Toàn gia thiệt mạng trong cuộc đàn áp đức tin của Trung Cộng, để lại mình đứa con trai mồ côi
Cả một gia đình ở Trung Quốc đã bị tra tấn đến tử vong trong cuộc đàn áp đức tin vẫn đang tiếp diễn của Trung Cộng, để lại một cậu bé chỉ mới 13 tuổi.
Ngay từ trước khi cậu bé này được sinh ra, cha mẹ của cậu đã bị bắt giữ và bức hại nhiều lần vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện bản thân và hệ tư tưởng truyền thống của Trung Quốc đã bị Trung Cộng bức hại bằng bạo lực kể từ tháng 07/1999.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hơn 13 năm về trước, cô Dương Tuyết (Yang Xue), mới được làm mẹ không lâu, cùng đứa con trai 9 tháng tuổi và người mẹ già bị bức hại của cô đã bị đưa vào một trại giam ở huyện Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh, nơi họ hay tin chồng cô Dương đã bị tra tấn đến mất mạng trong khi bị cảnh sát giam giữ.
Trước khi bị bắt, anh Phạm Đức Chấn (Fan Dezhen) nặng 68kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Anh đã bị giam giữ 55 ngày trước khi qua đời; khi đó anh chỉ mới 33 tuổi.
Khi gia đình anh Phạm nhìn thấy thi hài của anh trong nhà xác, họ đã vô cùng choáng váng. Khuôn mặt anh bị biến dạng, hai mắt trợn tròn, tứ chi bầm tím, vùng hậu môn như muốn rời ra; phần bụng của anh có một vết rạch dài một inch (2.5 cm), và anh chỉ còn là lớp da bọc xương. Gia đình đã hỏi về thân thể bị bầm tím nghiêm trọng của anh, nhưng một cai ngục đã nói, “Người chết ai mà chẳng trông như thế!”
Trong những năm sau đó, cha mẹ của cô Tuyết cũng bị bức hại đến mất đi mạng sống vì lý do tương tự. Tháng 11 năm ngoái (2020), cô Tuyết đã qua đời ở tuổi 41 sau nhiều năm chịu đựng lạm dụng và đau khổ. Cậu con trai ở độ tuổi thiếu niên của họ giờ đây bị mồ côi và phải một mình vất vả mưu sinh trong đất nước cộng sản này.
Bi kịch gia đình do cuộc bức hại của Trung Cộng được nêu trong bản tin này chỉ là một trong vô số trường hợp trẻ nhỏ bị bỏ lại mồ côi sau khi gia đình của các em bị bức hại đến thiệt mạng vì đã từ chối buông bỏ đức tin của mình.
Cha bị bức hại vì đức tin
Cô Dương từng theo học ngành mỹ thuật tại Đại học Yến Sơn ở tỉnh Hà Bắc, và trước đây từng là một nhà thiết kế ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Sau đó cô về quê nhà ở huyện Tuy Trung để làm giáo viên mỹ thuật.
Cô và chồng cô – giống như hàng triệu người Trung Quốc khác – đều tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sau khi cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện ôn hòa này vào tháng 07/1999, chỉ qua một đêm, vô số học viên tuân thủ pháp luật đã bị coi là “kẻ thù của nhà nước,” dẫn đến các vụ bắt giữ hàng loạt trên khắp Trung Quốc.
Quyết định lên tiếng cho đức tin và khẳng định quyền tự do tín ngưỡng căn bản của mình, anh Phạm đã đến Bắc Kinh vào năm 2001 để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện. Tuy nhiên, anh đã bị giam giữ tại Trại lao động Thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, trong thời gian ba năm.
Để ép buộc anh từ bỏ đức tin của mình, cai ngục đã dùng dùi cui điện để giật và đánh đập anh một cách tàn nhẫn. Hành động bức hại này đã làm biến dạng khuôn mặt của anh và khiến thân thể anh bị thương và sưng phù.
Tháng 10/2002, anh Phạm đã tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp này. Cai ngục đã lệnh cho các tù nhân hình sự bức thực anh sau khi còng cổ tay và cùm cổ chân anh vào một khung giường sắt cả ngày. Trong một lần bị tra tấn, một ống truyền thức ăn bị ép đưa vào phổi của anh Phạm đã khiến anh suýt mất mạng.
Khi sức khỏe anh Phạm xấu đi, các quan chức đã thả anh để tránh bị tố cáo về tình trạng của anh. Sau một thời gian, để thoát khỏi sự sách nhiễu liên tục của các quan chức cộng sản, anh Phạm đã bỏ nhà đi và làm những công việc lặt vặt để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, anh vẫn không thể thoát khỏi sự theo dõi và giám sát của cảnh sát.
Năm 2004, khi đến thăm nhà một học viên Pháp Luân Công khác, một cảnh sát chờ sẵn bên trong ngôi nhà đó đã bắt giữ anh. Anh bị bắt lần thứ hai và bị giam tại Trung tâm giam giữ Thành phố Hồ Lô Đảo, và một lần nữa bị đánh đập và bức thực tàn nhẫn. Anh đã không được thả cho đến khi một lần nữa bị bức hại đến bờ vực của cái chết.
Lần thứ ba anh bị bắt là vào ngày 17/09/2005, khi anh đang làm việc trên tầng hai của Trung tâm Mua sắm Đồ gia dụng Thành phố Hồ Lô Đảo. Một vài cảnh sát mặc thường phục đã bắt anh vào lúc 2 giờ chiều. Trong lần giam giữ thứ ba tại Trại lao động Thành phố Hồ Lô Đảo này, anh lại bị tra tấn vô cùng dã man trước khi được thả.
Lần bắt giữ cuối cùng trước khi anh qua đời là vào ngày 25/02/2008. Đội An ninh Nội địa Quận Tuy Trung đã bắt giữ cả anh Phạm và vợ anh cùng 11 học viên Pháp Luân Công khác vào ngày hôm đó.
Sau khi ở trại giam này 55 ngày, vào ngày 20/04, gia đình của anh Phạm hay tin từ người đứng đầu trại giam, ông Vương Học Bình (Wang Xueping), rằng anh “đã đột ngột qua đời vì suy dinh dưỡng.”
Mẹ vợ của anh Phạm, bà Y – người mà chính bà cũng từng đích thân trải qua sự giam giữ và bức hại tại trại lao động khét tiếng Mã Tam Gia vào năm 2001 – đã ngất xỉu khi nghe tin này. Sau khi tỉnh lại, bà đã hỏi ông Vương: “Tôi mới đến đây sáu ngày trước và đưa 200 tệ cho con tôi. Khi tôi hỏi ông tình hình của cậu ấy như thế nào, thì ông nói với tôi rằng cậu ấy ăn hai bữa mỗi ngày và tinh thần rất tốt. Làm sao con tôi có thể đột ngột qua đời chứ?”
Tuy nhiên, một cảnh sát khác đã giận dữ nói với gia đình: “Kể cả nếu chúng tôi có đánh cậu ta đến chết, thì bà có thể làm gì?”
Sau đó, khi ở trong nhà xác, cha của anh Phạm đã yêu cầu quay video các vết thương trên thân thể người con trai quá cố của mình, nhưng các cai ngục đã từ chối và thông báo rằng lễ hỏa táng sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Tại lò hỏa táng, các cán bộ đó đã yêu cầu gia đình ký vào thỏa thuận hỏa táng, trong đó có những chi tiết bịa đặt về cái chết [của anh Phạm].
Gia đình từ chối tuân theo và nói, “Anh ấy đã bị tra tấn đến chết, tại sao chúng tôi phải ký nó? Anh ấy qua đời ở chỗ của các người, các người phải chịu trách nhiệm về điều này!” Trưởng trại tạm giam đã trả lời rằng họ không có bằng chứng.
Bà Y đã kiên quyết thuê một luật sư để điều tra nguyên nhân cái chết của con trai mình. Tuy nhiên, các cai ngục này đã hỏa táng thi thể của anh Phạm ngay ngày hôm đó mà không có sự đồng ý của gia đình anh.
Cả gia đình đều thiệt mạng
Người mẹ vợ già của anh Phạm cũng không nằm ngoài cuộc đàn áp này. Bà Y, mặc dù đã cao tuổi, nhưng vẫn liên tục bị sách nhiễu; sức khỏe của bà ngày một yếu đi sau sự ra đi của anh Phạm vào năm 2008. Năm 2011, bà Y một lần nữa bị bắt vì đức tin của mình. Bà qua đời ở tuổi 59 vào ngày 20/04/2013. Một năm sau, người chồng trong độ tuổi 60 của bà Y cũng qua đời.
Gia đình của cô Dương đã cố gắng giành công lý cho anh Phạm, nhưng các nhà chức trách đã từ chối bằng cách nói rằng “sẽ không ai dám điều tra vụ việc này.” Để ngăn không cho vợ anh Phạm gửi thêm khiếu nại nhằm thẩm tra vụ việc, chính quyền ở Tuy Trung đã kết án cô Dương bốn năm tù. Vì con cô vẫn chưa cai sữa, nên cô được phép ở tù tại gia.
Đối mặt với việc bị sách nhiễu liên tục, cô Dương thường buộc phải đi trốn. Còn cậu con trai nhỏ của cô, [vì phải] lớn lên trong cảnh vắng bóng cha, nên đã coi mọi người đàn ông tốt bụng mua quà cho cậu hoặc đối xử tử tế với cậu như cha của mình.
Vào ngày 02/11/2020, cô Dương đã qua đời ở tuổi 41 sau nhiều năm chịu đựng sang chấn tâm lý.
Đứa con trai ở độ tuổi thiếu niên của cô bị bỏ lại trong cảnh không gia đình.
Bà Daksha Devnani viết những câu chuyện về cuộc sống, truyền thống và về những con người dũng cảm kiên cường, truyền cảm hứng cho niềm hy vọng và sự thiện lương trong nhân loại.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: