Tốc độ ‘ngoạn mục’ trong hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến Hoa Kỳ
Hôm thứ Năm (12/08), Đô đốc Hải quân Charles Richard, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, cơ quan giám sát vũ khí nguyên tử quốc gia, đã đưa ra một cảnh báo khẩn cấp về khả năng quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc.
Ông Richard nói, “Chúng ta đang chứng kiến một sự đột phá chiến lược của Trung Quốc. Sự phát triển bùng nổ và hiện đại hóa của các lực lượng nguyên tử và lực lượng thông thường của họ theo tôi chỉ có thể được mô tả là ngoạn mục. Làm việc như thường lệ sẽ không có tác dụng.”
Ông nói thêm, “Nhưng chớ nên nhầm lẫn; đột phá chiến lược của Trung Quốc là lý do để hành động.”
Ông Richard đưa ra lời nhận xét trên trong bài diễn văn tại Hội nghị chuyên đề về Phòng thủ Hỏa tiễn và Không gian ở Alabama hôm 12/08. Ông nhấn mạnh rằng ông không sử dụng thuật ngữ “đột phá chiến lược” một cách tùy tiện.
Vị đô đốc này cảnh báo không nên chỉ đánh giá năng lực của Bắc Kinh bằng cách biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về quy mô của kho dự trữ nguyên tử. Ông nói thêm, cũng không quan trọng lý do tại sao Trung Cộng đang hiện đại hóa các lực lượng của mình.
“Điều quan trọng là họ đang xây dựng khả năng tiến hành bất kỳ chiến lược khai triển nguyên tử khả dụng nào, [là] viên gạch cuối cùng trong bức tường của một nền quân sự có khả năng cưỡng bách,” ông Richard giải thích.
Theo ông Richard, một số năng lực nguyên tử và hỏa tiễn đang ngày càng tăng của Trung Quốc bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa di chuyển trên đường bộ (ICBM) và hỏa tiễn đạn đạo nguyên tử phóng từ tàu ngầm. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo về hỏa tiễn siêu thanh của Trung Quốc và việc hệ thống phòng thủ hiện tại của Hoa Kỳ “có thể không đủ để phát hiện và theo dõi chúng” như thế nào.
Ông nói, “Năm 2019, CHNDTH [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đã phóng thử nhiều hỏa tiễn đạn đạo hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại.”
Ông Richard cho biết, việc tăng cường quân sự của Bắc Kinh cũng bao gồm việc xây dựng hơn 200 hầm chứa ICBM mới, khi nói về những phát hiện của Liên đoàn Khoa học gia Hoa Kỳ và Trung tâm James Martin có trụ sở tại California qua các hình ảnh vệ tinh thương mại trong những tháng gần đây. Các hầm chứa mới này đang được xây dựng tại hai sân bãi riêng biệt ở vùng Tân Cương viễn tây của Trung Quốc và tỉnh Cam Túc lân cận.
“Trung Quốc có một chương trình thử nghiệm vũ khí nguyên tử đang hoạt động,” đô đốc nói thêm, ám chỉ một đường hầm mới đang được xây dựng tại khu thử nghiệm nguyên tử của Trung Quốc được biết đến với tên gọi Lop Nur, nằm ở phía nam Tân Cương.
Công trình xây dựng đường hầm mới đã được NPR đưa tin hôm 30/07, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh do công ty nghiên cứu không gian địa lý AllSource Analysis có trụ sở tại Colorado thực hiện.
“Quý vị kết hợp lại tất cả những điều này và những gì quý vị nhận được là một thứ gì đó không phù hợp với tư thế răn đe tối thiểu,” ông Richard cảnh báo, khi nói đến lập trường của Trung Quốc trong hàng thập kỷ về việc giữ kho dự trữ nguyên tử của nước này ở mức tối thiểu cần thiết để ngăn chặn các mối đe dọa nguyên tử.
Ông Phó Thông (Fu Cong), tổng giám đốc Cục Kiểm soát Vũ khí tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nhắc lại cam kết này của Trung Cộng trong Hội nghị Không phổ biến và Giải trừ Vũ khí nguyên tử thường niên của EU hồi tháng Mười Một năm ngoái (2020).
Ông Richard cho biết thêm, “Các hành động của họ từ lâu đã cho thấy một tư thế hiếu chiến hơn cả chính sách chính thức của họ. Quý vị phải nhìn vào những gì họ làm, không phải những gì họ nói. Sự tăng trưởng ngoạn mục về khả năng nguyên tử chiến lược cho phép Trung Quốc thay đổi tư thế và chiến lược của họ.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đưa ra kết luận tương tự hồi đầu tháng 08/2021, khi ông nói rằng Trung Quốc “đã đi chệch hướng” khỏi chính sách răn đe tối thiểu do kho vũ khí nguyên tử của họ “tăng trưởng nhanh chóng.”
Hôm 07/08, một ngày sau khi Ngoại trưởng Blinken bày tỏ mối lo ngại của mình, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu, kênh truyền thông hiếu chiến do nhà nước Trung Quốc điều hành, đã viết rằng sự răn đe tối thiểu của Bắc Kinh “nay đã khác xưa” vì điều mà ông cho là “mối đe dọa chiến lược” từ phía Hoa Kỳ.
Ông Hồ nói thêm, “Lực lượng nguyên tử của Trung Quốc càng mạnh thì càng bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không làm điều gì đó ngớ ngẩn.”
Theo Đô đốc Richard, giờ đây, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có được đặt ra bởi Nga và Trung Quốc.
Ông giải thích, “Lần đầu tiên trong lịch sử của quốc gia chúng ta, chúng ta phải đối mặt với hai đối thủ có khả năng sở hữu năng lực nguyên tử ngang hàng, là những quốc gia mà phải răn đe theo những cách khác nhau,” ông giải thích và nói thêm rằng hai quốc gia này “mong muốn thay đổi trật tự thế giới.”
Để ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, ông Richard cho biết Hoa Kỳ phải tiếp tục hiện đại hóa lực lượng nguyên tử, củng cố hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của mình và nỗ lực phát triển vũ khí tân tiến như laser năng lượng cao.
Ông nói, “Kiến trúc radar mặt đất hiện thời và dự kiến của chúng ta hạn chế khả năng của chúng ta trong việc đạt được cảnh báo sớm một cách toàn diện.”
“Chúng ta cần cảnh báo của thế kỷ 21 hoặc chúng ta sẽ phải đặt lực lượng của mình vào một tư thế khác để giải quyết việc chúng ta thiếu đi cảnh báo.”
Ông Frank Fang là một ký giả sinh sống tại Đài Loan. Ông phụ trách đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa Đài Loan.
Do Frank Fang thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: