính phủ, phân chia quyền lực của chính phủ để cho các bên kiểm soát lẫn nhau theo mô hình tam quyền phân lập: Quốc hội nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.
Thiết chế đứng đầu nhánh Tư pháp là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến Pháp Mỹ, quyền quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang. Thẩm phán tòa Tối cao được bổ nhiệm trọn đời bởi tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện.
Thẩm phán Tối cao Pháp viện có quyền phủ quyết tổng thống. Không ít lần những sắc lệnh, quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa ra bị Thẩm phán bác bỏ vì cho rằng nó không hợp hiến và xâm phạm quyền con người. Ví dụ chính sách DACA và DAPA của Tổng thống Obama từng bị Thẩm phán bác bỏ vì cho rằng là những đạo luật vi hiến.
(DACA: cho phép trẻ em dưới 16 tuổi, không có quốc tịch Hoa Kỳ, không có giấy tờ hợp lệ được phép cư trú tại Hoa Kỳ trong vòng hai năm còn đạo luật DAPA là chính sách cho phép hoãn trục xuất khỏi nước Mỹ những cha mẹ không có quốc tịch Mỹ nhằm thu hút phiếu bầu của người gốc Mexico)
Các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định Hiến Pháp là “Bộ luật tối cao của đất nước”, có nghĩa là các luật đưa ra mà mâu thuẫn với những quy định trong Hiến Pháp, thì những luật đó sẽ không có hiệu lực. Và quyết định chung thẩm đó thuộc về Tối cao Pháp viện.
Vì thế có thể nói quyền lực quan trọng nhất của Tối cao Pháp viện là giải thích và kết luận một vấn đề nào là phù hợp hay trái với Hiến Pháp. Đây chính là lý do khiến vị trí này có thể định hình mọi mặt xã hội Mỹ trong nhiều thập kỷ, bởi tòa tối cao có vai trò quyết định ra phán quyết về một loạt các vấn đề văn hóa, xã hội và chính trị như: nạo phá thai, hôn nhân đồng tính, sở hữu súng, nhập cư, lao động…
Tại sao có cuộc chiến về Hiến Pháp?
Phe bảo thủ (Đảng Cộng Hòa) trung thành với việc bảo vệ Hiến Pháp với đúng tinh thần nguyên bản khi các Quốc phụ Mỹ viết ra, làm nền móng cho nền chính trị Mỹ dựa vào các nguyên tắc căn bản bất biến đã giúp xã hội Mỹ ổn định trong cả hơn 200 năm qua.
Trong khi đó, phe cấp tiến (Đảng Dân Chủ) muốn diễn giải Hiến Pháp theo quan điểm tự do cá nhân của quan tòa, mục đích thay đổi Hiến Pháp và định hình lại mọi mặt xã hội Mỹ theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cấp tiến, đặc biệt sau cuộc cách mạng văn hóa Mỹ những năm thập niên 1960.
Các thẩm phán diễn giải Hiến Pháp theo quan điểm tự do, cấp tiến trên cơ sở những đòi hỏi về quyền tự do triệt để, tách rời tôn giáo và các giá trị đạo đức truyền thống với pháp luật, nhằm theo đuổi cổ xúy một thứ chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tương đối về đạo đức.
Chủ nghĩa tương đối về đạo đức cho rằng không có đạo đức tối cao và bất biến, mỗi cá nhân đều có thể dựa vào quan niệm bản thân mình để quyết định nên hành động như thế nào. Ví dụ, người phụ nữ có quyền quyết định việc giữ hay phá bỏ thai nhi, kết hôn với người khác giới hay đồng giới. Trong khi phe bảo thủ xác định đúng sai tốt xấu, được phép, không được phép theo các điều răn của Chúa, và tin rằng có một chuẩn đạo đức tuyệt đối, là Đạo của Tự nhiên và Đấng Sáng Thế.
Trong một vụ xét xử về phá thai năm 1992 của Tòa án Tối cao, Thẩm phán Anthony Kennedy – vị thẩm phán thuộc phái tự do tuyên bố: “Có một số người sẽ cho rằng phá thai đi ngược lại với nguyên tắc đạo đức cơ bản của chúng ta, tuy nhiên điều này không thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi là định nghĩa “tự do” cho tất cả mọi người, chứ không phải cưỡng chế thực thi nguyên tắc đạo đức của bản thân chúng tôi.” (Tổ chức kế hoạch hóa gia đình ở đông nam Pennsylvania v. Casey (Số 91-744, 91-902).)
Các thẩm phán cấp tiến nhấn mạnh “tự do” là cơ điểm hành pháp của tòa án, chứ không phải là nguyên tắc đạo đức. Điều này thực tế là tách rời “tự do” khỏi nguyên tắc đạo đức phổ quát của con người. Định nghĩa về tự do của những quốc phụ thành lập nên nước Mỹ, cơ sở của nó là giá trị phổ quát “mọi người đều biết”, nó không phải là thứ tự do theo quan điểm cá nhân mà là do Đấng Sáng Thế quy định.
Tự do trong Hiến pháp Mỹ là gì?
Tự do là một trong 3 giá trị cốt lõi làm nên nước Mỹ được in trên các đồng xu bao gồm:
- E Pluribus Unum (từ rất nhiều, một); In God we Trust (Chúng ta tin vào Chúa); Liberty (Tự do)
- “E Pluribus Unum” (từ rất nhiều, một): có nghĩa là người Mỹ có thể thuộc mọi nguồn gốc dân tộc, quốc gia… miễn là họ tới Mỹ (một cách hợp pháp), chăm chỉ làm việc xây dựng quốc gia Mỹ thịnh vượng tốt đẹp.
- “In God we Trust” (Chúng ta tin vào Chúa): nghĩa là nước Mỹ thành lập trên niềm tin rằng Chúa là nguồn gốc của mọi giá trị trên đời.
Đó là lý do tại sao trong Tuyên ngôn độc lập, các vị Quốc phụ công thần tuyên bố “Chúng ta có quyền không ai có thể tước đoạt được”. Tại sao không ai có thể tước đoạt được? Vì những quyền này không đến từ con người, chúng được trao cho con người từ Chúa trời, do đó không thể bị con người tước đoạt.
Người Mỹ có thể đến từ mọi quốc gia, nhưng nếu không có niềm tin vào Chúa thì có lẽ không thể được xem là một người Mỹ chân chính. Cuộc sống con người chỉ có thể trở nên bất khả xâm phạm bởi nó được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế và đó là lý do mà sinh mệnh con người là thiêng liêng, sự bình đẳng của con người là sự bình đẳng từ Chúa.
“Liberty (Tự do)”: Mỹ là xã hội duy nhất đặt Tự do cùng với ‘Chúng ta tin vào Chúa’ và E Pluribis Unum.
Có nghĩa là Tự do của Mỹ là tự do được ban cho bởi Chúa về sự bất khả xâm phạm vào quyền được sống, mưu cầu hạnh phúc và tự do ngôn luận, trong khuôn khổ các chuẩn mực đạo đức làm người mà Chúa răn dạy.
Nó tất nhiên không phải là thứ tự do vô độ phóng túng dục vọng, hay thứ tự do đoạt mạng sống của người khác như việc cho phép phá thai.
Cuộc sống con người là bất khả xâm phạm bởi nó được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế và đó là lý do mà sinh mệnh con người là thiêng liêng, sự bình đẳng của con người là sự bình đẳng từ Chúa.
Chúa ở Phương Tây hay Thần Phật ở Phương Đông đều giảng, sinh mệnh con người là vô cùng trân quý, sát sinh là có tội, tội nghiệp vô cùng to lớn. Cho nên rõ ràng phá thai là đi ngược lại với Luật của Chúa và Đấng Sáng Thế.
John Locke – nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong “Điều ước thứ hai” viết về quyền bất khả xâm phạm của con người như một tài sản của Chúa rằng:
“Vì loài người được sinh ra bởi tay nghề của một Đấng Sáng tạo toàn năng và vô hạn; tất cả là các tôi tớ của một Vương Chủ, được sai đến thế gian theo lệnh của Ngài và vì công việc của Ngài; chúng là tài sản của Ngài, mà tay nghề của họ, được tạo ra để tồn tại trong thời gian của Ngài, chứ không phải để mua vui cho nhau”.
Người ta hay nhắc đến Mỹ như một xã hội tự do lý tưởng, nhưng điều làm nên sự vĩ đại của Hoa Kỳ chính là một quốc gia mà tự do luôn gắn liền với “Chúng ta tin vào Chúa”, một quốc gia “Ở dưới Chúa” (Under God). Đó là lý do mà Hoa Kỳ coi trọng hết mức tự do tôn giáo, đề cao đạo đức, đó cũng là lý do mà các vị Quốc phụ Hoa Kỳ đã khai sáng và để lại một nền Cộng hòa – chính phủ dựa trên tôn giáo và đức hạnh.
Trong quan niệm của các vị Cha Lập quốc, quyền bất khả xâm phạm, quyền tự do của con người không phải là do con người tự ý quy định. Quyền đó là do Chúa Sáng Thế ban cho con người. Sự tự do này là có quy phạm, đặt cơ điểm trên nền tảng đạo đức phổ quát mà tín ngưỡng đem tới.
Với một bộ Hiến pháp khẳng định quyền của con người thuộc về quyền tối cao của Đấng Sáng Thế, tức là sự khẳng định pháp luật của con người đặt trên cơ điểm Luật của Chúa và Tự Nhiên (“The laws of Nature and laws of Nature’s Gods” là những dòng đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và được coi là hiển nhiên).
Quyền tự do theo Hiến Pháp Mỹ, có lẽ không gì sáng tỏ hơn lời của Benjamin Franklin một trong bảy thành viên chủ chốt của nhóm lập quốc, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn độc lập Mỹ, rằng: “Chỉ những người có đạo đức mới xứng đáng được tự do”
Pháp luật truyền thống trên cơ điểm Luật của Tự Nhiên và của Chúa
Bộ pháp điển đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ghi chép thành sách là “Bộ pháp điển Hamurabi” của Babylon cổ đại. Phần đỉnh của bia đá khắc bộ pháp điển là hình vẽ miêu tả cảnh Thần Thái Dương Shamash (cũng là Thần Công Lý) của Babylon đang truyền thụ pháp luật cho vua Hamurabi, ngụ ý là Thần đã tuyển chọn Hamurabi và trao cho ông quyền lực để trị vì thần dân bằng pháp luật.
Từ các hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên đến Justinian và những người kế tục ông, cho đến vua Alfred đại đế cũng đều lấy “Mười điều răn của Moses” và tinh thần giáo nghĩa của Cơ Đốc giáo làm căn cứ để xây dựng pháp luật. [1]
Người phương Tây tín Thần coi “Mười điều răn của Moses” trong “Kinh Cựu ước” là lời răn của Thần và cũng là pháp luật. Pháp luật phương Tây cũng đi theo truyền thống này.
Pháp luật là công cụ cứng rắn để duy trì sự công bằng, chính nghĩa, trừng trị kẻ ác, khuyến khích người thiện, do đó pháp luật phải đưa ra định nghĩa về “Thiện” và “Ác”. Đây là những giá trị phổ quát của nhân loại, được quy định bởi Thượng Đế/Trời/Sáng Thế Chủ, nó bắt nguồn từ Thần (Sáng Thế Chủ được nhắc đến 4 lần trong Hiến Pháp Mỹ), là những giá trị đúng đắn với tất cả mọi người, mọi quốc gia, mọi thời điểm. nó phải là tiêu chuẩn bất biến.
Nhà hiền triết Hy Lạp Cicero là người bàn về sự tồn tại của Luật tự nhiên (Luật của Chúa). Trong cuốn “Bàn về Cộng hòa”, ông viết:
“Thật sự có một luật, là lý trí đúng đắn, hoàn toàn tuân theo tự nhiên; tồn tại trong tất cả, bất biến, và vĩnh cửu. Luật đó chỉ đạo cho chúng ta điều gì là tốt, cấm chúng ta làm điều xấu. Nó không thay đổi, không phải là một thứ này ở Rome, và một thứ khác ở Athens: không phải một thứ này ngày hôm nay và một thứ khác vào ngày mai. Nó là vĩnh cửu, không thay đổi đối với tất cả quốc gia và trong mọi thời điểm.”
Giá trị phổ quát của nhân loại không thể thay đổi theo quan điểm của các thẩm phán. Xét một cách lý trí, nếu như các thẩm phán tùy ý định nghĩa Thiện Ác theo quan điểm cá nhân, thì ai cũng có thể làm vậy. Và như thế thì xã hội sẽ rối loạn vì không có một tiêu chuẩn cố định, bất biến.
Đối với những người tin vào Thần thì tiêu chuẩn Thiện, Ác do Thần quy định và bất biến, vì thế các kinh sách trong tôn giáo là căn cứ và nguồn gốc của pháp luật.
Khi những người nô lệ tự do tặng cho Tổng thống Lincoln một cuốn “Thánh kinh”, ông nói: “Về cuốn sách vĩ đại này, tôi chỉ có thể nói rằng, đây chính là món quà mà Thượng đế ban tặng cho nhân loại. Tất cả những gì tốt đẹp mà Đấng Cứu thế ban tặng cho chúng ta chính là đều thông qua cuốn sách này. Nếu không có nó chúng ta không thể phân biệt thế nào là Thiện ác. Tất cả những việc liên quan tới hạnh phúc và lợi ích của nhân loại, dù là ở thời điểm hiện tại hay tương lại đều có thể tìm thấy trong cuốn sách này.”
Nguyên tắc công bằng, chính nghĩa được xác lập trên cơ sở lời răn của Thần, do Thần chủ trì, vì thế là vĩnh hằng, bất biến. Có như vậy thì nền tảng đạo đức pháp luật của con người mới có thể ổn định, vững chắc, tiêu chuẩn Thiện – Ác, công bằng, chính nghĩa tối căn bản của pháp luật qua các thời đại mới không bị bóp méo, bẻ cong thậm chí biến đổi hoàn toàn.
Ở phương Đông cũng vậy. Trong lịch sử, vua, người đặt định ra pháp luật là thiên tử, phải tuân theo thiên ý, tuân theo quy luật vận hành của thiên địa, cũng chính là “Đạo” mà Hoàng Đế và Lão Tử giảng.
Người Trung Hoa xưa tin rằng: “Đạo chi đại nguyên xuất ư thiên, thiên bất biến đạo diệc bất biến” (Đạo bắt nguồn từ Trời, Thiên bất biến Đạo cũng bất biến). Tín ngưỡng đối với Thiên đạo là cơ sở đạo đức của văn hóa truyền thống, và là nền tảng cho chế độ chính trị pháp luật, có ảnh hưởng tới lịch sử hàng nghìn năm.
Khi các vị Quốc phụ viết nên bản Hiến pháp Mỹ và Tuyên ngôn độc lập đã nói xác quyết quyền của con người được trao bởi từ Đấng Sáng Thế: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”
Hiến pháp Mỹ thiết lập nên một nền Cộng hòa dựa trên nền tảng tôn giáo và đức hạnh, cho nên rõ ràng rằng Luật Chúa là nền tảng của Hiến pháp, pháp luật Hoa Kỳ.
Như vậy trên phương diện pháp luật một điều luật được coi là có hiệu lực thì phải phù hợp với quy luật của Tự nhiên, của các Thần và Đấng Sáng Thế. Quan hệ giữa pháp luật của Thần và pháp luật của con người thế tục là quan hệ giữa pháp luật bên trên và pháp luật bên dưới, pháp luật của Thần là tiêu chuẩn tối cao và không thể đi ngược lại.
John Adams, Tổng thống thứ Hai, một trong các vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ từng nói:
“Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.”
Phải chăng, khi viết điều này, John Adams cảnh báo trước nguy cơ Hiến pháp Hoa Kỳ bị diễn giải để thực thi một thứ pháp luật biến dị rời xa các tiêu chuẩn Luật của Thần/Chúa ngày nay.
(Còn tiếp)