Tội ác của Trung Cộng: Cuộc bức hại đã cướp đi mạng sống của một cặp vợ chồng Trung Quốc
Sau 22 năm bị chính quyền Trung Quốc sách nhiễu và tra tấn vì đức tin của mình, ông Đại Chí Đông (Dai Zhidong) đã qua đời hôm 11/02, ở tuổi 60, 35 ngày sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc một lần nữa bắt giữ ông vì đem tặng một tờ tài liệu, và chưa đầy một năm sau khi vợ ông, bà Quản Phượng Hà (Guan Fengxia), qua đời trong cuộc bức hại hà khắc của nhà cầm quyền này.
Ông Đại đã làm tài xế xe tải chở hàng trong những tháng vừa qua. Vào ngày 08/01, ông đang đổ xăng trên đường đi giao hàng ở huyện Lâm Điện, tỉnh Hắc Long Giang, cực đông bắc Trung Quốc, trong quá tình này, ông đã đưa tặng một tờ tài liệu giới thiệu về đức tin của mình cho nhân viên trạm xăng. Ngay sau khi rời khỏi trạm xăng, một nhóm cảnh sát bất ngờ xuất hiện và chặn chiếc xe tải của ông. Sau đó, họ đã giam giữ ông qua đêm mà không đưa ra bất kỳ văn bản chính thức nào, đồng thời lấy chìa khóa nhà của ông.
Ngày hôm sau, sau khi yêu cầu ông trả 10,000 nhân dân tệ (1,570 USD), cảnh sát đã thả ông ra. Khi ông Đại về đến nhà thì bàng hoàng phát hiện nhà mình đã bị đột kích; cảnh sát đã lôi tất cả mọi thứ trong ngăn kéo và tủ của ông vứt la liệt trên sàn nhà, và ăn nửa hộp quýt hồng mà ông đã mua trước khi thực hiện chuyến giao hàng cuối cùng của mình. Họ lột vỏ quýt rồi sau đó vứt vương vãi khắp sàn nhà.
Cảnh sát cũng đã lấy đi số tiền tiết kiệm duy nhất còn sót lại của ông Đại mà ông cất ở nhà để phòng thân — 5,000 nhân dân tệ (786 USD).
Không còn tiền và lo lắng rằng cảnh sát có thể sách nhiễu mình lần nữa, cũng như nỗi nhớ người vợ khôn nguôi, ông Đại suy sụp với các triệu chứng bệnh nặng khởi phát nhanh chóng, không thể chịu đựng được hàng thập niên bị đe dọa và tra tấn. Không có tiền bảo hiểm hay tiền khám bệnh, ông Đại qua đời tại nhà vào ngày 11/02.
Trong suốt hai mươi năm qua, ông và vợ ông đã bị Đảng Cộng sản (Trung Cộng) cai trị của Trung Quốc tra tấn thậm tệ chỉ vì họ từ chối tuyên bố từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc bao gồm các bài tập khí công và các bài giảng đạo đức nhằm nâng cao cuộc sống sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Tuy nhiên, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch xóa sổ một cách có hệ thống vào tháng 07/1999 chỉ đơn giản vì môn tập này đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc, nhiều hơn cả số đảng viên của Trung Cộng.
Ông Đại và bà Quản từng có một gia đình hạnh phúc tại Đại Khánh, một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Ông Đại làm việc tại Trung tâm Đào tạo của Công ty Máy bơm Chìm thuộc Cục Quản lý Dầu khí Đại Khánh. Bà Quản từng là người điều khiển tại ga xe lửa Tát Nhĩ Đồ ở Đại Khánh. Họ có được thu nhập ổn định từ công việc, cũng như sức khỏe tốt từ việc thực hành môn Pháp Luân Công mỗi ngày.
“Tu luyện Pháp Luân Công không chỉ giải thoát tôi khỏi thống khổ bệnh tật, mà còn cứu vớt linh hồn tôi,” ông Đại viết trong một bài chia sẻ được đăng trên Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. “Giờ tôi đã hiểu làm thế nào để trở thành một người tốt.”
Ông viết rằng bà Quản bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, và một năm sau ông đã bước vào tu luyện cùng bà sau khi thấy vợ mình đã thay đổi và trở thành một người tốt hơn nhiều.
Ông Đại và bà Quản sống cùng người con trai 34 tuổi của họ.
Ông Đại Chí Đông
Ông Đại phải chịu sự sách nhiễu, bắt cóc, giam giữ, di chuyển, tra tấn, và tống tiền dưới quyền cai trị của Trung Cộng, vốn đã tìm mọi cách để bắt ép ông từ bỏ niềm tin của mình, theo Minghui.org.
Vào tháng 12/1999, ông Mã Chí Phong (Ma Zhifeng), quan chức ĐCSTQ giám sát người chủ thuê ông Đại, buộc ông Đại phải trả 3,000 nhân dân tệ (470 USD) — một khoản tiền bằng mấy tháng lương của ông Đại cộng lại chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Ông Mã tuyên bố rằng sau khi cuộc bức hại môn tập này bắt đầu vào tháng Bảy năm đó, nhà cầm quyền đã không cho phép mọi người tập Pháp Luân Công nữa, cũng như không cho phép các học viên thỉnh nguyện. Khoản tiền này sẽ được nhà cầm quyền giữ như một vật bảo đảm để chắc chắn rằng ông sẽ không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện.
Vào tháng 04/2000, cảnh sát địa phương gọi ông Đại đến trình diện tại đồn cảnh sát để phúc đáp một số nghi vấn. Khi ông tới, họ đã giam ông hơn 45 ngày chỉ vì ông không từ bỏ đức tin vào môn Pháp Luân Công của mình.
Vào ngày 18/06/2000, ông Đại đồng ý với bà Quản, người cũng đang phải đối mặt với cuộc bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, rằng một bản thỉnh nguyện sẽ là cách duy nhất để họ lấy lại quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng. Vì vậy, họ đã mua vé tàu và đi đến Bắc Kinh cùng với cậu con trai tuổi thiếu niên của mình.
Vì đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền, nên gia đình này không bao giờ đến được Bắc Kinh. Họ bị cảnh sát đường sắt giam giữ trên tàu và bị đuổi về Đại Khánh. Ông Đại bị giam 75 ngày, bị phạt 4,500 nhân dân tệ (710 USD), và bị cho thôi việc mà không được trả lương. Bà Quản bị giam 45 ngày.
Ngay cả sau khi ông được thả, cảnh sát vẫn không ngừng sách nhiễu ông. Vào tháng 12/2000, họ đã bắt cóc ông. Trước khi cơ quan chức năng có thể đưa ông vào trại tạm giam, ông đã tìm cơ hội chạy thoát và bỏ trốn. Ông Đại đã đến Cáp Nhĩ Tân với hy vọng tránh được lực lượng cảnh sát đang truy lùng ông ở Đại Khánh, nhưng cuối cùng họ cũng tìm được ông. Ông bị phạt 2,300 nhân dân tệ (360 USD) và bị đưa trở lại Đại Khánh để giam giữ thêm.
Ông Đại lại bỏ trốn cho đến khi cảnh sát tìm thấy ông vào ngày 22/04/2002. Lần này, cai ngục tại Trại giam Đại Khánh đã đánh đập ông thậm tệ và ép ông uống nước ép ớt. Để phản đối việc bị tra tấn, ông bắt đầu tuyệt thực. Sau đó, cai ngục đã sử dụng một ống dẫn thức ăn qua đường mũi và làm rách ống thực quản của ông Đại như một hình thức trừng phạt ông. Ông nói với người nhà rằng, nhiều tháng sau khi bị giam giữ, ông thường xuyên bị thổ huyết.
Một ngày cuối tháng 06/2002, gia đình của ông hay tin ông Đại đang được điều trị tại một bệnh viện. Họ nhanh chóng đến thăm ông, nhưng thấy rằng người thân của mình đang trong tình trạng tồi tệ. Họ nói với Minghui.org rằng ông Đại bị còng tay vào ghế, môi và răng bị dính các lớp máu khô lẫn máu tươi, mặt tái xanh, mũi tím tái, mắt nhắm nghiền, và thân thể bất động.
Gia đình không thể đưa ông về nhà vì không có tiền để trả cho cảnh sát. Họ bất lực nhìn cảnh sát đưa ông trở lại trại tạm giam.
Vào tháng 09/2002, ông bị chuyển đến nhà tù Đại Khánh, nơi ông bị tra tấn thậm chí còn tồi tệ hơn trong gần bảy năm. Theo ông Đại, cảnh sát trại giam tiếp tục đánh đập thân thể vốn đã bị hủy hoại nặng nề của ông. Ông đã bị bất tỉnh nhiều lần trong suốt nhiều năm bị tra tấn. Có thời điểm, ông bị đau tai trong nửa năm, gần như không nghe được gì. Chân của ông cũng bị thương nặng đến mức không thể đi lại trong hai tuần.
Nhiều hình thức tra tấn khác cũng được sử dụng một cách dã man lên ông Đại. Quản ngục của ông thường xuyên không cho ông ngủ. Khoảng thời gian dài nhất mà họ bắt ông không được ngủ là ba ngày. Họ cũng bắt ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không cử động gần 20 giờ mỗi ngày trong nhiều ngày. Họ cởi hết quần áo của ông và dội nước lạnh lên người ông vào mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng. Một hình thức tra tấn khác được áp dụng đối với ông Đại là bị quật ngã xuống đất và bị lôi chân đi trong hơn 110 thước Anh (hơn 100 mét). Sau màn tra tấn đó, chiếc áo len của ông Đại bị rách và lưng ông trầy xước một mảng lớn.
Ông cảm thấy đó là một điều may mắn khi ông sống sót ra tù vào ngày 21/04/2009.
Bà Quản Phượng Hà
Bà Quản cũng bị bức hại vì niềm tin của mình vào Pháp Luân Công. Từ tháng 09/1999, chỉ hơn một tháng sau khi bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà Quản được đưa đến một trường học của Trung Cộng ở Gia Cách Đạt Kỳ bằng hỏa xa, nơi bà bị bắt tham gia các buổi tẩy não hàng ngày trong năm tháng liên tiếp.
Sau khi được thả khỏi trường [tẩy não] này, bà Quản không được phép về nhà và buộc phải ở nhà ga xe lửa thêm năm tháng. Cuối cùng khi về đến nhà vào cuối tháng 05/2000, bà thấy chồng mình đã bị giam giữ và cậu con trai 12 tuổi đang sống ở nhà một mình.
Vào thời điểm đó, bà Quản vẫn tin rằng giới lãnh đạo trung ương của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Bắc Kinh sẽ cho bà ấy quyền tự do tín ngưỡng như đã được quy định trong hiến pháp Trung Quốc. Khi bà cố gắng đến Bắc Kinh để kháng cáo, bà đã bị bắt và bị đưa đến Trại lao động Phụ nữ Song Hợp của Tề Tề Cáp Nhĩ trong hai năm.
“Phòng giam tối và ẩm thấp, nước thấm qua tường. Nó đóng băng vào mùa đông và đầy muỗi và bọ vào mùa hè. Mỗi buổi sáng, tôi có thể tìm thấy xác của hơn mười loại bọ nằm dưới cơ thể mình,” bà Quản nói với Minghui.org sau khi bà được thả năm 2002.
Trong trại lao động, bà cũng phải chịu đựng sự tra tấn như bị đánh đập, không được ngủ và ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ không được cử động giống như chồng bà. Nỗi thống khổ tồi tệ nhất mà bà Quản phải chịu đựng là khi bà thực hiện công việc lao động nô lệ; bà đã bị trúng độc khi trại lao động buộc bà và các tù nhân khác đóng gói thuốc trừ sâu.
“Mỗi ngày, tôi cảm thấy không chỉ mặt, tay, cơ thể mình đầy thuốc trừ sâu mà cả khoang mũi và khí quản cũng đầy thuốc trừ sâu. Tôi bị ho và chảy nước mũi,” bà Quản nói.
Trong sáu năm rưỡi, bà Quản phải một mình nuôi nấng người con trai vì ông Đại bị giam trong tù. Với việc cảnh sát liên tục sách nhiễu và can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của bà, nên bà Quản cảm thấy khó tìm được việc làm và gặp rất nhiều áp lực về tinh thần mỗi ngày.
Sau hai năm không thể ăn uống được gì, bà Quản đã qua đời vào ngày 05/03/2021.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: